Qua nhiều năm chuyển dịch cơ cấu sản xuất, U Minh bây giờ không còn cảnh heo hút bên vạt rừng tràm. U Minh đang từng ngày vươn sức: đời sống mới, nông thôn mới đang dần hiện ra. Về U Minh ngày nay, không còn độc đạo chờ đò, thay vào đó là những tuyến lộ nhựa, lộ bê-tông trải rộng, xe ô-tô đã về đến trung tâm các xã. Trên nhiều tuyến ấp lâm phần, xe ô-tô tải đã đến tận nhà người dân thu mua nông sản.
Qua nhiều năm chuyển dịch cơ cấu sản xuất, U Minh bây giờ không còn cảnh heo hút bên vạt rừng tràm. U Minh đang từng ngày vươn sức: đời sống mới, nông thôn mới đang dần hiện ra. Về U Minh ngày nay, không còn độc đạo chờ đò, thay vào đó là những tuyến lộ nhựa, lộ bê-tông trải rộng, xe ô-tô đã về đến trung tâm các xã. Trên nhiều tuyến ấp lâm phần, xe ô-tô tải đã đến tận nhà người dân thu mua nông sản.
Vực dậy từ chuyển dịch cơ cấu sản xuất
Những chiếc vỏ lãi composite, những chuyến xe gắn máy chất những thùng xốp, giỏ đệm len lỏi trong nhiều tuyến dân cư các xã: Khánh Hoà, Khánh Tiến, Khánh Lâm… thu gom tôm, cua về khu vực tập kết chờ chuyển đến các nhà máy chế biến. “Ở xã này có hơn chục người hành nghề mua bán cua, tôm, cá”, ông Ngô Tường Vũ, Chủ tịch UBND xã Khánh Hoà, cho biết.
Xây dựng đường ô-tô xuyên rừng về trung tâm xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. |
Cũng như cua, tôm vùng Đầm Dơi, Năm Căn, sản vật mới xuất hiện vài năm trở lại đây ở xứ U Minh cũng được thương lái chở về TP Cà Mau rồi đi TP Hồ Chí Minh và các vùng khác bán. “Năm vừa qua, riêng xã Khánh Hoà, sản lượng tôm nuôi đạt trên 930 tấn với 1.500 ha thả nuôi. Chuyện thu hoạch vài ba trăm triệu đồng/hộ/vụ không phải chuyện “lạ lẫm” ở nơi cua, tôm trở thành nguồn thu nhập chính của xã này. Xã cũng đã thống kê có khoảng 10% hộ dân có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên", ông Vũ cho biết thêm.
“Cũng như Khánh Hoà, khi mới chia tách (năm 2009), xã Khánh Thuận là xã nghèo nhất (37,55% hộ nghèo). Nhờ chuyển dịch cơ cấu sản xuất và định hướng đúng, đến nay xã còn trên 17% hộ nghèo”, ông Nguyễn Minh Lắm, Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, cho biết.
Người U Minh gan góc, bám trụ vùng đất khó và biến nơi đây thành những vùng sản xuất cho thu nhập kinh tế cao. “Giữa rừng tràm mùa phòng cháy, vẫn nghe nhạc, xem đài, điện thoại người thân. Hoặc, những buổi nhàn nhã chuyện đồng áng, anh em còn bên nhau thưởng thức cà phê. Thứ thức uống trước đây đem về vùng này là xa xỉ!”, anh Nguyện, ấp 13, xã Khánh Thuận, nói như khoe.
“U Minh đã quy hoạch phát triển ổn định 3 vùng sản xuất nông - ngư - lâm nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế tích cực: vùng sản xuất nông nghiệp diện tích 38.200 ha; tiểu vùng sản xuất luân canh vụ lúa, vụ tôm và nuôi tôm sinh thái 17.200 ha; vùng ven biển và vùng biển phát triển rừng phòng hộ, khai thác thuỷ sản trên ngư trường biển Tây...”, ông Phạm Văn Nhạn, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện U Minh, cho biết thêm.
