ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 16:11:35
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðể du lịch “đất Chín Rồng” cất cánh

Báo Cà Mau Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch, được xác định là 1 trong 7 vùng du lịch của quốc gia, với sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái, du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch biển đảo, du lịch MICE...

Sau đại dịch Covid-19, du lịch ÐBSCL có bước phục hồi mạnh mẽ. Ước tính năm 2023, tổng số khách đến “vùng đất Chín Rồng” đạt gần 45 triệu lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so với năm 2022. Doanh thu đạt gần 46 ngàn tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm 2022. Gia tăng sức hút, nhất là xây dựng bản sắc du lịch của "vùng đất Chín Rồng” chính là quyết tâm và kỳ vọng chung của các địa phương.

Nhìn từ “trung tâm” du lịch miền Tây

Ðược coi là “thủ phủ” du lịch của khu vực ÐBSCL, tuy nhiên, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đánh giá: “Ngành du lịch TP Cần Thơ nói riêng và ÐBSCL nói chung đang gặp khó khăn, thách thức, đó là sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh đặc thù của từng địa phương”.

Thời gian qua, cùng với các địa phương trong vùng, TP Cần Thơ tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn... từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng của thành phố.

Chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ là lựa chọn trải nghiệm thú vị của hầu hết du khách khi đến Tây Ðô.

Ðến nay, Cần Thơ đã ký kết, hợp tác về du lịch với hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước như: các tỉnh vùng ÐBSCL, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Ðịnh, Thanh Hoá... Qua đó, góp phần hình thành các tuyến du lịch liên vùng; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch các địa phương gặp gỡ, ký kết hợp tác phát triển tour, tuyến du lịch và xây dựng các gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách đến TP Cần Thơ và ngược lại.

TP Cần Thơ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của thành phố.

Ông Nguyễn Thực Hiện thông tin: “Mục tiêu năm 2025, ngành du lịch TP Cần Thơ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, sức cạnh trạnh cao; điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước”.

Du khách trải nghiệm massage chân với cá tại bè cá Bảy Bon ở Cồn Sơn.

Gỡ những “nút thắt”

Kỳ vọng rất lớn, song du lịch ÐBSCL vẫn đối diện nhiều “nút thắt”. Từ góc nhìn của doanh nghiệp lữ hành du lịch, bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ, trăn trở: “Du lịch ÐBSCL hiện chỉ đem cái mình có để phục vụ, chớ chưa thể đủ sức đáp ứng nhu cầu của du khách. Sản phẩm du lịch của các tỉnh khá đơn điệu, chậm đổi mới, trùng lặp. Một yếu tố khác, đó là việc kết nối giao thông đường hàng không còn rất hạn chế”.

Thực tế cho thấy, ngay tại Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, các đường bay nội địa đã giảm cả tần suất và các tuyến khai thác, còn các tuyến quốc tế không còn duy trì.

“Hạn chế về giao thông chính là nguyên nhân lớn làm giảm cả số lượng du khách và doanh thu du lịch nói chung. Vấn đề này cần phải được tháo gỡ ngay, nếu muốn du lịch vùng bứt phá mạnh mẽ hơn trong tương lai”, bà Lê Ðình Minh Thy phân tích.

TS Trần Hữu Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, cho biết: “Liên kết và tạo không gian chung cho phát triển du lịch khu vực đang là mắt xích yếu và thiếu. Phải nói rằng du lịch ÐBSCL chưa thực sự có “nhạc trưởng” để cầm nhịp chung”.

Chính vì thiếu liên kết, dẫn đến các sản phẩm du lịch của vùng chưa hấp dẫn, không rõ tính đặc thù, “du khách chỉ cần đến một chỗ, một lần là coi như hết muốn trở lại”, ông Hiệp đúc kết.

MICE - Du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo đang là mô hình du lịch mới mà ÐBSCL có nhiều ưu thế. (Ảnh: Giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch bên lề Hội thảo “Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ÐBSCL năm 2024 tại TP Cần Thơ”).

Cũng theo ông Hiệp, vấn đề mà du lịch ÐBSCL đang thiếu chính là phát triển mạng lưới du lịch đạt chuẩn; các trung tâm du lịch có sức hút lớn; chiến lược quảng bá hiệu quả; hợp tác vùng kết nối với thị trường trong nước và quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù; phát triển hạ tầng giao thông...

Ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Dịch vụ - Du lịch Bến Thành tại Cần Thơ, tâm huyết: “ÐBSCL muốn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, phải căn cứ vào tài nguyên du lịch ưu thế. Sông nước, cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hoá (vật thể và phi vật thể), ẩm thực... đều là những mảnh đất màu mỡ mà du lịch chưa khai phá hết. Bên cạnh đó là việc hình thành các loại hình du lịch chủ đạo (du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái - trải nghiệm...) và xây dựng các mô hình du lịch mới theo nhu cầu (du lịch MICE, du lịch mạo hiểm - thám hiểm, du lịch văn hoá - tâm linh...)”.

Năm 2024, Hiệp hội Du lịch ÐBSCL công bố 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, gồm: Ðiểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Cồn Hô (xã Ðức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh); Bảo tàng Văn hoá dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh (Phường 8, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh); Cảng du thuyền Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) và đồi Tức Dụp, tỉnh An Giang (tái công nhận). Từ đó có thể thấy, những “ngôi sao” du lịch thực sự của toàn vùng là khá hiếm hoi. Trong danh sách này, du lịch Cần Thơ và nhiều tỉnh, thành có tiềm năng lớn cũng chưa thể góp mặt.

