ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 19-6-25 09:25:00
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Báo Cà Mau Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Minh hoạ: LÝ KIỀU LOAN

Minh hoạ: LÝ KIỀU LOAN

Ông Tứ cũng cho biết là giai đoạn sau này, thời kháng chiến chống Mỹ, ông không rõ tin tức của bà Hai Ðầm. Vì vậy, với những thông tin tôi biết, cùng với khoảng thời gian tôi sống cùng gia đình bà, bài viết này, tôi xin được kể tiếp câu chuyện về bà Hai Ðầm trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất.

Tôi gọi bà Hai Ðầm bằng dì Hai. Tên họ đầy đủ của dì là Trịnh Thị Hai. Dì thứ hai, còn má tôi là em kế của dì. Dì Hai sinh năm 1926, nghĩa là khi tham gia trận đánh đồn Tân Bằng, dì đang độ tuổi hai mươi thời con gái. Trong ba người con của ngoại, dì Hai là người gan lì nhất, lanh lợi nhất, nhưng gương mặt có nét duyên thầm. Không biết có phải vì dì mang nét duyên ấy không, mà cuộc đời dì là những chặng đường tình duyên trắc trở, qua mấy lần đò...

Sau này khi tôi lớn lên, được ông bà tôi, thỉnh thoảng chính dì cũng kể lại cho tôi nghe về trận đánh đồn Tân Bằng hồi đó. Theo dì, thời kháng chiến chống Pháp, những người ở tuổi thanh xuân như dì, đâu kể nam hay nữ, tham gia chống giặc ngoại xâm là lẽ đương nhiên và rất đỗi bình thường. Do đó, sự háo hức và lòng quyết tâm được trực tiếp tham gia vào trận đánh để giết giặc, xua tan nỗi lo và sự hồi hộp, dù với nhiệm vụ được giao, dì không được trang bị loại vũ khí nào trong tay. Chỉ có loại vũ khí duy nhất nhưng không kém phần lợi hại, là bằng sắc đẹp con gái tuổi đôi mươi của dì, làm cho giặc không chú ý đề phòng, lơ là, mất cảnh giác. Sau trận đánh đồn Tân Bằng, dì vẫn tiếp tục tham gia công tác ở địa phương trong kháng chiến chống Pháp và mang bí danh “Hai Ðầm” từ đó.

Vừa qua cuộc kháng chiến chống Pháp rồi lại đến kháng chiến chống Mỹ. Khi tôi lớn lên, bom đạn chiến tranh đã lan đến vùng ven thị trấn. Gia đình tôi và gia đình dì Hai cùng về nương tựa trong ngôi nhà của ngoại ở Rạch Ông, thị trấn Thới Bình. Thời gian này, tôi biết dì vẫn tham gia hoạt động cách mạng. Không lâu sau, con trai của dì với người chồng đầu tiên, thoát ly làm du kích và hy sinh trong lần bị giặc phục kích khi đột nhập ấp chiến lược. Tôi còn nhớ anh là anh Hai Trực, bí danh Hai Phú.

Một thời gian sau, dì sống với ông Chín, người chồng kế tiếp của dì. Hằng ngày, dì Hai cùng bà con trong xóm bơi xuồng vô rừng các con kinh số 1, số 2... bên kia Sông Trẹm để đốn củi, rồi về cưa, chẻ, bó thành từng bó để chở ra chợ Thới Bình bán.

Những chuyến đi rừng của dì đồng thời cũng là làm nhiệm vụ của đường dây liên lạc với cách mạng. Khi đi mang theo đạn dược hoặc thuốc men, nhu yếu phẩm do đường dây từ ngoài thị trấn tiếp tế cho chiến khu; khi về xuồng chở đầy cây tràm, còn dì mang theo những chỉ thị từ chiến khu về truyền đạt nhiệm vụ cho cơ sở nội thành, có khi còn mang cả tài liệu.

Chính quyền Việt Nam Cộng hoà khi ấy biết dì là “Việt cộng nằm vùng”, nhưng dì vốn lanh lợi, thông minh, biết ứng phó với mọi tình huống, nên dù chúng ráo riết theo dõi để bắt, hòng lần ra cả đường dây hoạt động, nhưng không tìm được bằng chứng.

