Từ thực tế nhiều quy hoạch còn quá chậm và thiếu đã gây ra khó khăn không nhỏ cho chính quyền địa phương cũng như người dân trong tổ chức sản xuất. Ðây cũng là một trong những nguyên do khiến nền nông nghiệp hiện nay có “sức đề kháng” khá thấp.
Từ thực tế nhiều quy hoạch còn quá chậm và thiếu đã gây ra khó khăn không nhỏ cho chính quyền địa phương cũng như người dân trong tổ chức sản xuất. Ðây cũng là một trong những nguyên do khiến nền nông nghiệp hiện nay có “sức đề kháng” khá thấp.
Sản xuất không trên nền tảng của quy hoạch, kế hoạch đồng bộ cũng như hạ tầng còn nhiều hạn chế thì rủi ro cao là khó tránh khỏi. Thực tế thời gian qua đã chứng minh điều này, nông dân phải chịu áp lực từ nhiều phía, hết thiên tai dịch bệnh lại đến thị trường đầu vào, đầu ra...
Chính quyền vẫn đang lúng túng
Câu chuyện vùng mía nguyên liệu của huyện Thới Bình nói riêng và toàn tỉnh nói chung cho thấy sự lúng túng của chính quyền địa phương trong việc tổ chức sản xuất. Mặc dù không còn được đưa vào quy hoạch và chỉ tiêu nghị quyết của huyện, thế nhưng, diện tích cây mía theo quy hoạch trước đó sẽ chuyển sang trồng cây gì vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững trần tình: "Huyện đang nghiên cứu mô hình thay thế cho người dân vùng mía nguyên liệu. Tuy nhiên, hiện nay huyện đang vô cùng bị động, không biết chọn mô hình gì thay thế mang lại hiệu quả".
Chính quyền bị động nên người dân cũng không biết đi theo hướng nào, thế là họ chạy theo thị trường. Ðiều tất nhiên, sản xuất theo kiểu này vô cùng may rủi. Vụ gừng năm 2015 là một minh chứng cụ thể và chua xót cho người dân nơi đây. Sau nhiều mùa mía không hiệu quả, một số hộ đã tự phát chuyển sang trồng gừng với diện tích lên đến trên 200 ha. Y như rằng, vụ gừng ấy người dân đã nhận được “trái đắng” do thiếu khoa học - kỹ thuật, dịch bệnh xảy ra liên tục và không trị hết phải bán gừng non, còn những hộ duy trì được thì đến thời điểm thu hoạch giá rẻ bèo, thua lỗ nặng nề.
Trở lại vùng mía Thới Bình những ngày này, giá mía đang tăng cao nhưng người dân không phấn khởi, bởi diện tích mía chẳng còn lại là bao. Gia đình anh Võ Minh Quân, ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Ðông, từng gắn bó cây mía gần chục năm và cũng là người nếm “trái đắng” từ vụ gừng năm 2015.
Anh Quân chia sẻ: "Sau nhiều phen lao đao với điệp khúc được mùa mất giá, giờ tôi đã rút kinh nghiệm sâu sắc là không tập trung cho loại nào hết, cứ mỗi loại trồng một ít. Hiện nay trên rẫy của gia đình, hoa màu cũng có khoảng 2.000 m2, gừng thì 500 m2, mía cũng được 0,5 ha. “Giăng bẫy" đều hết, thế nào cũng trúng được một cái”.
Nói về vai trò của chính quyền địa phương trong tổ chức sản xuất cho người dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Nước Phan Thế Bạo cũng thừa nhận, đúng là hiện nay chính quyền địa phương còn nhiều lúng túng. Tuy nhiên, theo ông Bạo lý giải, sự lúng túng này là do còn thiếu cơ sở pháp lý và định hướng từ những quy hoạch chung của tỉnh. Quy hoạch chung chưa được thông qua nên huyện thiếu căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế.
Ngoài ra, hạ tầng phục vụ sản xuất trên địa bàn đã được đầu tư trong một thời gian khá dài, nguồn kinh phí lớn nhưng dàn trải, chưa đồng bộ. Toàn huyện chưa thể khép kín được tiểu vùng nào nên không chủ động được nước cũng như xử lý môi trường. Từ đó, việc hướng người dân sản xuất tập trung, đồng loạt là rất khó. Ngoài ra, còn gây ra khó khăn cho địa phương trong việc quy hoạch, triển khai quy hoạch cũng như bảo vệ quy hoạch.
Hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp hiện nay rất thấp. (Trong ảnh: Công ty Xuất nhập khẩu Chế biến gỗ Cà Mau là doanh nghiệp hiếm hoi ở Cà Mau đầu tư công nghệ giống thực vật cấy mô). |
Rủi ro cao, hàm lượng khoa học ít
Qua thực tế sản xuất cho thấy sức “đề kháng” của nền nông nghiệp hiện nay rất yếu. Sự hạn chế này người dân đang gánh chịu gần như hoàn toàn, từ biến động thị trường dân cũng là người chịu thiệt hay thời tiết, thiên tai dân cũng là người gánh hậu quả. Ðiều đó cho thấy vai trò của ngành chức năng trong việc hỗ trợ người dân trong quy trình sản xuất, dự báo thị trường đầu ra cũng như đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất còn quá mờ nhạt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định, nông dân hiện nay lệ thuộc quá nhiều yếu tố: thị trường, thời tiết, doanh nghiệp. Sự lệ thuộc ấy xuất phát từ nền sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. |
Hạn chế hiện nay của ngành nông nghiệp cũng được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ ra tại hội nghi sơ kết 3 năm thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nền sản xuất hiện nay còn quá manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết; việc áp dụng khoa học - kỹ thuật còn quá ít dẫn đến tình trạng được mùa, mất giá, rồi mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cụ thể, thiệt hại tôm công nghiệp thời gian qua là một bài học cần phải nhìn nhận để có hướng đi đúng hơn. Lâu nay, tỉnh tự hào là diện tích luôn tăng và đã đạt gần 10.000 ha, nhưng thực tế người dân thả nuôi chưa được 4.000 ha, diện tích treo ao rất lớn. Mặc dù vậy, thời gian qua chưa có đánh giá nào thật cụ thể về mô hình này để có giải pháp tháo gỡ.
Ngay cả diện tích tôm công nghiệp bị dịch bệnh hiện nay cũng chưa dám nhìn thẳng vào thực tế. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, những tháng đầu năm, toàn tỉnh chỉ có khoảng 200 ha/gần 4.000 ha đang thả nuôi xảy ra dịch bệnh. Như vậy, nếu tính ra chỉ khoảng 5% diện tích nuôi hiện nay. Nếu đúng như số liệu này thì ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh, nhận định, dân ta nuôi quá giỏi, quá tuyệt vời. Ðối với nuôi tôm công nghiệp, thiệt hại 20-30% là làm giàu, 50-60% là phá huề, còn chỉ 5-6% như số liệu báo cáo thời gian qua là tuyệt giàu. Mà nếu tuyệt giàu thì hiện nay không có tình trạng treo ao lớn như vậy!
Hàm lượng khoa học - kỹ thuật trong các sản phẩm nông nghiệp cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Theo ông Của, tác động về khoa học - kỹ thuật trong quy trình nuôi tôm hiện nay chưa có gì mới, chỉ lặp đi lặp lại những cái cũ. Tuy con tôm đang bị thiệt hại khá lớn, song trong dân vẫn có người nuôi tôm công nghiệp, tôm quảng canh cải tiến làm giàu được. Hay như gần đây, mô hình nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả rất lớn, nhưng việc tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng trong dân chưa có.
Nông dân xã Hoà Tân, TP Cà Mau sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm cho hiệu quả cao nhưng chưa được áp dụng rộng rãi. Ảnh: H.DIỆU |
Không chỉ đối với nuôi trồng mà lĩnh vực khai thác thuỷ sản cũng gần như chỉ giậm chân tại chỗ. Mặc dù hằng năm nghề khai thác đóng góp hàng trăm ngàn tấn thuỷ sản các loại, nhưng việc đầu tư cho ngành nghề này còn nhiều hạn chế. Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến nhận định, công nghệ cũng như phương thức khai thác hiện nay so với hơn 20 năm trước gần như không có gì hiện đại hơn, chỉ có sử dụng các loại hình khai thác, phương tiện khai thác sát hại nguồn lợi thuỷ sản là nhiều hơn.
Quy hoạch còn chậm, hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, thiếu liên kết, hàm lượng khoa học - kỹ thuật trong sản phẩm nông nghiệp còn thấp... là những hạn chế khiến nền nông nghiệp chưa thể có được bước đột phá thật sự. Ðã đến lúc cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các ngành và các cấp từ tỉnh đến huyện, xã và cả người dân trên nền tảng một đề án, kế hoạch cụ thể chính là đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp./.
Bài 3: Quyết liệt vào cuộc để tạo bước đột phá
Bài và ảnh: Nguyễn Phú