(CMO) Cùng với tiến trình đổi mới đất nước, giáo dục và đào tạo đang có sự thay đổi nhanh chóng. Thành tựu của giáo dục mang lại là rất to lớn nhưng khi nói đến thực trạng giáo dục nhiều người thường nghĩ đến những hạn chế, yếu kém và những tồn tại gây bức xúc xã hội. Thiết nghĩ, để giải quyết căn nguyên của vấn đề không thể chọn giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém cụ thể trước mắt là đủ, mà cần thiết phải nhận diện rõ xu thế phát triển, những cơ hội, thời cơ và những khó khăn, thách thức lớn để đưa sự nghiệp giáo dục phát triển một cách toàn diện.
Bài 1: Sự cần thiết phải đổi mới giáo dục
Đành rằng những “yếu kém nhỏ, tác hại lớn” không được xem nhẹ, không thể bỏ qua, nhưng phương châm “lấy hoa thơm lấn dần cỏ dại” vẫn là mục tiêu cơ bản.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo là yêu cầu tất yếu khách quan. (Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Hồ Thị Kỷ trao đổi thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2016-2017). Ảnh: KIM CHI. |
Nhận diện những hạn chế
Đối với điều kiện cụ thể của Cà Mau, để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đòi hỏi tất yếu khách quan, đáp ứng tình hình trước mắt hiện nay và cơ bản, lâu dài, xuất phát từ những lý do chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, chất lượng giáo dục của Cà Mau còn thấp, chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chất lượng thấp ở đây là thấp cả về quy mô người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ/dân số và năng suất lao động. Tuy có tiến bộ trong những năm gần đây nhưng chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh nhìn chung vẫn còn thấp so với khu vực và bình quân của cả nước. Có lẽ, sự yếu kém, bất cập của giáo dục trước hết phải nói đến yếu kém nội tại như chất lượng giáo dục toàn diện đạt thấp, chứa đựng nhiều bất cập, trong đó có yếu kém trong công tác quản lý, quản trị ở một số cơ sở giáo dục. Chậm đổi mới công tác quản lý, xây dựng đội ngũ chưa theo kịp yêu cầu thay đổi từ khách quan cuộc sống, xu thế phát triển của đất nước, đáp ứng hội nhập là một trong những rào cản dẫn đến những yếu kém, bất cập trên những phương diện khác, có những mặt chậm được khắc phục, kéo dài nhiều năm.
Giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông được xã hội chú ý, quan tâm nhiều nhất. Hiện nay, câu chuyện đổi mới giáo dục phổ thông thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ trong ngành mà cả xã hội, nhất là từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể giữa tháng 4 vừa qua. Vượt qua áp lực để thấy đó là cơ hội, điều kiện để giáo dục tìm được tiếng nói chung, tạo ra giá trị và diện mạo mới đối với giáo dục tỉnh nhà. Từ mục tiêu giáo dục truyền thống, trọng tâm là truyền đạt kiến thức khoa học, tiến tới đổi mới theo hướng trang bị kiến thức gắn với hình thành phẩm chất, năng lực của người học; hình thành năng lực tư duy độc lập, ý thức công dân, khả năng hợp tác, giao tiếp, kỹ năng mềm và xem trọng đúng mức giáo dục đạo đức, giá trị sống, trải nghiệm sáng tạo, đó là những trọng tâm đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Thứ hai, thực trạng giáo dục hiện nay vừa thiếu tính đồng bộ, chưa tạo được sự liên thông, nhiều khó khăn tồn tại dai dẳng. Chất lượng giáo dục chịu sự tác động từ nhiều phía, đòi hỏi đổi mới phải đồng bộ cả trong và ngoài ngành giáo dục. Sự không đồng bộ ở đây có thể dẫn chứng như: phương pháp giáo dục còn nặng lý thuyết, thiếu thực hành và hoạt động trải nghiệm. Trong đổi mới giáo dục, việc ứng dụng khoa học và công nghệ là điều kiện tiên quyết của việc dạy và học nhưng do đầu tư còn hạn chế, chưa đồng bộ, nhiều giáo viên chưa bắt nhịp kịp yêu cầu nên chưa được thực hiện một cách phổ biến. Phương pháp dạy - học chậm đổi mới; phương pháp kiểm tra, đánh giá theo lối cũ, lạc hậu, bộc lộ nhiều bất cập là những ví dụ cụ thể của đổi mới không đồng bộ.
Hiện nay, hệ thống giáo dục công lập có vị trí quan trọng, bao trùm và đã được khép kín đến các địa bàn trong tỉnh. Từ nhiều năm nay, vấn đề phân luồng học sinh sau THCS vẫn là điểm yếu chưa có hướng mở. Theo quy định, sau THCS, học sinh được phân luồng có thể học lên THPT hoặc được đào tạo nghề. Thông thường sau THCS, phần lớn học sinh vào THPT rồi thi tuyển sinh vào đại học, số học sinh vào các trường dạy nghề rất ít, chất lượng dạy nghề đạt thấp, trường dạy nghề gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, số học sinh THPT được định hướng nghề nghiệp chuẩn bị học tiếp đại học nhưng để giúp các em đưa ra quyết định chọn cho mình nghề gì là không đơn giản. Mặt khác, việc phân luồng với một bên là giáo dục học thuật, bên còn lại là giáo dục nghề nghiệp chưa tạo được tính mở và liên thông, làm cho người học khó khăn, mất thời gian, tốn kém nhiều chi phí khi chuyển đổi nguyện vọng.
