ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 6-7-25 23:15:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đội biệt động thị xã Cà Mau Gặp người trong cuộc sau hơn 40 năm - Bài cuối: Đội trưởng biệt động giữa đời thường

Báo Cà Mau (CMO) Sau giải phóng, ông Lâm Anh Lữ được phân công giữ chức vụ Thị đội phó Thị đội Cà Mau. Năm 1979, ông được điều sang làm kinh tế. Năm 1994 ông về hưu. 

Trong chiến đấu ông và Chính trị viên Tạ Minh Nghiệp đã sáng tạo, mưu trí lãnh đạo đơn vị giành nhiều thắng lợi, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Hoà bình, ông tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ làm tốt nhiệm vụ được phân công. Và khi trở về với đời thường, phẩm chất người lính không đầu hàng hoàn cảnh, năng động, nhạy bén… lại giúp ông trở thành cựu chiến binh tiêu biểu trên mặt trận sản xuất, chăm lo tốt gia đình và chuyện học hành con cái (con ông hiện 1 người là bác sĩ, 1 đại học sư phạm).

Năng động làm kinh tế

Cả tuổi thanh xuân cống hiến cho cách mạng, khi về hưu, như nhiều đồng chí, đồng đội cùng thời, hoàn cảnh kinh tế gia đình ông thiếu trước hụt sau. Đồng lương hưu và tiền trợ cấp thương binh 3/4 cũng chật vật trong xoay xở. Mặc dù sức khoẻ có giảm sút, nhưng ông không cho phép mình nghỉ ngơi. Vốn gốc nông dân (quê ở xã Hoà Thành, gia đình từng làm rẫy ở Đất Mới, Năm Căn), cái máu nhà nông vẫn chảy trong ông. Và khi nghỉ hưu, có thời gian, vậy là nghĩ tới chuyện sang đất để sản xuất. “Miếng đất 7 công hoang hoá, cỏ sậy um tùm, đường đi không có, sang rẻ rề. Ban đầu tôi bỏ công sức phát dọn, cấy lác để bán làm hàng thủ công mỹ nghệ, nhưng phèn quá không hiệu quả. Sau đó làm ruộng thì bị chim chuột ăn vì xung quanh cỏ sậy không ai làm”, ông nhớ lại. 

Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tới khoảng năm 2000 đến nay, ông đã định hình và ổn dần các mô hình kinh tế như nuôi cá tra thương phẩm, nuôi heo rừng và ba ba. Không có vốn đầu tư ồ ạt, ông cứ làm từ từ, hiệu quả thì mở rộng thêm. Nhiều năm nay, mỗi năm ông thu khoảng 7-8 tấn cá tra, 500-700 kg ba ba, trong chuồng luôn có từ 20-30 con heo rừng thịt để “bán lai rai” khi mọi người cần dùng. Ông nhẩm tính, cá giá 25-30 ngàn đồng/kg, ba ba 230-250 đồng/kg…, trừ chi phí còn lãi trên dưới 250 triệu đồng/năm. 

Toàn những loại dễ nuôi, tuy vậy, muốn đạt hiệu quả cũng phải trải qua thời gian thực tiễn và rút kinh nghiệm. Ông kể một chuyện vui: “Ban đầu nuôi ba ba, con cái cứ chết dần nổi lên. Tới một năm bắt lên bán còn toàn ba ba đực. Sau đó mình tìm hiểu mới biết ba ba đực sinh lý rất mạnh, chỉ cần 1 con là sẽ phối giống 10 con. Vậy là khi nó đẻ, mình lấy trứng ấp, không để nở tự nhiên như trước. Khi ba ba con nở ra, nuôi mấy tháng, phân biệt được con đực, con cái mới cho ra ao theo tỷ lệ trên, thế là ổn”.

Vị trí đất “rẻ rề” của ông hiện cặp đường nhựa Lý Văn Lâm, Khóm 6, Phường 1, gần bến xếp dỡ, không chỉ giúp ông có điều kiện sản xuất thoả nỗi đam mê, chăm lo tốt cuộc sống gia đình mà còn khá giá trị. Ngoài ra, ông còn 1 ha đất ở ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ (một người con đang trông coi) dùng để nuôi tôm. Năm qua ông đầu tư chuồng trại nuôi bò, làm 1 ao hơn 1 ngàn mét vuông thả nuôi cá chốt, cá đối tự nhiên. “Bò phát triển tốt, cá nuôi cũng lớn nhanh, dù tôi không cho ăn, triển vọng lắm!”, ông phấn khởi chia sẻ. Ông hào hứng cho biết thêm: “Tôi đang học trên mạng nuôi tôm VietGAP 2 giai đoạn, đầu tiên làm hầm dèo, đến cỡ đầu đũa ăn thì thả ra, tôm cũng đang phát triển rất tốt”. 

