ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 10-5-25 21:23:55
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Điều ước của anh chăn vịt

Báo Cà Mau (CMO) Cha anh từng kiếm sống bằng nghề tò te, còn mẹ mần mướn ở xóm, bản thân anh đi chăn vịt. Năm 2013, vợ chồng vun vén cất được căn nhà thì bị bà hoả viếng, của cải chỉ còn 2 ao cá bống tượng không tới công đất sau nhà. Vậy mà tháng 10/2017, anh nông dân Hai Hài ở Ấp 8, xã An Xuyên, TP Cà Mau vinh dự được đi Hà Nội, gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen. Anh cũng là nông dân trẻ tuổi nhất ở Cà Mau cho đến thời điểm này có được vinh dự cao quý này.

Hai Hài (bên phải) hãnh diện khoe hình lưu niệm chụp chung với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.        Ảnh: Ái Như

Đường vào nhà Hai Hài là con lộ xi-măng rộng non 1 m. Con lộ tẻ dài ngoằn, chập chùng, nhiều khúc co lên xuống, hệt con rắn trườn mình bên bờ kinh. Nhà của Hai Hài là căn nhà tường nhỏ, lợp thiếc, gió đánh kêu lèng xèng, chơi vơi bên bờ kinh Nàng Muối. Nếu nhà không có hầm nuôi tôm công nghệ cao vừa được đầu tư khá nhiều tiền phía sau, chủ nhân của căn nhà tường nhỏ không có vẻ gì giống như vừa đi Hà Nội và được chụp hình lưu niệm chung với Thủ tướng. Hai Hài rất bảnh người, đô con, giống vận động viên chơi bóng chuyền hơn là nông dân, duy có nụ cười thiệt tình không giữ bụng của anh là của nông dân.

Hai Hài tên thật là Cao Xuân Hài, anh sinh năm 1981, ở Ấp 7, xã An Xuyên, TP Cà Mau. Suốt tuổi thơ và tuổi trẻ của anh gắn liền với con kinh Nàng Muối và cánh đồng An Xuyên. Trong những năm cuối của thập niên 80, gia đình Hai Hài rất nghèo, nhà có 4 anh em trai, Hai Hài là anh cả, 3 người em còn lại là Hảo, Hạng, Hướng.

Cha mẹ Hai Hài chỉ có 2 công đất trồng lúa mùa, có năm được 15 giạ/công, có năm được 20 giạ/công. Ông bà phải giăng lưới, giăng câu, làm đất mướn, chạy gạo ăn vất vả. Nhà nghèo, mấy anh em tới trường trong quần áo có phần lôi thôi, lếch thếch, nhưng năm học nào cũng có phần thưởng học sinh giỏi của trường mang về nhà. Ông bà rất vui và cố gắng lo cho anh em Hai Hài đi học.

Tuy nhiên, lực bất tòng tâm, Hai Hài chỉ học hết lớp 6 phải nghỉ học, đi giăng lưới, giăng câu phụ kiếm sống với gia đình. Đêm nào Hai Hài cũng mang về gần cả chục ký cá đồng. Hai Hài đi giăng lưới, giăng câu vài tháng, trở thành lao động chính trong gia đình, dù chỉ mới hơn 12 tuổi.

Đến năm 17 tuổi, cái tuổi bẻ gãy sừng trâu, sức bắp cuồn cuộn, Hai Hài đi làm đất mướn và đi chăn vịt chạy đồng. Hai Hài theo bạn đồng đi chăn vịt hơn 5 năm, nhờ thêm nguồn thu nhập từ giăng lưới, giăng câu, đặt trúm, làm đất mướn, rồi đi chăn vịt chạy đồng, nhờ đó cha mẹ của Hai Hài có điều kiện nuôi Hảo, Hạng học được cấp III và Hướng học tới đại học.

ột gia đình chỉ có 2 công đất ruộng, nuôi 4 người con, chạy gạo ăn vất vả, lại có thể nuôi một người con học hết cấp I, hai người con học hết cấp III và một người con hoàn thành đại học, dân xóm thật sự ngưỡng mộ cha mẹ của Hai Hài và sự hy sinh lẫn nhau để được học hành trong anh em của gia đình Hai Hài.

Trong những năm sau này, nghề thu mua phế liệu hái ra tiền, cha mẹ Hai Hài tích luỹ và mua được vài chục công đất để chia cho 4 người con. Năm 2007, Hai Hài có gia đình và một con nhỏ, vợ anh là chị Trương Kiều Linh, ở Cái Đôi Vàm. Vợ chồng Hai Hài được gia đình cho ra ở riêng với 8 công đất nuôi tôm quảng canh ở kinh Nàng Muối. Bắt tay vào xây dựng tổ ấm mới, vợ chồng Hai Hài dựng căn nhà tạm bên bờ kinh, nuôi tôm quảng canh và nuôi cá bống tượng.

Những năm đầu dọn đến sống ở kinh Nàng Muối, cuộc sống của vợ chồng Hai Hài cũng như bao vợ chồng trẻ khác mới ra ở riêng, không có ấn tượng gì đặc biệt. Đầu năm 2013, sau mấy năm tích luỹ từ nuôi tôm quảng canh và nuôi cá bống tượng, vợ chồng Hai Hài thay được căn nhà tạm bằng căn nhà cấp 4 xinh xinh bên bờ kinh Nàng Muối và mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt cho căn nhà mới, dân xóm đều mừng cho vợ chồng trẻ.

