Anh Nguyễn Văn Ý vỗ tay, đàn le le kéo vào bên trong ao thành hàng thẳng tắp. Từ trong nhà, ông Năm Nghĩa nói giỡn theo: “Mấy đứa cẩn thận, coi chừng le le phát hiện người lạ, nó bay à nghen”. Cả đàn le le im re, đi vào chuồng trong sự thán phục của khách.
Anh Nguyễn Văn Ý vỗ tay, đàn le le kéo vào bên trong ao thành hàng thẳng tắp. Từ trong nhà, ông Năm Nghĩa nói giỡn theo: “Mấy đứa cẩn thận, coi chừng le le phát hiện người lạ, nó bay à nghen”. Cả đàn le le im re, đi vào chuồng trong sự thán phục của khách.
Không để người lạ thắc mắc, ông Trần Văn Tuấn, Phó Bí thư Thường trực xã Biển Bạch, cho biết, vài năm trở lại đây, trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Góp phần lớn trong việc vực dậy cuộc sống Nhân dân vùng khó. Ngoài nuôi le le, bà con còn đẩy mạnh nuôi rắn, ba ba, cá sấu… và trồng rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua thời gian khó
Nhắc đến một thời khó khăn bên vùng đất phèn vàng cháy ở Biển Bạch, ông Trần Bình Ðặng (Ba Ðặng) hóm hỉnh: "Hồi trước, khi nhắc đến địa danh Ngã Bát - Ngã Năm Miễu Ông Hoàng, thuộc ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch, ai cũng rợn gai ốc vì nghèo khó. Biển Bạch là xã nghèo nhất huyện Thới Bình, ấp Thanh Tùng là ấp nghèo nhất xã Biển Bạch. Ai tới Ngã Bát - Ngã Năm Miễu Ông Hoàng là đã đi tới nơi nghèo khó nhất ở Thới Bình".
Ông Nguyễn Hùng Anh (bìa trái) chí thú với mô hình nuôi rắn ri tượng cho thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng mỗi năm. Ảnh: P.P |
Còn nhớ những năm 1990, khi còn chuyên canh mía, trúc và làm rẫy (trồng rau màu), cuộc sống một bộ phận người dân vùng Ngã Bát này khổ không đâu sánh bằng. Rồi cái vòng luẩn quẩn trồng - chặt như thử thách sức bền của người nông dân.
"Bắt đầu những năm 2000, nước mặn về đã xoá thế độc canh cây mía. Khi chuyển dịch sang nuôi tôm kết hợp các mô hình khác, cùng với đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, lưới điện đã từng bước vực dậy tiềm năng của vùng đất phèn chát ngày nào”, ông Ba Ðặng tâm tình.
Câu chuyện so sánh cách thức canh tác, tổ chức sản xuất và đời sống, thu nhập giữa hai địa phương giáp ranh luôn diễn ra gay cấn ở vùng này. Chỉ tay về phía bên kia kinh Xáng Cùn (thuộc xã Ðông Hưng B, huyện An Minh, Kiên Giang), anh Lê Thành Văn, Trưởng ấp Thanh Tùng, nói: "Bên kia ruộng đất bao la, nhà cửa khang trang nhiều năm nay rồi. Còn bên đây (phía Thanh Tùng, xã Biển Bạch) mới đang bắt đầu thay đổi".
Phần do điều kiện canh tác, phần vì thiếu vốn cải tạo đất, chỉ một đoạn vài mươi hộ ở Thanh Tùng khấm khá, còn lại đa phần lâm vào cảnh khó. Xong, từ sự khập khiễng, chênh lệch giữa hai vùng, hai địa phương, lãnh đạo xã đã có phương án mới. Ðó là khơi dậy tiềm năng của vùng đất phèn.
Ông Tuấn nhớ lại thời điểm mới chia tách xã (năm 2009): "Khi xã mới tái lập, toàn xã chỉ có tuyến lộ từ Ngã Năm Miễu Ông Hoàng qua Ngã Bát rồi dọc bờ Ðông sông Trẹm về Tân Bằng. Mà khi đó, bên xã bạn (Ðông Hưng B) chưa có đường nông thôn để đi. Con đường vài cây số ở Ngã Bát trở thành tuyến đường nghĩa tình của người dân vùng giáp ranh".
Bây giờ, phía xã bạn đã xây dựng lộ bê-tông 2,5 m, giao lưu thông thoáng thì đến lúc mình đi nhờ lại vì tuyến lộ Ngã Bát bên Biển Bạch đã xuống cấp sau hơn 10 năm sử dụng.
Nghe ông Năm Nghĩa, Ba Ðặng, những người từng bám trụ vùng đất này hơn 50 năm kể lại, vùng này xưa có thời gian dài chịu cảnh “một kiểng hai quê”. Nghĩa là có lúc xác nhận thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang, có lúc được trao trả về huyện Thới Bình. “Riết rồi cuộc sống có lúc xáo trộn”, ông Ba Ðặng nhớ lại.
Từ khu vực Ngã Năm Miễu Ông Hoàng đến Kinh 15 có hơn 30 hộ dân. Năm 2012, nơi đây được ưu tiên đầu tư tuyến lộ rộng 2 m, dài 3 km, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong giao thương, sinh hoạt. Ðến cuối năm 2014 đầu 2015, tuyến dân cư được đầu tư thêm hạ tầng lưới điện. Cộng với chí thú làm ăn và tư vấn kỹ thuật của khuyến nông, khuyến ngư, đến nay tuyến dân cư này đã có cuộc sống ổn định bằng mô hình luân canh tôm - lúa và nuôi tôm càng xanh. Thu nhập tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo khó từng bước giảm.
