Cả hai người cùng có điểm chung là bắt đầu con đường không liên quan đến văn chương. Học cấp 3 xong, Nhựt đi học trung cấp y ở Bạc Liêu, có thời gian gia nhập quân ngũ mất vài năm ở tỉnh An Giang. Rồi “trôi dạt” về phòng hành chính của Bệnh viện Đa khoa huyện Ngọc Hiển thêm vài năm nữa. Sáng tác lúc được lúc mất giống như người ta rảnh rỗi viết cho đỡ buồn, quên đi khung cảnh khá buồn tẻ.
Càng sống lâu càng thấy trên đời có nhiều điều lạ lùng, mà lạ lùng nhất trong những điều lạ lùng lại liên quan đến chuyện tình cảm. Ngoài chuyện tình yêu như kiểu “Em cũng không biết nữa/Khi nào ta yêu nhau” thì tình bạn cũng là một thứ... tình lạ lùng không kém.
Nhiều lúc ta cũng tự hỏi lòng: Vì sao cái thằng cha đó không có bao nhiêu người ưa vậy mà mình ưa được, làm bạn được? Vì sao đứa đó đối với nhiều người rất ba trợn, vậy mà đối với mình thiệt là quấn quýt, thắm thiết? Vì sao hai đứa nó nhìn so le vậy mà chơi thân với nhau được vậy cà? Và tôi biết, trong giới văn chương Cà Mau có không ít kiểu tình bạn so le như vậy, trong đó chuyện giữa Lê Minh Nhựt và Hoạ sĩ Khởi Huỳnh là một ví dụ khá thú vị.
Đầu tiên, cả hai người cùng có điểm chung là bắt đầu con đường không liên quan đến văn chương. Học cấp 3 xong, Nhựt đi học trung cấp y ở Bạc Liêu, có thời gian gia nhập quân ngũ mất vài năm ở tỉnh An Giang. Rồi “trôi dạt” về phòng hành chính của Bệnh viện Đa khoa huyện Ngọc Hiển thêm vài năm nữa. Sáng tác lúc được lúc mất giống như người ta rảnh rỗi viết cho đỡ buồn, quên đi khung cảnh khá buồn tẻ.
Hoạ sĩ Khởi Huỳnh và tập truyện “Chiếc lồng đèn của má”. Ảnh: HOÀNG VŨ |
Còn Khởi Huỳnh, được giới văn nghệ sĩ của Cà Mau và ĐBSCL biết đến nhưng không phải từ văn chương. Anh bắt đầu với tranh lụa, rồi khắc gỗ... được giải thưởng của khu vực. Có lúc lại thấy anh tham gia đóng kịch, đóng phim, hát cải lương, ngâm thơ mùi mẫn. Có lúc lại thấy anh bận rộn với việc tham gia viết báo, dạy vẽ ở trường và cho cả trẻ mồ côi.
Điểm chung thứ 2 dễ nhận thấy là cả hai cùng có sách được in trong năm 2014. Với Nhựt, 6 truyện ngắn được NXB Trẻ in trong tập truyện “Gia tộc ăn đất” cũng chính là 6 tác phẩm đem lại giải Ba, Văn học tuổi 20 lần thứ V (do NXB Trẻ phối hợp với Báo Tuổi Trẻ và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức). Với Khởi Huỳnh, tập truyện “Chiếc lồng đèn của má” được NXB Kim Đồng phát hành là tập truyện ngắn đầu tiên được in, dù trước đó các truyện ngắn này đã được in rải rác trên Báo Cà Mau và một số tạp chí, báo khác.
