(CMO) Biển - nhiều hiểm nguy, vất vả. Những cơn sóng biển quái ác từng cướp đi của ngư dân nhiều thứ, nhưng biển cũng là nơi đem lại nguồn sống cho hàng ngàn ngư dân ven biển.
Bám biển mưu sinh
Làn da nâu sậm, mái tóc bạc trắng, không ai nghĩ rằng ông Bùi Văn Việt (ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc) mới 58 tuổi đời. Những ngày tháng nhọc nhằn mưu sinh nơi biển cả, trơ trơ với cái nắng gay gắt làm cho ông nhìn già hơn so với tuổi.
Mặt trời đứng bóng, cùng với mấy chục phương tiện nhỏ, thô sơ, chiếc ghe biển của ông Việt cập bến cửa vàm Ba Tĩnh. Thành quả suốt mấy giờ liền lênh đênh trên chiếc xuồng nhỏ, chỉ có công suất 25 CV, đánh bắt gần bờ là vài thùng tôm, cá, ước chừng kiếm được khoảng 400 ngàn đồng sau khi trừ chi phí.
Thật ra, đời sống gia đình ông Việt cũng thuộc dạng khá ở ấp ven biển này, khi có mười mấy công đất ruộng để canh tác. Thế nhưng với ông, biển vẫn là nơi mưu sinh hàng ngày của gia đình. Đứa con trai duy nhất của ông cũng chọn nghề biển ven bờ để sinh nhai khi mới mười mấy tuổi đầu.
Tranh thủ những ngày nắng, biển êm, chiếc ghe nhỏ hành nghề lưới cá của ông Trần Văn Vĩ (ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc) cũng ra khơi đánh bắt. Thoăn thoắt gỡ từng tay lưới chuẩn bị cho chuyến ra khơi hôm sau, ông Vĩ tâm tình, gia đình ông cũng gọi là có đất canh tác khi có được 5 công đất ruộng. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào mấy công đất trồng lúa thì làm sao sống nổi, vậy nên nghề biển gần bờ đã gắn bó với gia đình ông từ mấy chục năm qua. Không chỉ vậy, biển cả cũng là chỗ dựa của 4/5 người con của ông. Ngày nào biển động, mưa gió thì nghỉ, còn bữa nào biển êm thì ông và đứa con trai út lại bắt đầu hành trình kiếm sống trên biển từ khi mặt trời chưa ló dạng.
Ông Vĩ chia sẻ: “Hổm rày ngày nào cũng đi. Bữa được vài trăm ngàn đồng, có khi may mắn được triệu ngoài nhưng nghề đánh bắt gần bờ này bấp bênh lắm, một ngày làm mấy ngày nghỉ. Ghe nhỏ quá nên trời mưa, gió mình đâu dám đi, chưa kể bữa trúng bữa thất nữa, mỗi tháng mình còn phải thay giàn lưới, tốn cũng cỡ 2 triệu đồng rồi”.
Cửa biển vàm Ba Tĩnh là nơi mưu sinh của hàng trăm ngư dân ở xã Khánh Bình Tây Bắc. Ảnh: Ngọc Minh |
Cuộc sống khó khăn nên hầu như con chữ của những ngư dân ven biển cũng rơi rớt trên hành trình mưu sinh. Như gia đình ông Trần Văn Hên, 50 tuổi (ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc), chỉ có 3 đứa con nhưng đứa nào cũng vậy, học tới lớp 5, lớp 6 là đã bỏ trường, bỏ lớp, phần vì cái nghèo, phần vì không đam mê học hành. Không tri thức, không nghề nghiệp, thế nên 2 đứa con trai của ông cũng chọn nghề biển để kiếm sống.
Cũng là ngư dân đánh bắt gần bờ, cũng làm nghề lưới cá như ông Việt, ông Vĩ, nhưng hoàn cảnh của ông Hên có phần đặc biệt. Bởi gia đình ông sinh sống hoàn toàn dựa vào lộc từ biển cả vì không có cục đất chọi chim. Vợ ông ở nhà chỉ chăn nuôi vài con heo, thu nhập đâu được bao nhiêu, vậy nên nghèo vẫn hoàn nghèo.
Không phải ông Hên đầu hàng số phận. Ông cũng từng nghĩ và cũng từng đặt chân lên đất thành thị kiếm nghề khác, hy vọng cuộc sống gia đình sẽ đỡ hơn. Nhưng mấy năm bôn ba nơi xứ người nhộn nhịp, ông Hên lại nghiệm ra rằng, nghề biển vẫn là nghề phù hợp với mình nhất. Tuy bấp bênh đấy nhưng cũng sống được, không cần vốn liếng nhiều. Thế là ông quay về vùng biển mà ông xem như quê hương thứ hai của mình để sinh sống và hàng ngày đội nắng, đội gió nơi biển cả.
Sinh sống ở ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, hơn chục năm qua, ông Diệp Quảng Thanh cũng bám biển để mưu sinh. Lúc đầu ông làm nghề lưới cá, mấy năm gần đây thì chuyển sang nghề câu kiều. Nghề nghiệp tuy có chuyển đổi nhưng cũng là phương tiện nhỏ và chưa thoát khỏi hai chữ “bấp bênh”. Bởi, nghề câu kiều tuy nằm trong danh mục các phương tiện khai thác thuỷ sản được cho phép nhưng nghề này chỉ khai thác theo mùa, đâu thể có thu nhập quanh năm. Lúc vào mùa câu kiều, có ngày ông Thanh đánh bắt ở cửa vàm Kênh Tư, có khi ra khỏi địa phương lên tận Bạc Liêu, lúc nào không đi biển thì quay lên bờ làm thuê kiếm sống.
