Những ngày cận Tết, ở vùng quê nuôi tôm công nghiệp của huyện Ðầm Dơi, bên ly trà, ly rượu hay trong tiệc tùng, câu đầu tiên được bà con hay dùng đến: “Thế nào, vụ vừa qua hầm tôm lót bạt được mấy trăm, mấy tỷ?”. Anh Nguyễn Thanh Tòng, ấp Tân Lợi B, xã Tạ An Khương Nam, giải thích: Thời gian qua, rất nhiều bà con nuôi tôm công nghiệp chuyển sang cách nuôi lót bạt đáy và xi-phông đáy. So với cách nuôi truyền thống thì cách nuôi này tuy chi phí ban đầu có lớn, nhưng chí phi tổng vụ nuôi giảm 50%, nhất là thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản, tỷ lệ tôm đạt cao.
Anh Tòng cho biết, trước đây gia đình anh nuôi 3 ao tôm công nghiệp nhưng luôn trong tình trạng phá huề, nhiều vụ phải thiếu tiền thức ăn của đại lý. Cuối năm 2015, anh mạnh dạn chuyển qua nuôi tôm trải bạt đáy và xi-phông đáy ao. Qua 4 vụ nuôi, năng suất đạt 50 tấn/ha, mỗi vụ thu lãi vài trăm triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh đang nuôi 1 ao 2.400 m2, mật độ 200 con/m2. Tôm nuôi được hơn 4 tháng, trọng lượng khoảng 34 con/kg, dự kiến thu hoạch khoảng 8-9 tấn, trừ chi phí lãi khoảng 800 triệu đồng. Qua 5 vụ nuôi, anh Tòng thu lãi hơn 2 tỷ đồng.
Bí thư Huyện uỷ Ðầm Dơi Võ Thanh Tòng (thứ 2 từ phải sang) tham quan mô hình nuôi tôm lót bạt tại xã Tạ An Khương Nam. |
Chia sẻ quy trình nuôi, anh Tòng cho biết: "Trước tiên chọn giống đảm bảo chất lượng, ao nuôi phải được phủ lưới bên trên và che chắn xung quanh để đảm bảo nhiệt độ ổn định, giảm sự tác động tiêu cực từ ô nhiễm môi trường. Mặt khác, trải bạt đáy và xi-phông đáy cho sản phẩm sạch, hiệu quả kinh tế cao".
Anh Mai Thành Nguyện, ấp Xóm Dừa, xã Quách Văn Phẩm, lau nhanh những giọt mồ hôi, hồ hởi dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi sò huyết mật độ cao, có rào khung lưới nuôi xen canh với tôm, cá, cua trong vuông nuôi tôm quảng canh cải tiến của gia đình.
Xã Quách Văn Phẩm là một trong những xã có phong trào nuôi sò huyết xen canh lớn nhất huyện Ðầm Dơi với 8.800 hộ nuôi, hơn 400 ha. Qua thực tiễn sản xuất, anh Nguyện nghiệm ra rằng, nếu nuôi thả lan hay nuôi liên tục nhiều năm đất sẽ kém màu mỡ, sò chậm lớn, thường xảy ra dịch bệnh. Từ suy nghĩ đó, năm 2014 anh mạnh dạn thử nghiệm nuôi sò huyết xen canh có rào khung lưới mang lại hiệu quả cao. Cách làm của anh là rào 2 lớp lưới. Lớp thứ nhất bằng lưới mành, cao hơn mặt đất khoảng 2 tấc, ngăn không cho sò huyết bò đi; lớp thứ hai bằng lưới thưa, cách lớp lưới thứ nhất khoảng 0,5 tấc, cao hơn mặt nước cố định trong vuông khoảng 2 tấc. Lớp lưới này có tác dụng ngăn không cho cua vào ăn sò huyết.
Năm 2016, anh tiếp tục thả 2 hầm sò, mỗi hầm có diện tích từ 400-500 m2, hơn 100 kg sò huyết giống. Hiện sò được hơn 3 tháng, khoảng 300 con/kg. Ước tính nuôi khoảng 9 tháng, sò đạt trọng lượng 70-80 con/kg, anh sẽ tiến hành thu hoạch, ước được khoảng 1 tấn, trừ chi phí còn lãi hơn 70 triệu đồng.
“Do bao ví từng khu nên mỗi năm người nuôi thay đổi qua địa điểm mới, sự màu mỡ của đất giúp sò lớn nhanh, hạn chế dịch bệnh, ô nhiễm môi trường”, anh Nguyện cho biết. Từ thành công trên, hiện mô hình của anh Nguyện được nhân rộng cho hơn 20 hộ dân, 20 hầm ở ấp Tân Ðiền B, xã Tân Duyệt.
2 mô hình trên bước đầu cho hiệu quả cao, trong quá trình nuôi ít xảy ra dịch bệnh. Ðối với mô hình nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao, toàn huyện có 66 hộ nuôi với diện tích 56 ha, năng suất đạt từ 40-50 tấn/ha. Ðối với mô hình nuôi sò huyết xen canh thương phẩm, toàn huyện có 3.500 ha, năng suất đạt 2 tấn/ha. Riêng mô hình nuôi sò huyết xen canh rào khung lưới có 4 ha, năng suất đạt 20 tấn/ha.
Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi Nguyễn Chí Thuần cho hay, huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi, nghiên cứu sâu để có hướng triển khai nhân rộng. Nhất là mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ao có quy mô vừa và nhỏ và mô hình nuôi sò huyết xen canh, có rào khung lưới cho những hộ ít đất sản xuất, phù hợp với khả năng kinh tế của đa số người dân./.
Bài và ảnh: Trần Chiến