ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 6-2-25 00:07:47
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Để Du lịch Cà Mau cất cánh - Bài 4:: "Du lịch cộng đồng là mô hình phù hợp với Cà Mau"

Báo Cà Mau (CMO) Thạc sĩ Phan Đình Huê là chuyên gia có am hiểu tường tận, sâu sắc về du lịch khu vực ĐBSCL.

Điều thú vị nhất ở ông là vừa có lý thuyết lẫn thực tế hoạt động du lịch. Ông đi nhiều nước, đặc biệt có quan hệ thân thiết với hầu khắp các mô hình du lịch đã thành công ở cả 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Những gợi mở của ông về du lịch Cà Mau được phóng viên báo Cà Mau ghi lại, có giá trị tham khảo và ứng dụng để xây dựng được hướng phát triển phù hợp cho du lịch Cà Mau.

- Thưa ông, ông có thể chia sẻ đôi điều cảm nhận về du lịch Cà Mau?

Th.S Phan Đình Huê: Như tôi đã khẳng định, Cà Mau có những cái nhất không thể tìm thấy ở đâu khác: Thương hiệu Mũi Cà Mau và 2 hệ sinh thái rừng tràm, rừng đước. Bản thân tôi đánh giá rất cao nỗ lực của tỉnh Cà Mau trong hoạch định phát triển du lịch địa phương. Đặc biệt là việc huy động nhiều thành phần, nguồn lực để tham gia vào lĩnh vực du lịch. Theo tôi, chủ trương để người dân, doanh nghiệp, HTX làm du lịch là xu thế chung của cả thế giới, Cà Mau đã xác định được xu thế ấy. Phản hồi về du lịch Cà Mau ngày càng tích cực, tất nhiên vẫn còn phải cải thiện nhiều mặt.

Nếu khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, Cà Mau sẽ là điểm sáng của du lịch toàn ĐBSCL, có sức hút vô cùng mạnh mẽ. Tôi đã đi nhiều nước, nhiều tỉnh, thành, rất ít nơi nào có được vị trí địa lý và tài nguyên du lịch đặc sắc như Cà Mau. Chúng ta đã khai thác, nhưng chỉ khai thác được giá trị bề mặt, chưa khai thác chiều sâu, khai thác bằng chuỗi giá trị, cho nên nguồn lợi từ du lịch̀ chưa tương xứng. Tôi ví dụ thế này, du lịch không phải là bán sản phẩm mà là giá trị của sản phẩm. Như một vườn cây ăn trái, anh trồng được bao nhiêu, bán bấy nhiêu, tuỳ theo quy luật cung cầu. Còn nếu làm du lịch, cũng vườn cây ăn trái đó, anh bán gói tham quan, gói nghỉ dưỡng, gói trải nghiệm… thì lợi nhuận sẽ tăng lên rất nhiều.

Ngắm hoàng hôn biển Tây từ bãi bồi. Ảnh: Khánh Phương

Du khách về Cà Mau cũng ăn, cũng thở nhưng là thở không khí của rừng đước, rừng tràm, ăn những thức ăn là sản vật đặc trưng từ thiên nhiên của địa phương, đó mới là du lịch. Tôi nghĩ, du lịch Cà Mau muốn phát triển phải xây dựng cho bằng được những sản phẩm đặc trưng, những tour tuyến độc đáo, riêng biệt. Không thể tất cả các nơi đều na ná nhau, hoặc na ná với mô hình tỉnh khác, như thế là không có khách và mất khách.

- Mô hình du lịch nào phù hợp tại Cà Mau, thưa ông?

Th.S Phan Đình Huê: Tôi có thể khẳng định ngay, mô hình du lịch cộng đồng là lựa chọn phù hợp, nếu không nói là tối ưu với điều kiện thực tế của tỉnh Cà Mau. Mô hình này trước tiên sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch độc - lạ, đặc trưng cho Cà Mau, bởi lợi thế về địa lý, hệ sinh thái, văn hoá và các tài nguyên sẵn có. Du lịch Cà Mau đã sớm khai thác các điều kiện sẵn có, nhưng theo tôi là chưa đủ, phải biến cái sẵn có thành giá trị cao hơn để phục vụ du khách. Rừng đước, rừng tràm, bãi bồi, cá tôm… tất cả đều sẵn có, nhưng phải có cách thức tổ chức du lịch phù hợp để khai thác các yếu tố ấy thành sản phẩm, thành dịch vụ.

Du lịch cộng đồng phù hợp với điều kiện, quy mô của người dân khi tham gia làm du lịch. Có thể thấy mô hình này có quy mô, đầu tư không quá lớn, tận dụng triệt để những tài nguyên sẵn có để làm du lịch. Học hỏi là điều cần thiết, nhưng phải sáng tạo, biến tấu để mô hình của mình có điểm riêng, không hoà lẫn với các nơi khác, tạo được ấn tượng cho du khách. Có như vậy mới hút khách, giữ khách và khiến người ta muốn quay trở lại.

Du khách ngỡ ngàng vì nét độc đáo của vườn dâu Cái Tàu. Ảnh: Hải Nguyên

Du lịch cộng đồng là hình thức không mới, tuy nhiên, sức hút không hề giảm mà là xu hướng của du lịch hiện nay. Chỉ cần Cà Mau làm tốt, xây dựng thành công các mô hình du lịch cộng đồng cho hệ sinh thái rừng đước và hệ sinh thái rừng tràm, cơ hội phát triển rất lớn. Du lịch cộng đồng có tính ứng dụng cao, từ hộ gia đình có thể lan toả thành làng du lịch, thành xã du lịch hoặc rộng hơn thế nữa. Quan trọng là ai cũng cảm thấy mình có thể làm du lịch và làm du lịch thành công. Nếu làm du lịch mà giàu lên thì ai cũng sẵn sàng tham gia. Điều này có tác động xã hội rất lớn xét trên tất cả các khía cạnh.

