(CMO) Thời gian qua, đại dịch Covid-19 tác động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân tại Cà Mau, đặc biệt là thị trường tiêu thụ các loại đặc sản du lịch tại địa phương.
Dọc theo tuyến Quốc lộ 1, đoạn về huyện Cái Nước - Năm Căn, nhiều quầy hàng bày bán nhộn nhịp các loại đặc sản của địa phương như bồn bồn tươi, dưa bồn bồn, tôm khô, cá khô… mang lại thu nhập khá cho người dân nơi đây.
Tuyến đường Hồ Chí Minh mở rộng, kết nối đến Mũi Cà Mau là điều kiện để các loại nông sản, thực phẩm của Cà Mau có điều kiện vươn xa hơn, đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khi do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, lượng khách du lịch tham quan sụt giảm, do đó cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các đặc sản du lịch tại địa phương.
![]() |
Các đặc sản du lịch gặp khó vì tình hình dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. |
Anh Nguyễn Hoàng Vũ, chủ cơ sở Minh Duy, ấp Ðông Hưng, xã Tân Hưng Ðông, cho biết: “Gần 10 năm kinh doanh các mặt hàng đặc sản địa phương, gia đình chúng tôi có thu nhập ổn định. Bồn bồn dưa là sản phẩm chủ lực và kèm theo là các mặt hàng khác. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, gia đình tôi còn xuất bán ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh. Trên 20 mặt hàng đặc sản các loại, mỗi tháng xuất bán gần 2 tấn. Vậy mà từ năm trước, khi xuất hiện dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ các loại nông sản này giảm, gây khó khăn cho nhiều hộ kinh doanh”.
Theo anh Vũ, do tình hình dịch bệnh, lượng khách du lịch tại địa phương giảm mạnh, kéo theo đó đặc sản địa phương cũng khó xuất bán. Các mối hàng ngoài tỉnh lo ngại vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên cũng nhập hàng với số lượng cầm chừng. Thưa khách du lịch, thị trường khó tiêu thụ, do vậy nhiều mặt hàng giá cả giảm mạnh nhưng số lượng vẫn không tăng cao.
Nhiều đặc sản địa phương: bồn bồn Cái Nước, bánh phồng tôm Năm Căn, cá khô bổi U Minh… là niềm tự hào của bà con nông dân, góp phần tạo nguồn sinh kế ổn định trong suốt thời gian qua, nhưng do tình hình chung mà giá cả, thị trường các loại đặc sản này gặp khó khăn.
Vợ chồng chị Nguyễn Hồng Lụa ở ấp Ðông Hưng, xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, trước đây sinh sống ổn định từ việc trồng bồn bồn trên diện tích 2 ha và kinh doanh mặt hàng dưa bồn bồn. Trước khi dịch bệnh xảy ra, mỗi ngày gia đình chị bán trên 100 kg bồn bồn tươi và phải thuê thêm nhân công phụ giúp, thu nhập sau khi trừ chi phí cũng trên 200 triệu đồng/năm.
“Dọc theo tuyến quốc lộ này, nhiều hộ sống khoẻ với cây bồn bồn và nhiều đặc sản du lịch khác. Công việc tại địa phương, thị trường tiêu thụ dễ nên nhà nào cũng bày bán, kinh doanh đặc sản. Vậy mà khi dịch bệnh xảy ra, buôn bán gì cũng gặp khó. Tình hình chung nên nhà tôi bấm bụng bán cầm chừng, thu nhập xoay xở chi phí hàng ngày. Mong sao tình hình dịch bệnh qua đi để hoạt động sản xuất trở lại bình thường, nông dân ổn định cuộc sống”, chị Lụa tâm tình.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng Ðông Trần Thanh Liêm chia sẻ: “Theo ghi nhận, tình hình chung của bà con kinh doanh mặt hàng đặc sản du lịch, trong đó có bồn bồn đang gặp khó vì dịch bệnh. Những đặc sản tại đây chủ yếu bán cho khách vãng lai, người dân địa phương, thị trường tiêu thụ giảm, kéo theo thu nhập cũng giảm, ảnh hưởng đến đời sống bà con làm nghề”./.
My My