(CMO) Đất rẫy một thời trù phú giờ không còn như trước nữa. Có nhà chuyển sang nuôi tôm, mà con tôm thất bát; có nhà vẫn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, bám lấy tấc rẫy. Và cũng tại không có đồng vốn, phải phụ thuộc vào nhà đầu tư nên giá cả bấp bênh… Cái khó chồng chất nhau là những nỗi niềm của nông dân trồng rẫy trên mảnh đất Tân Phú, huyện Thới Bình.
Ấp Tapasa 1 nằm cách trung tâm xã Tân Phú khoảng gần 10 km. Vùng đất này phân chia làm 2: một bên là nuôi tôm, còn bên kia sông làm vụ lúa và trồng rẫy. Chuyện ở bên đây, cây lúa và đất rẫy vẫn là nghề cha truyền con nối nuôi sống không ít gia đình. Có khác là những năm gần đây, do thiếu vốn, phải chấp nhận đầu tư của thương lái nên nhiều nông dân trồng rẫy bị ép giá, dẫn đến một số hộ chán nản tự phát chuyển sang nuôi tôm. Con tôm thất bát, họ lại muốn quay lại làm rẫy nhưng đất bị nhiễm mặn. "Tiến thoái lưỡng nan” đang là tình cảnh của nhiều bà con nông dân.
Nhọc nhằn bám đất
Sáng sớm, khi những giọt sương còn đọng trên lá, gia đình ông Lê Văn Phân (ấp Tapasa 1, xã Tân Phú) đã lui cui phía sau nhà chuẩn bị đồ nghề ra rẫy. Người cầm ấm nước, người lo lấy nón khăn. Men theo con đường đất nhỏ 1 đoạn là tới rẫy dưa. Ruộng dưa nằm cách nhà không xa, nhưng để không mất thời gian, vợ chồng ông phải tranh thủ thời gian đi sớm để làm được nhiều việc hơn.
Được mùa hay không được mùa cũng bị ép giá, vì nông dân không có vốn, phải chịu nhận vốn đầu tư của thương lái. |
Gia đình ông Phân có tất cả 4 công đất, mỗi năm khi thu hoạch xong lúa thì cuốc đất lên, đánh giồng trồng rẫy. Công việc này đã gắn bó với gia đình ông gần 5 năm qua. Vất vả một nắng hai sương, mỗi một hạt giống gieo xuống đất là một hạt mồ hôi đổ xuống và bao nhiêu tâm huyết mà vợ chồng ông đều gởi vào đó. Ruộng cà, luống dưa vì vậy mà xanh tươi, oằn trái.
Mỗi ngày gia đình ông Lê Văn Phân phải ở rẫy đôi khi nhiều hơn cả ở trong nhà, với họ, nỗi nhọc nhằn đó như người bạn đồng hành quen thuộc. Khi hỏi về nghề, ông nhìn luống dưa leo xanh mướt rồi trầm ngâm kể: “Không biết có cực không chớ mỗi ngày dù nắng hay mưa gì cũng phải ra rẫy. Vất vả lâu ngày quen luôn, ở trong nhà ngồi chịu không nổi rồi cũng phải đứng dậy ra thăm rẫy à. Làm cỏ, tưới phân, chăm sóc và nâng niu từng cái nụ, thấy nó có trái xanh mướt là mừng thầm trong bụng rồi”.
Từ ngày xuống giống cho đến lúc đơm hoa kết trái là bao nhiêu vất vả. Họ chỉ mong đến ngày thu hoạch, nhưng đến khi thu hoạch lại chứng kiến cảnh rớt giá thì có nỗi buồn nào hơn. Ông Phân buồn bã: “Nhà tôi không có vốn nên phải nhờ thương lái đầu tư vốn. Đầu vụ họ đem giống vô giao tận nhà, rồi đưa phân, thuốc, nếu kẹt quá thì đầu tư luôn cả tiền mua trúc để dựng giàn. Rồi tới vụ thu hoạch họ vào mua sản phẩm, giá cả mình đâu có quyết được, phải phụ thuộc người ta. Biết mình sẽ bị ép giá, nhưng giờ kẹt quá biết hỏi vốn ở đâu, đành chấp nhận thôi. Nhiều người nản quá, chuyển sang nuôi tôm, mà giữa đồng khô không đường nước nuôi con tôm cũng có bằng ai. Ai làm gì thì làm, vợ chồng tôi quyết tâm bám rẫy”.
