ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 16-5-24 18:20:51
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Dạt dào sức trẻ

Báo Cà Mau Cô gái nhỏ nhắn Ðặng Yến Như, ngụ Ấp 13, xã Khánh An, huyện U Minh khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Mà đâu phải chỉ chúng tôi, người thân trong gia đình, bà con chòm xóm cũng tấm tắc khen ngợi sự giỏi giang, làm ăn “mát tay” của bạn trẻ sinh năm 1994 này. Sau 2 năm bỏ phố về quê, Yến Như đã gầy dựng được cơ ngơi kinh tế mà nhiều người ao ước ngay tại quê nhà.

Từ vùng Thanh Tùng (huyện Ðầm Dơi), gia đình Yến Như chọn về vùng ven rừng tràm, tiếp giáp với Vườn Quốc gia U Minh Hạ để gầy dựng cuộc sống mới vì mê rừng, mê màu xanh mát của vùng ngọt hoá. Nhưng đó là lựa chọn của người lớn, còn Yến Như đã có con đường riêng khi đậu thủ khoa ngành Ngữ văn Trường Ðại học Cần Thơ. Tốt nghiệp bằng giỏi, sự năng động của tuổi trẻ gắn Yến Như với nghề hướng dẫn viên du lịch tại Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 6 năm.

Yến Như kể: “Khi dịch Covid-19 bùng lên, có dịp lắng lòng mình lại để suy nghĩ, thấy cuộc sống còn biết bao điều trân quý khác như sức khoẻ, gia đình, quê hương. Ðâu thể rong ruổi mãi, hơn nữa, tôi đã thấy cơ hội khởi nghiệp ngay tại quê nhà. Vậy là bỏ hết để về quê làm nông dân, thử đương đầu với những điều mới mẻ”.

Gia đình lúc nào cũng ủng hộ, nhưng như nỗi băn khoăn của ông Ðặng Ngọc Hồng, ba Yến Như, thì: “Làm nông dân đâu có dễ. Yến Như thì sức vóc có bằng ai đâu...?!”. Với 3 ha đất, gia đình giao cho cô gái nhỏ nhắn toàn quyền quyết định. Thời gian đầu về quê, Yến Như lao vào nghiền ngẫm, học hỏi mô hình sản xuất từ Internet, từ bà con xung quanh, sách báo, tivi, những chuyến đi tham quan miệt mài và nhận ra rằng: “Ðất đai xứ mình ngó đâu cũng có huê lợi, chỉ cần quyết tâm, làm ăn tính toán bài bản hẳn hoi thì chắc chắn sẽ có hy vọng”.

Rất nhanh chóng, Yến Như thành nông dân chánh hiệu, ngày ngày trầm mình trên đồng đất từ sáng sớm cho tới tối mịt để nâng niu, chăm sóc lứa bông súng, đàn ốc bươu đen. Nhưng chịu khó thôi chưa đủ, cô gái trẻ tâm sự rằng: “Nếu chỉ làm cho có thì hiệu quả kinh tế không nhiều, không bền. Bông súng cũng phải tính toán làm bờ bao, canh mực nước; con ốc bươu đen phải làm bậc thang chân sình để phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển theo lứa, theo điều kiện thời tiết”. Bờ bao phủ màu xanh của dừa, của chuối, trong vườn là lứa nha đam mướt rượt, dưới mặt nước là đủ các loại cá đồng vang tiếng vùng U Minh Hạ.

Vừa cười, cô gái trẻ vừa khoe: “Mọi người nói tôi “mát tay”, mần đâu được đó. Tôi thấy mình may mắn vì có sự ủng hộ của gia đình, và một điều nữa, bây giờ làm gì cũng phải học, phải thâu lượm thêm kiến thức mới, phải có khoa học - kỹ thuật mới thành công”.

Lựa chọn bỏ phố về quê, Ðặng Yến Như đã gầy dựng được cơ ngơi khởi nghiệp đáng mơ ước với thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/tháng.

Yến Như kể về công việc thường nhật khiến người nghe nể phục: “Thường bông súng 2 ngày thu hoạch 1 lứa trên trăm ký, ốc bươu đen thì bắt bán quanh năm. Tôi còn làm thêm nha đam đóng gói thành phẩm, bỏ mối các loại đặc sản cá đồng vùng U Minh Hạ, làm thêm bánh mứt, thêm nguồn thu từ chuối, dừa... Nói chung là đủ thứ hết, giờ tính ra cả chục đầu công việc”.

Bà Nguyễn Hải Vân, má Yến Như, tâm sự: “Nết làm của Yến Như ai thấy cũng phải... ngán. Tính toán kỹ lưỡng rồi bắt tay làm cái rụp liền, thành công cái này thì nó tính chuyện mới để làm, chớ không chịu ở yên, làm không biết mệt. Một tay em nó quán xuyến hết công chuyện, gia đình chỉ hụ hợ thôi”.

Với nguồn thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/tháng, Yến Như còn nhiều dự tính mới: “Mình cứ làm thôi, khởi nghiệp ở quê bây giờ đâu còn là chuyện mới mẻ gì với người trẻ nữa. Nhiều bạn bằng trang lứa với tôi cũng đã làm giàu, có cuộc sống thoải mái mà không phải bôn ba, lặn lội khắp nơi nữa”.

Hai năm trở về quê, Yến Như được tín nhiệm làm Bí thư Chi đoàn Ấp 13, với khát khao cống hiến của tuổi trẻ. Yến Như luôn đồng hành với các bạn đoàn viên, thanh niên trong ấp để gầy dựng phong trào lập thân, khởi nghiệp của người trẻ tại địa phương. Hăng hái, xốc vác, thân thiện, nơi đâu có Yến Như là nơi đó tràn đầy sinh khí vui tươi, năng động.

