ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 8-5-25 02:50:18
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðàn bà đi biển

Báo Cà Mau (CMO) “Bà Phượng hả? Ở trên tàu thu mua thuỷ sản neo đậu tại bến vựa cá Phượng, ấp Ô Rô, xã Tân Ân chớ đâu. Từ ngã ba Kiến Vàng chạy thẳng xuống Tân Ân, ra gần cửa biển Rạch Gốc, thấy bến neo đậu tàu thu mua vựa cá Phượng là tới”, người chạy đò bao tên Tư ra dấu hiệu bằng tay chỉ đường.

Nhộn nhịp cảnh thu mua thủy sản trên vùng đảo Hòn Chuối.

Cơ duyên với biển

Theo sự thôi thúc của những dòng nhật ký mà tôi ghi chép trong buổi trao đổi với Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Ân Hứa Minh Quang, tôi tìm về đây. Chị Quang giới thiệu: “Năm 1997, sau cơn bão số 5 - Linda, chị Phượng thu mua cá vuông về bán tại chợ Rạch Gốc. Năm 2013, chị mở vựa thu mua thuỷ sản nhỏ, chủ yếu mua cá trong bờ. Vài năm sau chị Phượng mở thêm 2 vựa lớn tại xã Tân Ân, rồi đóng tàu thu mua hải sản xa bờ từ đó đến nay. Chị Phượng là người đàn bà đầu tiên xứ này vươn ra biển lớn”.

Tại ngã ba sông Rạch Gốc, địa phận Kiến Vàng, nơi xây dựng Tượng đài Bến Vàm Lũng - Ðường Hồ Chí Minh trên biển, nơi tập kết vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Sông Rạch Gốc rộng lớn, nước chảy xiết, anh Tư chạy đò dọc nói: "Nước lớn, sóng êm". Nhưng khi cơn gió thổi qua, sóng vỗ mạnh vào đò dựng đứng, làm tôi phát sợ. Sóng trong lòng sông là sóng lưỡi búa. Nó nhồi.

Một lúc sau, ngay trước mặt là một con tàu thu mua hải sản chừng 30 tấn, còn mới màu sơn, tàu chị Phượng không thua các con tàu của ngư dân đóng theo Nghị định số 67/2014. Trên boong tàu, một người phụ nữ dáng hơi thấp, tóc ngắn qua vai đã chớm bạc, bước ra từ trong buồng lái. Chị Phượng ngạc nhiên kêu lên: "Ông nhà báo cũng gan dạ, lì đòn lắm mới chịu được những cơn sóng lưỡi búa mà lên được tới tàu hen?”.

Tôi lên tàu trong lúc chị Phượng gọi bạn tàu nhổ neo. Tàu đi được vài hải lý, trong ánh nắng của những ngày tháng Tư như thiêu, như đốt, đứng trước mũi tàu, tôi phóng tầm mắt nhìn ra biển Ðông: Phía trước là cụm đảo Hòn Khoai và trong cụm đảo có hòn Ðá Lẻ - điểm A2 đường cơ sở định vị lãnh hải Việt Nam. Chị Phượng cho tàu rẽ sóng về hướng ấy, nơi trùng khơi của đại dương mà chị thường xuyên vượt biển vài chục, có khi vài trăm hải lý để thu mua hải sản.

Niềm vui của chị Phượng sau những chuyến thu mua được nhiều cá còn tươi ngon.

Trước khi vươn ra biển, chị Phượng được đơn vị Kiểm ngư Cà Mau, Biên phòng Rạch Gốc hướng dẫn thủ tục và cách giao dịch thu mua thuỷ sản trên vùng biển thuộc lãnh hải của Việt Nam. Thấy nghề này phù hợp, chị Phượng đăng ký thu mua thuỷ sản, giao dịch ngay trên biển.

Chẳng biết căn cứ vào đâu mà chị Phượng tin rằng mình đủ sức đương đầu với công việc khó khăn này? Người đàn bà bộc trực, suy nghĩ rất đơn giản: “Tháng 3 bà già đi biển!”. Chị Phượng đâu lường trước được những ngày biển động, thời tiết khắc nghiệt, sóng to, gió lớn. Nhưng đã đương đầu, người đàn bà thép này sẽ vượt qua, trước là để thử thách bản thân, sau là chinh phục biển khơi đem về những chuyến biển đầy tôm, cá, làm giàu từ biển.

Nhớ lại những năm đầu kinh doanh ngành nghề này, chị Phượng dành dụm tiền mua lại một con tàu cũ để làm phương tiện ra vào thu mua hải sản gần bờ. Làm ăn thuận lợi, chị đóng thêm một chiếc tàu 30 tấn, đủ sức vươn ra ngư trường xa hơn để thu mua nguồn cá lớn hơn. Chị Phượng thuê 7 người, đều là đàn ông trong xóm, bạn tàu là người xông pha cùng chị dọc ngang trên biển. Nay thì vùng biển Côn Ðảo, mai thì vùng Bãi Cạn, Nam Du, Phú Quốc… Ngoài việc cầm lái và bốc xếp hải sản, các bạn tàu cũng là người hỗ trợ chị Phượng trước những rủi ro để chị vững tâm ra khơi bám biển.

