Nhằm khuyến khích học sinh đọc sách, nhiều trường học trên địa bàn huyện Ðầm Dơi đã xây dựng thư viện thân thiện, cập nhật các đầu sách đa dạng, tạo không gian bổ ích để học sinh được rèn luyện kỹ năng đọc, hiểu và mở rộng kiến thức xã hội.
Ngoài giờ đọc sách của lớp, mỗi tuần ít nhất 3 lần, em Nguyễn Trà Ánh Dương, học sinh Trường THPT Thái Thanh Hoà, thị trấn Ðầm Dơi, lên thư viện trường tìm các loại sách để đọc.
Ánh Dương chia sẻ: “Em đọc rất nhiều loại sách, từ truyện đến các sách tham khảo, nhưng em thích nhất là sách liên quan đến những câu chuyện lịch sử, vì qua đó giúp em thêm hiểu biết về dân tộc, đất nước mình”.
Không riêng Ánh Dương, mà với gần 1 ngàn học sinh ở Trường THPT Thái Thanh Hoà, việc đọc sách đã trở thành thói quen trong mỗi giờ nghỉ giải lao. Các em tập trung tại thư viện, khuôn viên trường đọc sách mỗi tuần, mỗi ngày.
Ở Trường Tiểu học Tân Dân, xã Tân Dân, thời gian qua, mô hình “Thư viện xanh”, nay là “Thư viện thân thiện”, kết hợp thư viện truyền thống được nhà trường triển khai hơn 10 năm nay, đã khẳng định được kết quả thiết thực. Thư viện được xây dựng ngoài trời với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, bàn ghế được bố trí dưới tán cây xanh, là môi trường lý tưởng để thu hút học sinh say mê đọc sách.
Giáo viên Trường Tiểu học Tân Dân sắp xếp trật tự để học sinh đọc sách.
Thầy Trà Thanh Trí, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Dân, cho biết: “Với thư viện ngoài trời, học sinh không chỉ được đọc sách mà còn thoải mái chia sẻ, trao đổi về những nội dung, kiến thức thu nhận được; đồng thời, có thể kết hợp học và chơi hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện, cởi mở, tích cực. Ngoài dạy văn hoá, trường học còn được xem là môi trường tốt nhất cho việc hình thành và phát triển văn hoá đọc của mỗi người. Ðối với học sinh, ở giai đoạn đang hình thành thói quen, nhân cách thì việc đọc sách lại càng có ý nghĩa quan trọng”.
Xác định tầm quan trọng của việc đọc sách, các trường THPT, THCS, tiểu học trên địa bàn huyện Ðầm Dơi đã tranh thủ vận động các nguồn hỗ trợ để xây dựng không gian đọc cho học sinh. Nhận thấy lợi ích từ hoạt động này, phụ huynh các điểm trường học cũng đồng tình hưởng ứng. Hiện tại, ngoài mô hình thư viện thân thiện, còn có thêm thư viện được xây dựng tại khuôn viên trường, bố trí bàn đá xung quanh gốc cây xanh của trường tạo không gian cho học sinh đọc sách một cách thoải mái; nhà trường cũng đã bố trí đưa giờ đọc ở thư viện vào thời khoá biểu, mỗi lớp 1 tiết/tuần. Bên cạnh việc kêu gọi nguồn sách từ các tổ chức, cá nhân, trường còn phối hợp với Thư viện tỉnh, Thư viện Trung tâm Văn hoá - Truyền thông và Thể thao huyện trong việc trao đổi sách theo định kỳ hằng quý, hằng tháng.
Các em đọc sách trong giờ giải lao.
Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện đang tập trung chỉ đạo các trường đưa tiết đọc ở thư viện vào thời khoá biểu, đảm bảo tối thiểu 1 tiết/tuần; sử dụng các buổi sinh hoạt 15 phút đầu giờ để giới thiệu, chia sẻ sách; phối hợp với cha mẹ học sinh tổ chức thành công nhiều hoạt động khuyến đọc. Nhiều hoạt động thu hút được đại đa số phụ huynh, các tổ chức, đoàn thể, địa phương tham gia như: Ngày đọc sách gia đình, Ngày hội đọc, Hội thi kể chuyện, Ngày sách Việt Nam...
Ông Võ Lợi, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện, cho biết: “Thời gian qua, các trường học trên địa bàn huyện có nhiều cách làm sáng tạo để tạo nên nguồn sách mới phong phú, hấp dẫn. Thư viện của các trường đã góp phần nâng cao chất lượng, phát triển văn hoá đọc trong giáo viên và học sinh; tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để học sinh có điều kiện giao lưu, học tập, thể hiện kiến thức, ngôn ngữ... góp phần nâng cao chất lượng dạy và học”.
Ðến các trường học trên địa bàn huyện Ðầm Dơi, chúng tôi cảm nhận được văn hoá đọc đang ngày càng lan toả. Hình ảnh các em ngồi đọc sách trong thư viện hay ở góc học tập, sân trường... tạo nên điểm nhấn đẹp tại trường học./.
Trần Danh