ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 6-7-25 23:01:49
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đội biệt động thị xã Cà Mau gặp người trong cuộc sau hơn 40 năm - Bài 1: Chuyện “đánh trong lòng địch”

Báo Cà Mau (CMO) Đội Biệt động thị xã Cà Mau ra đời đầu năm 1968, hoạt động xuyên suốt đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Gan dạ, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo…, các chiến sĩ biệt động từng gây tiếng vang lớn bởi những trận đánh táo bạo làm quân thù khiếp sợ.

Không có nhiều thông tin về đội từ các quyển lịch sử địa phương, tôi lần dò tìm những người trong cuộc thì người hy sinh, người mất, không ít người còn nhưng bệnh tật… Nhân chứng duy nhất nắm nhiều hơn hết các sự kiện năm xưa của đội là ông Lâm Anh Lữ, nguyên Đội trưởng.

Ông Lữ cho biết, đội ra đời sau thời gian có nhiều hoạt động đánh địch táo bạo ngay trong lòng thị xã. Số lượng đội hồi ấy không cố định, có người hoạt động một thời gian bị lộ thì chuyển công tác, lại có người khác vào. Cả thảy trên 50 người, khoảng 80% là nữ. Một số thành viên còn rất nhỏ, tuổi từ 14-16, đây là độ tuổi dễ hoạt động, ít gây chú ý. Ban chỉ huy đội đóng ở ấp Cây Khô, xã Tân Lợi, huyện Thới Bình (quê hương của nữ anh hùng Hồ Thị Kỷ). 

Ngoài trận Hồ Thị Kỷ đánh Ty Cảnh sát nổi tiếng, đội còn tiến hành rất nhiều trận đánh khác gây tổn thất lớn cho địch về người, kho tàng, bến bãi, phương tiện chiến đấu… và làm hoang mang tinh thần địch, khiến chúng phải thay đổi nhiều kế hoạch hành quân, càn quét. 

Tuy vậy, các sự kiện diễn ra đã rất lâu, không phải trận đánh nào cũng nhớ chính xác nên ông Lữ khá thận trọng khi chia sẻ thông tin. Ông chỉ cung cấp những gì được cho là tương đối chính xác. “Lịch sử cần phải nói cho đúng”, ông quan niệm.

Tiếng nổ giữa lòng sông

Tháng 10/1968, có một sự kiện gây chấn động thị xã Cà Mau, đó là 2 tiếng nổ kinh hoàng cùng lúc làm rung chuyển cả thị thành, 1 ở cầu Quay Cũ, 1 trước Ty Công chánh (đối diện Chùa Bà). Đây là các bãi đậu tàu sắt của giặc. Làm nên “kỳ tích” này gồm Tổ Quân báo Tỉnh đội (đánh bãi tàu Ty Công chánh) và 2 chiến sĩ của Đội Biệt động thị xã Cà Mau là Nguyễn Thị Lòng và bé Trung (đánh bãi tàu cầu Quay Cũ). 

Ông Lữ cho biết, trận đánh được chuẩn bị khá công phu từ trước. Còn khoảng 10 ngày diễn ra trận đánh, đơn vị biệt động được lệnh điều động từ Cái Đĩa Nhỏ đến Tắc Bà Xa (địa bàn xã Tân Lợi) để luyện tập. 2 quả  bom 500 cân Anh, mỗi quả to bằng cái khạp da bò (khoảng 250 kg, 4 thanh niên lực lưỡng vẫn chưa thể khiêng nổi, do công binh ta đào lấy từ những quả bom lép của địch) cũng được vận chuyển đến. Bom được neo cột dưới lườn xuồng để tập luyện. “Thông thường, đồ vật để trên xuồng, dù khẳm cỡ nào cũng dễ lái, chỉ có vấn đề chạy không nhanh. Đằng này trên xuồng thì trống rỗng, đáy xuồng nặng trì xuống, máy đẩy xuồng tới, quả bom cứ kéo rị lại, xuồng như cái phao cứ lảo đảo. Thế mà các đồng chí đảm nhận công việc đêm nào cũng thức tới sáng để luyện tập. Mãi gần một tuần, các thao tác mới tương đối thành thạo”, người đội trưởng diễn giải.

