(CMO) Để kịp thời giải quyết tình thế khi Nhà máy Xử lý rác thải “nghỉ dưỡng”, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện phải rà soát, bố trí những vị trí phù hợp, đảm bảo các điều kiện vệ sinh, môi trường để tập kết và xử lý rác thải sinh hoạt tạm thời.
Bài 2: “Lệnh” nhập rác khó bề lo liệu
Thực hiện sự chỉ đạo ấy, 3 tháng qua, bãi rác cũ tại Khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân bắt đầu “mở cửa” trở lại để chứa lượng rác thải trung bình 4 tấn/ngày của thị trấn. Bãi rác này có diện tích 4.000 m2, hoạt động từ năm 2006.
Thiếu quỹ đất cho “rác”
Vị trí bãi rác tạm ở thị trấn Cái Đôi Vàm thuộc diện tích đất rừng phòng hộ rất xung yếu. Theo chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ và của Bộ NN&PTNT về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, việc chuyển đối mục đích sử dụng rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ven biển chỉ thực hiện đối với các dự án đầu tư thật sự cần thiết, cấp bách đế phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ an ninh - quốc phòng, đồng thời phải thực hiện đúng trình tự thủ tục cần thiết theo quy định hiện hành.
Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân Trần Minh Huyện cho biết: “Đây là bãi rác cũ, mới hoạt động trở lại thời gian gần đây trong khi chờ Nhà máy Xử lý rác thải TP Cà Mau thu gom trở lại. Mặc dù việc tận dụng lại bãi rác cũ này là sai quy định, nhưng hiện tại huyện Phú Tân chưa được đầu tư bãi rác, việc này gây khó cho chính quyền địa phương”.
Hiện dự án đầu tư xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân chưa triển khai bước thực hiện đầu tư, chỉ thực hiện điều tra cơ bản, khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và dự án này đã đình hoãn theo chủ trương của UBND tỉnh.
Xe vận chuyển rác vào bãi Cái Đôi Vàm. Ảnh: Đặng Duẩn |
Tìm một hướng mở
Thực tế trên cho thấy việc xử lý rác thải trên địa bàn TP Cà Mau nói riêng và các địa phương nói chung đang phụ thuộc quá lớn vào quá trình hoạt động của một công ty tư nhân. Điều này cũng chỉ ra một vấn đề lớn là tỉnh chưa có quy hoạch rõ ràng trong việc xử lý rác thải ở các địa phương.
Với những khó khăn thực tế, ông Trần Minh Huyện cho rằng: “Việc tái sử dụng bãi rác tại thị trấn Cái Đôi Vàm để tập kết và xử lý rác thải sinh hoạt tạm thời là phù hợp, vì hạ tầng cơ sở ở đây vẫn còn sử dụng được; Diện tích sử dụng tạm cây rừng rất ít, trên địa bàn huyện không còn vị trí nào thích hợp để tập kết và xử lý rác thải. Tuy nhiên, để đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, môi trường cần phải cải tạo, đào đắp, bao ví và lót vải địa kỹ thuật hố chôn lấp rác”.
Ông Trần Minh Huyện cũng cho biết, khi Nhà máy Xử lý rác thải TP Cà Mau hoạt động trở lại, hoặc bố trí được vị trí xử lý rác nơi khác phù hợp, huyện sẽ cho vận chuyển số rác này, trả lại hiện trạng đất ban đầu.
Như vậy, ở “kỳ nghỉ dưỡng” lần 2 của Nhà máy Xử lý rác thải TP Cà Mau, tỉnh đã xuất hiện 2 bãi rác lọt thỏm trong diện tích rừng phòng hộ ven biển vốn dĩ được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt.
Ngày 2/11/2018, Sở Xây dựng có Công văn số 2960/SXD-PTĐT&HTKT gửi UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị UBND tỉnh đóng cửa ngay 2 bãi rác tạm thuộc thị trấn Cái Đôi Vàm và thị trấn Sông Đốc. Song song đó, sở cũng xin chủ trương cho phép vận chuyển rác thải đã tập kết tại 2 bãi rác này về bãi chôn lấp rác của TP Cà Mau do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau quản lý. Nếu phương án này được chấp thuận, thì cuộc hành trình từ biển của rác thải ở Sông Đốc lại "chảy" ngược vào bờ.
Mặt khác, thời gian tới, việc Nhà máy Xử lý rác thải TP Cà Mau mở cửa vận hành hay vẫn giữ quan điểm “xin nghỉ tiếp 3 tháng” thì câu chuyện “rác” sẽ chưa thể kết. Vấn đề thiết yếu hiện nay, liệu tỉnh có chấp thuận kiến nghị của các địa phương mở rộng bãi rác tạm để “phòng” những “kỳ nghỉ dưỡng” tiếp theo của Nhà máy Xử lý rác thải.
Dư luận đang quan tâm: Liệu trong thời gian sớm nhất tỉnh có thể phá vỡ thế độc quyền, tạo sự cạnh tranh công bằng trong thu gom và xử lý rác? Được như thế sẽ tránh được những phiền toái, hệ luỵ không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn tạo ra nhiều luồn dư luận không hay như thời gian qua./.
Phong Phú - Đặng Duẩn