ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 08:12:53
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Dấu ấn “Tìm về”...

Báo Cà Mau (CMO) Khi quyển Tạp chí Văn nghệ Cà Mau số tháng 10 được xuất bản, đi đến đâu cũng nghe lời khen ngợi, trầm trồ về trang bìa được sử dụng là bức tranh "Tìm về" của Hoạ sĩ Lê Thọ. Lùi về trước một khoảng không xa, bức tranh này đã xuất hiện đình đám trên mạng xã hội và nhận được “mưa” lượt like, share, comment. Rồi một sáng cuối tuần, có dịp ngồi cà phê với Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Hoàng Thêm, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau, nhắc lại tấm bìa được xem như một điểm nhấn đẹp, ông tâm đắc: “Cái thằng công nhận làm chơi mà ăn thiệt ta...”.

"Tìm về". Tranh LÊ THỌ

Chữ “làm chơi” ngẫm thiệt đúng. Bởi từ lâu rồi, nghệ thuật trong lòng Hoạ sĩ Lê Thọ là miền đất để những hạt giống cảm xúc được thoả sức nẩy mầm, nơi đó không phải chỗ mưu sinh hay kiếm tìm danh tiếng. Với anh, sáng tạo hội hoạ là một cuộc dạo chơi nghiêm túc, trên sự chiêm nghiệm tình người và tình đời. Bởi vậy, thỉnh thoảng nhìn những tác phẩm mới đăng lên Facebook hay minh hoạ bài viết trên Tạp chí Văn nghệ, ai cũng thấy “đã” bởi cái chất du mục trong cách sống và tâm hồn mà anh thả vào.

“Mình thấy thương những bước chân mưu sinh, vì mưu cầu cuộc sống cho bản thân, gia đình mà phải tha hương. Chuyện về quê lẽ ra là một nhu cầu vô cùng chính đáng nhưng trong điều kiện này, cũng là đoạn đường đó thôi mà sao dài quá. Trực tiếp chứng kiến cảnh đoàn người hồi hương, trên xe chất đầy hành lý, có người chở con thơ, chở những hy vọng... trên chuyến về, họ hệt như những cánh chim di hối hả. Qua bức tranh, mình muốn góp một nét cọ tô thêm đậm tiếng quê hương, đó là nơi chúng ta sinh ra và cũng là nơi chúng ta tìm về trong những lúc khốn khó nhất, nơi sẵn sàng dung dưỡng, chở che...”, Hoạ sĩ Lê Thọ tình tự trải lòng mình khi được hỏi về bức tranh đặc biệt.

Ngay từ phút đầu tiên nhìn đoàn người trở về quê đã dấy lên trong chàng hoạ sĩ niềm xúc động rất lớn, thôi thúc anh phải làm cái gì đó ngay để lưu lại khoảnh khắc này. Tối, trên căn gác cà phê nhỏ, hình ảnh người, từng người nối nhau trong đám đông vô cùng nhỏ bé, phù du hiện lên. Phút đồng điệu bất chợt, nét cọ từng bước chấm phá những mạch lòng, rồi chỉ trong chốc lát, bức phác thảo trên máy đã đã hoàn thiện. Ðăng bản phác thảo lên trang cá nhân, chàng hoạ sĩ chỉ coi đơn giản đây như cách viết nhật ký về một sự kiện bằng tranh. Không ngờ nhận được quá nhiều lượt chia sẻ, muốn tìm hiểu ý nghĩa bức tranh nên chỉ sau 2 ngày, anh đã hoàn chỉnh thành một bản phác thảo chi tiết.

Ban đầu, bức tranh được đặt tên là “Những người con tha hương”, nhưng khi nghiệm kỹ, anh lại chọn “Tìm về”. Nhiều khách thưởng lãm Online nhắn cho anh bày tỏ thắc mắc: “Tại sao không là “Ðường về” nghe nó hợp lý hơn?”. Hoạ sĩ Lê Thọ trân trọng “thả tim” nhưng vẫn giữ quyết định của mình với lý do: Trong điều kiện bình thường con đường về quá hợp lý, nhưng giữa những ngày dịch bệnh như vầy người muốn về quê phải tìm mọi cách kể cả thủ tục, giấy tờ... Trên con đường về quê đã khó khăn. Về tới quê, qua một giai đoạn cách ly tập trung nữa mới tới được mái nhà yêu thương, nên “tìm” là đẹp nhất.

