ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 19-6-25 10:24:01
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðiểm nghẽn du lịch Ðất Mũi: Bài 2: Giàu tiềm năng, thiếu dịch vụ và sản phẩm du lịch

Báo Cà Mau Ðất Mũi từ lâu được xác định là điểm du lịch trọng yếu của tỉnh Cà Mau. Nhiều cuộc làm việc, ý kiến của lãnh đạo các ban, ngành đều thống nhất nhận định tiềm năng phát triển tại đây là vô cùng lớn. Nghịch lý ở chỗ, người ta vẫn chỉ thấy tiềm năng mà không biết bao giờ những điều ấy mới thành hiện thực.

Ðất Mũi từ lâu được xác định là điểm du lịch trọng yếu của tỉnh Cà Mau. Nhiều cuộc làm việc, ý kiến của lãnh đạo các ban, ngành đều thống nhất nhận định tiềm năng phát triển tại đây là vô cùng lớn. Nghịch lý ở chỗ, người ta vẫn chỉ thấy tiềm năng mà không biết bao giờ những điều ấy mới thành hiện thực.

Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch Ðất Mũi Ðinh Thanh Liêm thừa nhận: “Du lịch Ðất Mũi còn thiếu thốn về hạ tầng, dịch vụ, sản phẩm và cả đội ngũ làm du lịch”(!)

Xem ra những điều cốt yếu nhất đều không đáp ứng được nhu cầu thực tế, hỏi sao Ðất Mũi cứ loay hoay mãi với 2 chữ "tiềm năng".

Quanh quẩn những khó khăn cũ

Cách đây vài năm, phóng viên Báo Cà Mau có thực hiện phóng sự “Hạt ngọc bị bỏ quên”, phản ánh những điều thiếu và yếu của tuyến du lịch Khai Long - Ðất Mũi. So với thời điểm hiện tại, không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực của tuyến du lịch này. Khu Khai Long đã được đầu tư chỉnh trang, Ðất Mũi cũng rộn ràng với những dự án sắp tới. Cái khó nhất của khu Ðất Mũi được ông Liêm chia sẻ: “Ở đây thuộc Vườn Quốc gia, bất kỳ tác động nào đến cây rừng đều phải trình xin… Chính phủ”. Vì lẽ đó, nhiều nhà đầu tư xuống đây đều “lắc đầu quay về”, vì không thể xây dựng, đầu tư hạ tầng và mở ra các dịch vụ du lịch.

Theo thông tin từ ông Liêm, Ban Quản lý Khu du lịch Ðất Mũi (ban) đi vào hoạt động từ tháng 4 năm nay và “đang sắp xếp để ổn định tổ chức, hoạt động”.

Sản phẩm du lịch của Ðất Mũi chủ yếu là các mặt hàng tôm khô và cá khô bản địa.   Ảnh: P.NGUYÊN

Toàn bộ khu du lịch được quy hoạch khoảng 160 ha, tuy nhiên, chỉ có một khu hoạt động với hơn 30 ha. Hướng dẫn viên của ban có 2 người, thế nên không lạ khi xảy ra chuyện cười ra nước mắt: “Những lúc lễ, Tết, các đoàn khách có nhu cầu hướng dẫn viên đều không được đáp ứng vì chúng tôi hết người”, ông Liêm chia sẻ.

Một tuyến du lịch được coi là trọng điểm của Cà Mau chỉ có 3 nhà hàng phục vụ ăn uống và… 2 phòng lưu trú. Ông Liêm trăn trở: “Những lúc đông người, việc ăn uống ở đây khó khăn lắm, du khách mang theo đồ hoặc ngược lên Năm Căn, có khi là tới... Cà Mau. Hầu như không có khách ở lại”.

