Sau hơn 3 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD các cấp trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền; từ đó không chỉ nhận thức về quyền lợi của người tiêu dùng tăng lên mà ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề này cũng được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ NTD chưa thực sự hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, hoặc có hiểu thì tâm lý e ngại vẫn đè nặng, trở thành rào cản để họ thụ hưởng những quyền lợi được hưởng.
Sau hơn 3 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD các cấp trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền; từ đó không chỉ nhận thức về quyền lợi của người tiêu dùng tăng lên mà ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề này cũng được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ NTD chưa thực sự hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, hoặc có hiểu thì tâm lý e ngại vẫn đè nặng, trở thành rào cản để họ thụ hưởng những quyền lợi được hưởng.
Thời gian qua, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận nhiều vụ việc liên quan đến xâm hại quyền lợi NTD. Hầu hết các vụ việc trên đều được xử lý thành công, các doanh nghiệp đã bồi thường cũng như đổi sản phẩm mới cho NTD.
Chi Cục Quản lý thị trường đẩy mạnh kiểm tra hàng gian, hàng giả nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. |
Theo Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Cà Mau Nguyễn Việt Trung, hiện nay còn nhiều trường hợp NTD bị thiệt hại nhưng không biết phải hỏi ai, không biết khiếu nại ở đâu hoặc bỏ qua vụ việc vì cho rằng mức thiệt hại không lớn. Tuy nhiên, chính việc không lên tiếng đó khiến người kinh doanh tiếp tục “móc túi" NTD. Nhỏ nhất là NTD bị ăn gian về trọng lượng. Ðơn cử như 1 gói đường hoặc 1 gói bột ngọt chỉ thiếu trọng lượng 1 chút thì 1 tháng, 1 năm, người kinh doanh đã “móc túi” NTD 1 lượng không nhỏ.
Ðể bảo đảm quyền lợi cho NTD, các lực lượng chức năng đã phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước đẩy lùi tình trạng kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến quyền lợi NTD và uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thời gian qua, các cấp hội trong tỉnh tích cực tham gia, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường về các lĩnh vực xăng dầu, công nghệ thực phẩm, sữa, an toàn vệ sinh thực phẩm… đã xử phạt gần 4 tỷ đồng.
Các cấp Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và phổ biến thông tin, kiến thức cho NTD về tình hình hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại trong nhiều lĩnh vực mà NTD quan tâm, cũng như vận động các doanh nghiệp hưởng ứng ngày Bảo vệ quyền lợi NTD thế giới hằng năm. Từ đó, góp phần nâng cao trách nhiệm cộng đồng doanh nghiệp và giúp NTD từng bước nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, biết phòng tránh, hạn chế bị thiệt hại, biết cách yêu cầu, khiếu nại đúng quy định.
Theo ông Nguyễn Việt Trung, các doanh nghiệp nên tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ NTD đến đông đảo quần chúng Nhân dân. Mỗi doanh nghiệp nên treo pano, áp phích ghi 8 quyền lợi NTD tại các điểm bán hàng. Ðồng thời, doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm đối với người tiêu dùng theo quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và các văn bản khác có liên quan.
Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, NTD phải tự trang bị kiến thức cơ bản để biết khi nào quyền lợi của mình bị xâm phạm. Ðồng thời cần dành sự quan tâm hơn để tìm hiểu luật, quy định của Nhà nước, trong đó NTD có 8 quyền và 2 nghĩa vụ (được quy định tại Ðiều 8 và điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD), tìm hiểu cách thức bán hàng của doanh nghiệp, lấy những chứng từ cần thiết khi mua bán. NTD cần phải lên tiếng với những hàng hoá, dịch vụ không bảo đảm để các cơ quan chức năng vào cuộc. Thông qua đó, không những lợi ích cá nhân của NTD được bảo vệ, mà còn bảo vệ lợi ích cho xã hội, bảo vệ uy tín, thương hiệu cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính./.
Bài và ảnh: Phượng Hồng