- Ông có những lưu ý gì với du lịch Cà Mau?

Th.S Phan Đình Huê: Điều quan trọng nhất là Cà Mau phải giữ được cốt lõi giá trị du lịch của mình. Du lịch phải bảo vệ bằng được tài nguyên rừng tràm, rừng đước, bảo vệ môi trường biển và cả tập tục văn hoá của cư dân. Không vội bê-tông hoá, bởi bê-tông hoá không phải là du lịch bền vững, càng không phải là chủ trương của du lịch cộng đồng. Nếu du lịch bùng phát mà triệt tiêu tài nguyên môi trường, mất đi bản sắc của Cà Mau sẽ có hậu quả khôn lường. Nếu du lịch mà làm thay đổi tâm tính, cung cách sống của con người thì cũng là điều không tốt. Phải coi những giá trị cốt lõi ấy là tài nguyên du lịch bền vững nhất, độc đáo nhất.

Tập làm nông dân tại Khu Du lịch cộng đồng Đất Mũi. Ảnh: Khánh Phương

Với những bà con mới làm du lịch, đừng vội “bạo phát” dễ rơi vào cảnh “bạo tàn”. Phải cân đối với điều kiện của bản thân, với môi trường du lịch chung, tận dụng tối đa các tài nguyên sẵn có để làm du lịch. Tài nguyên sẵn có ở Cà Mau không thiếu, nếu không nói là dồi dào. Nên chắt chiu tất cả những gì có xung quanh mình để làm du lịch, bởi những thứ dù là nhỏ nhất nhưng nó ở Cà Mau, của Cà Mau, quan trọng, du khách trân trọng, thích thú với các giá trị ấy. Không nên làm du lịch với tâm thế “được ăn cả, ngã về không”, mà phải có lộ trình, từ từ, chắc chắn và có kế hoạch rõ ràng. Ban đầu có thể đón khách trong ngày, ít trải nghiệm, dần dần mới nâng cấp lên đón khách lưu trú, nhiều hoạt động, nhiều sản phẩm, khách cao cấp.

Một điều nữa, anh em làm du lịch nên ngồi lại với nhau. Nếu có sự góp mặt của các cấp, các ngành, đơn vị chuyên môn càng tốt. Phải có sự kết nối về thông tin, về cách làm, về sản phẩm du lịch, cởi mở và chia sẻ. Làm du lịch theo kiểu “mạnh ai nấy làm” thì dễ thất bại. Sự đồng hành của chính quyền địa phương rất quan trọng, phải để người làm du lịch cảm thấy mình không đơn độc, có sự hậu thuẫn, hỗ trợ thì mới mạnh dạn, tự tin. Du lịch Cà Mau còn nhiều khó khăn đấy, nhưng theo tôi, là sớm hay muộn sẽ cất cánh thôi. Còn sớm hay muộn hoàn toàn phụ thuộc vào các bạn.

- Xin cảm ơn ông!./.

Phạm Hải Nguyên

Bài cuối: Cơ hội "vàng"

Du lịch Cà Mau sôi động dịp nghỉ lễ

(CMO) Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, dù thời tiết khá bất lợi do mưa nhiều nhưng lượng khách đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn rất đông. Các điểm dịch vụ phục vụ khách tham quan chu đáo, an toàn, giá cả hợp lý, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Quảng bá du lịch bằng âm nhạc

(CMO) Ðể du lịch Cà Mau được quảng bá rộng và theo hình thức thú vị hơn, tiệm cận với giới trẻ hơn, một nhóm bạn trẻ đã triển khai những sản phẩm giới thiệu và làm mới hình ảnh Cà Mau với bạn bè khắp nơi bằng âm nhạc.

Khơi thông tiềm lực kinh tế du lịch

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh xem xét thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Nạp năng lượng cho con vào năm học mới

(CMO) Trong kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình đã đưa con đi du lịch hoặc rời thành phố về quê để các con được khám phá, trải nghiệm, bổ sung kiến thức trực quan sinh động, từ đó khuyến khích con học tập tích cực. Đây còn là dịp để gia đình gắn kết, có thêm nhiều kỷ niệm đẹp.

Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau: Phát huy kinh tế biển

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Hướng bền vững cho du lịch sinh thái cộng đồng

(CMO) Du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCÐ) là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường. Với khách du lịch, DLSTCÐ tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hoá, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa. Vì vậy, DLSTCÐ chính là nét tinh tuý của du lịch sinh thái và du lịch bền vững.

Ðất Mũi bứt phá đầu tư hạ tầng du lịch

(CMO) Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đạt chuẩn đô thị loại V, đây là tiền đề để địa phương bứt phá phát triển. Cùng với lợi thế và tiềm năng du lịch sẵn có, Ðất Mũi đang được cấp trên đầu tư vốn để xây dựng các hạng mục trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Du lịch Cà Mau - Bài toán giữ chân du khách

(CMO) Trong những ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, du lịch Cà Mau tăng mạnh về số lượng du khách lẫn doanh thu, nhưng bài toán nan giải vẫn là câu chuyện duy trì sức hút và giữ chân khách du lịch sau đó.

Hướng đến du lịch thân thiện môi trường

(CMO) Thời gian qua, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống rác thải nhựa, hướng đến du lịch thân thiện môi trường.

Tạo đột phá phát triển du lịch

(CMO) Sau 2 năm thực hiện Chương trình số 10-Ctr/HU của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện về phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, du lịch huyện Trần Văn Thời đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đảm bảo đúng định hướng của tỉnh, của huyện và là một trong những ngành chuyển biến tích cực về tốc độ tăng trưởng.