Vào khoảng năm 1971, giai đoạn Mỹ và quân đội Sài Gòn mở Chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh”, làm hoạt động tiếp tế của ta rất khó khăn. Chúng theo dõi và tổ chức bắt bớ những người nghi ngờ trong đường dây hoạt động bí mật ở vùng bị chiếm đóng.

Năm ấy, dì Hai bị giặc bắt và giam giữ mấy tháng trời. Dù bị giam cầm, tra trấn nhưng dì không khai và cũng không có chứng cứ nên cuối cùng cũng được thả. Lúc dì bị bắt là khi đang mang thai, rồi sinh nở ở trong tù. Ðó là người con gái út của dì, dì đặt tên là Hận - Tuyết Hận.

Khi ra tù, biết khó có thể tham gia hoạt động cách mạng ở quê nhà, nên cả gia đình dì âm thầm rời khỏi Thới Bình. Bà con không rõ tin tức của gia đình dì Hai từ đó. Mãi cho đến ngày giải phóng, chiến tranh kết thúc, dì mới có dịp trở về thăm quê... Lúc đó, mọi người mới biết là khoảng thời gian ấy gia đình dì lên Ðịnh Quán ở, tại thị trấn cây số 125, vừa buôn bán để sinh sống và cũng để tìm cách liên lạc, kết nối với cơ sở cách mạng, tiếp tục hoạt động.

Năm sau, chồng mất, dì dắt mấy người con vô tận vùng giải phóng Gia Canh sinh sống và tham gia cách mạng cho đến ngày giải phóng. Khi lên vùng đất này, không ai biết dì là bà Hai Ðầm với trận đánh đồn Tân Bằng thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mà nhiều người biết dì với tên gọi là “bà Chín” hoặc “má Chín”.

Vùng Gia Canh cách thị trấn Ðịnh Quán hơn 10 km. Ðường vào Gia Canh chủ yếu là lội bộ. Bắt đầu từ Phú Hoa (cây số 115) qua khu vực đất rẫy của người Hoa Nùng chừng hai cây số, sau đó đi theo đường be sình lầy gần chục cây số nữa. Gia Canh khi ấy là cánh đồng khoảng trên dưới 100 ha, chung quanh bao bọc bởi rừng già. Dưới tán rừng rải rác những ngôi nhà nhỏ đơn sơ, lợp bằng lá trung quân, vách bằng tre nứa của hàng trăm hộ dân trong vùng. Cánh đồng là nơi trồng lúa vào mùa mưa. Ði sâu vào rừng, hướng giáp Bình Thuận là căn cứ của bộ đội và các cơ quan tỉnh, huyện. Dì Hai tôi sống mấy năm ở vùng đất Gia Canh này.

Vào thời gian đó, ba đứa con trai sau này của dì đều lần lượt vào bộ đội, trong đó, có người chung đơn vị với Ðại tá, Nhà văn Chu Lai... Dì hoạt động trong đường dây hậu cần của Tỉnh đội Tân Phú - thời gian từ năm 1973-1976, huyện Ðịnh Quán thuộc tỉnh Tân Phú, do Trung ương cục miền Nam thành lập. Theo những nhu cầu thuốc men, nhu yếu phẩm của bộ đội và các cơ quan trong chiến khu mà dì liên hệ với những người thợ rừng đi khai thác gỗ chuyển vào. Dì được coi như “người nhà” của cơ quan Tỉnh đội, cả trong thời chiến tranh và khi mới vừa giải phóng. Dì đi dâu cũng vậy, bộ đội hay cán bộ ở huyện thường gọi dì là “má Chín” hoặc “bà Chín”. Có những người con nuôi của dì là cán bộ của Huyện đội, Tỉnh đội sau này trưởng thành, làm lãnh đạo của Tỉnh đội Ðồng Nai, như anh Ba Danh...

Sau ngày giải phóng, gia đình dì ra ở tại cây số 114, Quốc lộ 20, thuộc Ðịnh Quán. Nghe theo lời dì, tôi khăn gói từ quê nhà lên Ðịnh Quán, vào Gia Canh tiếp quản ngôi nhà lợp lá trung quân của dì và thửa ruộng gần 1 ha để làm anh nông dân thứ thiệt. Nhưng chưa xong một mùa lúa, trước yêu cầu dạy chữ cho trẻ em trong vùng kháng chiến cũ, dì nói với tôi là con có chút ít chữ nghĩa nên đi làm giáo viên dạy học cho tụi nhỏ ở đây. Trong chiến tranh, đám trẻ con đâu được học hành gì, nên chịu nhiều thiệt thòi... Vậy là tôi làm giáo viên, rồi sau tiếp tục chuyển các công việc khác. Tôi từ giã vùng đất Gia Canh chưa đầy hai năm tính từ ngày tôi đến. Sau này chuyển ra thị trấn Ðịnh Quán đi dạy, tôi vẫn tiếp tục ở tại nhà dì...

