Nhân dân Tân Phú trọn lòng thành kính các vị Vua Hùng, cầu mong quốc thái dân an, nỗ lực sản xuất để phát triển đời sống, xây dựng quê hương.
Bên dòng Bạch Ngưu, đoạn thuộc ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, Đền thờ Vua Hùng trầm mặc uy nghiêm với lịch sử khoảng 150 năm tồn tại. Dân gian còn truyền lại tên gọi “Miễu ông Vua”, tục thờ cúng vào 10/3 âm lịch hằng năm, đời này truyền sang đời khác, mặc cho biến thiên thời cuộc thế nào. Nói như lời của lão nông Năm Tỷ (Châu Văn Tỷ, Trưởng Ban quản lý Đền): “Vua Hùng và các vị tiền nhân dựng nước đã phù trợ để khơi mạch đất Tân Phú, biến nơi đây từ vùng đất hoang hoá thành xóm, thành làng, đời sống người dân ngày càng sung túc”.
Miễu ông Vua dựng lên bởi một nhóm lưu dân đi mở đất. Qua các mẩu chuyện lưu truyền trong dân gian, nhất là những bậc cao niên là người cố thổ thì những người này có vốn liếng Nho học và đặc biệt có tinh thần dân tộc, luôn hướng về nguồn cội, giống nòi.
Ông Năm Tỷ hồi nhớ: “Tân Phú bấy giờ có “đường cái quan” đi qua, lại có dòng Bạch Ngưu thuận tiện giao thông thuỷ, những người mở đất có lẽ đã đặt chân đến đây từ rất sớm”. Theo lời ông Năm, từ miễu rồi dựng thành đền thờ, hương khói ở nơi thờ tự Vua Hùng chưa bao giờ gián đoạn. Lớp người cao niên trên trăm tuổi ở Tân Phú không còn ai, ông Năm thuộc thế hệ kế tiếp nhận trọng trách coi sóc và cúng bái tại đền.
Biểu tượng của sự trường tồn
Những người lớn tuổi hơn ông Năm kể lại, thời Pháp, cứ đến mùng 10/3 thì tổ chức linh đình, kéo dài mấy ngày, dân trong vùng và các xứ lân cận kéo về nườm nượp. Giai đoạn kháng Mỹ - Diệm, lúc này ông Năm đã biết chuyện thì Miễu ông Vua được cất bằng cây lá. Bà con trong vùng, đặc biệt là dân Giao Khẩu dù nghèo khổ đến đâu cũng dâng hương khói, chuẩn bị lễ vật là một con heo (khi thắt ngặt quá thì heo chỉ chiếu lệ đôi ba chục ký) để dâng cúng. Ông Năm cho biết: “Tụi giặc cũng không cấm đoán gì, chỉ có điều chiến tranh ác liệt quá, có dạo cả xóm quanh đền này đều tản cư hết”.
Đền thờ Vua Hùng vẫn uy nghiêm mặc cho biến thiên thời cuộc. |
Trong bom đạn, cái chết rình rập, đêm đêm trong Miễu ông Vua lại sáng lên những nén nhang. Người dân Tân Phú vẫn âm thầm bám đất, khấn nguyện Vua Hùng mong chiến tranh kết thúc, mong nước nhà hoàn toàn độc lập, trên mảnh đất này bà con sẽ dựng lại Đền Hùng lớn hơn, trang nghiêm hơn. Ông Năm cho hay: “Nền đất dựng Đền Hùng là của gia đình bác Ba Cống. Chiến tranh ác liệt vậy mà bác Ba vẫn trụ lại để khói hương, thờ tự Vua Hùng. Nhớ về một thời kỳ đau thương, hoang tàn để thấy rằng, dân Tân Phú lúc nào cũng tâm niệm thiêng liêng về các vị Vua Hùng. Có một điều rất lạ là, không ai bảo ai, nhưng ai cũng biết Miễu ông Vua chính là nơi thờ của các vị Vua Hùng dựng nước. Con nít biết, người già càng biết rõ ngọn ngành, thế nên cứ độ tháng 3 về là Tân Phú lại náo nức ngày Giỗ Tổ".
Bí thư Chi bộ ấp Giao Khẩu Đoàn Văn Nhi bộc bạch: “Không chỉ người dân ở đây, những người con xa quê hay khách của các tỉnh lân cận, cứ tới Giỗ Tổ là tề tựu về. Dân Giao Khẩu chuẩn bị lễ giỗ trước cả tháng, người góp tiền, người góp công, ai ai cũng sắm sửa lễ vật với lòng thành kính, cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà yên ấm”. Theo anh Nhi, những năm gần đây, lượng người về đền tăng vọt nhanh chóng, dịp lễ tới nhẩm tính sẽ có hơn 1.200 khách về. Ban Chỉ đạo và Ban Quản lý Đền Hùng sẽ tổ chức đón tiếp, đãi cơm, tạo điều kiện cho mọi người hưởng lộc cầu may.
Theo lệ, khoảng 2 giờ chiều ngày mùng 9, nghi lễ cúng Thần Nông được tiến hành với phẩm vật heo trắng. Đến khuya thì nghi lễ chính thức cúng Vua Hùng được tiến hành với lễ vật heo quay. Sáng mùng 10 sẽ có lễ rước kiệu, dâng hương dành cho khách viếng.