Thấy nghề biển gần bờ bạc bẽo quá nên ông Thanh không cho 2 đứa con trai của mình nối nghề. Riêng ông vẫn theo nghề dù vất vả, bởi với ông: “Sống ở gần biển không làm biển thì làm gì bây giờ? Chừng nào biển cạn kiệt mới nghỉ”.
39 năm rời xa vùng đất Nam Định đến ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải lập nghiệp là ngần ấy năm vợ chồng bà Trần Thị Ngân bám biển gần bờ để mưu sinh với nghề đẩy ruốc. Trải qua bao năm tháng, nghề biển của gia đình bà chẳng thay đổi mấy, cũng là chiếc xuồng nhỏ, thô sơ. Có khác chăng là hồi trước đẩy ruốc bằng tay, còn giờ làm bằng máy nên đỡ cực hơn phần nào. Nhưng cái nghề cũng bấp bênh, gắn liền với hai chữ “hên - xui”.
Phương tiện nhỏ, thô sơ nên đời sống của ngư dân ven biển cứ bấp bênh. Ảnh: Ngọc Minh |
Bà Ngân trải lòng: “Nghề này làm được có 2 tháng thôi, từ tháng 4-6 âm lịch. Mà có thu nhập bao nhiêu đâu. Như bữa nay nè, đánh bắt được chừng 50 kg ruốc tươi, trừ chi phí mướn bạn, xăng, dầu thì đâu còn gì”.
Thu nhập từ biển lúc có lúc không, cảnh làm thuê cũng vậy nên chỗ che mưa che nắng của gia đình bà vẫn là ngôi nhà gỗ đơn sơ dọc theo tuyến đê biển Tây.
Là một trong những hộ dân được hỗ trợ đất ở theo khu tái cư vàm Kênh Tư, xã Khánh Hải, mặc dù mở được tiệm buôn bán tạp hoá nhỏ nhưng anh Lâm Hoàng Anh vẫn không từ bỏ nghề biển. Nở nụ cười thật hiền, anh Hoàng Anh phân trần: “Bỏ biển buồn lắm. Hơn nữa, buôn bán nhỏ đâu có lời lóm nhiều, 2 đứa con lớn thì đến tuổi học hành, tốn kém nhiều, đứa con thứ 3 cũng chuẩn bị chào đời. Vì vậy phải đi biển mới có thêm thu nhập”.
Khó khăn còn đó…
Nối nghề biển từ cha, hơn 20 năm qua anh Trương Văn Sấm (ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc) giữ nghề đến tận bây giờ và ngày càng mở rộng hơn với 4 phương tiện công suất trên 90 CV làm nghề ốc mực. Niềm vui chưa dứt khi phương tiện được nâng cấp thì những khó khăn trong nghề biển làm anh Sấm thêm phập phồng, lo âu.
Anh Sấm cho biết: “Dầu cứ tăng giá, kéo theo chi phí càng leo thang mà sản phẩm đánh bắt được giá cả thất thường. Như giá mực, mấy tháng nay sụt liên tục. Khó khăn nhất là tình trạng trộm cắp trên biển, ghe tôi bị trộm vỏ ốc hoài chớ gì. Mới trước tết rồi chớ đâu, bị trộm 4 đợt, trong vòng 1 tháng mất 10 ngàn vỏ ốc mới mua về chưa đánh bắt được đợt nào, 250 triệu đồng coi như mất luôn”.
Tuy biết nghề đánh bắt thuỷ sản bằng lú bát quái nằm trong danh mục cấm, nhưng do không có điều kiện chuyển đổi ngành nghề hay nâng cấp phương tiện nên anh Hoàng Anh đành đánh liều. Vậy mà, nghề đặt lú ven bờ ngoài cực nhọc cũng đâu được yên với cảnh trộm cắp.
Anh Hoàng Anh cho biết: “Lú mất hoài, nhớ không nổi luôn. Hồi đó hơn 200 cái lú giờ còn hơn 100 cái. Mỗi cái lú đâu phải ít tiền, tới 360 ngàn đồng. Mất đành chịu thôi, chớ đâu biết ai”.
Trộm hoành hoành, thêm vào đó tình trạng chiếm ngư trường khai thác của các phương tiện khai thác ngoài tỉnh càng làm cho cuộc sống của ngư dân ven biển chồng chất khó khăn.
Anh Mai Văn Cường, chủ ghe làm nghề ốc mực, bức xúc: “Các phương tiện cào ở Kiên Giang qua đánh bắt vùng biển mình hoài. Đáng nói là ngư trường mình đang khai thác, họ qua đánh bắt buộc mình phải dẹp đồ, ngưng khai thác. Để tránh xung đột thì mình phải neo đậu, chờ họ khai thác xong. Như vậy, chi phí tốn kém mà sản lượng đánh bắt lại ít”.
Phương tiện thô sơ, công suất nhỏ, thu nhập không ổn định, cuộc sống của những ngư dân đánh bắt gần bờ cứ quanh quẩn nghèo khó. Còn đối với những ngư dân có điều kiện vươn xa bám biển, thu nhập cao hơn, đời sống có phần ổn định nhưng trên hành trình mưu sinh nơi biển cả từng ngày, từng giờ họ cũng phải đối mặt với hiểm nguy và muôn vàn khó khăn khác. Thế nhưng, với họ, biển vẫn là nơi nương náu, là nơi đem lại miếng cơm manh áo, là cái duyên, cái nghiệp không thể từ bỏ trong đời./.
Ngọc Minh