Tăng gia sản xuất cũng là thú vui tuổi già của ông Lâm Anh Lữ.

Một điều hết sức đáng nể ‘lão nông” tuổi ngoài thất thập này là ngoài kinh nghiệm từ thực tiễn, qua báo, đài, ông còn năng động học hỏi kinh nghiệm sản xuất trên mạng Internet. Ông cho biết, mạng Internet hỗ trợ ông rất nhiều. Cứ thắc mắc gì “hỏi bác Google” là được đáp ứng. Gửi email, đánh máy trên vi tính... ông đều thao tác khá thành thạo.

Một “bí quyết” để ông sản xuất có lãi cao hơn người khác là, thức ăn cho cá, cho heo ông không phải mua, chủ yếu bỏ công làm lời. Người con trai học sư phạm hiện dạy hợp đồng tại Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau và Trung tâm Tiếng Hoa. Mỗi tối khi dạy xong ở trung tâm, anh ghé các chợ chở phế phẩm đầu tôm, ruột, xương cá... nhờ các công nhân vệ sinh gom từ những người bán tôm cá trong ngày (khoảng 30-40 kg) về nấu cho cá ăn. Còn ông, lịch làm việc một ngày cũng rõ ràng đâu ra đó: Sáng 5 giờ tập thể dục, 6 giờ đi cắt 2 giỏ cỏ cho bò (dọc theo 2 bên lộ nơi ông ở), sau đó đi ra CLB Hưu trí TP Cà Mau (Phường 4) gặp gỡ bạn bè, uống cà phê, chơi bóng bàn. Mấy tiếng sau về đem cỏ vô quê cho bò ăn. Buổi trưa, ông ra đi chở 4 thùng cặn về nấu cho heo rừng. Cả buổi chiều ông dành thời gian cho việc chăm sóc vật nuôi, tìm tòi, nghiên cứu những tiến bộ mới áp dụng vào sản xuất... Chưa hết, buổi tối ông còn vào trực tại Trung tâm Tiếng Hoa (Phường 2) với vai trò giám đốc. 

“Tôi vốn thích lao động chân tay, xem chuyện nuôi trồng là thú giải trí cho mình, nên chuyện cắt cỏ, chở cặn lại thấy bình thường không có gì nặng nề hay mặc cảm, áp lực… Mình lao động vừa có sức khoẻ, đầu óc hưng phấn, lại có thu nhập, còn để làm gương cho con cháu”, ông bày tỏ.

Từ một thương binh sản xuất giỏi, gia đình gương mẫu…, ông hai lần được vinh danh Gia đình có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc (năm 2014 và 2018). 

Nặng tình đồng đội

14 năm qua (bắt đầu từ năm 2005, kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước) năm nào vào ngày 30/4 ông cũng làm mâm cơm cúng đồng đội hy sinh và mời đồng đội cũ về họp mặt (đồng đội trong đội biệt động và đồng đội khi phụ trách các đơn vị khác). “Mỗi lần từ 150-200 người dự, vui lắm. Cùng ôn lại chuyện xưa, thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn”, ông nói. Mỗi lần họp mặt, ông lo toàn bộ chi phí và thường làm từ 1-2 con heo rừng để cúng kiếng, thết đãi đồng đội.

Năm nào ông cũng bỏ ra hơn 10 triệu đồng giúp đỡ đồng đội khó khăn, bệnh tật, đau ốm hay tiếp vào sửa, cất nhà cửa. Thỉnh thoảng ông sắp xếp đi thăm bạn bè, đồng đội, tư vấn làm kinh tế từ kinh nghiệm bản thân. Mấy năm nay, khi được tín nhiệm làm Trưởng ban liên lạc Thị đội Cà Mau, Huyện đội Châu Thành, công việc ông cũng nhiều hơn. Ngoài dò tìm thông tin đồng đội để bổ sung vào danh sách, ông còn phải nắm tin tức, vận động quyên góp tiền từ các đồng đội có điều kiện để thăm hỏi, giúp các hoàn cảnh bệnh tật, đau ốm hay cất, sửa nhà cửa. Đồng đội ông giờ đa phần tuổi cao, không mấy người dư dả, vậy là bằng cái tình cái nghĩa, người đóng góp một ít cố gắng khi anh em được xét cất nhà tình nghĩa thì góp thêm vào mỗi căn 5 triệu đồng. Đến nay ông đã vận động đóng góp xây dựng được gần chục căn nhà.
Ông chia sẻ: “Hồi đó đạn bom dày đặc, ra đi đánh giặc tính mình chết chớ không nghĩ sống. Được hưởng hoà bình đã là cái may. Bao nhiêu đồng đội mãi không về. Coi như mình sống luôn cả phần của họ. Làm gì được cho anh em, đồng đội, cho cuộc đời trong khả năng thì làm. Chỉ tiếc rằng tuổi tác, sức lực có hạn…”.

