Trong năm 2024, mục tiêu được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đặt ra là thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.
- Đảm bảo đầu ra các lớp đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số
- Ðào tạo nghề gắn với thực tiễn
- Đào tạo nghề phù hợp đối tượng
Những tháng đầu năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đã phối hợp tổ chức 16 cuộc tư vấn, giới thiệu việc làm với gần 8.700 lao động được tư vấn chính sách việc làm tại khắp các địa phương. Bên cạnh đó, 13 phiên giao dịch việc làm cũng được mở và thu hút hơn 600 lao động và gần 50 doanh nghiệp tham gia. Chưa dừng lại đó, 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên tư vấn, giới thiệu việc làm cũng được mở và khuyến khích người lao động tham dự.
Bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, vấn đề giải quyết việc làm được đẩy mạnh. Tuy nhiên, chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt thấp so với kế hoạch đã đề ra. Trung tâm Dịch vụ việc làm tích cực phối hợp với phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện tuyên truyền, vận động, rà soát nhu cầu tìm kiếm việc làm của lao động để kịp thời hỗ trợ. Ðiều quan trọng là trước khi tổ chức các phiên giao dịch việc làm, chúng tôi đều phối hợp các địa phương khảo sát nhu cầu việc làm trong nước cũng như đi làm việc ở nước ngoài của người lao động tỉnh nhà. Tiếp đó, chúng tôi sẽ có thư mời các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động phù hợp với nguyện vọng của người lao động. Qua đó, chúng tôi sẽ là cầu nối để hỗ trợ giải quyết việc làm một cách hiệu quả. Ðối với nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, chúng tôi đẩy mạnh công tác tư vấn chuyên sâu, hỗ trợ cho từng đối tượng ngay tại địa phương, giải đáp thắc mắc tại chỗ”.
Các bạn trẻ tìm hiểu thông tin rất kỹ và được tư vấn cũng như đăng ký xin việc ngay tại chỗ.
Nhờ phương án này, huyện Ðầm Dơi đã vận động được 20 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Sắp tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, TP Cà Mau nhân rộng cách làm này trong giải quyết việc làm cho người lao động.
Tính đến ngày 31/7/2024, toàn tỉnh Cà Mau đã giải quyết việc làm cho 34.870 lao động, đạt 86,5% kế hoạch đề ra và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, có 11.764 lao động trong tỉnh, 22.789 lao động ngoài tỉnh và 317 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh giải quyết việc làm, công tác đào tạo nghề cũng được quan tâm. Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo năm 2024 là 28 ngàn người. Tính đến ngày 31/7, các trường trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo nghề và bồi dưỡng cho hơn 15.100 người, đạt trên 54% kế hoạch.
Ông Trương Thanh Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, cho biết: “Ngay khi nắm được kế hoạch và chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trường đã chủ động tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề theo chỉ tiêu được UBND tỉnh giao. Chúng tôi liên tục đổi mới chương trình đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, công ty. Ðồng thời, phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố trong đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Kết quả đào tạo nghề đối với các lớp trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện đã đạt khoảng 70% chỉ tiêu. Còn đối với nhóm thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đang gặp khó khăn vì số lượng tại vài địa phương đăng ký không đủ so với quy định mở lớp. Những tháng cuối năm, nhà trường sẽ có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn”.
Đào tạo nghề phải gắn với yêu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp, công ty.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả trong năm 2024. Trong đó, việc thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ người lao động được đẩy mạnh. Thông qua đó, người lao động tại địa phương sẽ thấy được lợi ích thiết thực trước mắt cũng như lâu dài khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Với số vốn cùng kinh nghiệm, kỹ năng, tay nghề tích luỹ được trong thời gian làm việc ở nước ngoài, người lao động có thể khởi nghiệp hoặc tham gia hoạt động kinh tế ở địa phương sau khi về nước.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Những tháng cuối năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện tốt việc phân luồng đào tạo nghề, định hướng việc làm cho học sinh trung học phổ thông. Ða dạng hoá các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách về tuyển dụng lao động trong, ngoài tỉnh và lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến xã, phường, thị trấn. Thường xuyên cập nhật tình hình lao động Việt Nam cũng như tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài để người lao động nắm thông tin, trang bị các điều kiện cần thiết khi đi làm việc ở nước ngoài, nhất là kiến thức pháp luật, tay nghề và ngoại ngữ...
Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả được triển khai, hy vọng ngành lao động - thương binh và xã hội sẽ thực hiện vượt chỉ tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm năm 2024”./.
Lam Khánh