Điểm thứ 3, dễ dàng nhận diện khi đọc tác phẩm của đôi bạn này là đầy chất Nam Bộ, không thể lẫn lộn được với ai. Từ cách dùng từ, đến suy nghĩ của nhân vật và việc tạo dựng cả một không gian “rặt” miền Tây. Truyện của Khởi Huỳnh đưa chúng ta trở về với tuổi thơ với những trò chơi, suy nghĩ đầy màu sắc dù có những ký ức kể lại làm nhói tim người đọc bởi sự buồn thương, vất vả ẩn sâu trong đó. Truyện của Nhựt lại đưa ta đến những trăn trở, suy tư rất “thời sự” về chuyện đất đai, sự “vùng lên” của những người trẻ muốn bước ra khỏi quê nhà tù túng để đến thế giới rộng lớn với bao ước mơ tươi đẹp nhưng thực tế vô cùng nghiệt ngã...
Vốn sống, vốn hiểu biết của 2 cây bút này rất dồi dào và đang trên con đường tìm kiếm thể hiện. Thế nhưng, với Nhựt, đó đang là sự cố gắng khẳng định phong cách riêng với rất nhiều tác phẩm được các báo Trung ương ưa chuộng và nhiều giải thưởng đã đạt được. Với Khởi Huỳnh, sau cú hích với tập truyện đầu tay được in, anh cũng bắt đầu tìm hướng đi mới cho nội lực văn chương đang ngùn ngụt trào dâng để dần thoát khỏi hình ảnh “chú bé” của các đề tài thiếu nhi.
Lê Minh Nhựt và tập truyện “Gia tộc ăn đất”. Ảnh: HOÀNG VŨ |
Đó là những điểm tương đồng, còn điểm khác biệt thì nhiều vô số kể. Đọc văn của Nhựt, người ta ngỡ tác giả lớn tuổi lắm rồi với lối viết già dặn, nhiều ẩn dụ, nhiều tầng suy tưởng, hay “nói móc nói ngoéo”. Cả những vấn đề Nhựt trăn trở, thể hiện trong tác phẩm đậm chất Nam Bộ nhưng không dễ đọc chút nào. Ngược lại, đọc văn của Khởi Huỳnh đem lại cho ta nét hồn nhiên, tươi trẻ, thậm chí là chút bồng bột, ngây thơ, trong sáng của tuổi thơ ngày nào. Gấp sách lại, đọng mãi trong lòng độc giả là hình ảnh chú bé con nũng nịu bên mẹ, yêu thương bạn bè, chòm xóm, lúc nào cũng muốn ở mãi trong nếp nhà êm đềm với trò chơi tuổi thơ không bao giờ ngừng lại.
Ngoài đời, tính cách cũng khá trái chiều. Khởi Huỳnh có tính hay giận lẫy, trong khi Nhựt lại là người nóng nẩy, nói chuyện ít “giữ tính giữ ý”. Có khi chỉ vì một câu chuyện nhỏ, hai bên giận nhau không nói chuyện. Mấy tuần sau, Khởi Huỳnh nhắn tin hỏi thăm: “Ê, sao lâu rồi mầy không hẹn tao uống cà phê vậy Nhựt?”. “Tại ông giận tui”. “Ủa, mầy làm gì mà tao giận vậy? Tao quên mất rồi”... Vậy là huề cả làng.
Nhựt uống rượu rất tệ, trong khi đó lại là món Khởi Huỳnh thích. Chưa kể cùng ngồi ăn với nhau, nhiều món Nhựt thích, Khởi Huỳnh lại ghét cay ghét đắng. Vậy mà vắng mặt mấy ngày lại rủ nhau nhậu chung.
Về tuổi đời, Khởi Huỳnh lớn tuổi hơn Nhựt rất nhiều, nhưng về tuổi văn, Nhựt lại là người “nhiều tuổi” hơn Khởi Huỳnh. Nhiều hay ít, tương đồng hay khác biệt... cả hai vẫn đi bên cạnh nhau với đầy đủ cảm xúc thăng trầm của tình bạn. Chúc đôi bạn so le ngày càng tiếp tục... so le và cống hiến cho văn học - nghệ thuật Cà Mau nhiều tác phẩm hay, có giá trị từ sự so le ấy./.
Đoàn Phương Nam