(CMO) Đội trưởng Lâm Anh Lữ cho biết, Hồ Thị Kỷ không chỉ đánh một vài trận mà có đến hàng chục trận. “Kỷ gan dạ, dũng cảm lắm”, là lời ông nhận xét về người đồng đội, cấp dưới của mình.
Giỏi đánh giặc lại khéo tay, sống tình cảm
Cũng theo Đội trưởng Lâm Anh Lữ, là người hoạt động bán hợp pháp, Hồ Thị Kỷ thường đi về giữa Tân Lợi và Cà Mau. Ra Cà Mau, Hồ Thị Kỷ hay ở nhà người bà con tại Phường 1. “Kỷ đánh cháy rất nhiều xe cảnh sát. Kỷ ra chợ thường đem theo 2-3 trái mìn hẹn giờ, ở 1-2 đêm, gặp xe nhà binh đậu ngoài đường là đặt mìn đánh”, ông Lữ kể.
Ông kể tiếp: “Hồ Thị Kỷ gan lắm, có lần ra nhà bà con, Kỷ ở trên gác, thấy xe cảnh sát đi tuần qua lại Kỷ tức lắm. Lần đó Kỷ về đòi xin lựu đạn đánh. Tôi không cho và phân tích: Mình đặt mìn rồi đi khỏi chỗ đó thì được, chứ đứng trên gác mà ném lựu đạn, dù có phá huỷ được xe thì nó cũng biết chỗ để bao vây bắt được. Phương châm của đội là đánh được địch nhưng phải bảo toàn ta. Kỷ nghe ra mới thôi ý định”.
Ngoài giỏi đánh giặc, ông Lữ còn cho biết, Hồ Thị Kỷ xinh đẹp và rất giỏi giang. “Hồi đó đơn vị Địa phương quân của thị xã có một bộ phận đóng ở nhà Kỷ (anh Kỷ là Hồ Văn Cúc, Đại đội phó Đại đội 1, Địa phương quân thị xã, đã hy sinh). Kỷ lo cơm nước chu đáo. Đặc biệt, quần áo, nón tai bèo, khăn… Kỷ đều may cho anh em. Hồi đó quần áo may bằng vải ny lông cho gọn nhẹ, xuống nước mau khô, nón may bằng vải dù. Đơn vị mua vải, Kỷ toàn may giùm. Kỷ may rất khéo.
Đối với anh chị em, đồng đội trong đơn vị biệt động, Kỷ chân tình, rất mực yêu thương. Kỷ cũng hay may đồ tặng anh chị em làm kỷ niệm. Tôi cũng có 1 bộ đồ và cái nón Kỷ may tặng, nhưng đã giao hết cho Bảo tàng Đặc công”, bằng tình cảm trìu mến và trân trọng, ông Lữ kể về nữ anh hùng.
Đêm chia tay đầy lưu luyến
Ký ức về nữ anh hùng Hồ Thị Kỷ cũng được bà Hồ Thị Sao (68 tuổi), em gái kế, cũng là em út Hồ Thị Kỷ kể lại với lòng đầy yêu thương và nể phục. Bà giải thích, bà gọi Hồ Thị Kỷ bằng chị (chứ không phải chế theo cách gọi địa phương) là do thích cách xưng hô trong cơ quan, đơn vị hồi đó.
Bà bảo, bà nhỏ hơn Hồ Thị Kỷ 3 tuổi, lúc đi đánh Ty Cảnh sát, Hồ Thị Kỷ 22 tuổi ta, còn bà 19. Xin ghi lại đoạn chia sẻ đầy xúc động của bà về người chị, nữ anh hùng Hồ Thị Kỷ:
“... Hồi đó hai chị em thân lắm. Chị Kỷ nói, sau này tôi ở đâu thì chị và mẹ ở đó...
Đánh Ty Cảnh sát là trận đánh quan trọng và nguy hiểm nên trước đó, chị và đồng đội đã được làm lễ truy điệu ở Cà Mau Nam (Rạch Mũi, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước).
Lúc chị xung phong đi, tôi cũng đòi tham gia nhưng chị không cho. Chị nói, trận đánh này nguy hiểm lắm, có gì em còn ở lại lo cho mẹ.
Mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Nhung và Anh hùng Hồ Thị Kỷ được bà Hồ Thị Sao thờ tại gia đình ở Phường 7, TP Cà Mau. |
Đêm trước lúc đi, hai chị em thức gần trắng đêm tâm sự. Chị nói, cỡ nào chị cũng không để chúng bắt và lấy trái nổ. Vì trái của mình quý lắm, tốn nhiều tiền của, công sức mới có được. Chị thà chết mà giết được chúng chớ không để bị chúng lấy trái nổ, uổng phí lắm. Thêm nữa, anh em đồng đội mình ở Khám Lớn nhiều lắm, để nó bắt, nó đánh đập sợ mình đau rồi không giữ được khí tiết, khai lung tung thì nguy hiểm tới anh em. Thà mình hy sinh. Học theo gương chị Võ Thị Sáu, phải sống hiên ngang...
Chị nói, 8 giờ tới 9 giờ hôm sau là chị về. Hoặc 11-12 giờ. Chậm lắm cũng cỡ 3 giờ chiều là chị về tới. Nếu 3 giờ mà không thấy chị về là coi như chị hy sinh...
Chị em tâm sự tới 12 giờ đêm, chị quay sang chuẩn bị và nói chuyện, chia tay với mấy anh bộ đội. Tới 1 giờ 30 là chị xuống xuồng đi ra Cà Mau làm nhiệm vụ. Lúc đó chị đi cùng chị Huỳnh Thị Kim Liên, bồng theo bé Hồ Thuý Nghiêm. Hai chị em xuống xuồng chèo đi. Bấy giờ là mùa hạn, nước sông cạn, xuồng chèo cứ nghe ọt ẹt…”.
“4 giờ chiều, mấy anh về cho hay chị hy sinh. Lúc đó má tôi xỉu, tôi xỉu ngoài đồng...”, bà Sao xúc động bùi ngùi. Chuyện đã qua mấy mươi năm, nhưng nhắc lại, từng cung bậc cảm xúc vẫn trào dâng trong lòng bà.
Đau thương, mất mát lớn lao, nhưng bà vẫn thể hiện tinh thần, ý chí cách mạng mạnh mẽ. Bà nói: “Thương tiếc chị lắm, nhưng trong hoàn cảnh đó, chị đi làm nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ thiêng liêng vì nước nên tôi không hề cản chị. Tôi cứ động viên chị, bởi bản thân cũng suy nghĩ giống chị, là không sợ chết…
Nhưng đêm đó, chị đi rồi tôi cứ trằn trọc không ngủ được. Thương chị tôi cứ nằm khóc và vừa mong chờ thắng lợi, vừa cầu nguyện chị về an toàn. Vậy mà lòng vẫn thấy hồi hộp, lo lắng không yên...”.
Ký ức về người chị gái, người bạn tri kỷ vẫn đầy tự hào, như ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn bà Hồ Thị Sao: “Chị Kỷ khéo tay lắm, đi thì thôi về là may vá. Hồi đó, bộ đội ở nhà tôi hết tốp này tới tốp khác. Chị may đồ cho mấy anh bộ đội, vá áo cho mấy anh, nói chuyện vãn, lo cơm nước... Mấy anh thương lắm.
Đêm đó chia tay, thấy mấy anh sụt sùi, chị nói: Mấy anh đừng lo, em đi rồi em về. Mà dù em có hy sinh, mấy anh cũng đừng buồn. Phải mạnh mẽ lên, chiến đấu hăng say trả thù cho em. Một người ngã xuống thì nhiều người phải đứng lên”.
Bà nói tiếp trong đau đớn, bùi ngùi: “Người dân kể, nó đem xác chị neo dưới sông, người dân phản đối quá, mới đem chôn. Mà hình như người nào đó lén đem chôn, trên nghĩa địa Bảng Nước Ngọt, Phường 6”.
Sau giải phóng, gia đình phối hợp bốc hài cốt Hồ Thị Kỷ về chôn ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau. Sau ghép tỉnh Minh Hải, hài cốt nữ anh hùng được quy tập về nghĩa trang tỉnh ở huyện Hoà Bình. Và hiện nằm tại khu mộ anh hùng, Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bạc Liêu (thị trấn Hoà Bình, huyện Hoà Bình).