Về phần dì Hai, khi ra Quốc lộ 20, Ðịnh Quán một thời gian, được chính quyền địa phương giúp đỡ, dì làm đầu mối khai thác gỗ cho ngành lâm nghiệp của huyện. Ba người con của dì đi bộ đội, sau chiến tranh may mắn được an toàn trở về và lần lượt ra quân, bắt đầu công việc làm ăn lo cho cuộc sống gia đình.

Sau thời gian khai thác gỗ, dì cất được ngôi nhà gỗ. Cuộc sống tuổi về chiều của dì tưởng đã được an yên, dì có thể an hưởng tuổi già sau gần một đời gian lao, vất vả và cả những mất mát khi trải qua hai cuộc kháng chiến. Nhưng khi Nhà nước đóng cửa rừng, công việc khai thác gỗ cũng kết thúc. Gia đình dì lại chuyển chỗ ở để tìm đất làm rẫy sinh sống. Dì bán ngôi nhà gỗ rồi vào xã Phú Tân, cũng thuộc huyện Ðịnh Quán, cách thị trấn khoảng hơn chục cây số về phía sông Ðồng Nai, mua đất, cất ngôi nhà nhỏ và sinh sống bằng nghề làm rẫy. Mà làm rẫy thì cũng phải biết nghề, trong khi dì và bảy người con trong những năm sống ở vùng Ðịnh Quán này, lớn lên trai thì đi bộ đội, con gái thì chỉ biết làm việc nhà hoặc canh tác trên thửa ruộng ở cánh đồng Gia Canh cùng dì... Vì thế, làm rẫy trong thời gian đầu, gia đình dì cũng chỉ đủ sống qua ngày.

Rồi dì bị bệnh mất, hưởng thọ 66 tuổi. Những vất vả, gian truân trong phần lớn thời gian cuộc đời dì qua hai cuộc kháng chiến và những trận đòn trong nhà tù thời Việt Nam Cộng hoà đã để lại di chứng tổn hại sức khoẻ của dì.

Tôi có lên xã Phú Tân vài lần vào dịp giỗ dì. Nhìn ngôi mộ dì Hai nằm lẻ loi bên rìa đám rẫy, chung quanh rải rác những tảng đá ong mà không khỏi chạnh lòng. Vùng đất Ðịnh Quán này, từ lâu dì và thế hệ của những người con đã chọn làm quê hương...

 

Nguyễn Sông Trẹm

 

Phát thanh viên - Nghề của chúng tôi

Chỉ 5 ngày sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Ðộc lập tại Vườn hoa Ba Ðình Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Ðài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi bản tin đầu tiên vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 7/9/1945, khẳng định nền độc lập tự do của một dân tộc, một đất nước đã có chủ quyền, có tên trên bản đồ thế giới. Cũng thời điểm ấy đã khai sinh một nghề mới, đó là nghề “nói trên sóng”, mà chuyên môn gọi là xướng ngôn viên (ngày nay thống nhất gọi phát thanh viên).

CTV - Dấu ấn riêng

Ngày 18/8/2007, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau (CTV) tổ chức họp mặt Kỷ niệm 30 năm phát sóng phát thanh (19/8/1977-19/8/2007) và 20 năm phát sóng truyền hình (19/8/1987-19/8/2007). Trong chương trình văn nghệ chào mừng, thí sinh Quan Thanh Thuỷ, giải Nhất tiếng hát Phát thanh - Truyền hình Cà Mau lần thứ 7-2007 hát bài “Về Ðất Mũi” (Nhạc sĩ Hoàng Hợp - thơ Lê Chí). Lời thơ đó của Lê Chí tới bây giờ vẫn còn nhắc nhở chúng ta: “Ơi! Ðất Mũi Cà Mau, trăm thương ngàn mến. Một hạt phù sa lấn biển thêm rừng. Ðều giục người đi nhanh nhanh đôi bàn chân, nhanh nhanh những nghĩ suy và ước vọng. Về đất biển Cà Mau, thấy đất trời thêm rộng lớn...”.

