(CMO) Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, trong hơn 9.200 thí sinh đăng ký dự thi thì có hơn 50% số thí sinh đăng ký thi môn Khoa học xã hội với tổ hợp 3 môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Thí sinh điểm thi C07, huyện Thới Bình trao đổi đáp án bài thi cùng giáo viên. |
Sáng mai, 27/6, các thí sinh sẽ thi môn thi này với thời gian 150 phút, NGƯT Hoàng Văn Sum, Phó Hiệu trưởng chuyên môn trường THPT Thới Bình, Tổ trưởng Tổ biên soạn câu hỏi trắc nghiệm bộ môn Lịch sử lớp 11, 12 cho giáo viên tỉnh Cà Mau, đã có những lưu ý và bí quyết để các em đạt được kết quả thi tốt nhất, nhất là ở môn Lịch sử.
Theo thầy Sum, trước hết các em phải đọc kỹ đề, rà soát đề xem có bao nhiêu câu trong tổng số câu (phòng trường hợp đề thi in thiếu), xem kỹ đề thi có bị mờ, nhoè, rách không để kịp thời báo cán bộ coi thi. Phiếu trắc nghiệm để tay phải, đề thi tay trái, sau đó đọc lời dẫn của câu hỏi và phương án theo thứ tự.
“Khi làm bài thi không nên bỏ trống bất kỳ câu nào, câu nào dễ làm trước, khó làm sau để tránh mất thời gian, rối tinh thần”, NGƯT Hoàng Văn Sum lưu ý.
Thí sinh làm các bài thi trắc nghiệm cần có phương án làm nhiều lượt. Ví dụ, lượt thứ nhất,triệt tiêu hết câu dễ, lượt thứ hai suy nghĩ giải quyết các câu có thể làm... đến lượt cuối cùng, khi này thời gian sắp hết mà các câu còn lại quá khó, hoặc phân vân đáp án thì nên lựa chọn phương án hợp lý nhất theo cách loại trừ và phải chọn ngay đáp án để kịp thời gian.
“Tuyệt đối không đánh đáp án theo kiểu “biểu diễn” như toàn bộ là A, hoặc theo zích zắc để ăn may. Đã có trường hợp thí sinh bị điểm liệt vì đánh bừa như thế”, thầy Sum nhấn mạnh.
Trong tổ hợp môn này của kỳ thi THPT quốc gia năm trước, môn Địa lý và GDCD “dễ thở” hơn, phổ điểm từ 6-7 lên đến điểm 10. Thí sinh ít than thở hơn so với môn Lịch sử. Ngay trong cấu trúc minh hoạ của đề thi môn Lịch sử năm nay của Bộ GD&ĐT đưa ra, để đạt từ 7 điểm trở lên đòi hỏi thí sinh phải “chịu khó”.
Theo thầy Sum, môn Lịch sử thi trắc nghiệm “nhẹ” hơn tự luận là thí sinh không phải nhớ ngày tháng, địa danh, hay quá nhiều số liệu. Mà nay, các câu hỏi mang tính nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Trường hợp thí sinh không nhớ phương án, có thể loại trừ để đạt kết quả mong muốn. Trường hợp đáp án gây nhiễu (thường là câu ở mức thông hiểu đến vận dụng cao để phân loại thí sinh), chẳng hạn trong câu hỏi có đáp án tương tự nhau nhưng khác câu từ, như “tương đối”, “rất”,... thì thí sinh phải đọc kỹ phương án để tránh hiểu nhầm ý và chọn ngay đáp án cho là đúng nhất, hoặc đáp án đó có đến ⅔ là đúng nhất.
Thầy Sum cho biết, các câu khó thường đòi hỏi thí sinh phải vận dụng đến vận dụng cao, tức là thí sinh phải so sánh điểm giống và khác nhau để tìm ra đáp án đúng cho vấn đề được nêu. Bên cạnh đó, các em phải đánh giá, liên hệ thực tiễn, và rút ra bài học. Chẳng hạn như câu hỏi: “Từ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì trong quá trình lãnh, chỉ đạo của Đảng ta trong tình hình hiện nay? Hãy chọn đáp án đúng hoặc sai và vì sao?”. Hoặc câu hỏi mở đầu là “Có ý kiến cho rằng…” và đưa ra rất nhiều đáp án gây nhiễu, đòi hỏi thí sinh không chỉ vững kiến thức mà còn phải biết cách đánh giá, nhận định vấn đề đúng sai ngay khi liên hệ với thực tiễn. Do đó các em thí sinh cần bình tĩnh đọc kỹ đề thi và biết cách phân phối thời gian thi sao cho hợp lý. Không nên chú tâm vào những câu quá khó mà mất thời gian. Hãy làm theo từng lượt để không bỏ sót bất kỳ câu nào.
“Các em hãy nhớ, đọc kỹ đề, làm theo lượt, lưu ý câu từ, dùng phương án loại trừ, chọn đáp án đúng nhất, liên hệ thực tế và tuyệt đối không bỏ sót câu nào. Hãy bình tĩnh, tự tin. Chúc các em đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi”, NGƯT Hoàng Văn Sum chia sẻ bí quyết./.
Băng Thanh