Mất một chuyến đò khoảng 20 phút, chúng tôi về khu du lịch cộng đồng của bà con ấp Cồn Mũi. Anh Nguyễn Văn Hờ, con trai của ông Nguyễn Văn Nhuần (Tư Nhuần) bộc bạch: “Ở đây có 5 hộ làm mô hình này, nhưng chỉ có gia đình tôi với hộ chú Nguyễn Văn Hướng là có hiệu quả, mấy hộ khác ít khách lắm”. Cũng chỉ ở điểm ông Tư Nhuần, du khách mới được trải nghiệm câu cá, dỡ lọp cua, mò ốc len, sò huyết và có tuyến đò ra tham quan khu Bãi Bồi".

Ðiều đáng buồn là mối liên hệ giữa Khu du lịch Ðất Mũi và các hộ dân làm du lịch rất lỏng lẻo. Ông Tư Nhuần tâm sự: “Ai cũng buôn bán mà, chỉ khi có khách quen gọi ra đón hoặc khách đông quá thì bên khu du lịch mới giới thiệu vào đây”. Về thông tin này, ông Liêm cho biết: “Chúng tôi dự định có buổi làm việc với các hộ dân để liên kết, giới thiệu khách, do ban mới hoạt động nên việc này chưa làm được”.

Thống kê của ban cho thấy, Khu du lịch Ðất Mũi có khoảng 50 sản phẩm du lịch, nhưng thực tế dịch vụ và sản phẩm du lịch ở đây thiếu và yếu. Khảo sát ý kiến du khách, họ rất quan tâm đến việc tìm các mặt hàng lưu niệm, đặc sản của Ðất Mũi nhưng không mấy hài lòng.

Anh Di Ðỗ Trọng, cùng đoàn 7 người từ Sóc Trăng về Cà Mau, chia sẻ: “Ðất Mũi là nơi ai cũng muốn đến, nhưng hình như nơi đây chưa được đầu tư nhiều, từ ăn uống và các dịch vụ vui chơi, giải trí ít quá. Hy vọng mai mốt trở lại, nơi đây sẽ phát triển hơn”.

Phí phạm cơ hội

Ðiểm trừ của Khu du lịch Ðất Mũi còn thể hiện trong việc sắp xếp, phân bố dân cư bên trong. Việc di dời các hộ dân thuộc khu du lịch để xây dựng làng nghề đã làm nhiều năm nay nhưng không triệt để.

Ông Liêm thông tin: “Dự án xây dựng làng nghề phải di dời hơn 30 hộ, sau một thời gian thì con số này phát sinh… hơn 60 hộ”. Xóm cư dân này án ngữ ngay khu vực cổng chào, chạy dọc vào sâu trong khu du lịch rất thiếu mỹ quan".

Ðiều mà Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải rất mong muốn, đó là việc huy động người dân làm du lịch và hưởng lợi từ làm du lịch. Du lịch Ðất Mũi thiếu một điều quan trọng đó là sự đồng thuận, sức nghĩ, sức cống hiến của người dân trong việc làm du lịch.

Ông Nguyễn Văn Kính cùng đoàn khách từ Thủ đô Hà Nội về thăm Mũi Cà Mau bày tỏ sự tiếc nuối: “Trong đoàn có người về lần 2, lần 3, chủ yếu để xem Ðất Mũi có phát triển không. Là người Việt Nam ai cũng muốn về đây chí ít một lần. Nhưng hình như việc phát triển du lịch ở đây còn chậm”.

Qua lời ông Kính mới thấy được những điều thiếu và yếu của du lịch Ðất Mũi: “Có những người từ rất xa về đây, nhưng tìm một sản phẩm du lịch thật đặc trưng, thật sự của riêng Mũi Cà Mau thì chưa có”.

Toàn bộ lịch trình du lịch là thăm, chụp ảnh tại cột mốc, biểu tượng Ðất Mũi, ăn uống, mua đũa, khô và... ra về. Thật sự đó là một sự phí phạm lớn với những lợi thế, tiềm năng của tuyến du lịch này.

