ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 27-7-24 11:31:06
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðề phòng ngộ độc thực phẩm

Báo Cà Mau Ðã qua, tại Cà Mau chưa xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm, nhưng thời điểm giao mùa này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Thế nên, việc cẩn trọng trong lựa chọn thức ăn, thực phẩm là điều cần thiết.

Vụ việc 487 người ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu ở Ðồng Nai vào ngày 1/5 là hồi chuông cảnh báo về tình trạng đáng lo ngại này. Các bệnh nhân đều ăn bánh mì mua cùng một chỗ. Trong các mẫu thực phẩm lấy từ cơ sở bán bánh mì gửi đi xét nghiệm, phát hiện tỷ lệ vi khuẩn Salmonella cao. Ðây là loại vi khuẩn đường ruột, có trong phân người, động vật bị nhiễm bệnh và môi trường. Hầu hết các trường hợp bệnh là do tiêu thụ thực phẩm hoặc sử dụng nguồn nước ô nhiễm có chứa Salmonella. Thời gian ủ bệnh khi nhiễm Salmonella từ 6-72 giờ sau khi ăn, thông thường từ 18-36 giờ sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau quặn bụng, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt. Một số ít người còn bị buồn nôn, ói mửa, nghiêm trọng hơn là tử vong.

Mặc dù hiện tại Cà Mau chưa có ca nào nhập viện điều trị cấp cứu về ngộ độc thực phẩm, thế nhưng điều này không đồng nghĩa với việc không có nguy cơ, nhất là trong giai đoạn giao mùa và việc bày bán đồ ăn, thức uống từ các thành phần khó bảo quản và dễ ôi thiu như: bánh mì, xôi, các loại đồ chiên...

Học sinh thường có thói quen dùng thực phẩm bày bán xung quanh trường. (Ảnh minh hoạ)

Qua ghi nhận tại khu vực điểm Trường THPT Hồ Thị Kỷ, Trường THPT Cà Mau (TP Cà Mau)... cho thấy, các bạn học sinh vẫn thoải mái mua thức ăn xung quanh khu vực cổng trường để kịp giờ học. Chị N.T.T.L, một người bán hàng tại cổng Trường THPT Cà Mau, cho biết: “Tôi bán cho học sinh là chủ yếu. Thời tiết này dễ làm đồ ăn bị hư nên tôi chú trọng bảo quản. Bánh mì được lò giao vào buổi sáng rất nóng, các loại chả cũng được tôi mua từ các cơ sở uy tín. Nếu bán không hết, tôi sẽ bảo quản vào tủ lạnh. Khi bán, tôi cũng có mang bao tay”.

Ngoài các loại thực phẩm làm từ gạo, các bạn học sinh cũng rất ưa chuộng những loại đồ chiên, như: bò viên, chả cá, xúc xích... Ðây cũng là những loại tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, bởi chúng được bày bán trên vỉa hè, nếu không bảo quản kỹ sẽ dễ bị bám bẩn và vi khuẩn. Chưa kể, dầu chiên thực phẩm cũng không chắc có được sử dụng một lần hay tận dụng nhiều lần gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

Chị Trịnh Thị Bích Trâm, phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Cà Mau), cho biết: “Tôi cũng nhắc con không mua ăn những đồ chiên ở ngoài đường, vì loại thực phẩm này không đảm bảo nguồn gốc. Còn về dầu chiên, vì lời mà người bán tận dụng nhiều lần, rất mất vệ sinh. Ðồ chiên làm từ thịt có thiu hay chua thì sao biết được. Ăn vào lỡ có gì sẽ trở tay không kịp”.

Cà Mau đang hưởng ứng Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 nên các cơ quan chức năng tỉnh tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm đường phố hay xung quanh các trường học. Theo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, các xe bán thức ăn xung quanh trường học hay vỉa hè thuộc diện không đăng ký nên khó quản lý. Ðơn vị đã phối hợp với ngành giáo dục tuyên truyền ở các điểm trường, giúp học sinh có ý thức trong việc sử dụng thực phẩm an toàn cho bản thân. Hiện các trường học cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền trong các buổi chào cờ và sinh hoạt đầu giờ, để hạn chế tình trạng học sinh mua thức ăn lề đường hay vỉa hè xung quanh khu vực trường.

Bác sĩ CKII Phạm Minh Thiên, Trưởng khoa Nội tiêu hoá, Bệnh viện Ða khoa tỉnh, cho biết, năm 2023 đã ghi nhận 20 ca ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì, xôi. Từ đầu năm đến nay chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm nào. Thế nhưng, hiện đang ở thời điểm giao mùa, cần phải đề cao cảnh giác, bởi đây là lúc các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra nhiều nhất. Các loại như pate tự làm (gan heo, thịt mỡ), dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương), chả lụa, thịt nguội, thịt heo... được tiệm mua từ nơi khác luôn tiềm ẩn nhiều loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm như: vi khuẩn Salmonella, độc tố vi nấm Aflatoxin, độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum... vô cùng nguy hiểm. Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra sau vài phút hoặc vài giờ, cũng có thể là từ 1-2 ngày sau khi hệ tiêu hoá tiêu thụ hết thực phẩm.