Ông Lữ đang mô tả việc dùng chất nổ để vào bình bông làm mìn từ kíp nổ được bộ đội đặc công miền Bắc cho mà ông còn cất giữ được.

Đêm 16/10/1968, các đồng chí làm nhiệm vụ vận chuyển bom đến ngọn Cái Đĩa Lớn (gần Cầu số 3) để chuẩn bị xuất phát. Các đồng chí Xưởng Quân giới Cà Mau (công binh xưởng) sinh hoạt lại nguyên lý cấu tạo đầu nổ của quả bom do xưởng chế lại. Đây là loại kíp gây nổ bằng điện năng, giữa nguồn điện và kíp nổ thông qua 1 đồng hồ đeo tay loại lên dây thiều, bị cắt bỏ kim giây và kim phút. Một cực của nguồn điện đấu vào kim giờ, cực kia nối vào một chốt cố định đưa nhô lên trên mặt đồng hồ. Khi kim giờ chạm vào chốt cố định ấy thì bom sẽ nổ.

Ngày 17/10/1968, các đồng chí công binh phải thử đi thử lại nhiều lần phần kíp nổ, kiểm tra rà soát lại từng chi tiết một cho thật chắc chắn. Đặc biệt, có đồng chí Hai Đại (Tỉnh đội trưởng lúc đó) trên đường đi công tác ghé lại kiểm tra, nhắc nhở và động viên anh em trước giờ hành quân ra trận. 

4 giờ sáng ngày 18/10/1968, đơn vị từ ngọn Cái Đĩa Lớn đưa bom ra vàm Cái Đĩa Lớn để chuẩn bị xuất phát. Đến vàm, các đồng chí công binh bắt đầu lắp đặt ngòi nổ vào quả bom, cố định bom vào lườn xuồng.

Riêng việc cố định quả bom dưới lườn xuồng là cả một vấn đề kỹ thuật. Quả bom quá nặng, lườn xuồng bằng cây gỗ, cong ván mỏng manh, treo bằng loại dây gì vừa nhỏ, vừa chắc, cách cố định thế nào cho gọn gàng, dễ lái, dễ cắt mà địch không phát hiện được? Tất cả đều phải nghiên cứu kỹ lưỡng và tiến hành hết sức công phu.

Thời điểm cho bom nổ cũng phải nghiên cứu tính toán kỹ càng, nắm chắc quy luật địch, đảm bảo bom nổ vào lúc tàu địch đang tập trung tại bến, đồng thời tránh gây thiệt hại cho dân.

7 giờ sáng, mỗi xuồng mang bom được nguỵ trang bằng cách chất đầy trấu rồi bắt đầu xuất phát. Đồng chí Nguyễn Thị Lòng trực tiếp cầm máy điều khiển xuồng với nhiệm vụ đánh cụm tàu tại Cầu Quay cũ. Đi cùng là bé Trung, khi ấy 15 tuổi.

Ông Lữ cho biết thêm: “Đồng chí Lòng kể, trên đường đi, dưới sông rong đá quá nhiều, cứ cản vướng mãi, máy chạy hết sức khó khăn. Đến đồn Giồng Kè, bọn lính nguỵ lại ngoắc xuồng quá giang, suýt chút nữa bị lộ. May mà đồng chí bình tĩnh, khôn khéo xử lý tình huống và qua mắt được bọn chúng”.

Đến 16 giờ chiều, 2 chiếc xuồng mang bom đi đánh đều hoàn thành nhiệm vụ quay về an toàn. Mọi người đều nhấp nha nhấp nhổm vào ra, mặt ai cũng đầy căng thẳng trong chờ đợi và hy vọng. “Đúng 17 giờ, bỗng nhiên cảm giác mặt nước sông bị rung rinh bởi một chấn động mạnh từ xa. Niềm vui vỡ oà, chúng tôi reo mừng vang động vì đoán chắc rằng bom đã nổ tốt”, ông Lữ kể trong tâm thái phấn khởi.

