“Khởi nghiệp giờ đây không còn là phong trào nữa mà đi vào thực chất. Thực tế đã chứng minh và kiểm nghiệm qua sự phát triển bền vững của các thành viên trong cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp tại quê nhà. Ðây là những nhân tố tích cực giúp Cà Mau trở thành điểm sáng về phong trào khởi nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, ông Triệu Thanh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, tâm đắc.
Lâm Quốc Nhựt - "Mê" nông nghiệp... mặn
Hơn 2 năm trước, thanh niên 9X Lâm Quốc Nhựt (ấp Tân Thành, xã Phú Tân, huyện Phú Tân) nhận “cú đúp” giải thưởng về ý tưởng khởi nghiệp. Dự án của Nhựt là “Trồng và phát triển cây chịu mặn, chịu hạn có giá trị kinh tế cao, thích ứng biến đổi khí hậu”. Các giải thưởng của anh Nhựt gồm: Giải Nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2021, do Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức; giải Nhì cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2021. Dự án này vinh dự giành giải Nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Anh Lâm Quốc Nhựt, chàng thanh niên 9X mê nông nghiệp mặn.
Công ty HALOFAI, công ty khởi nghiệp về lĩnh vực nông nghiệp mặn thích ứng biến đổi khí hậu, do Nhựt làm giám đốc, có trụ sở tại tỉnh Cà Mau, được thành lập tháng 10/2021. Ðây là nơi chuyên cung cấp các giải pháp canh tác thực vật chịu mặn, có thể sử dụng nước mặn và chất thải nuôi trồng thuỷ sản để tưới; đồng thời, nghiên cứu tạo ra những sản phẩm chế biến từ những loài thực vật chịu mặn, với slogan “HALOFAI - Hương vị từ đất mặn” và mong muốn phủ xanh đất nhiễm mặn, cùng nông dân tạo ra sản phẩm đặc trưng, đóng góp cho cộng đồng.
Sau thời gian bôn ba xứ người, thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân là nơi Nhựt chọn để xây dựng nhà xưởng và cây ô rô, giống cây trồng để khởi nghiệp với những sản phẩm mang tầm chiến lược. Bên cạnh đó, trái sơ ri của quê hương Phú Tân cũng được anh chọn đưa vào "menu" các mặt hàng chủ lực của mình. Hiện nay, anh Nhựt sở hữu các sản phẩm nước sơ ri, sâm ô rô đông trùng hạ thảo, mật ong ô rô, cao ô rô, viên uống Adoli và những sản phẩm tiềm năng là trà hoà tan ô rô đông trùng hạ thảo, trà hoà tan Adoli.
Anh Nhựt chia sẻ: "Ðể chủ động nguồn nguyên liệu, tôi đã trồng gần 6 ha ô rô, liên kết với người anh trồng 10 ha ở xã Nguyễn Việt Khái, liên doanh với người thân trồng thêm 15 ha... Tất cả nguyên liệu đã sẵn sàng cho những đơn hàng trong thời gian tới".
Bùi Việt Tân - Yêu đắm vị ngọt mật ong rừng tràm
Từng là chiến sĩ Công an Nhân dân, gắn bó với ngành gần 20 năm, anh Bùi Việt Tân (ở Ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) quyết định rời ngành, về quê khởi nghiệp với tình yêu nồng nàn với con ong vùng U Minh Hạ. Anh có động lực để đưa ra quyết định này là vì vợ cũng yêu con ong vùng đất này đến kỳ lạ. Thế là vợ chồng anh Tân quyết định trở về quê lập nghiệp bằng chính nghề gác kèo ong đời cha truyền lại, cùng nhiều cái mới theo hướng bền vững, từ mô hình du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng.
Anh Bùi Việt Tân yêu mùi mật ngọt của rừng tràm U Minh Hạ.
Vợ chồng anh Tân đã cố gắng gìn giữ nghề gác kèo ong lấy mật, từng bước đưa sản phẩm mật ong tham gia OCOP và được công nhận đạt chuẩn 3 sao, góp phần nâng cao giá trị mật ong rừng tràm U Minh Hạ. Anh Tân hồi tưởng lại, thời điểm năm 2012, khi người dân ở xã Khánh Thuận ồ ạt chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng tràm sang trồng keo lai thì gia đình anh vẫn quyết định chọn cây tràm bản địa và đăng ký thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch sinh thái U Minh Hạ Huỳnh Quốc Sơn. Việc làm này với mong muốn góp phần tạo nên giá trị cho mật ong U Minh Hạ và hình thành thương hiệu cho sản phẩm OCOP bền vững.
Ðể thu được sản phẩm mật ong chất lượng, gia đình anh Tân chú trọng từng công đoạn trong quy trình sản xuất, từ khâu gác kèo đến thu hoạch mật, chất lượng mật là quan trọng nhất. Anh Tân còn tham gia các hội thảo khoa học để học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu, nắm bắt và nghiên cứu hướng phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong U Minh Hạ. Ðến nay, sản phẩm mật ong của anh Tân được tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Lê Hữu Nhiệm - Nâng tầm giá trị sản vật thuần sinh thái
Ðầu năm 2019, vợ chồng anh Lê Hữu Nhiệm và chị Mai Thuỳ Trang quyết định từ bỏ công việc ở TP Hồ Chí Minh, về quê (ấp Lung Ðước, xã Tam Giang, huyện Năm Căn) thành lập hợp tác xã (HTX) chuyên cung cấp thực phẩm sạch từ cua và tôm sinh thái. Kể từ đó, mô hình khởi nghiệp của vợ chồng hình thành và phát triển đến bây giờ. Hiện tại, HTX Tài Thịnh Phát Farm của anh Nhiệm đã sở hữu 6 sản phẩm OCOP (4 sản phẩm OCOP 4 sao, gồm thịt cua sinh thái, chả tôm sinh thái, chà bông tôm, tôm khô sinh thái và 2 sản phẩm OCOP 3 sao, gồm tôm sú sinh thái cấp đông, cua sống sinh thái).
Anh Lê Hữu Nhiệm phát triển các sản phẩm OCOP với tiêu chí thuần thiên nhiên, sinh thái.
Anh Nhiệm tâm đắc: "Từ năm 2020, khi được công nhận sản phẩm OCOP thì sản lượng tăng lên gấp 3 lần so với trước. Ðặc biệt trong năm nay, hệ thống nhà xưởng được quan tâm đầu tư, đáp ứng các đơn hàng lớn trong và ngoài nước; đời sống người lao động theo đó cũng nâng cao".
Trong năm 2024 này, vợ chồng anh Nhiệm quyết tâm đưa 2 sản phẩm của mình vào danh mục sản phẩm OCOP. Ðó là tôm non sinh thái và riêu tôm sinh thái, góp phần làm phong phú danh sách sản phẩm OCOP của mình.
Làn sóng khởi nghiệp đã, đang và sẽ làm thay đổi cuộc đời của các bạn trẻ có đam mê khởi nghiệp, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm và đã thành công. Ðây là hành trình với biết bao gian khó, bằng nỗ lực của bản thân, họ đã làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương./.
Phú Hữu