Ông Tư Nhuần thổ lộ: “Mỗi chỗ làm một kiểu, nhưng hiệu quả thì có 2 hộ thôi”. Du lịch cộng đồng được khởi phát và trở thành tín hiệu hết sức tích cực của Ðất Mũi nay cũng đối mặt với vô vàn khó khăn. Tuyến Cồn Mũi đang bị cô lập về giao thông, về sự liên hệ, hỗ trợ của Khu Du lịch Ðất Mũi. Dự kiến, ấp Cồn Mũi sẽ có thêm 5 hộ làm mô hình du lịch dựa vào cộng đồng, và dự báo được đưa ra là “vô cùng khó khăn”. Ðiều này cho thấy, để người dân làm du lịch, hưởng lợi từ du lịch là chuyện còn rất lâu nữa ở Ðất Mũi.

Ông Liêm đưa ra nhận định: “Cái khó thì thấy rõ rồi, nhưng có điều du khách vẫn trở lại với Ðất Mũi”.

Những dịp cao điểm, khu du lịch này chật ních người, kèm theo đó là các dịch vụ du lịch đều quá tải. Ðất Mũi có sức hấp dẫn rất lớn, là nơi có thể trở thành một tài sản lớn của cả cộng đồng.

Câu chuyện của một du khách mô tả đầy đủ hiện trạng và những điều mà du lịch Ðất Mũi đang thiếu và yếu: “Dịp Tết vừa rồi, tôi đưa gia đình về Ðất Mũi, kẹt xe mấy tiếng đồng hồ. Lúc quay xe vướng bàn thờ ông Thiên của người dân, phải chạy ra xin lỗi. Về tới nhà bụng đói, mệt lã người. Ðúng là chuyến du lịch nhớ đời”./.

Trong chuyến làm việc với huyện Ngọc Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết: “Ðang trình xin cơ chế để khu vực quy hoạch làm du lịch tách ra Vườn Quốc gia. Tỉnh sẽ trực tiếp kêu gọi đầu tư để nâng cấp hạ tầng, dịch vụ du lịch. Bằng mọi cách phải kêu gọi người dân tham gia làm du lịch, hưởng lợi từ du lịch. Tất cả những sinh hoạt thường nhật, các sản vật của địa phương đều có thể thu lợi nếu tính toán và làm đúng cách”.

Với những chỉ đạo này, hy vọng một tương lai không xa, mũi đất Cà Mau sẽ chuyển mình, và du lịch sẽ là một cơ hội lớn để cộng đồng cùng hưởng lợi.

Phóng sự của Phạm Nguyên

Phát thanh viên - Nghề của chúng tôi

Chỉ 5 ngày sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Ðộc lập tại Vườn hoa Ba Ðình Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Ðài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi bản tin đầu tiên vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 7/9/1945, khẳng định nền độc lập tự do của một dân tộc, một đất nước đã có chủ quyền, có tên trên bản đồ thế giới. Cũng thời điểm ấy đã khai sinh một nghề mới, đó là nghề “nói trên sóng”, mà chuyên môn gọi là xướng ngôn viên (ngày nay thống nhất gọi phát thanh viên).

CTV - Dấu ấn riêng

Ngày 18/8/2007, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau (CTV) tổ chức họp mặt Kỷ niệm 30 năm phát sóng phát thanh (19/8/1977-19/8/2007) và 20 năm phát sóng truyền hình (19/8/1987-19/8/2007). Trong chương trình văn nghệ chào mừng, thí sinh Quan Thanh Thuỷ, giải Nhất tiếng hát Phát thanh - Truyền hình Cà Mau lần thứ 7-2007 hát bài “Về Ðất Mũi” (Nhạc sĩ Hoàng Hợp - thơ Lê Chí). Lời thơ đó của Lê Chí tới bây giờ vẫn còn nhắc nhở chúng ta: “Ơi! Ðất Mũi Cà Mau, trăm thương ngàn mến. Một hạt phù sa lấn biển thêm rừng. Ðều giục người đi nhanh nhanh đôi bàn chân, nhanh nhanh những nghĩ suy và ước vọng. Về đất biển Cà Mau, thấy đất trời thêm rộng lớn...”.

