(CMO) Nhớ cách đây mấy năm, khi lần đầu thấy tượng một ông Tây trong khuôn viên trung tâm văn hoá - thể thao xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tôi thắc mắc: “Ông này là ông nào?”. Khi đó, một đồng nghiệp là dân Trí Phải thứ thiệt khều nhẹ: “Ông này là Bác sĩ Filatov, bên Nga-Xô Viết, người có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp y khoa của đồng chí Nguyễn Thiện Thành, Giáo sư, Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân và là thân sinh của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân”. Vậy là từ những thắc mắc đầu tiên, tôi cứ tích cóp những dữ liệu có được, mỗi nơi một chút và bất ngờ nhận ra một câu chuyện đằm thắm, nhân văn. Chỉ có một điều rất tiếc là đến năm 2013, đồng chí Nguyễn Thiện Thành qua đời. Chắc rằng, ông vẫn còn mang theo rất nhiều điều chưa nói với đất và người Cà Mau.
Lần hỏi thêm về dấu ấn đồng chí Nguyễn Thiện Thành trên đất Trí Phải (xã lớn trước đây bao gồm cả Trí Lực), chị Nguyễn Hồng Diễm, công chức Văn hoá - Xã hội cho biết: “Chỉ một số bác cao niên còn nhớ đôi chút, còn lại chỉ là những câu chuyện truyền miệng trong bà con”. Cũng đúng thôi, giai đoạn ông Nguyễn Thiện Thành hoạt động ở đây khoảng năm 1951-1954 trong thời kháng Pháp, ai còn chắc cũng đã ngót nghét trăm tuổi hết rồi. Thành ra bây giờ nhiều chuyện trở thành huyền tích, giai thoại trong dân gian. Ông Tám Hải (Đào Hồng Hải), Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Trí Phải, dặn trước: “Tôi cũng nói theo chuyện đã biết, nghe lại và trong ký ức của người dân Trí Phải thôi. Mình nói quá thì người ta nói kể công, nhưng hổng phải vậy đâu. Dân Trí Phải hồi đó giờ vậy mà, chí tình, chí nghĩa”.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân (người thứ ba từ trái sang, hàng đầu) viếng cụm tượng Filatov trong chuyến về thăm xã Trí Phải, tháng 7/2017 |
Thời 9 năm, Trí Phải là nơi đứng chân của nhiều cơ quan kháng chiến Nam Bộ, trong đó có Quân y Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ mà Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành làm Trưởng phòng. Ông Tám Hải cười rất có duyên: “Tôi cũng như bất kỳ người dân nào ở Trí Phải thôi, tìm hiểu nên rành 6 câu vọng cổ về cuộc đời của Bác sĩ Thành”. Ông Nguyễn Thiện Thành nổi tiếng học giỏi từ nhỏ, đậu tú tài toàn phần rồi từ chối nhận học bổng sang Pháp vì cho rằng các trường đào tạo của Pháp có mục đích thâm độc là đào tạo tay sai để bóc lột dân ta. Ông học y tại Hà Nội rồi vào Nam Bộ kháng chiến. Tại vùng đất Cà Mau, ông ứng dụng thành công phương pháp Filatov, một dấu ngoặt lớn lao trong y học kháng chiến của cả nước
Cuộc đời ông Nguyễn Thiện Thành là học tập, lao động, sáng tạo và cống hiến không ngừng nghỉ. Ông nổi tiếng về ý thức phụng sự Tổ quốc, Nhân dân khi từ chối tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ tại Liên Xô vì lý do: “Đời tôi còn một luận án lớn, đó là sức khoẻ của thương bệnh binh, đồng bào, đồng chí ở miền Nam ruột thịt đang còn chìm trong khói lửa chiến tranh”, đó là năm 1960 khi ông đang là phó tiến sĩ. Nghe ông Tám Hải nói về phương pháp Filatov, chúng tôi cũng giật mình, vì ông miêu tả chi tiết quá: “Filatov là những viên nhỏ nhau thai được xử lý trong tủ lạnh, rồi cấy vào cơ thể người bệnh”. Viên nhau thai này sẽ sản sinh ra các chất kháng thể, kích thích hệ miễn dịch, cung cấp thêm dinh dưỡng cho cơ thể tự phục hồi.
Tự dưng, tôi lại nhớ chuyện vừa đọc bài báo (trong thời gian gần đây) đại ý khuyên người dùng nên tỉnh táo với các chế phẩm nhau thai bày bán trên thị trường. Vị này cũng là dân ngành y và có đề cập đến phương pháp Filatov. Chẳng hiểu ông có biết đến bác sĩ Nguyễn Thiện Thành và cách sử dụng nhau thai độc đáo ở Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến ngặt nghèo hay không khi có kết luận: Tới giờ khoa học y học cũng chưa kiểm chứng được hiệu quả. Tôi không phải dân y khoa, song biết bao nhiêu sinh mệnh của cán bộ, người dân đã được cứu sống bằng phương pháp Filatov, và liệu rằng điều đó có thể đảm bảo cho tính kiểm chứng mà vị kia đặt ra (tất nhiên là trong những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể).