Gia đình một lòng theo cách mạng
Căn nhà bà Hồ Thị Sao nằm ở số 56, trên con đường nhỏ ven sông Gành Hào, thuộc Khóm 7, Phường 7, TP Cà Mau. Đó là căn nhà tình nghĩa trong dãy 5 căn, nghe nói trước đây do Sở LĐ-TB&XH cấp cho các gia đình có công khó khăn về nhà ở. Bà Sao cho biết, năm 2010, nhà xuống cấp, Nhà văn Trầm Hương (Bảo tàng Phụ nữ TP Hồ Chí Minh) có đến thăm và vận động 50 triệu đồng sửa lại.
Hiện bà đang thờ người mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Nhung và anh hùng Hồ Thị Kỷ. Bà cho biết, người cháu (con chị thứ Tư) ở ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình thờ chính, vì nơi đó là quê hương. Còn bà vẫn thờ để luôn cảm thấy chị em, mẹ con vẫn gần gũi, có nhau như tâm nguyện Hồ Thị Kỷ.
Nhắc về người mẹ, bà Sao hết sức tự hào: “Má tôi tinh thần cách mạng cao lắm. Má không cản trở anh chị em tôi đi làm cách mạng. Má nói: Nếu tụi con không đi đánh nó thì nó cũng đánh mình”.
Bà Sao còn cho biết thêm: “Lúc chị hy sinh, tôi khủng hoảng mấy tháng trời. Má tôi cũng đau buồn, khủng hoảng tinh thần, cứ nói: Tụi bây giết con tao, tao sẽ trả thù. Má cùng bà con kéo biểu tình bên chùa Ngọc Sắc. Rồi hợp tác, kêu gọi chị em phụ nữ trong xóm gói bánh tiếp tế cho bộ đội. Má nói, tiếp sức cho anh em bộ đội để nó đi đánh giặc trả thù”.
Bà kể, sau Mậu Thân 1968, xóm tản cư gần hết, nhưng mẹ bà không đi, quyết một lòng bám đất, bám vườn, làm ruộng nuôi cán bộ trong nhà và nuôi quân tới ngày giải phóng. Bà bảo: “Má tôi nói, nó phá nhà mình, đốt nhà mình, bỏ bom sập thì mình cất lại nhà khác chứ nhất định không đi. Má vận động được một số bà con ở lại, má nói, đi ra ngoải không sống nổi với chế độ nó đâu”.
Bà Sao có 6 anh chị em. Người thứ hai là du kích xã, tên Hồ Văn Viên, hy sinh. Anh thứ ba là Hồ Văn Cúc, Địa phương quân thị xã, hy sinh. Thứ tư là Hồ Thị Hoa, công tác phụ nữ xã (đã mất). Thứ năm là Hồ Thị Ngân, giao liên tỉnh (giờ sống trong chùa Ngọc Sắc). Hồ Thị Kỷ thứ sáu và bà là con út. Chồng bà là lính đặc công, tên Đinh Hoàng Diệu, hy sinh. Ba bà là ông Hồ Văn Thiên, mất khi bà 17 tuổi.
“Ngày xưa ba cũng đi Việt Minh chống Pháp, bởi vậy mới cho con đi, mới nuôi chứa cán bộ cách mạng xuyên suốt trong nhà. Dòng họ, anh em ba má toàn theo cách mạng. Chị em tôi còn nhỏ đã tham gia bưng đất đào hầm, đem cơm đưa xuống hầm cho mấy chú ăn. 11-12 tuổi là biết đi làm liên lạc, 14-15 tuổi là thơ dồn ống trúc đem ra vùng chiến lược...”, bà hãnh diện nói.
Sau khi Hồ Thị Kỷ hy sinh, bà cũng chính thức gia nhập đội biệt động. Khi đất nước thống nhất, bà làm HTX thương nghiệp, sau đó lên TP Hồ chí Minh cũng làm HTX thương nghiệp. Được mấy năm, mẹ bà thấy nhớ quê quá nên đòi về. Trở về quê nhà, bà tham gia công tác địa phương một thời gian, sau sức khoẻ kém nên nghỉ.
Mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Nhung mất năm 2006, hưởng thọ 92 tuổi. Hiện bà có người cháu ruột (con liệt sĩ Hồ Văn Cúc) tên Hồ Quỳnh Như là Chủ tịch UBND Phường 9, TP Cà Mau./.
Trang Thăm
Bài cuối: Đội trưởng biệt động giữa đời thường