Cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, nhất là sự bùng nổ của công nghệ thông tin toàn cầu đã cho ra đời những công cụ vô cùng tiện ích, trong đó có Internet và công nghệ liên lạc không dây. Tuy nhiên, cùng với tiện ích tuyệt vời, Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới, đều đang phải đối mặt với những mối đe doạ an ninh do công cụ này gây ra.
- Thủ tướng yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng
- Nâng cao kiến thức về an toàn thông tin
- Nhận diện tin giả và chủ động phòng, chống
- Ðảng viên lan toả thông tin tích cực
Biểu hiện rõ nhất là sự đa dạng và tốc độ của thông tin được chia sẻ trên mạng quá nhanh, quá tầm kiểm soát, khiến người dùng gặp khó khăn trong chọn lọc và tiếp nhận các thông tin chính xác.
Bên cạnh đó, người dùng còn đối diện với tình trạng tin lừa đảo, tin giả bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác... Thực trạng này diễn ra ngày càng nhiều và thường xuyên, làm cho người tiếp nhận mất phương hướng.
Việc nhận thức của người sử dụng còn hạn chế và chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề an toàn thông tin mạng (ATTTM); tình trạng một số cơ quan, doanh nghiệp khi thiết lập website chưa quan tâm đúng mức đến việc đầu tư công nghệ đảm bảo ATTTM (do khả năng tài chính hạn chế), nên luôn phải đối mặt với nguy cơ bị xâm nhập, tấn công.
Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh, đặt tại Sở TT&TT.
Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại Ðiện tử Việt Nam, tính đến đầu năm 2024, có 78,44 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam, chiếm 79,1%; có 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73,3% dân số. Tổng cộng có 168,5 triệu kết nối di động tại Việt Nam, tương đương 169,8% dân số. “Số liệu này cho thấy, công nghệ thông tin đã và đang tác động ngày càng toàn diện đến đời sống con người. Nói cách khác, con người ngày càng lệ thuộc vào công nghệ thông tin số”, ông Nguyễn Văn Ðen, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đánh giá.
Thực tế, tình trạng phát tán vi rút, tấn công bằng mã độc trên máy tính, các thiết bị thông tin thông minh đã xảy ra và diễn tiến ngày càng nhiều. Tính từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đã phát hiện 6.453 máy vi tính bị lây nhiễm mã độc và xử lý hơn 5.849.584 mã độc. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời hơn 12.733.574 cuộc tấn công mạng như: tấn công truy cập trái phép, chiếm quyền điều khiển; tấn công từ chối dịch vụ; tấn công nghe trộm, gián điệp, lấy cắp thông tin, dữ liệu và các hình thức tấn công mạng khác từ các hệ thống được triển khai tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh. “Phức tạp nhất là tình trạng lừa đảo, đăng tải, chia sẻ thông tin xâm phạm quyền của tổ chức, cá nhân; vi phạm quy định của Nhà nước, thuần phong mỹ tục Việt Nam... đang diễn ra ngày càng khó lường, số vụ việc vi phạm xảy ra trên không gian mạng ngày càng nhiều, với tần suất ngày càng cao, buộc Sở TT&TT phải thường trực phối hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh và Bộ TT&TT xử lý; nếu không thì nguy cơ trở thành hiểm hoạ về truyền thông ảnh hưởng đối với sự ổn định và phát triển bình thường của đời sống xã hội ở địa phương”, ông Nguyễn Văn Ðen chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Ðen cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của công tác ATTTM, đã qua, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, trong đó chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về an ninh phi truyền thống và các tác động tiêu cực của các mối đe doạ từ mất ATTTM.
Cụ thể, tham mưu Ban Chỉ đạo ban hành Kế hoạch chuyển đổi số hằng năm; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3087/QÐ-UBND, ngày 29/12/2022, về việc kiện toàn Ðội ứng cứu sự cố ATTTM (gồm 16 thành viên); mua sắm tập trung và cài đặt phần mềm diệt vi rút và phòng chống mã độc có bản quyền Kaspersky cho 3.663 máy tính làm việc của cán bộ, công chức, viên chức tại tất cả các cơ quan, đơn vị; xây dựng hồ sơ xác định cấp độ, thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt Hồ sơ cấp độ cho các hệ thống thông tin quan trọng trên địa bàn tỉnh cho 55/69 hệ thống thông tin từ cấp độ 1 đến cấp độ 3, chiếm 80% (6 hệ thống cấp độ 3; 38 hệ thống cấp độ 2; 11 hệ thống cấp độ 1). Ðầu tư thiết bị phần cứng chuyên dụng như: tường lửa, thiết bị phòng chống tấn công từ chối dịch vụ, thiết bị lọc mail... nhằm bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) cho hệ thống Trung tâm dữ liệu, đáp ứng yêu cầu để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Triển khai mô hình bảo vệ 4 lớp tại Trung tâm dữ liệu gồm DC và DR của tỉnh; triển khai Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 27001:2022 (phiên bản điện tử) cho Quy trình quản lý và vận hành Trung tâm dữ liệu bao gồm DC và DR...
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở thường xuyên đăng, phát hàng trăm tin, bài tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức phòng ngừa nguy cơ mất ATTT, lộ lọt thông tin, cảnh báo thông tin xấu độc, quấy rối, lừa đảo trực tuyến. Thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức về ATTT, an ninh mạng cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị; cử gần 6 ngàn lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia khoá bồi dưỡng liên quan đến ATTT trên nền tảng học trực tuyến MOOCs do Bộ TT&TT tổ chức; tập huấn cho 883 tổ công nghệ số cộng đồng với 4.653 thành viên kiến thức về chuyển đổi số và kỹ năng an toàn số để tuyên truyền trực tiếp trong Nhân dân. Cử 21 lượt cán bộ phụ trách ATTTM tham dự các khoá đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng bảo đảm ATTTM; tham gia đầy đủ 3 cuộc diễn tập thực chiến do Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT, các tỉnh trong cụm mạng lưới ứng cứu sự cố ATTTM tổ chức, nhằm tăng cường khả năng ứng phó với các sự cố gây mất ATTT xảy ra trong thực tế.
Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để phát triển và sử dụng công nghệ thông tin toàn cầu theo xu thế của thế giới mà tránh hoặc hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực. Theo ông Nguyễn Văn Ðen, cần xác định công tác bảo đảm ATTT, phòng, chống vi phạm và tội phạm công nghệ cao là một bộ phận trọng yếu của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt. Vì vậy, cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về ATTT. Cùng với đó, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATTT, quy chuẩn về ATTT. Kiện toàn tổ chức bộ máy thực thi quản lý Nhà nước về an ninh, an toàn mạng thông tin, hệ thống các đơn vị chuyên trách về ATTT, công nghệ thông tin. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh hiệu quả với mọi âm mưu, hoạt động phạm tội trên không gian mạng. Tăng cường các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Ông Nguyễn Văn Ðen khẳng định, cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng nguồn nhân lực ATTT cả về số lượng lẫn chất lượng; hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong bảo đảm ATTT, đồng thời chủ động, tích cực tham gia hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh mạng, ATTT. Mỗi cá nhân, tổ chức, trước hết cần tự đề cao cảnh giác, chủ động tham khảo, tìm hiểu và triển khai các biện pháp bảo đảm ATTT, lựa chọn, sàng lọc, kiểm tra thông tin cho mình...
Trần Nguyên