Làm báo Tết ngày ấy

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trường Tuyên huấn Trung ương III phụ trách công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ tuyên huấn - báo chí - tuyên truyền từ Ðà Nẵng trở vào phía Nam. Năm 1978-1979, trường này mở lớp báo chí trung hạn. Tỉnh Minh Hải (Cà Mau - Bạc Liêu) có số học viên đông nhất, hơn 20 người. Cuối năm 1979, lớp bế giảng, chúng tôi về bổ sung cho Báo và Ðài Phát thanh Minh Hải (hồi đó tỉnh chưa có truyền hình).

Vẻ vang báo chí cách mạng địa đầu phương Nam - Bài cuối: Báo chí thời công nghệ số

Trong dòng chảy sôi động của Báo chí Cách mạng Việt Nam, báo chí Cà Mau đã và đang khẳng định vai trò là tiếng nói tin cậy của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà. Nếu như báo chí cách mạng trong những giai đoạn lịch sử trước đây là “chiến”, thì thời đại ngày nay, sức mạnh thông tin của báo chí là tri thức. Nghĩa là báo chí phải chuyển sang cung cấp tri thức.

Nguyễn Mai và những chuyện đời thường

Người đa tài nhất trong những người cầm bút vùng Tây Nam Bộ những năm đánh Mỹ cứu nước là Nguyễn Mai. Anh viết thạo, viết vững chắc các loại ký, truyện, bình luận, xã thuyết và tuỳ bút... Anh sử dụng được các thể loại thơ, đặc biệt thơ trào lộng.

Vẻ vang báo chí cách mạng địa đầu phương Nam - Bài 2: Những nhà báo trung dũng

Báo chí cách mạng tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu ghi nhận sự dũng cảm, mưu trí, kiên gan, sẵn sàng hy sinh tính mạng của bao thế hệ nhà báo trong mưa bom bão đạn để làm tròn sứ mệnh thiêng liêng của “người lính đi đầu” trên mặt trận tư tưởng - văn hoá, cả trong thời chiến và thời bình. Nhiều người trong số họ đã anh dũng ngã xuống, hiến dâng đời mình cho độc lập, tự do của quê hương, đất nước.

Vẻ vang báo chí cách mạng địa đầu phương Nam

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo chí Cách mạng Cà Mau và Bạc Liêu không thể tách rời với lịch sử Ðảng bộ tỉnh của 2 địa phương - đó là khẳng định của Nhà báo Nguyễn Duy Hoàng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu. Nhìn về quá khứ, “cây đại thụ” của làng báo Cà Mau - Bạc Liêu, Nhà báo lão thành Phạm Văn Tri (Bảy Minh), nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau, cho rằng, trên vùng đất ở thời kỳ làng nước còn hoang sơ, con người thưa thớt, song công việc làm báo nơi địa đầu phương Nam cũng đã được nhen nhóm, từng bước hình thành hoạt động báo chí chống kẻ thù cướp nước và bán nước.“Từ buổi bình minh cách mạng và trải qua các chặng đường đấu tranh, Báo chí Cách mạng Cà Mau - Bạc Liêu luôn hiện diện, sát cánh cùng Ðảng bộ và Nhân dân, trở thành lực lượng xung kích chiến đấu quên mình, vì mục tiêu, lý tưởng của Ðảng, của cách mạng”, Nhà báo lão thành Phạm Văn Tri khẳng định.

Số hoá để phát triển nông nghiệp bền vững - Bài cuối: Nhìn về tương lai đầy triển vọng

Những giải pháp và phương hướng từ ngành nông nghiệp liên tục được đề xuất, triển khai để thúc đẩy chuyển đổi số một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.

Số hoá để phát triển nông nghiệp bền vững - Bài 2: Bài toán cân não

Câu chuyện chuyển đổi số trong nông nghiệp Cà Mau không chỉ là hành trình số hoá những ao tôm, thửa ruộng, mà là quá trình “số hoá tư duy”, điều này không dễ dàng, khi thói quen canh tác thủ công, truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt của người nông dân bao đời.

Số hoá để phát triển nông nghiệp bền vững

Theo “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố tích cực phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế trong số hoá nông nghiệp và môi trường. Mục tiêu là xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị gia tăng.