Khơi tiềm năng đất
Hơn 5 năm qua, mỗi vụ mùa tháng Chạp là người dân xã Biển Bạch lại bắt tay vào thu hoạch lúa và tôm càng xanh. Thương hiệu tôm càng xanh đã hình thành và là nơi để nhân rộng cách làm ăn mỗi khi nhắc đến. Ông Trần Văn Tuấn cho hay: “Chỉ tính riêng năm 2015, toàn xã đã mở rộng 1.100 ha nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa. Và diện tích này không ngừng tăng, đầu vụ mùa 2016 đã ghi nhận gần 2.000 ha bà con đã thả giống”.
Sau 10 năm chuyển dịch thành công, Biển Bạch đã thay đổi hẳn. Từ xã nghèo, thu nhập bình quân đầu người chưa tròn 5 triệu đồng/năm (năm 2009) thì nay đã đạt 22 triệu đồng/người/năm. Không chịu cảnh nghèo khó và trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân Biển Bạch nói chung, khu vực ấp Thanh Tùng nói riêng, đã tìm tòi, học hỏi và cho ra nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao: nuôi le le, ba ba, cá sấu, trồng màu, nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa…
Trong đó phải kể đến mô hình làm ăn hiệu quả của ông Nguyễn Hùng Anh. Xuất phát từ đam mê nuôi rắn ri tượng, ông Hùng Anh đã miệt mài nhiều năm, gây nuôi đàn rắn giống hơn 100 con. Mỗi vụ chỉ bán rắn con thu huê lợi vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Ông Hùng Anh chia sẻ: "Ban đầu thấy nguồn giống và thức ăn cho rắn nhiều mà không ai nuôi, trong khi những vùng khác khan hiếm giống và thức ăn mà làm ăn hiệu quả, từ đó tôi quyết định thử nghiệm. Không ngờ nuôi dễ và hiệu quả".
Nhờ làm ăn khấm khá, Nhân dân vùng khó khăn ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình đã xây dựng nhà cửa khang trang hơn. Ảnh: P.P |
Bây giờ với đàn rắn trên 100 con, ông Hùng Anh vẫn không thể đáp ứng nhu cầu đặt hàng của người nuôi. “Vụ này có lúc người ta đặt hàng vài ngàn con nhưng không đủ cung ứng. Chỉ tính trung bình mỗi con rắn con bán ra giá 90.000 đồng, mỗi năm rắn đẻ 1 vụ, gia đình tôi thu lợi trên 50 triệu đồng. Trong khi công chăm sóc và chi phí thức ăn không nhiều. Vả lại, nuôi rắn đẻ để lâu năm trọng lượng rắn lớn, khi đó bán rắn thương phẩm càng có giá”, ông Hùng Anh cho biết thêm.
Hiện rắn ri tượng trong bể nuôi nhà ông Hùng Anh có con cỡ trên 2,5 kg. Với giá hiện nay trên 400.000 đồng/kg thì mỗi con rắn bán ra tầm trên 1 triệu đồng.
Bên kia bờ sông Trẹm, thuộc Ấp 18 của xã, đã và đang hình thành tổ hợp tác chăn nuôi le le của ông Nguyễn Văn Nghĩa (Năm Nghĩa).
Hơn 50 tuổi, đã mấy mươi năm thân gà trống nuôi 8 miệng ăn, ông Năm Nghĩa từng là hộ nghèo nhất xã nghèo Biển Bạch. Nhờ bản tính cần cù, chịu làm ăn, qua nhiều năm tích góp giờ ông Năm Nghĩa đã mua được 3 ha đất vuông tôm.
Năm 2014, người con trai thứ của ông - anh Nguyễn Văn Ý, sau nhiều năm học hỏi kinh nghiệm đã thử nuôi le le. Hơn 2 năm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, 3 cha con ông Năm Nghĩa đã nhân đàn le le từ vài con nay lên gần cả trăm con. Thương lái tận Long An, TP Hồ Chí Minh liên hệ ngã giá mỗi con 1 triệu đồng nhưng ông Năm vẫn chưa chịu xuất chuồng.
“Nuôi le le cũng tốn công như nuôi vịt. Biết được đặc tính của nó thì rất dễ nuôi. Cộng thêm giá thành cao sẽ có lãi nhiều. Hiện tôi đang cùng vài bà con ở xóm mở rộng mô hình nuôi. Như thế mới đảm bảo nguồn cung ứng theo nhu cầu của khách hàng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, giờ cha con tôi đã không còn nghèo khó nữa”, ông Năm Nghĩa nói như khoe.
Phá thế độc canh, chuyên canh mía kém hiệu quả đã giúp xã nghèo biển bạch chuyển mình. Ông Tuấn cho biết thêm, trước diện tích trồng mía của xã vài trăm héc-ta, giờ còn chưa đầy 5 héc-ta. Xu hướng này, trong năm nay mía sẽ bị xoá xổ trên vùng đất canh tác của xã. Những tuyến đường nông thôn nối liền ấp, liền xã đang như những mao mạch thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong đi lại, mua bán và học hỏi kinh nghiệm./.
Theo thống kê của xã, sau 10 năm chia tách đến nay Biển Bạch đã có hơn 50% hộ dân xây dựng nhà cơ bản, xã đã xoá nhà tạm bợ. “Các tuyến giao thông đường bộ huyết mạch không những liên xã, liên huyện mà giờ đây còn thúc đẩy liên thông đến các địa phương vùng giáp ranh địa phận tỉnh Kiên Giang, tạo thế bứt phá trong thời gian tới”, ông Tuấn khẳng định. |
Phóng sự của Phong Phú