“Mới ra ngư trường biển, khổ lắm, khắc nghiệt lắm!” - chị Phượng vừa lái tàu vừa kể - “Một số dân đánh bắt thuỷ sản xa bờ đôi khi không tuân thủ pháp luật quy định về việc khai khác theo ngư trường biển của ta, mà "móc ngoặt" với tàu nước ngoài, vượt qua làn ranh lãnh hải để khai thác, bán cá cho họ. Chuyến đầu ra biển thu mua, tình hình phức tạp, mua chẳng được hàng, sau khi được các anh tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Ðồn Biên phòng hướng dẫn và hỗ trợ, tôi dần vững tin hơn”.

Chị Nguyễn Thị Phượng lái tàu vươn ra biển lớn để thu mua thuỷ sản. Ảnh: HUỲNH LÂM

Một tấm lòng với biển    

Thời gian ngược xuôi trên biển, chị Phượng quen dần công việc. Một số bạn tàu chị thuê cũng lần lượt theo tàu đánh bắt dài ngày trên biển, thay vì đi thu mua cùng chị. Lương cho một ngày thu mua 500.000 đồng (chuyến từ 2-3 ngày), lương tháng thì thấp hơn dân đi đánh cá. Chị Phượng kể: “Người ta nói thu nhập thấp, nên nghỉ. Còn mình, đã quyết tâm làm nghề biển cả thì phải theo cho đến cùng, bất chấp phận đàn bà”.

Vậy là, từ năm 2019 đến nay, có chuyến chị Phượng cùng với tài công là họ hàng, thay nhau lái tàu ra biển. Phận đàn bà với chiếc tàu 30 tấn. Ðến con nước, chủ ghe đang ở ngoài khơi hàng chục hải lý đánh điện về, chị Phượng lập tức chuẩn bị dầu, nước đá đầy khoang ra khơi thu mua. Những đêm lênh đênh trên biển, chị Phượng cũng hơi lo: “Nhiều lúc cũng nguy hiểm, ghe tàu ban đêm phải đương đầu với sóng to, gió lớn. Phận đàn bà, mình phải đấu tranh về tâm lý với chính mình, để tạo nên một con người mạnh mẽ, không sợ sóng dữ, bão dông. Mặt khác, khi ra tới tận ngư trường thu mua gặp toàn là đàn ông đi biển, bạn tàu đủ thành phần. Mình là phụ nữ, đối diện với họ, đôi khi cũng đề phòng”. Chị Phượng vừa cười, vừa kể: “Hồi mới đi chuyến biển đầu tiên một mình, tôi chuẩn bị kỹ lắm, có khi thủ chai xịt hơi cay phòng thân, may là chưa lần nào gặp bọn xấu”.

Nghề thu mua hải sản xa bờ của chị Phượng giờ làm ăn hiệu quả. Khởi nghiệp từ một vựa thu mua có diện tích hơn chục mét vuông, giờ mở thêm một vựa có quy mô lớn hàng trăm mét vuông, nằm gần cửa biển Tân Ân, rất thuận tiện. Vựa này chị Phượng giao cho con gái lớn quán xuyến. Cuộc đời chị Phượng kể ra cũng lắm truân chuyên, chồng mất để lại cho chị 2 đứa con gái còn nhỏ. Chị bước thêm bước nữa nhưng lại dở dang. Hai người chia tay, để lại cho chị 1 đứa con trai, hiện đang đi học. Hai con gái chị Phượng đều tốt nghiệp đại học, thương mẹ, 2 con nối nghiệp của chị từ biển. “Có con theo nghiệp của mình và khát vọng làm giàu từ biển, mê nghề chẳng thua gì mình, tôi thấy vui hơn, vững tâm hơn để cùng nhau vươn ra biển lớn”. Trạm thu mua của chị Phượng được các chiến sĩ Ðồn Biên phòng Rạch Gốc, chị em Hội LHPN địa phương thường xuyên ghé qua thăm hỏi, động viên, kịp thời khen thưởng, đó là động lực để chị quyết tâm bám trụ với nghề.

Bình minh ló dạng ửng hồng trên biển Ðông, tàu về cập bến với hàng chục tấn cá thu mua, chị Phượng tiễn tôi ra về với lời dặn: "Nếu không sợ say sóng, không sợ hiểm nguy, chừng nào nhớ biển, xuống đây nhớ gọi điện trước, để chuẩn bị ra khơi…".

Tôi sẽ trở lại cửa biển Tân Ân, nơi tập kết vũ khí bằng đường Hồ Chí Minh trên biển, gặp lại cụm đảo Hòn Khoai, hòn Ðá Lẻ, Bãi Cạn, gặp lại cảnh khai thác biển bằng đáy hàng khơi… Con đường vươn ra biển lớn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại thật đẹp, con đường mà nhiều ngư dân và chị Phượng đang từng ngày mang về nguồn lợi thủy sản dồi dào cho quê hương, đất nước./.

 

Ký của Huỳnh Lâm

 

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.