Công trình thư viện xanh được Trường Tiểu học thị trấn Năm Căn thực hiện từ chương trình xã hội hoá.
Những năm qua, ngành giáo dục huyện Năm Căn có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Ông Lê Văn Ðức, Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Năm Căn, cho biết, ngoài việc đầu tư đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của ngành đạt chuẩn và trên chuẩn, hằng năm ngành giáo dục huyện Năm Căn chủ động rà soát tất cả các điểm trường để lựa chọn, đồng thời giao nhiệm vụ cho các trường có hướng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo mốc thời gian cụ thể.
Công trình thư viện xanh được Trường Tiểu học thị trấn Năm Căn thực hiện từ chương trình xã hội hoá. |
Một trong những cách làm nổi bật trước hết phải kể đến là việc quy hoạch, củng cố lại quy mô hệ thống trường lớp. Hiện nay, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện phát triển thuận lợi cho việc đi lại của người dân nói chung và việc đi lại học tập của học sinh nói riêng. Như vậy, việc sáp nhập trường có quy mô nhỏ vẫn không ảnh hưởng tới việc học tập của các em. Theo đó, những cán bộ sau khi sắp xếp điều tiết đến những nơi còn thiếu vừa đảm bảo cho việc thừa - thiếu giáo viên, vừa tiết kiệm được ngân sách Nhà nước để đầu tư vào mục đích khác.
Năm học 2011-2012, trên 200 học sinh Trường Tiểu học 2 xã Hàm Rồng được sáp nhập về điểm trường trung tâm là Trường Tiểu học 1 xã Hàm Rồng với tên gọi là Trường Tiểu học xã Hàm Rồng. Với cách làm này đã giảm bớt điểm trường lẻ mà chất lượng giáo viên cũng tăng lên. Học tập trung đồng nghĩa với việc tăng sĩ số, giúp học sinh học tập, giao lưu với nhau tốt hơn.
Theo cô Nguyễn Thị Kim Khoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Hàm Rồng, làm như thế kinh phí tiết kiệm được từ việc giảm điểm trường, số lớp, giảm biên chế được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện môi trường học tập ở các lớp học còn lại, xoá bỏ các điểm trường xa xôi, khó khăn. Cơ sở vật chất dôi dư cũng sẽ được điều chuyển để phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng và các mục đích dân sinh khác, tạo được sự đồng thuận của cán bộ, giáo viên và các bậc phụ huynh.
Mặc dù được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2008, nhưng Trường Tiểu học xã Hàng Vịnh vẫn không ngừng thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục. Cụ thể, 3 năm trở lại đây, nhà trường vận động xã hội hoá được trên 200 triệu đồng để xây dựng thư viện xanh, lát gạch vỉa hè, nhà đợi xe… nhằm đáp ứng tốt hơn về cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Trong quá trình thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, huyện Năm Căn đặc biệt quan tâm đến việc huy động người dân, các đoàn thể trong xã hội cùng tham gia. Giáo dục và đào tạo phải vì dân, luôn đặt dưới sự giám sát của Nhân dân và được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong 10 năm qua, vật chất và tiền do Nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng, đặc biệt hơn là có 36 hộ dân hiến trên 72.000 m2 đất để xây dựng trường học.
Ðến nay, cả 3 cấp học trên địa bàn huyện có 18/33 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt trên 54%. Với kết quả này, huyện Năm Căn được đánh giá là đơn vị dẫn đầu về thành tích xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh Cà Mau và khu vực ÐBSCL. Ðây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của toàn Ðảng bộ và Nhân dân huyện Năm Căn.
Huyện Năm Căn phấn đấu đến cuối năm 2015 có 70% điểm trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn lắm khó khăn, nhưng với những gì đã và đang làm được mở ra triển vọng mới, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục./.
Bài và ảnh: Việt Bắc