Đến cuối năm 2013, tức là chỉ ở căn nhà mới được vài tháng, vợ chồng và đứa con nhỏ về thăm cha mẹ ở bên Ấp 7, căn nhà mới không may bị sự cố chập điện và cháy chỉ còn có cái nền trơ trụi bên bờ kinh. Tài sản của vợ chồng bị thiệt hại tới mức địa phương và dân xóm phải hỗ trợ anh dựng lại căn nhà tạm.

Có một điều khó tin là bị cháy nhà trắng tay như vậy, vợ Hai Hài không đau buồn hay suy sụp tinh thần như nhiều người khác, chị còn tươi cười với Hai Hài, như muốn san sẻ, chúng ta cùng làm lại từ đầu. Đó cũng là động lực quan trọng, khiến cho những năm tiếp theo sau đó, Hai Hài thành công trên con đường làm giàu của mình và có mặt ở Hà Nội. 

Sau khi thu hoạch 2 ao nuôi cá bống tượng, tài sản duy nhất còn lại sau vụ cháy nhà, thay vì dùng số tiền đó để tái sản xuất, gồm mua tôm giống cho vụ nuôi tôm quảng canh tới, mua cá giống bống tượng nuôi lại cho vụ cá năm sau và mua sắm một ít vật dụng sinh hoạt trong gia đình, Hai Hài lại nghĩ đến chuyện nuôi tôm công nghiệp. 

Hai Hài tính, anh tận dụng 2 ao cá bống tượng vừa thu hoạch nuôi tôm công nghiệp, có như vậy, số tiền vừa thu hoạch cá mới có thể trang trải được cho mua máy quạt nước, tôm giống, thức ăn cho nuôi tôm. Tính là vậy, nhưng anh hiểu, việc làm này là khá mạo hiểm, anh bàn với vợ. Không ngờ, vợ anh chẳng những ủng hộ, còn động viên anh rằng, bất quá mình về Cái Đôi Vàm... xin gạo. Hai Hài như được tiếp thêm sức.

Hai Hài (bên phải) giới thiệu hầm nuôi tôm công nghệ cao vừa đầu tư.     Ảnh: Ái Như

Điều gì đến rồi cũng đến, năm 2014, cả xóm không ngờ vợ chồng Hai Hài thu hoạch 2 hầm nuôi tôm công nghiệp (chính xác là của 2 ao nuôi cá bống tượng trước đó) hơn 1 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 700 triệu đồng. Sau vụ thu hoạch tôm công nghiệp thành công, Hai Hài vận động mấy người em nuôi tôm công nghiệp, anh dùng số vốn khủng vừa có được đầu tư nuôi tôm công nghiệp và hùn với mấy người em nuôi tôm công nghiệp.

Vậy là từ năm 2014-2017, vừa nuôi tôm công nghiệp và hùn vốn nuôi tôm công nghiệp, vợ chồng Hai Hài có thu nhập bình quân hơn 1 tỷ đồng/năm. Thu nhập này chưa được coi là khủng ở xã, theo anh Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Xuyên, nông dân của xã có thu nhập từ 1-2 tỷ đồng/năm nhiều lắm. Nhưng theo chuẩn khen thưởng của Trung ương, thu nhập được chia bình quân/đầu người trong gia đình, mỗi người phải đạt từ 280 triệu đồng/năm trở lên, xã chỉ có vợ chồng Hai Hài là đạt điều kiện. Vợ chồng Hai Hài cũng là nông dân trẻ tuổi nhất và làm giàu nhanh nhất ở xã.

ông dừng lại ở đó, sau khi đi Hà Nội về, được giao lưu, học hỏi với nhiều nông dân sản xuất giỏi trên toàn quốc, tháng 12/2017, sau một thời gian nuôi tôm công nghiệp thành công, Hai Hài còn muốn có một bước tiến hơn là nuôi tôm công nghệ cao. Một lần nữa, vợ anh, người bạn đời không thể thiếu, ủng hộ anh bằng cả hai tay. Hai Hài bắt tay vào đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, dân xóm thật sự ngưỡng mộ đôi vợ chồng trẻ. 

Người ta nói, trong cái thành công của người đàn ông có bóng dáng của người đàn bà, Hai Hài đúng là trong trường hợp như vậy.../.

Ái Như - Diễm Trinh 

Cà Mau - Ðịa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài cuối: Bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc

Cà Mau hôm nay đổi mới, phát triển từng ngày. Những cán bộ lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Cà Mau mà chúng tôi có dịp gặp, đã trải qua bom đạn chiến tranh, trải qua những ngày tháng Cà Mau còn đầy khó khăn, tất cả đều nói rằng, Cà Mau mình bây giờ đã phát triển nhiều lắm, đời sống Nhân dân đã sung túc hơn trước bội phần. Từ vùng đất hoang vu, nê địa; từ những đau thương, mất mát lớn lao trong kháng chiến; đến nay, Cà Mau đã vươn mình đi lên bằng sức vóc mới, thế và lực mới, để chặng đường phát triển tương lai sẽ làm bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 4: Vùng đất của những sản vật vang danh

Dù lên rừng hay xuống biển, Cà Mau đều sẵn có những đặc sản trứ danh. Nếu chỉ nhắc đến đại khái, nhiều người sẽ chưa thoả dạ hoặc lòng còn hoài nghi, thắc mắc. Sự trù phú của thiên nhiên hoà quyện với quá trình lao động siêng năng, bền bĩ, đúc kết kinh nghiệm và sự sáng tạo tài hoa của lớp lớp con người Cà Mau đã kết tụ nên giá trị và sức sống lâu bền của những sản vật đặc trưng ở vùng đất mới.

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.