Bác sĩ CKII Phạm Minh Thiên cho biết, thời điểm giao mùa sẽ dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm nên cần cẩn trọng lựa chọn thực phẩm sử dụng.

Bác sĩ Thiên cho biết: “Một số trường hợp người bệnh đã bị ngộ độc thực phẩm cần phải đến cơ sở y tế hay bệnh viện gần nhất như: có những biểu hiện khác thường sau khi ăn uống một thực phẩm nào đó; những người cùng ăn chung một loại thực phẩm có biểu hiện giống nhau, trong khi những người không ăn loại thực phẩm đó không có biểu hiện gì; hay gặp phải những triệu chứng ngộ độc thực phẩm đặc trưng như đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy; thực phẩm vừa ăn uống đã có mùi vị lạ, ôi thiu, thậm chí có thể có giun sán”.


Khi nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh có biểu hiện ngộ độc, cần bình tĩnh và áp dụng những biện pháp sơ cấp cứu ngay lập tức để tránh, tác động xấu đến sức khoẻ người bệnh. Bác sĩ Thiên hướng dẫn: “Ðối với người có triệu chứng nôn mửa ngay sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm độc, hoặc những người bệnh còn tỉnh táo, chưa có triệu chứng ngộ độc, cần lập tức dùng mọi biện pháp kích thích để nôn hết những thức ăn ra khỏi dạ dày. Có thể dùng ngón trỏ đã rửa sạch để ép vào góc lưỡi người bệnh hoặc pha nước muối hoà tan trong nước ấm. Khi kích thích người bệnh nôn, nên để người bệnh nằm nghiêng, kê cao phần đầu để chất độc không bị trào ngược. Ðối với người bị ngộ độc có thể nôn và tiêu chảy nhiều lần sẽ dẫn đến mất nước, do đó, cần cho người bệnh uống nhiều nước và nghỉ ngơi. Có thể bù nước cho người bệnh bằng dung dịch oresol được pha theo chỉ dẫn”.


 

Lam Khánh

 

Phòng tránh biến chứng do tăng huyết áp

Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Tăng huyết áp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Phòng ngừa thiếu vitamin A ở trẻ

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể cần với số lượng rất nhỏ, nhưng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khoẻ. Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu tới sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ. Một trong những vi chất quan trọng và thường hay bị thiếu nhất ở trẻ là vitamin A.

Các mốc tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu hiệu quả

Sau khi trong nước ghi nhận ca tử vong do bạch hầu tại Nghệ An và tình hình chuyển biến bệnh đang có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, rất nhiều người dân tại Cà Mau vội vàng đi tiêm vắc-xin phòng bệnh. Tuy nhiên, ngành y tế khuyến cáo người dân cần bình tĩnh để bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình đúng cách.

Cà Mau triển khai nhiều biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu

Nhiều tỉnh phía Bắc đã xuất hiện trường hợp tử vong vì bệnh bạch hầu nên nguy cơ bùng dịch là rất cao. Ngành Y tế tỉnh Cà Mau đã tiến hành nhiều biện pháp để phòng chống bệnh này.

Chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ

Đột quỵ hay được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng xảy ra khi cục máu đông, mảng xơ vữa hoặc mạnh máu bị vỡ cắt đứt nguồn cung cấp máu cho não. Sau cơn đột quỵ, đa số người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng và cần có một quá trình lâu dài để phục hồi.

Cẩn trọng khi sử dụng thực phẩm có chất bảo quản

Hiện nay, vấn đề sử dụng các loại hoá chất, chất phụ gia thực phẩm nhân tạo, các loại chế phẩm tổng hợp để tẩm ướp, bảo quản thực phẩm đã trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, đây lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ngộ độc cho người tiêu dùng, thậm chí có thể gây tử vong nếu ở mức độ nghiêm trọng.

Ung thư máu và những dấu hiệu nhận biết

Theo các bác sĩ chuyên khoa ung bướu Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, ung thư máu là căn bệnh ác tính, nó khiến cho lượng bạch cầu trong cơ thể con người có thể sẽ tăng vọt lên một cách đột biến, khiến cho cơ thể không thể sản sinh ra các chất đề kháng kịp thời và phản ứng lại với hiện tượng này một cách có hiệu quả.

Xoa dịu nỗi đau của bệnh nhân

Ngoài đặc thù điều trị không dùng thuốc, tại Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Cà Mau, việc góp phần phục hồi sức khoẻ bệnh nhân còn là sự kiên trì, nhẫn nại, thấu hiểu và chia sẻ của các bác sĩ, kỹ thuật viên.

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa mẹ có đủ chất dinh dưỡng cần thiết như: đạm, đường, mỡ, năng lượng, vitamin và muối khoáng, với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Vì thế, cho trẻ bú sữa mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng được suy dinh dưỡng.

Cùng dân phòng, chống sốt xuất huyết

Năm 2023, xã Rạch Chèo ghi nhận có 3 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, từ đầu năm 2024, cùng với triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao ý thức thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh SXH.