(CMO) Hợp tác xã (HTX) Chế biến than 2/9 được thành lập năm 2004, tại ấp Nhà Hội, xã Tam Giang, trên phần đất khoảng 14.500 m2. Diện tích đất này mượn của người dân nhận đất giao khoán của Lâm Ngư trường 184, nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển quản lý, nằm dọc theo tuyến Kênh 17.
Thời gian qua, tình trạng sạt lở đất trên địa bàn huyện Năm Căn xảy ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Gần đây nhất là vụ sạt lở đất tại ấp Nhà Hội, xã Tam Giang vào ngày 12/6 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của HTX Chế biến than 2/9. Hiện tại, ngành chức năng huyện đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thủ tục, trình cấp có thẩm quyền xem xét di dời HTX về địa điểm mới, góp phần cho xã viên HTX an cư, lạc nghiệp.
Hiện nay, phần đất này đã thay đổi chủ và người này yêu cầu lấy lại đất trong nhiều năm nay. Mặt khác, sạt lở đất khu vực này đang diến biến phức tạp, do đó cần thiết di dời về địa điểm mới an toàn.
Hiện trường sạt lở tại HTX Chế biến than 2/9. |
“Chủ vuông ngày xưa thống nhất với UBND xã và đơn vị giao khoán đất cho HTX mượn để bà con sản xuất, nay đã sang bán lại cho chủ khác và đặt vấn đề lấy lại. Bên cạnh đó, khu vực này đang bị sạt lở, diện tích xây dựng lò hầm than không đảm bảo, người dân cũng có nguyện vọng di dời về vị trí khác”, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Nguyễn Hồng Mơ thông tin.
Giám đốc HTX Chế biến than 2/9 Nguyễn Thanh Bình trần tình: “Nguy cơ sạt lở ở đây cao, do thay đổi dòng chảy. Ban đêm, người dân lo sợ lửa củi; ngoài ra, nếu sạt lở dễ dẫn đến cháy khi lò đang hoạt động. Hiện nay, sạt lở ngày càng ăn sâu vào khu vực này, một số hộ không dám hầm than nữa, nhiều hộ không còn chỗ xây dựng lò lại”.
Trước tình hình đó, địa phương đã bàn bạc, trao đổi và thống nhất với đơn vị quản lý đất là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển sẽ di dời HTX Chế biến than 2/9 về ấp Nhà Luận, với diện tích khoảng 15.000 m2. Hiện nay, ngành chuyên môn huyện đang gấp rút thực hiện các quy trình, thủ tục, tham mưu UBND huyện để trình sở, ngành liên quan cấp tỉnh sớm cho chủ trương, thực hiện phương án di dời. “Chúng tôi đã làm việc với đơn vị quản lý đất, thống nhất vị trí và diện tích. UBND xã đã phối hợp, nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn huyện. Các thủ tục liên quan, Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND huyện thực hiện theo quy định”, bà Nguyễn Hồng Mơ cho biết thêm.
“Việc di dời về địa điểm mới sẽ đáp ứng thoả đáng nhu cầu, nguyện vọng của xã viên HTX. Khi nghe thông tin, bà con đang rất mong đợi và vui mừng”, ông Nguyễn Thanh Bình phấn khởi.
Ðược biết, HTX Chế biến than 2/9 lúc mới thành lập có 32 thành viên, hầu hết là hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhiều hộ từ nơi khác đến làm ăn sinh sống, không đất sản xuất. Sau khoảng 17 năm hoạt động, nhiều thành viên HTX có đời sống khá giả, có điều kiện mua đất canh tác hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Hiện tại, HTX còn 19 thành viên, với 28 lò than, đường kính mỗi lò trung bình từ 5,5-7 m, tương tương 7-5 tấn than thành phẩm.
HTX Chế biến than 2/9 hiện là một trong những mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Năm Căn, nhất là sau khi chuyển đổi và đăng ký hoạt động lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Cuộc sống xã viên dần ổn định, không còn hộ nghèo, con em được học hành đến nơi đến chốn./.
Văn Tưởng