Đồng cảnh ngộ, vợ chồng anh Nguyễn Văn Kiết (ấp Tapasa 1) cũng buồn rầu do bị thương lái ép giá. Gia đình anh thuộc nhóm khó khăn, chỉ vỏn vẹn 4 công đất, qua vụ lúa, anh Khiết tất bật chuẩn bị xuống giống dưa và bí. Anh Khiết than thở: “Năm nay không trúng mùa mà lái mua rẻ nữa nên chắc đợi đợt sau, giữ nước lại để nuôi tôm thử, chớ làm rẫy cực quá mà bấp bênh như vậy nhà tôi cũng chán. Bà con ở đây được mùa hay mất mùa gì cũng như nhau vì thương lái đầu tư giống, vốn nên có bị ép giá cũng phải cắn răng mà chịu”.
Mong sao giữ được vụ màu
Về ấp Đầu Nai, xã Tân Phú (một trong những ấp khó khăn của xã vì chưa có lộ giao thông và tập trung nhiều hộ đồng bào dân tộc sinh sống), thăm những nông dân trồng rẫy. Cũng một nỗi niềm chung, bà con trồng rẫy ấp Đầu Nai đang đau đáu trông chờ sự trợ sức vì thiếu vốn sản xuất, kỹ thuật và bị thương lái ép giá.
Nghề trồng rẫy ở xóm Đầu Nai đã có từ hơn chục năm trước. |
Khổ nhất có lẽ là hoàn cảnh của gia đình ông Lâm Văn Út. Ông Út đã qua tuổi 70 và là hộ người dân tộc. Hơn 10 năm qua, vợ chồng ông bám rẫy để nuôi 9 người con khôn lớn. 3 công rẫy sau nhà vừa qua mùa thu hoạch, chỉ còn lại đất khô và người nông dân cần cù này đang ôm ấp bao nhiêu dự định tốt đẹp về một mùa vụ bội thu sắp tới.
Người nông dân cực nhọc giữa trưa nắng chăm sóc rau màu. |
Ông Út đem mấy bịch giống dưa mà thương lái đưa cho, rồi khoe: “Vụ trước tôi vay 40 triệu đồng và xin đầu tư giống tới thu hoạch thì phải bán cho họ, tính ra một bọc dưa 10 kg họ mua rẻ hơn người khác 7.000-8.000 đồng. Vụ này tiếp tục nhận giống, khổ lắm, vốn vay Nhà nước thì thủ tục lâu và khó; mình nông dân, dốt nữa, đành làm liều hỏi của thương lái cho nhanh”.
Người thiếu vốn là vậy, còn với người đã có vốn trong tay, muốn mở rộng quy hoạch trồng rẫy thì kỹ thuật lại chưa chắc nên còn băn khoăn. Ông Nguyễn Văn Chẵn, một trong những nông dân trồng rẫy lâu năm ở Đầu Nai, chia sẻ: “Kỹ thuật trồng do mình tự học hỏi. Hằng năm xã cũng có tập huấn kỹ thuật nhưng nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của bà con. Tôi mong sẽ có kỹ sư trực tiếp hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc cây màu”.
Trong cái nắng gay gắt, người đàn ông khom lưng giữa ruộng dưa sửa lại máy tưới nước. Nhìn những giọt mồ hôi đổ xuống như chính nỗi lòng của ông, tôi lại đau đáu một câu hỏi: Khi nào những nông dân nghèo, cần cù, chịu khó như họ mới có được niềm vui trọn vẹn trên mảnh đất của mình?
Kim Chi
Chị Quách Thị Mỹ Châu, Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết: “Đa số bà con trồng rẫy là những hộ có ít đất, nhiều hộ vì giá cả bấp bênh đã tự ý chuyển sang nuôi tôm, bây giờ con tôm lại thất trắng. Trong khi đó, một số hộ gắn bó gần nửa cuộc đời với nghề rẫy vẫn quyết tâm một lòng giữ rẫy thì lại thiếu vốn. Mong sao sẽ có nguồn đầu tư dài hạn để người dân yên tâm bám rẫy để có miếng cơm manh áo ổn định hơn”. |