Dĩ nhiên lúc đó chỉ biết rằng nhiệm vụ hoàn thành, còn kết quả cụ thể thì chưa có thông tin. Tối hôm đó, cũng tại ngọn Cái Đĩa Lớn, đơn vị Biệt động thị xã Cà Mau cùng bộ phận công binh và Tổ Quân báo tỉnh tổ chức buổi liên hoan “cây nhà lá vườn” ăn mừng thắng lợi và chia tay tạm biệt để vào trận mới. 

Ít ngày sau được biết, trận đánh đã làm chìm, hư hỏng toàn bộ 7 tàu sắt giặc đang neo đậu, làm sập Cầu Quay cũ, gây được tiếng vang lớn, khiến cho nguỵ quân nguỵ quyền tại thị xã Cà Mau hết sức hoang mang. 

Đánh biệt động rất kỳ công, nhiều nguy hiểm

Các trận đánh của Đội Biệt động thị xã Cà Mau đều táo bạo, bất ngờ làm đối phương không kịp trở tay. Đội trưởng Lâm Anh Lữ phân trần: Một tiếng nổ ra nghe đơn giản, nhưng để có nó, phải trải qua quá trình chuẩn bị kỳ công. 

Trước tiên người đánh phải điều nghiên địa hình, địa vật, quy luật địch. Việc điều nghiên phải năm lần bảy lượt khá vất vả. Góc độ người chỉ huy, trên cơ sở báo cáo, phải xác định cách đánh như thế nào. Còn phải tính đến diễn biến trận đánh, các tình huống xảy ra sau trận đánh…

Đánh dưới sông thì dùng bom, trên bờ thường dùng mìn, tất cả đều cải tiến, hoặc tự chế phù hợp yêu cầu từng trận đánh. Thường mìn được dùng thuốc nổ là hợp chất C4, chất này dẻo như bột, có thể nhồi đủ thứ hình thù. Có khi bỏ trong bình trà, hộp thuốc lá, bình bông hoặc gói như các loại bánh tét, bánh dừa... Dùng ống trúc hoặc sậy cắm vô, sau đó đặt kíp nổ có hẹn giờ trong ống. Nếu cần sức công phá lớn, dùng khối thuốc lớn, đặt nhiều kíp chung quanh để gây nổ hết toàn bộ khối thuốc.

Nguyên lý hoạt động của kíp nổ là, chất a xít ăn qua giấy, nhểu xuống “mắt ngỗng” bắt lửa gây nổ. "Hồi đó kíp nổ làm bằng thủ công, thời gian do mình tính toán để cấu tạo kíp nổ phù hợp. Cũng vì làm bằng thủ công nên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn thời tiết ẩm ướt thì a xít ăn nhanh qua giấy hơn trời khô ráo. Dằn sốc mạnh, a xít cũng ăn nhanh hơn… Vì vậy, mọi thứ đều phải hết sức thận trọng và còn đòi hỏi có kinh nghiệm", ông Lữ giải thích.

Như để cho người nghe dễ hình dung, ông lấy dẫn chứng vài sự kiện: “Chẳng hạn đánh phòng căn cước (vào khoảng cuối năm 1969), Hồ Thị Kỷ và đồng chí Bảy Hoa đánh (Bảy Hoa đã từ trần). Khi đó hợp chất C4 được nhồi trong bao thuốc Ruby, mỗi người 2 gói. Hai người mặc quần lưng thun, lận thuốc bên trong. Vô tới nơi, giả bộ làm giấy tờ, rồi mỗi người dùng chân này chặn ống quần bên chân kia, tay lận dây thun quần cho trái rớt xuống. Từ từ kéo chân cho trái nhẹ nhàng xuống đúng vị trí. Xong xuôi, nhanh chóng đi ra. Tới giờ hẹn, 4 trái đồng loạt nổ. Trận này huỷ toàn bộ giấy tờ tại phòng căn cước, đạt được mục tiêu đề ra.