Cà Mau còn là nơi vun đắp và chắp cánh cho hạnh phúc riêng tư của Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành. Tại đây, ông kết hôn với vợ là bà Dương Thị Minh và hạ sinh người con duy nhất, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân. Người Trí Phải tới giờ vẫn lưu lại câu chuyện, lúc bà Minh hạ sinh, dân quanh vùng đã ra sức cưu mang, che chở cho mẹ tròn, con vuông. Vậy là trong những ngày đầu đời, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã sống trong hơi ấm của bà con Trí Phải, hít thở bầu không khí của vùng đất cách mạng kiên trung, giữa tình cảm quân - dân nồng đượm. Thật xúc động khi nghe chính đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh thổ lộ trong lần về Trí Phải: “Tôi sinh ra ở Trí Phải. Đây cũng là quê hương của tôi”.
Năm 2009, ông Nguyễn Thiện Thành dù rất mệt vẫn quyết lòng về thăm Trí Phải, tặng cầu nông thôn (tại kinh Bảy Ngàn, Ấp 2) và sửa sang lại cụm tượng Bác sĩ Filatov. Với ông, Trí Phải là nơi phát tích sự nghiệp khoa học, là nơi vinh dự được đứng chân vào hàng ngũ của Đảng (1953), là nơi thắp lên hạnh phúc gia đình, là nơi mà lý tưởng phụng sự cách mạng, Tổ quốc, nhân dân thấm nhuần trong huyết quản. Sau đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và con trai của ông - anh Nguyễn Thiện Nghĩa cũng đã về Trí Phải để tri ân và coi đó là chuyến hành hương về với cội nguồn.
Ghé thăm ngôi trường mang tên người Anh hùng Nguyễn Thiện Thành (THCS Nguyễn Thiện Thành) trên đất Trí Phải, cô Huỳnh Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, tự hào: “Được mang tên Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành là một niềm vinh dự lớn lao của nhà trường. Tấm gương của ông là bài học vô giá với thế hệ trẻ, chúng tôi sẽ nỗ lực để xứng đáng với điều đó”. Tại đây, cô Hiền tặng chúng tôi quyển sách viết về ông Nguyễn Thiện Thành (sách tựa: "Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, người chiến sĩ, người Thầy thuốc anh hùng"), nguồn tư liệu quý để hiểu thêm về một sự nghiệp lỗi lạc. Có điều, khi đọc xong, bản thân tôi thấy vẫn "thiếu thiếu" điều gì đó. Có lẽ là trong sách ít đề cập đến giai đoạn quan trọng mà ông hoạt động tại Cà Mau.
Cựu chiến binh Tư Chiêu (Nguyễn Văn Chiêu, Ấp 5) bộc bạch: “Đồng chí Nguyễn Thiện Thành có dấu ấn hoạt động ở Trí Phải. Chú là một trong những người phụ trách thu thập thông tin, nhân chứng. Nhưng nói thiệt, tới giờ cũng chỉ là những câu chuyện còn lưu lại, không còn nhân chứng nữa”.
Có cái ông Tư Chiêu khẳng định là tình cảm, sự gắn bó sâu nặng giữa gia đình đồng chí Nguyễn Thiện Thành và vùng đất Trí Phải là có thật. Bất chợt, anh cán bộ dẫn chúng tôi đi nói: “Chú Tư là một trong những người nòng cốt xây dựng Phủ thờ Bác (giờ thuộc xã Trí Lực)”. Ông Tư quay sang: “Ờ, thì hồi đó tôi làm Bí thơ Xã đoàn mà”.
Về thăm Phủ thờ Bác, chợt nhớ câu chuyện giữa Bác Hồ và người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng Nguyễn Thiện Thành mà thêm bồi hồi. Đó là tháng 7/1955, Bác về thăm Viện Quân y 108 nhân ngày Thương binh Liệt sĩ. Bác nói: “Trong kháng chiến, Quân y Nam Bộ đã làm được thuốc Filatov phục vụ bộ đội, mặc dù chiến trường Nam Bộ lúc đó rất khó khăn, thiếu thốn, các cô các chú phải học tập những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì sức khoẻ của thương bệnh binh”. Chính lúc ấy, ông Nguyễn Thiện Thành được giới thiệu với Bác và Bác khẽ căn dặn: “Bác mong chú làm được nhiều việc hay hơn, tốt hơn nữa”. Cuộc đời sau này của đồng chí Nguyễn Thiện Thành chính là để thực hiện lời nhắn nhủ ấy của Bác.
Giữa không gian thiêng liêng của Phủ Thờ, tận vùng Trí Phải - Trí Lực xa xôi ở đất Cà Mau này, trong chúng tôi là biết bao nhiêu câu chuyện đan xen như không có biên độ của thời gian. Chỉ có thể nói rằng, như màu xanh của cây mía, có thể ngày nào đó không còn xanh kín trên đất này, nhưng nói mất đi là điều không thể. Ông Sáu Tâm (Huỳnh Minh Tâm) dẫn chúng tôi đi xem cây vú sữa (được chiết từ cây vú sữa miền Nam ở cạnh nhà sàn Bác ngoài Thủ đô Hà Nội) trồng trong khuôn viên phủ thờ và chậm rãi nói: “Ngoài kia gởi vô mấy lần, chỉ có cây này sống thôi, trồng nơi khác chết hết”. Có lẽ cây cũng hiểu, về với Trí Phải - Trí Lực là về với ngọn nguồn đất mẹ. Một vùng đất huyền thoại với những dấu tích diệu kỳ, khi nhắc đến, lòng ai mà chẳng luyến lưu./.
Ghi chép Phạm Hải Nguyên