Một vấn đề khác của du lịch ÐBSCL, đó là phát triển du lịch phải gắn liền với bảo tồn, phát huy, lan toả những giá trị văn hoá và thiên nhiên đặc sắc của vùng đất, con người nơi đây. Những điều “kỳ diệu” ÐBSCL mang lại mới chính là nhu cầu, là giá trị cốt lõi mà du khách hướng đến. Trước mắt, cần tháo gỡ ngay những “nút thắt” của du lịch “đất Chín Rồng” như đã đề cập.


Năm 2023, ngành du lịch TP Cần Thơ không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển sau đại dịch Covid-19. Qua đó, ngành du lịch thành phố từng bước khôi phục và đạt nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, thành phố đón trên 5,9 triệu lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách lưu trú đạt trên 2,9 triệu lượt. Khách lưu trú quốc tế gần 159 ngàn lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 5.400 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.


 

Hải Nguyên

 

Liên kết hữu ích
BonbonCar - Thuê xe tự lái HCM giao tận nơiDịch vụ thuê xe 16 chỗ xe đời mới, chiết khấu cao Best tour operators in vietnam tour phan thiết

Gáo Giồng mùa cò ốc sinh sản

Rừng Gáo Giồng (thuộc địa bàn tại xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp) có hệ sinh thái đặc trưng vùng Ðồng Tháp Mười vô cùng độc đáo, diện tích 1.600 ha (có 1.200 ha rừng tràm, 250 ha rừng nguyên sinh). Với nhiều loài thực vật như tràm, lau sậy, sen, súng, cà na, gáo... rừng Ráo Giồng thích hợp cho các loài động vật, đặc biệt là loài chim cò quý hiếm được đưa vào sách đỏ, trong đó có loài cò ốc sinh sống.

Sẽ có một triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Chiều 15/10, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Ðề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đến năm 2030".

Trăm năm nghề tranh kiếng Chợ Mới

Nghề vẽ tranh trên kiếng từ xưa ở Nam Bộ trứ danh với 3 vùng sản xuất là: Lái Thiêu (Bình Dương), Chợ Lớn (Sài Gòn) và Chợ Mới (An Giang). Mỗi nơi sản xuất có riêng đặc điểm và phong cách của vùng miền, văn hoá tín ngưỡng, nếp sống người dân. Tranh kiếng Chợ Mới tuy xuất hiện muộn, nhưng mẫu mã phong phú, đa dạng, giá thành hợp lý. Hiện nay, sản phẩm tranh kiếng Chợ Mới vẫn được người dùng ưa chuộng.

Sức vóc miền biên giới Hồng Ngự

Thực hiện Chỉ thị 07/CT-TTg, ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thu hút các nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống Nhân dân; Nghị quyết số 23/NQ-CP, ngày 2/3/2022 của Chính phủ về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền, những năm qua, tỉnh Ðồng Tháp không ngừng đẩy mạnh các giải pháp, ban hành nhiều chủ trương, cùng với sự phát huy nội lực, các địa phương trong tỉnh đã vươn mình, khởi sắc. Trong đó, huyện Hồng Ngự là một trong những điển hình cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Ðặc sản "cơm đình"

Trong rất nhiều hoạt động của lễ hội kỷ niệm 156 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, "cơm đình" là một trong những nét văn hoá độc đáo mà rất nhiều du khách háo hức mong chờ.

Di sản đương đại “Vương quốc lò gạch”

Nằm trên bờ Nam sông Cổ Chiên và dọc theo kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) có một làng nghề gạch, gốm đỏ nổi tiếng hàng trăm năm tuổi, được ví như "Vương quốc lò gạch" đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Trải qua hơn 2 thế kỷ thăng trầm, nay làng nghề ấy dần hình thành "Di sản đương đại Mang Thít", thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Mục tiêu 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao

Diện tích trồng lúa ở nước ta hiện nay khoảng 7,1 triệu héc-ta, riêng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) khoảng 3,8 triệu héc-ta. Trước những thách thức lớn của ngành lúa gạo ÐBSCL trước tình trạng biến đổi khí hậu, Ðề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030” được coi là giải pháp phù hợp, khả thi, mở ra hướng đi bền vững cho ngành lúa gạo và gia tăng lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa.

Nghề nuôi cá lồng bè

Ở vùng biển Tây Nam, như các đảo của tỉnh Kiên Giang, Cà Mau..., người dân đầu tư nhiều lồng bè nuôi cá. Ðây cũng là nơi sống và sinh hoạt của nhiều hộ dân trên biển.

Làng nông thôn mới Saemaul ở Hậu Giang

Cuối năm 2015, UBND tỉnh Hậu Giang ký kết hợp tác cùng Tổ chức Nông thôn mới (NTM) Hàn Quốc triển khai Dự án Làng NTM - Saemaul tại ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành (huyện Phụng Hiệp) và Ấp 9, xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ). Thời điểm được chọn, 2 ấp nêu trên thuộc diện khó khăn, hạ tầng nông thôn còn yếu, người dân canh tác lúa theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ, đời sống ở mức thấp.

Hãy đến Trại rắn Ðồng Tâm

Trại rắn Ðồng Tâm có diện tích 12 ha, toạ lạc tại ấp Tân Thuận B, xã Bình Ðức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cách trung tâm TP Mỹ Tho 9 km. Nơi đây có bảo tàng trưng bày gần 100 loài rắn quý hiếm và lưu giữ tiêu bản của hầu hết các loài rắn hiện có ở Việt Nam. Ða số rắn được nuôi và bảo tồn trong lồng, một số loài không có nọc độc được nuôi thả tự nhiên trên các nhánh cây, để du khách có thể quan sát trực tiếp chúng. Trong khuôn viên Trại rắn Ðồng Tâm còn trồng hơn 60 cây thuốc Nam.