(CMO) Giá trị kinh tế và vai trò của rừng trong bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai đã được khẳng định. Tuy nhiên, do lịnh sử để lại, cụ thể là công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế đã tạo ra một số khó khăn trong mời gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua.
Toàn tỉnh có 9 huyện, thành phố thì đã có đến 6 huyện nằm trong vùng rừng, đất lâm nghiệp nên việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Thực tế thời gian qua có không ít dự án nhà đầu tư phải mất rất nhiều thời gian, công sức để thực hiện công việc này do vướng quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020.
![]() |
Ngoài kiểm tra vi phạm, Ðội Quản lý, bảo vệ rừng còn thường xuyên theo dõi tình trạng phát triển của cây. |
Hạn chế từ quy hoạch
Phân tích thêm về hạn chế này, ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, do trong thời gian thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 nên chưa có nhiều nhà đầu tư vào tỉnh để xác định đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các doanh nghiệp lớn, có sử dụng quỹ đất lớn liên quan đến đất rừng. Do đó, thời gian qua, việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác gặp nhiều khó khăn.
Ðể chuyển mục đích sử dụng đất rừng và rừng nếu thuộc thẩm quyền của tỉnh thì địa phương sẽ chủ động, không phải mất nhiều thời gian để được thông qua. Tuy nhiên, đối với diện tích vượt thẩm quyền phải xin Thủ tướng Chính phủ hay thông qua Quốc hội.
“Việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp đối với tỉnh rất cân nhắc và thận trọng, phải tiến hành xem xét từng dự án cụ thể”, ông Thức cho biết thêm.
Một hạn chế trước đây trong công tác lập quy hoạch là, ngành nào thì ngành đó quy hoạch; tỉnh nào tỉnh đó quy hoạch, không có sự tích hợp dẫn đến tình trạng không đồng bộ, chồng chéo. Hiện trạng một số điểm dừng chân dọc theo đường Hồ Chí Minh đoạn trên địa bàn huyện Ngọc Hiển là một ví dụ. Dù đã có chủ trương cho đầu tư và nằm trong quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh từ nhiều năm qua nhưng đến nay việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất vẫn chưa thể hoàn thiện để tiến hành đầu tư.
Việc chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp tại công ty lâm nghiệp hay địa phương quản lý còn đơn giản, đối với rừng của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau càng khó khăn gấp bội. Trước đây, khi chưa có quyết định thành lập Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, trung tâm hành chính xã và các tuyến dân cư đã tồn tại. Thế nhưng, khi quy hoạch Vườn Quốc gia lại trùm lên toàn bộ, từ đó khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp khó khăn, kể cả việc triển khai thực hiện các chính sách quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương càng khó khăn hơn khi đó là vùng lõi của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Tích hợp quy hoạch
Trước những khó khăn ấy, ông Trần Văn Thức cho biết, hiện nay Sở NN&PTNT đang kết hợp với các sở, ngành và địa phương tiến hành rà soát lại toàn bộ nhu cầu sử dụng đất rừng, sử dụng rừng để chuyển sang mục đích khác nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sắp xếp dân cư, ổn định từng cụm tuyến dân cư, các trung tâm kinh tế - xã hội lớn chưa được tách ra khỏi đất lâm nghiệp để trong quy hoạch 2021-2030, định hướng đến 2050, sẽ tháo gỡ. Ðồng thời, tiến hành rà soát thật kỹ hiện trạng rừng và đất rừng đã sử dụng, định hướng sử dụng thời gian tới để đưa vào quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Riêng đối với ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các đơn vị tư vấn tích hợp quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia 2021-2030 để tháo gỡ khó khăn trong chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp như hiện nay.
Trong Ðề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025” cũng đã đưa ra mục tiêu trên lĩnh vực lâm nghiệp rất rõ ràng. Tiêu biểu như, đưa gỗ, sản phẩm từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ thuộc nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh. Mục tiêu trọng tâm mà đề án đặt ra là phát triển trồng rừng thâm canh gỗ lớn đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và thị trường lâm sản trong và ngoài nước, sản lượng nguyên liệu lâm sản gỗ khai thác đạt trên 400.000 m3 vào năm 2025.
Theo đó, hiện nay khu vực rừng U Minh Hạ diện tích kê liếp trồng rừng thâm canh đạt trên 23.000 ha trong tổng số khoảng 32.000 ha rừng sản xuất. Còn lại khoảng 9.000 ha rừng sản xuất đến năm 2025 sẽ cơ bản trồng theo hình thức thâm canh giống mới cũng như đưa những kỹ thuật mới trong làm đất, kê liếp, các quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, đặc biệt xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp ngày một hiệu quả hơn.
Ðối với rừng ngập mặn, Sở NN&PTNT đã xác định đây là khu vực phát triển nuôi tôm sinh thái kết hợp với phát triển bảo vệ rừng. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 20.000 ha đã được chứng nhận tôm sinh thái của trên 4.500 hộ dân. Các hộ này đã được chủ rừng và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản liên kết tiêu thụ sản phẩm.
“Ðây là mô hình phát triển bền vững đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn vừa phát triển kinh tế cho người dân, vừa kết hợp bảo vệ và phát triển rừng để thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Thức nhận định.
Ðịnh hướng phát triển của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thời gian tới, ông Ðỗ Văn Ðồng, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, cho biết, giải pháp được xem là đột phá và tháo gỡ được khó khăn cho cả lực lượng quản lý, bảo vệ rừng và cả chính quyền địa phương là hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Hiện nay, vườn đang hoàn thiện phương án phát triển rừng bền vững. Ðồng thời, kết hợp với địa phương lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong phương án quản lý rừng bền vững sẽ triển khai đồng bộ các phương án trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, quan trọng nhất là đạt được mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng đặc dụng, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với nuôi thuỷ sản ven biển. Ðặc biệt, tập trung phát triển du lịch sinh thái cộng đồng bằng việc tạo ra nhiều sản phẩm như mở thêm tour, tuyến xuyên rừng, dịch vụ nghỉ dưỡng, dịch vụ trải nghiệm… Qua các hoạt động đó nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trong lâm phần để họ thấy được hiệu quả kinh tế mang lại mà toàn tâm, toàn lực bảo vệ và phát triển rừng.
Ðến nay, việc thanh lý hợp đồng của các đơn vị sản xuất tự túc với các chủ rừng theo Chỉ thị 10 của Tỉnh uỷ Cà Mau cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, qua rà soát vẫn còn khoảng 860 ha nằm rải rác tại các ban quản lý rừng của các đơn vị sản xuất tự túc trước đây giao khoán lại cho các hộ dân sản xuất, việc bàn giao chưa được thực hiện hoàn thành. |
Nguyễn Phú - Khánh Phương