Trận đánh Bưu điện thì lại dùng hợp chất C4 gói giống như đòn bánh tét. Ông Lữ cho biết: “Trận này cô Nhuyễn và Chín Thắm đánh. Tôi dùng thuốc nổ gói hai đòn “bánh tét”, nguỵ trang trong nhiều đòn bánh tét thật. Hai người vô bưu điện, lại bàn giả vờ viết địa chỉ gửi thư, rồi đi ra để giỏ đồ dưới ghế kiểu như quên. Đúng giờ, “bánh tét” nổ tung…”. 

Ông Lữ diễn giải tiếp: “Còn chỗ đánh Ty Cảnh sát, mình bố trí 2 mũi, Hồ Thị Kỷ đánh trước vô, 1 mũi đánh từ Chùa Bà ốp qua. Huỳnh Thị Kim Liên cùng tổ Hồ Thị Kỷ, bồng con theo để nguỵ trang, nói là vào ty thăm người quen, nhưng chủ yếu là để quan sát, ra ám hiệu cho Hồ Thị Kỷ đặt mìn”. 

Giọng ông trầm xuống: “Trước trận này, Hồ Thị Kỷ có hỏi tôi, nếu muốn cho nổ liền tay thì sao? Tôi dần dừ rồi bảo: Hỏi làm chi? Kỷ nói: Để phòng, trường hợp kẹt quá cũng cho nổ. Tôi hướng dẫn: Chỉ cần nhấn mạnh nút xuống thì a xít sẽ ăn thủng giấy tới “mắt ngỗng”, gây nổ. Ai ngờ…”./.

Trận đánh Ty Cảnh sát diễn ra ngày 3/4/1970. Theo kế hoạch, Hồ Thị Kỷ đem giỏ xách nguỵ trang (có mìn) đặt ngay trung tâm Ty Cảnh sát. Nhưng tình huống hôm ấy diễn biến trái với dự kiến, bọn địch tập trung ra đường chuẩn bị cho trận càn. Nhanh trí, Hồ Thị Kỷ ra ám hiệu thay đổi kế hoạch với đồng đội và xách giỏ mìn tiến đến đoàn xe địch, mời thuốc bọn giặc hút rồi nhanh tay ấn kíp mìn. Trận đánh làm thương vong nhiều tên địch, phá huỷ 1 xe Zeep, 2 xe quân sự GMC, sập 1 lô cốt, bẻ gãy hoàn toàn kế hoạch hành quân, khủng bố của địch.

Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Thị Kim Liên và bé Hồ Thuý Nghiêm hy sinh.

Trang Thăm

Bài 2: Chuyện ít biết về hồ thị kỷ và gia đìn

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài 2: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng

Là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm trên biển, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau ngày đêm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật. Những chiến công liên tiếp trong việc triệt phá các chuyên án, bắt giữ tội phạm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế biển.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc

Năm 2025 là năm đặc biệt đối với Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau khi đánh dấu 50 năm xây dựng, chiến đấu và không ngừng lớn mạnh, trở thành “lá chắn thép” nơi cực Nam Tổ quốc, đảm bảo sự bình yên và vững chắc cho vùng biển, đảo quê hương. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn là những người bạn, người thân của Nhân dân, cùng chung tay xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Lớn lên từ những chuyến đi

Trong suốt chặng đường theo nghề báo hơn 25 năm, có những lúc áp lực, tưởng chừng sẽ phải dừng lại. Song, khi nhìn lại, tôi thầm cảm ơn và tự hào với những gì mà nghề đã mang lại cho tôi, đó là những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, xa xôi, đặc biệt là những chuyến đi biển, đảo. Chính những hành trình ấy đã tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước, bùng thêm ngọn lửa nghề trong tim tôi.

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.