Ðặng Yến Như luôn đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên địa phương khởi nghiệp, đóng góp sức trẻ cho địa phương.

Ông Quách Văn Hợp, Phó bí thư Thường trực Ðảng uỷ xã Khánh An, chia sẻ: “Phải có những người trẻ làm hạt nhân như Yến Như thì phong trào của đoàn viên, thanh niên mới có sức bật mới. Nhìn vào thành quả Yến Như đạt được, các bạn trẻ sẽ có thêm động lực, niềm tin gắn bó, trở về quê nhà để làm giàu cho mình, cho gia đình và góp sức vào đà phát triển của địa phương”.

Với Yến Như, những trải nghiệm, thử thách và thành công từ quá trình khởi nghiệp của bản thân đã hun đúc thêm sự kiên định: “Quê mình thấy vậy mà chỗ nào cũng sẵn nguồn tài nguyên có thể khai thác, phát triển. Những mô hình đã làm thật ra không khó, không có gì cao siêu hết. Lâu dài hơn nữa, tôi tính toán xây dựng thương hiệu nông sản “Cô Ba Như”, có uy tín, thị trường rồi thì mới mở mang thêm công việc làm ăn được”.

Nụ cười luôn rạng rỡ, nguồn năng lượng tích cực của bạn trẻ Yến Như đã thổi bừng lên sức sống, màu đẹp giàu của xứ U Minh trong gió Tết. Chuyện làm giàu chính đáng của người trẻ ngay tại quê hương Cà Mau không chỉ còn là khát vọng, ao ước, mà hiện diện thật sinh động giữa đời thường./.

 

Phạm Quốc Rin

 

Thay đổi tư duy tăng hiệu quả hoạt động Ðoàn

Với bề dày nhiều năm công tác, cùng nhiều hoạt động nổi bật, các thủ lĩnh Ðoàn, Hội trong tỉnh mạnh dạn góp ý và đưa ra ý tưởng mới, nhằm thay đổi tư duy, thực tiễn hoá hoạt động, mang đến lợi ích thiết thực cho đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) và cộng đồng.

Vun đắp yêu thương từ mê làm vườn

Nhiều người trẻ lựa chọn chăm sóc cây xanh, làm vườn, gieo trồng như một cách chữa lành tâm hồn trước nhịp sống hối hả. Hơn hết, với họ, khi cả gia đình cùng nhau chăm sóc một khu vườn là khoảng thời gian tận hưởng những điều thú vị và họ thực sự hạnh phúc.

Trao cơ hội khởi nghiệp

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tranh thủ các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hội viên phụ nữ được tiếp cận vay vốn ưu đãi, từ đó mạnh dạn khởi nghiệp, vươn lên phát triển kinh tế.

Khởi nghiệp từ đam mê làm bánh ngọt

Vì hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, chị Nguyễn Thị Bích Liễu (ấp Kinh 5B, xã Tân Phú, huyện Thới Bình) từ bỏ công việc giáo viên. Về nhà, chị khởi nghiệp với việc làm và kinh doanh các loại bánh ngọt. Niềm đam mê và tâm huyết với nghề đã mang lại cho chị thành công nhất định.

Dạt dào sức trẻ

Cô gái nhỏ nhắn Ðặng Yến Như, ngụ Ấp 13, xã Khánh An, huyện U Minh khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Mà đâu phải chỉ chúng tôi, người thân trong gia đình, bà con chòm xóm cũng tấm tắc khen ngợi sự giỏi giang, làm ăn “mát tay” của bạn trẻ sinh năm 1994 này. Sau 2 năm bỏ phố về quê, Yến Như đã gầy dựng được cơ ngơi kinh tế mà nhiều người ao ước ngay tại quê nhà.

Dấu ấn từ sức trẻ

Thời gian qua, Xã đoàn Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi, triển khai thực hiện các mô hình thiết thực trên địa bàn. Ðoàn viên thanh niên tích cực vận động để người dân hiểu và chung tay tham gia, để các công trình phát huy hiệu quả và duy trì lâu dài.

“Sức sống xanh - Vì Cà Mau xanh” - Công trình tiêu biểu toàn quốc năm 2023

Vừa qua, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Ðoàn lần thứ Năm, khoá XII, đã thảo luận, cho ý kiến và bỏ phiếu lựa chọn 12 công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Theo đó, “Sức sống xanh - Vì Cà Mau xanh”, do Tỉnh đoàn Cà Mau đề xuất, vinh dự được xét chọn là công trình tiêu biểu.

Hành trình vì cộng đồng

Năng động, tự tin, quyết đoán, nhiều bạn trẻ đã nuôi dưỡng, hiện thực hoá khát vọng thành những việc làm thiết thực, ý nghĩa cho bản thân, cộng đồng và xã hội.

Về quê làm giàu

“Khởi nghiệp giờ đây không còn là phong trào nữa mà đi vào thực chất. Thực tế đã chứng minh và kiểm nghiệm qua sự phát triển bền vững của các thành viên trong cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp tại quê nhà.

Ða sắc màu không gian cà phê

Quán phố Âm Nhạc là điểm đến cho những ai yêu âm nhạc và chơi đàn guitar. Chủ quán là anh Lê Nhật Du Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Âm nhạc, thuộc Trung tâm Văn hoá tỉnh Cà Mau. Từ ý tưởng có một không gian riêng cho các thành viên trong CLB hoạt động, anh Du Phương mở quán để tạo điều kiện cho các bạn trẻ được giao lưu, học hỏi lẫn nhau và có thể hướng dẫn, giúp đỡ các bạn đi theo con đường chuyên nghiệp.