Ðược các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Thới Bình đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và thực hiện đạt kết quả khá tốt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ngày càng thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của người dân, tạo môi trường văn hoá lành mạnh.
- Lan toả phong trào xây dựng đời sống văn hoá
- Phát triển văn hoá, con người trong giai đoạn mới
- Văn hoá, con người Cà Mau với tiến trình hội nhập
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi và phát triển sâu rộng, số hộ gia đình, ấp, khóm, cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hoá ngày càng tăng. Ðến nay, toàn huyện có 32.715/35.679 hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá, đạt 91,69%; có 95/95 ấp, khóm đạt chuẩn văn hoá; thị trấn Thới Bình đạt chuẩn đô thị văn minh.
Có được kết quả đó chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là công tác mặt trận, các tổ chức hội và các tổ Nhân dân tự quản ấp, khóm... đã chủ động xây dựng nếp sống văn hoá trong cộng đồng dân cư, thực hiện dân vận khéo, nhằm vận động người dân chung tay thực hiện.
Ông Lê Hoàng Nam, Trưởng ban Công tác Mặt trận Khóm 2, thị trấn Thới Bình, cho biết: “Tôi tích cực vận động người dân tham gia các phong trào như vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan đô thị... Nhất là mô hình dân vận khéo, xây dựng thực hiện trong năm 2024 với mô hình trồng hoa và vệ sinh môi trường, được người dân nhiệt tình hưởng ứng”.
Người dân chăm chút cây xanh, hoa kiểng tô điểm cho làng quê.
Huyện quan tâm giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá phi vật thể. Hiện tại, huyện có 1 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia: Nghệ thuật trình diễn dân gian Nghệ thuật nhạc Trống lớn của người Khmer. Hiện có 2 địa phương còn lưu giữ và phát huy dàn nhạc Plêng Skô Thum là khu vực ấp Cây Khô, chùa Rạch Giồng, xã Hồ Thị Kỷ và Ấp 7, chùa Cao Dân, xã Tân Lộc, với hơn 30 nghệ nhân.
Bên cạnh đó, các thiết chế văn hoá luôn được phát huy, hoạt động hiệu quả tại địa phương, có 11/12 trung tâm văn hoá, thể thao - học tập cộng đồng cấp xã. Các câu lạc bộ thể thao như: dưỡng sinh, xe đạp, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn và võ thuật được duy trì và luyện tập thường xuyên tại Trung tâm Văn hoá, Truyền thông và Thể thao huyện, trung tâm văn hoá, thể thao - học tập cộng đồng các xã, thị trấn. Từ đó, góp phần thực hiện tốt các phong trào “Xây dựng gia đình văn hoá”, “Xây dựng văn hoá ở khu dân cư”, xây dựng các gia đình điển hình có “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”...
Nghệ thuật Nhạc Trống lớn của đồng bào dân tộc Khmer được công nhận là Di sản phi vật thể Quốc gia.
Cùng với xây dựng nếp sống mới là việc đấu tranh chống các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xoá bỏ dần những tệ nạn trong xã hội như: rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, ma tuý, mại dâm, đánh bạc... Nổi bật, Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc góp phần động viên các tầng lớp Nhân dân phấn đấu nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương.
Bà Ðặng Kim Âu, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện, cho biết: “Ðời sống văn hoá ngày càng nâng lên thì bản thân người dân tự có ý thức không xảy ra tranh chấp, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt hơn, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau, cùng xây dựng địa phương phát triển từ kinh tế cho đến văn hoá, tinh thần”.
Ðặc biệt, mỗi cá nhân người dân, mỗi gia đình quan tâm sâu sát con cái, tự rèn luyện lối sống mẫu mực, cho đến việc ý thức chung trong giữ gìn trật tự cũng như vệ sinh môi trường, là tuyên truyền viên để thực hiện tốt phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá gắn với nông thôn mới”./.
T.Linh