Đền Hùng là biểu tượng thiêng liêng, trường tồn của người dân Tân Phú. Ông Năm Tỷ khẳng định: “Truyền thống này đã nhiều đời duy trì và sẽ tiếp tục được giữ gìn. Đây là dịp để mỗi người hướng về cội nguồn quê hương, tình làng xóm láng giềng ngày thêm thắt chặt”. Nhìn ra hướng Bạch Ngưu, ông Năm nói: “Cúng mỗi năm mỗi lớn hơn, Tân Phú nhờ đức các vị Vua mà đã "thay da đổi thịt"”.
Khơi dòng!
Trong cái nắng đổ lửa, nhưng cô Tạ Thị Yến vẫn tươi cười: “Hồi sớm qua Đền Hùng cùng bà con trang hoàng, sắp xếp lại, năm nay bà con chuẩn bị tinh thần hăng hái lắm à”. Cô Yến kể: “Vợ chồng cô sinh ra ở đất này, nói thiệt, qua chiến tranh rồi bà con nghèo khổ lắm. Rồi sức người đổ xuống, cây lúa mọc lên, dần dà người dân có cái ăn, cái mặc”.
Khi chuyển dịch sang làm vụ lúa - tôm, rồi xen canh hoa màu, nuôi cá sấu, nhà cô Yến đã có của ăn của để. Cô Yến nói: “Không chỉ ở Tân Phú thôi đâu, nhiều người từ xa xôi lặn lội về với tấm lòng thành kính, sự thiêng liêng của Đền thờ Vua Hùng. Ai cũng cầu mong làm ăn hanh thông, sức khoẻ dồi dào, gia đình hạnh phúc”.
Nhìn chuồng cá sấu, màu xanh hoa màu quanh nhà của cô Yến, cái nắng hạn cực điểm năm nay cũng dịu lại phần nào: “Năm nay hạn quá, coi như vụ lúa của bà con thiệt hại nặng, nhưng bà con hy vọng năm sau mọi chuyện sẽ tốt hơn”, cô Yến bộc bạch.
Ông Trần Văn Thiệt tiếp lời: “Vậy đó, tới lễ là mọi người xúm lại thêm tay, thêm chân, mấy năm nay chuẩn bị cả bánh tét, bánh dầy, nấu ăn xôm tụ lắm. Tân Phú có được bây giờ là nhờ công đức và sự hộ độ của các vị Vua Hùng đó”.
Quyền Chủ tịch UBND xã Tân Phú Nguyễn Hoàng Quảnh cho biết: “Kế hoạch chuẩn bị Giỗ Tổ năm nay chủ yếu là của địa phương thực hiện, trong khi đó lượng khách về viếng ngày càng đông. Đền thờ Vua Hùng là di tích cấp tỉnh, địa phương mong muốn nhận được sự quan tâm, trách nhiệm cụ thể của ngành chủ quản để công tác chuẩn bị tốt hơn”. |
Quyền Chủ tịch UBND xã Tân Phú Nguyễn Hoàng Quảnh thông tin: “Địa phương đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho dịp lễ năm nay. Ngoài phần lễ thì phần hội với các trò chơi dân gian cũng được tổ chức nhằm tạo sinh khí phấn khởi. Tân Phú đang trải qua một mùa sản xuất khó khăn, chúng tôi coi đây là dịp để bà con lấy lại tinh thần, chuẩn bị cho vụ mùa mới thuận lợi hơn”.
Tân Phú đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng NTM, thu nhập bình quân của người dân đạt mức trên 22 triệu đồng/người/năm. Riêng Giao Khẩu chỉ còn 20 hộ nghèo và cận nghèo (ấp có gần 300 hộ), giữ vững được danh hiệu ấp văn hoá theo chuẩn NTM.
Điều mà Quyền Chủ tịch UBND xã Tân Phú Nguyễn Hoàng Quảnh tâm đắc là: “Dân Tân Phú trọn lòng thành kính các vị Vua Hùng. Phần lớn bà con chí thú làm ăn, nỗ lực phát triển đời sống, chủ động sáng tạo thực hiện các mô hình mới”. Con tôm đã mang lại diện mạo mới cho Tân Phú nhưng theo ông Quảnh: “Con tôm phải gắn với vụ lúa, nếu không sẽ phá vỡ quy hoạch, tạo ra tình trạng phát triển cục bộ, thiếu tính ổn định”.
Nhờ bám sát quy hoạch, chủ trương, dân Tân Phú nhanh chóng đưa mô hình tôm - lúa thành thế mạnh chủ lực. Cây màu xen canh trên bờ thửa, đồng ruộng và mới nhất là con cá sấu đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo 12 ấp của xã Tân Phú.
Theo đánh giá của ông Quảnh, Tân Phú đã đi đúng hướng trong việc định hình thế mạnh trong sản xuất, được sự đồng thuận cao độ của Nhân dân. Sức đất và sức người đã cùng được khơi dòng để dựng xây quê hương phát triển. Trong hành trình gian lao của người Tân Phú, Đền thờ Vua Hùng là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, của khát khao mãnh liệt, sức lao động to lớn và tinh thần sáng tạo tuyệt vời của người nông dân.
Niềm tin ấy lan toả thật sâu đậm trong lòng người Tân Phú, thấm đẫm vào thớ đất quê hương. Có lẽ ở bất kỳ nơi đâu trên mảnh đất Việt Nam này, khi có Đền thờ Vua Hùng thì nơi đó linh khí thiêng liêng đều hiện hữu./.
Bài và ảnh: Quốc Rin