Trong tác phẩm “Tìm về”, nét vẽ đã cân nhắc và chăm chút rất kỹ 3 hình tượng: dòng người về quê, anh công an, cảnh sát giao thông đứng xen lẫn trong dòng người và đoàn xe màu cam. Dòng người tìm chốn bình yên đó là quyền thiêng liêng, nhưng khi về trong sự bị động đã tạo không ít áp lực đối với lực lượng nơi tuyến đầu như an ninh, giao thông, y tế... Rồi đoàn xe màu cam nối đuôi nhau hiện lên như một sự ghi nhận đóng góp của những chuyến xe nghĩa tình... mà hơn ai hết, người nghệ sĩ có vai trò ghi nhận lại thông tin của một lát cắt lịch sử. Con đường trở về đưa vào tranh được cách điệu trở thành cội khế như một nét ẩn dụ đẹp. Phía xa xa cuối con đường có cánh đồng cũng giống hệt cánh cửa của gia đình, của quê hương, luôn sẵn sàng mở ra để đón những đứa con phiêu bạt.

Nhấm ly cà phê đắng, khẽ quay sang người đối diện, anh tâm sự, bản thân có hai niềm hạnh phúc cho tác phẩm này khi đọng lại. Lúc đăng trên trang cá nhân thấy mọi người chia sẻ, đồng cảm, thấu được cái tình ấm áp của người nghệ sĩ rồi chia sẻ, lưu giữ tác phẩm vào miền riêng; kế đó vinh dự được chọn minh hoạ cho bìa tạp chí Văn nghệ tỉnh nhà, điều đó có nghĩa là mình đã đồng hành cùng mọi người ở phương diện tinh thần. Trong rất nhiều bình luận của người yêu thích, có người liên tưởng tới cổng làng Bắc Bộ, dù cho đi khắp bốn phương trời miễn thấy cổng làng là thấy mọi thứ bình yên, bỏ lại sau lưng hết tất cả những xô bồ. Có người nhắn xin được phép lưu lại bức ảnh, có người lại nhắn: “Tôi lưu lại bức tranh này như lưu một chuyến di cư lịch sử, coi như mình đã đồng hành với họ ở phương diện tinh thần, một sự an ủi...”, mạch đồng điệu cứ lâng lâng. Niềm vui thứ hai cũng đằm thắm lắm, khi có nhiều tấm lòng yêu nghệ thuật, nhà sưu tập liên hệ ngỏ ý mua lại bức tranh này. Có nghĩ mình sẽ bán bức tranh đâu nên câu trả lời cứ lần lựa, cho đến khi có một “tri kỷ” chưa từng gặp mặt, là giảng viên một trường đại học lớn ở Sài Gòn đặt thẳng vấn đề mua tranh để đấu giá cho một chương trình từ thiện. Bất ngờ lắm, suy nghĩ lắm, vốn dĩ đã có nhiều ấn tượng đẹp với những bước chân thiện nguyện mùa dịch của “anh giáo đặc biệt” này, Hoạ sĩ Lê Thọ gật đầu đồng ý nhưng không bán mà sẽ tặng. Bức tranh “Tìm về” sẽ được hoàn chỉnh với chất liệu sơn dầu (khổ 80x120 cm), sau cuộc đấu giá, phân nửa doanh thu sẽ được dành cho quỹ từ thiện miền Trung, nửa còn lại dành cho các hoạt động từ thiện tại mảnh đất Cà Mau quê mình.

Tách cà phê vơi dần bên những tâm sự chân tình, thoáng điểm lại, bên nốt trầm bởi dịch bệnh mệt nhoài, nét cọ trẻ vẫn chăm chút lắng nghe hơi thở, thả hồn sáng tạo góp vào hành trang nghệ thuật hơn 10 tác phẩm. Vẫn tâm thế du mục thả hồn qua từng đường nét, chắt chiu gạn lọc xúc cảm tình đất, tình người, hình ảnh quê hương trong mỗi con tim như tán rừng tràm, cánh đồng, bờ đê... cứ sâu lắng, nồng nàn...

 

Hoàng Phúc

 

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.