Tin giả đang được phát tán trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông một cách nhanh chóng. Thực tế, những thông tin sai lệch thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật được cung cấp bởi các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống. Ðể giúp độc giả có cái nhìn sâu hơn về cách phòng, chống tin giả, cũng như những chế tài của pháp luật, phóng viên Báo Cà Mau có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Văn Ðen, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.
- Cảnh giác lừa đảo cài đặt VneID để chiếm đoạt tài sản
- Nhận diện và đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng
- “Em an toàn hơn cùng Google”
Ông Nguyễn Văn Ðen nói về cách phòng chống tin giả cũng như những chế tài của pháp luật.
- Thưa ông, hiện tại chúng ta đối mặt với những loại tin giả nào đang tràn lan trên mạng xã hội (MXH)?
Ông Nguyễn Văn Ðen: Bên cạnh những lợi ích mang lại, thì sự phổ biến của MXH đã tạo ra môi trường thuận lợi cho tin giả phát triển. Thực tế, trong những năm qua, không chỉ tại Việt Nam, mà hầu hết các quốc gia trên thế giới, tin giả đang hoành hành.
Tin giả (fake news) được hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được khuếch tán trên Internet và các phương tiện truyền thông. Một điều tệ hại là những thông tin sai lệch có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật trên các dịch vụ truyền thông xã hội. Ðây là thực trạng đáng báo động, khiến các nhà chức trách, cơ quan thực thi pháp luật gặp nhiều khó khăn.
Tin giả được xác định có nhiều dạng thức. Loại thứ nhất là những thông tin hoàn toàn không chính xác, được cố tình đăng tải, lan truyền vì động cơ, mục đích xấu của tổ chức, cá nhân nào đó. Loại thứ hai là những thông tin có thể có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác, do người cung cấp không kiểm chứng trước khi đăng tải, chia sẻ, hoặc phóng đại, thêu dệt để "nâng tầm, tính ly kỳ" câu chuyện. Một loại khác thường tồn tại trên MXH là tin giả dưới dạng tin đồn, mạo danh lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, mạo danh người nổi tiếng... Thông qua sự lan truyền, chia sẻ các bài viết, thông tin ngày càng bị biến dạng, bóp méo dẫn đến sự sai lệch cho người đọc khi tiếp nhận. Bên cạnh đó, đối tượng xấu vì động cơ vụ lợi kinh tế, đã tạo dựng tin giả, tin sai sự thật, tán phát trên không gian mạng, nhất là MXH để thu hút người dùng tương tác nhằm thu về lợi ích từ việc bán hàng, ủng hộ, tài trợ bằng tiền, lợi ích vật chất... gây hoang mang dư luận.
Thậm chí, một số đối tượng tìm mọi cách để nổi tiếng trên MXH, kể cả việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, sản xuất các nội dung phản cảm, thiếu tính giáo dục, giả mạo thông tin, kích động bạo lực, bôi nhọ, nói xấu chính quyền...
Giới trẻ là đối tượng dễ bị tin giả tấn công. (Ảnh minh hoạ)
- Ðối với loại tin giả nào mà người bình luận hay chia sẻ sẽ bị xử phạt và mức độ xử phạt ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Ðen: Trên MXH ngày càng xuất hiện nhiều thông tin thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, những thông tin này không phải lúc nào cũng chính xác, trong đó có nhiều thông tin bịa đặt, không đúng sự thật do một số đối tượng đăng lên nhằm "câu like", "câu view" với động cơ không tốt. Việc thao tác chia sẻ một thông tin trên MXH chỉ mất vài giây, nhưng phát tán tin giả, tin chưa kiểm chứng lại có thể gây hậu quả khôn lường và người tung tin giả có thể bị xử lý hành chính, thậm chí là hình sự.
Ngày 3/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020/NÐ-CP về "Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin và giao dịch điện tử". Ðây chính là cơ sở pháp lý cho việc phòng, chống thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, đồng thời là yếu tố môi trường quan trọng góp phần xây dựng văn hoá mạng.
Trong thực tế, loại tin giả mà người tham gia MXH hay bình luận, chia sẻ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thường là “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”. Theo đó, tại điểm a, Ðiều 101, Nghị định 15 quy định: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng MXH để “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”. Ngoài ra, nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.
- Xin ông cho khuyến cáo với người dùng MXH hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Ðen: Hiện nay, mặc dù hành lang pháp lý đã được hoàn thiện hơn, nhưng một vấn đề quan trọng trong phòng chống tin giả là phải giáo dục nâng cao nhận thức sống trong không gian mạng. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Cổng Thông tin tiếp nhận phản ánh, công bố tin giả, tại địa chỉ: http://tingia.gov.vn và đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108. Ðây được coi là công cụ hữu hiệu giúp nhận diện các thông tin giả, thông tin sai sự thật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin xấu độc, xây dựng môi trường mạng trong sạch. Cổng thông tin tiếp nhận trực tuyến các phản ánh về tin giả của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đồng thời công bố tin giả bằng hình thức dán nhãn tin giả, tin sai sự thật.
Mọi người khi tham gia MXH cần có kỹ năng cơ bản nhất để lọc thông tin, giúp chính bản thân mình không bị tin giả đánh lừa. Một số kỹ năng cơ bản cần lưu ý khi tham gia MXH: Thứ nhất, cần xem xét kỹ tiêu đề, tìm kiếm các thông tin đặc thù như tên sự kiện, tên nhân vật... trên mạng để đối chiếu với các trang báo uy tín, qua đó phân biệt rõ tin thật hay giả. Thông thường tin giả sẽ có tiêu đề hấp dẫn, giật gân, chủ đề đang được cộng đồng quan tâm để tăng tỷ lệ tương tác, like hoặc có thể có mục đích xấu. Thứ hai, đối với hình ảnh lan truyền trên MXH, trước khi chia sẻ, cần tìm kiếm ảnh liên quan trong tin để xác định bức ảnh sử dụng trong tin bài có đúng thời điểm xảy ra sự kiện không, các tin giả thường lấy ảnh cũ, có tính gây sốc để tăng khả năng tương tác và chia sẻ lan truyền thông tin.
Một kỹ năng khác cần biết là kiểm tra ngày, tháng: người đưa tin bài có thể lấy tin cũ share lại, cùng ngày, tháng nhưng khác năm, gây hiểu lầm. Do đó cần nhìn kỹ ngày, tháng, năm của thông tin. Ðối với bài viết có kèm theo đường link từ một trang nào đó, cần kiểm tra mức độ tin cậy của đường dẫn, liên kết bằng cách xem tên miền đầy đủ để xác định mức độ tin cậy. Các đường link có đuôi .vn được Nhà nước quản lý sẽ tin cậy hơn tên miền .it, .tk, .info, .su không được kiểm soát.
Quan trọng hơn, người dùng MXH cần tạo sức đề kháng, nâng cao cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, mang tính kích động, gây hoang mang dư luận; đồng thời phải có biện pháp tự bảo vệ mình trước những thông tin xấu độc; tuyệt đối không chia sẻ, bình luận, like các bài viết đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng.
- Xin cảm ơn ông!
Lam Khánh - Lê Diện thực hiện