(CMO) Ðến với Hội thi Bánh dân gian Nam Bộ - Cà Mau năm 2021, bánh tét Trà Cuôn Cô Ba Giang đã mang đến hương vị độc đáo, xứng danh đặc sản Trà Vinh.
Mỗi người đến gian hàng bánh tét đều được thưởng thức bánh và được xem nghệ nhân Tư Mum trình diễn nghệ thuật gói bánh tét truyền thống một cách điêu luyện.
Theo tìm hiểu, bánh tét Trà Cuôn thường theo những chuyến xe đò đi khắp các tỉnh. Chính nhờ công thức gia truyền của các gia đình mà bánh được bảo quản lâu. Ðiểm nhấn của bánh tét Trà Cuôn là vỏ bánh có 3 màu, nhân gồm đậu xanh, thịt mỡ, lòng đỏ trứng muối, tất cả hoà quyện vào nhau, tạo nên món bánh tét ngũ sắc rất đẹp mắt.
Hơn 10 năm qua, nghệ nhân Tư Mum (Nguyễn Thị Mum), tỉnh Vĩnh Long, gắn bó với nghề làm bánh tét Trà Cuôn. |
Nghệ nhân Nguyễn Thị Mum (Tư Mum) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng đôi tay luôn thoăn thoát, khéo léo, tạo ra những đòn bánh có màu sắc tinh tế, bắt mắt. Nghệ nhân Tư Mum cho biết: “Tôi theo nghề bánh này mười mấy năm rồi, gắn bó với nghề chủ yếu vì đam mê và cũng muốn gìn giữ cái nghề của ông bà, tổ tiên. Ðến với cuộc thi này, tôi cũng muốn thử sức mình với các đơn vị bạn, đồng thời mang hương vị quê mình cho bà con cùng thưởng thức. Làm bánh đòi hỏi phải công phu và tỉ mỉ. Công đoạn mà tôi tâm huyết nhất là làm nhân, vì phải chọn lựa nguyên liệu kỹ càng, chất lượng và hợp vệ sinh mới được”.
Anh Kim Ngọc Vạn Phát (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), được xem là truyền nhân của bánh tét Trà Cuôn Cô Ba Giang. |
Anh Kim Ngọc Vạn Phát, truyền nhân bánh tét Cô Ba Giang, cho biết: “Ðến với ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ, tôi muốn giới thiệu đến bạn bè ở Cà Mau và các du khách đặc sản của Trà Vinh và giao lưu học hỏi với các tiền bối”.
Còn anh Kim Ngọc Vĩnh Phát (em của anh Kim Ngọc Vạn Phát), chia sẻ: “Gia đình có truyền thống làm bánh tét hơn 25 năm, lúc đầu người ăn chưa quen với hương vị của bánh, làm từ từ rút kinh nghiệm, điều chỉnh lại gia vị cho phù hợp với đại đa số người. Người Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ… thích ăn ngọt béo; còn người miền ngoài thì phải làm vị vừa ăn. Ðặc trưng của bánh tét Trà Cuôn là vị mặn của trứng muối, vị béo của mỡ, cùng với nếp dẻo, tất cả kết hợp lại, ai ăn rồi cũng phải nhớ”.
Công đoạn nấu bánh tét Trà Cuôn cực nhất là canh lửa, bánh phải canh đều lửa, để lửa lớn sẽ nhão bánh. Vì thế, lò bánh tét Cô Ba Giang sử dụng củi nhãn, vì cháy đều, lâu, không bị áp lửa. Nghệ nhân Tư Mum cho biết, công đoạn gói cũng không kém phần quan trọng, vì phải cột chặt bánh, nếu không trong lúc luộc, bánh sẽ bung ra, nước thấm vào, bánh sẽ không để được lâu. Thông thường bánh tét Trà Cuôn để được khoảng 6 ngày ở nhiệt độ bình thường.
Bánh tét Trà Cuôn thơm ngon, hấp dẫn từ sự kết hợp hài hoà các loại nguyên liệu, hương liệu và bàn tay người thợ. Ảnh: HUỲNH LÂM |
Ðến với ngày hội, gian bánh tét Cô Ba Giang đã mang đến hương vị mới, một chút cải tiến nhưng vẫn được vị truyền thống. Nghệ nhân Tư Mum phấn khởi: “Mấy bữa nay mỗi ngày bán khoảng 200 đòn bánh (mỗi đòn có giá 90.000 đồng), đến đầu giờ chiều là hết rồi, phải đặt lò bánh mang xuống. Thấy bà con tới ủng hộ, mừng dữ lắm, người dân ở Cà Mau dễ thương, hiếu khách”.
Mỗi tháng khoảng 2 lần, gian hàng bánh tét Trà Cuôn đi trưng bày và tham gia các cuộc khi ở khắp các tỉnh miền Tây. Ðặc biệt là các sự kiện du lịch ở TP Hồ Chí Minh; từ đây quảng bá được thương hiệu bánh tét Trà Cuôn Cô Ba Giang.
Bánh tét Trà Cuôn được nhiều thực khách ở Cà Mau lựa chọn để thưởng thức và làm quà biếu. |
Chị Trương Thị Ðào, thực khách ở huyện Ðầm Dơi, ghé qua gian hàng bánh tét Cô Ba Giang mua 2 đòn để thưởng thức và làm quà biếu. “Bánh tét này công nhận ngon thiệt, vị rất vừa ăn, nhìn là muốn ăn liền. Khi ăn, vị mặn, béo… tan trong miệng, mọi người nên ăn thử một lần”, chị Ðào tấm tắc./.
Nhật Minh