Làm báo Tết ngày ấy

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trường Tuyên huấn Trung ương III phụ trách công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ tuyên huấn - báo chí - tuyên truyền từ Ðà Nẵng trở vào phía Nam. Năm 1978-1979, trường này mở lớp báo chí trung hạn. Tỉnh Minh Hải (Cà Mau - Bạc Liêu) có số học viên đông nhất, hơn 20 người. Cuối năm 1979, lớp bế giảng, chúng tôi về bổ sung cho Báo và Ðài Phát thanh Minh Hải (hồi đó tỉnh chưa có truyền hình).

Vẻ vang báo chí cách mạng địa đầu phương Nam - Bài cuối: Báo chí thời công nghệ số

Trong dòng chảy sôi động của Báo chí Cách mạng Việt Nam, báo chí Cà Mau đã và đang khẳng định vai trò là tiếng nói tin cậy của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà. Nếu như báo chí cách mạng trong những giai đoạn lịch sử trước đây là “chiến”, thì thời đại ngày nay, sức mạnh thông tin của báo chí là tri thức. Nghĩa là báo chí phải chuyển sang cung cấp tri thức.

Nguyễn Mai và những chuyện đời thường

Người đa tài nhất trong những người cầm bút vùng Tây Nam Bộ những năm đánh Mỹ cứu nước là Nguyễn Mai. Anh viết thạo, viết vững chắc các loại ký, truyện, bình luận, xã thuyết và tuỳ bút... Anh sử dụng được các thể loại thơ, đặc biệt thơ trào lộng.

Vẻ vang báo chí cách mạng địa đầu phương Nam - Bài 2: Những nhà báo trung dũng

Báo chí cách mạng tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu ghi nhận sự dũng cảm, mưu trí, kiên gan, sẵn sàng hy sinh tính mạng của bao thế hệ nhà báo trong mưa bom bão đạn để làm tròn sứ mệnh thiêng liêng của “người lính đi đầu” trên mặt trận tư tưởng - văn hoá, cả trong thời chiến và thời bình. Nhiều người trong số họ đã anh dũng ngã xuống, hiến dâng đời mình cho độc lập, tự do của quê hương, đất nước.

Vẻ vang báo chí cách mạng địa đầu phương Nam

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo chí Cách mạng Cà Mau và Bạc Liêu không thể tách rời với lịch sử Ðảng bộ tỉnh của 2 địa phương - đó là khẳng định của Nhà báo Nguyễn Duy Hoàng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu. Nhìn về quá khứ, “cây đại thụ” của làng báo Cà Mau - Bạc Liêu, Nhà báo lão thành Phạm Văn Tri (Bảy Minh), nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau, cho rằng, trên vùng đất ở thời kỳ làng nước còn hoang sơ, con người thưa thớt, song công việc làm báo nơi địa đầu phương Nam cũng đã được nhen nhóm, từng bước hình thành hoạt động báo chí chống kẻ thù cướp nước và bán nước.“Từ buổi bình minh cách mạng và trải qua các chặng đường đấu tranh, Báo chí Cách mạng Cà Mau - Bạc Liêu luôn hiện diện, sát cánh cùng Ðảng bộ và Nhân dân, trở thành lực lượng xung kích chiến đấu quên mình, vì mục tiêu, lý tưởng của Ðảng, của cách mạng”, Nhà báo lão thành Phạm Văn Tri khẳng định.

Số hoá để phát triển nông nghiệp bền vững - Bài cuối: Nhìn về tương lai đầy triển vọng

Những giải pháp và phương hướng từ ngành nông nghiệp liên tục được đề xuất, triển khai để thúc đẩy chuyển đổi số một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.

Số hoá để phát triển nông nghiệp bền vững - Bài 2: Bài toán cân não

Câu chuyện chuyển đổi số trong nông nghiệp Cà Mau không chỉ là hành trình số hoá những ao tôm, thửa ruộng, mà là quá trình “số hoá tư duy”, điều này không dễ dàng, khi thói quen canh tác thủ công, truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt của người nông dân bao đời.

Số hoá để phát triển nông nghiệp bền vững

Theo “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố tích cực phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế trong số hoá nông nghiệp và môi trường. Mục tiêu là xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị gia tăng.