Và những trăn trở…

Chưa đầy 10 năm hoạt động, Đội Biệt động thị xã Cà Mau (về sau đổi thành Đội Biệt động Hồ Thị Kỷ) đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, cùng góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Kết thúc chiến tranh, có 10 đồng đội đã hy sinh. Đội được tuyên dương anh hùng. Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Thị Kim Liên, Nguyễn Thị Lòng được tuyên dương anh hùng (hiện bà Lòng đã qua đời). Nếu tính luôn anh hùng liệt sĩ Mạc Thành To trước đó (tiền thân của đội) thì đơn vị có tới 4 anh hùng. 

Tuy vậy, như đã nói, tìm qua các quyển lịch sử địa phương, chưa thấy dòng nào điểm qua về lịch sử đơn vị và bỏ sót nhiều trận đánh quan trọng. Bản thân tôi thực hiện bài viết này cũng từ chỗ muốn biết nhiều hơn về đơn vị, nhưng không có thông tin. Đem nỗi niềm này chia sẻ cùng người đội trưởng biệt động năm xưa Lâm Anh Lữ, ông thở dài: “Nhiệm vụ của chúng tôi coi như đã hoàn thành. Thời chúng tôi cũng đã qua. Còn chuyện lưu vào sử sách thì…”. Tôi hiểu, trong cái im lặng bỏ lửng của ông, còn nhiều chuyện khó nói vì không thuộc chuyên môn, không thuộc thẩm quyền...

Ông cho biết, trước đây cũng có mấy bài báo viết về đội, nhưng còn chỗ này, chỗ nọ chưa chính xác. Chẳng hạn có bài báo nói rằng, Huỳnh Thị Kim Liên là chị dâu ruột Hồ Thị Kỷ, điều này không đúng. Kim Liên là chị dâu con người bác thứ hai, còn Hồ Thị Kỷ con người thứ sáu. Rồi ngày tháng, sự kiện, chi tiết… cũng còn nhiều chỗ cần bàn. 

Hiểu nỗi lòng ông và chợt giật mình, người đội trưởng năm nào giờ cũng sắp bước qua tuổi 73. Đồng đội đơn vị ông giờ cũng vơi đi một nửa, số còn nhiều người bệnh tật, sức khoẻ kém và mỗi năm con số này cứ vơi thêm. Nếu ngành chức năng không có sự quan tâm, không có những động thái tích cực ngay từ bây giờ thì có lẽ các thế hệ sau cũng không biết gì về đơn vị anh hùng này, cũng không có cơ hội đi gặp nhân chứng mà tìm hiểu thông tin như tôi. 

Không lưu vào sử sách, phải chăng chúng ta còn thiếu sót với thế hệ sau và chưa làm tròn bổn phận với những người đã hy sinh máu xương vì Tổ quốc..../.

Trang Thăm

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài 2: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng

Là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm trên biển, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau ngày đêm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật. Những chiến công liên tiếp trong việc triệt phá các chuyên án, bắt giữ tội phạm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế biển.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc

Năm 2025 là năm đặc biệt đối với Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau khi đánh dấu 50 năm xây dựng, chiến đấu và không ngừng lớn mạnh, trở thành “lá chắn thép” nơi cực Nam Tổ quốc, đảm bảo sự bình yên và vững chắc cho vùng biển, đảo quê hương. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn là những người bạn, người thân của Nhân dân, cùng chung tay xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Lớn lên từ những chuyến đi

Trong suốt chặng đường theo nghề báo hơn 25 năm, có những lúc áp lực, tưởng chừng sẽ phải dừng lại. Song, khi nhìn lại, tôi thầm cảm ơn và tự hào với những gì mà nghề đã mang lại cho tôi, đó là những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, xa xôi, đặc biệt là những chuyến đi biển, đảo. Chính những hành trình ấy đã tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước, bùng thêm ngọn lửa nghề trong tim tôi.

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.