Động lực từ phát triển hạ tầng
Ấp 9, xã Khánh Hội, cách nay 2 năm cảnh người dân kéo điện chia hơi phải trả chi phí ngất ngưởng hơn 80.000 đồng/kWh là chuyện bình thường. Nhưng nay mọi chuyện đã khác hẳn. Anh Trần Văn Vẹn, ngụ ấp 9, cho hay: “Bà con trong ấp rất phấn khởi khi đường điện quốc gia đã giăng dây cách nay 2 tháng. Tết năm nay bà con chính thức được sử dụng điện lưới quốc gia”.
Ông Ngô Quốc Sự, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện U Minh, cho biết: “Năm 2014, huyện đầu tư xây dựng mới 50,8 km đường dây điện trung thế, 73,8 km đường dây hạ thế; lắp đặt mới 36 trạm biến áp, 1.881 điện kế, nâng tổng số hộ sử dụng điện kế trên địa bàn huyện là 20.871 hộ, chiếm 85,1%. Với những tuyến trắng điện trước đây huyện cũng đã nỗ lực, tranh thủ vốn đảm bảo có điện vào đầu xuân này”.
Những tuyến đường nhựa, đường bê-tông tiếp nối vươn dài, rẽ sâu vào những khu dân cư nép mình dưới tán rừng tràm, phục vụ tối đa nhu cầu giao thương, đi lại của người dân, tạo ra sức bật mới cho xứ rừng U Minh Hạ. Toàn huyện có 96 tuyến đường bộ, trong đó 9 tuyến đường đô thị, 13 tuyến đường huyện và 75 tuyến xã, chiều rộng mặt đường từ 2-7 m và 292 cây cầu bằng bê-tông, cốt thép tạo ra hệ thống giao thông liên hoàn giữa các xã và các huyện cũng như về trung tâm của tỉnh.
Ông Ngô Quốc Sự cho hay: “Riêng năm 2014, U Minh đã hoàn thành đưa vào sử dụng mới 42 km lộ giao thông, nâng tổng số toàn huyện có khoảng 350 km; trong đó hơn 90 km lộ nhựa. Hiện trên 70% ấp có lộ bê-tông liền ấp, 100% xã có lộ liền xã và có đường ô-tô về trung tâm”.
Khu Du lịch sinh thái rừng tràm Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Ảnh: THANH QUANG |
Bên cạnh đó, bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, từ năm 2008-2010, trên các tuyến lâm phần của huyện không còn ấp không có chi bộ Đảng.
Quyết tâm phát triển U Minh xứng tầm với tiềm năng và lợi thế từ kinh tế rừng, biển đã và đang được hiện thực hoá. Đất rừng U Minh không bạc màu, người dân U Minh vẫn đang cần mẫn như đàn ong rừng tích mật. Kết thúc năm 2014, huyện còn 2.663 hộ nghèo, chiếm 10,76%; 1.429 hộ cận nghèo, chiếm 5,77% (hộ nghèo giảm 2,29%, hộ cận nghèo giảm 0,04% so với năm 2013). Cũng trong năm này, toàn huyện có 59.557 người tham gia bảo hiểm y tế, trong đó tỷ lệ học sinh tham gia đạt 100%.
Kinh tế phát triển, đời sống người dân dần được nâng cao, hiện thu nhập bình quân đầu người ở U Minh đạt 23,2 triệu đồng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - ngư - lâm nghiệp; thu ngân sách vượt 11%. Toàn huyện có 18/46 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 39% tổng số trường.
Những kết quả trên đang tạo đà thuận lợi cho U Minh vươn lên phát triển kinh tế, thúc đẩy đời sống Nhân dân ngày một sung túc hơn./.
Bài và ảnh: Phong Trúc