Những năm gần đây, du lịch Sóc Trăng đã hình thành một số cụm du lịch như: du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch miệt vườn, du lịch biển... Sóc Trăng không chỉ là nơi cho những ai yêu thích, khám phá giá trị văn hoá đa dạng, nhiều màu sắc, mà còn là nơi dừng chân tuyệt vời cho những ai yêu thích thiên nhiên, chốn yên bình...
Trong đề án phát triển du lịch của tỉnh Sóc Trăng từ nay đến năm 2030, tập trung quy hoạch 10 sản phẩm du lịch chủ lực, 6 sản phẩm du lịch bổ sung và 4 không gian du lịch với mục đích kêu gọi, thu hút đầu tư theo từng cụm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Ðể kích cầu du lịch, hiện nay và trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng đang quảng bá du lịch trên các nền tảng mạng xã hội, cổng thông tin du lịch, các ứng dụng du lịch thông minh...
Sóc Trăng là tỉnh có 3 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer cùng sinh sống. Ðây cũng là những ưu điểm để du lịch Sóc Trăng ngày càng vươn xa, chắp cánh cùng đồng bằng sông Cửu Long hoà vào dòng chảy du lịch, mang nét đặc trưng bản sắc văn hoá của từng nơi riêng biệt.
Cù lao Dung (An Thạnh 1, An Thạnh 2, An Thạnh 3, An Thạnh Ðông, An Thạnh Nam, An Thạnh Tây, Ðại Ân 1) được xem là “Vương quốc bần” của miền Tây, đến đây du khách được trải nghiệm, khám phá và tận mắt thấy bãi bồi lớn đang vươn mình ra biển Ðông.
Du lịch rừng tràm (Cậu Út) ở ngoại thành TP Sóc Trăng là nơi trải nghiệm không gian sinh thái miệt vườn lý tưởng cho du khách gần xa.
Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong (hay được gọi là chùa Som Rong) tại Phường 5, TP Sóc Trăng, là nơi có kiến trúc Khmer độc đáo.
Tỉnh Sóc Trăng hiện có 8 Di sản Văn hoá phi vật thể, trong đó có 5 di sản của đồng bào Khmer. (Trong ảnh: Nghệ thuật sân khấu Rô băm).
Lễ hội đua ghe Ngo của tỉnh Sóc Trăng được tổ chức quy mô và ngày càng được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến cổ vũ, mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc.
Gà đốt cơm lam là một trong những món ẩm thực mới cho khách du lịch khi đến với Sóc Trăng.
Nhật Minh thực hiện