Thứ ba, có những hoạt động giáo dục trước đây là cần thiết, phù hợp nhưng đến nay phải thay đổi khi thấy những quy định đó không còn phù hợp, gây lãng phí, phiền hà. Xã hội luôn thay đổi, có khi ưu điểm trước đây nay đã là khuyết điểm, vì thế giáo dục phải nhanh nhạy, đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của đất nước. Chẳng hạn, trước kia quy định một số trường THPT “tốp trên” được tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 có tác dụng giảm áp lực, tạo công bằng trong việc sắp xếp, phân bổ học sinh theo học từng trường (thậm chí từng lớp) sau đó, trường “tốp dưới” (có thời điểm gọi là trường bán công) mới xét tuyển và gần như tuyển hết các em vào học theo nguyện vọng. Nhưng bắt đầu từ năm học 2016-2017, trên địa bàn tỉnh, chỉ có Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển được phép tổ chức thi tuyển, 32 trường THPT còn lại đều áp dụng xét tuyển. Dù thi tuyển hay xét tuyển đều có mặt ưu điểm và hạn chế, nhưng thực hiện biện pháp xét tuyển đầu cấp (riêng lớp 6 bỏ hẳn việc thi tuyển dưới mọi hình thức) đã giảm đáng kể áp lực, tốn kém đối với phụ huynh và học sinh. Hay hiện nay chúng ta đang áp dụng kỳ thi THPT quốc gia “hai chung” theo hướng tinh giản mà vẫn đánh giá đúng kết quả giáo dục, đồng thời kết quả xét tốt nghiệp THPT do tỉnh chủ trì là dữ liệu tin cậy để tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Thứ tư, sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ tác động mạnh mẽ đến đổi mới giáo dục. Cách mạng khoa học - công nghệ đã làm biến đổi sâu sắc đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để giáo dục phát triển. Ở chừng mực, đó là những thay đổi về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức, phương tiện đánh giá chất lượng, trình độ quản lý, quản trị trường học… Đó là những thay đổi vượt bậc từ thành tựu của kỷ nguyên máy tính và tự động hoá mang lại.
Ở các nước phát triển, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra kỷ nguyên kết nối vạn vật với internet, trong đó có mô hình trường học trực tuyến. Đây là mô hình người học chủ yếu dựa trên môi trường mạng internet. Lợi thế của mô hình này là người học được cung cấp nhiều tài liệu, giảm chi phí và thời gian đi lại, tận dụng được kiến thức chung của rất nhiều thầy cô giáo, có thể học bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, là mô hình có ích ngoài thời gian học trên lớp
Những rào cản của đổi mới giáo dục
Đổi mới là quy luật tất yếu của mỗi quốc gia, dân tộc. Đối với giáo dục không đổi mới hoặc chậm đổi mới đồng nghĩa với thụt lùi, lạc hậu. Lịch sử giáo dục cách mạng nước ta trải qua 3 lần đổi mới đánh dấu từng chặng đường phát triển, góp phần quan trọng vào quá trình chấn hưng đất nước. Hiện nay, toàn ngành đang đẩy mạnh thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Đối với giáo dục phổ thông, 2 nội dung cốt lõi là đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phát triển đội ngũ nhà giáo. Tâm lý ngại thay đổi của một bộ phận trong ngành giáo dục xuất phát từ mong muốn có sự ổn định (ổn định trong thế phát triển) nên ngán ngại đổi mới để thích ứng với cuộc sống. Quy luật muôn đời là sự kết nối liên tục của quá khứ - hiện tại - tương lai sẽ không bao giờ có được sự đồng thuận đối với tư tưởng chấp nhận thực tại trong sự phát triển của thời đại. Cho nên đổi mới là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người làm công tác giáo dục, quan tâm công tác giáo dục để đào tạo thế hệ là những công dân toàn cầu, chuẩn bị lực lượng cho tương lai.
Học sinh Trường Mầm non Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời trong giờ học.Ảnh: PHÙNG NGỌC TRẦM. |
Cuộc sống vẫn luôn tồn tại khách quan, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước. Mục đích của cuộc sống, bản thể của cuộc sống là con người. Một khi giáo dục nhận diện đầy đủ yếu kém của mình, nghiêm túc nhìn nhận, sửa chữa và có đối sách thích hợp thì mới mong tiến bộ, đất nước mới phát triển. Đáp ứng những yêu cầu thực tại và đòi hỏi của tương lai buộc chúng ta phải thay đổi và đổi mới, đó là cách duy nhất để không tụt hậu với thời đại ngày nay.
Một rào cản nữa là quy mô giáo dục lớn nhưng đầu tư cho giáo dục thì chưa tương xứng. Trong khi đó, cách nghĩ, cách làm, cách quản lý vẫn còn nhiều bất cập, chậm đổi mới, nặng tính bao cấp. Toàn tỉnh mỗi năm có khoảng 350.000 người đi học, trong đó có khoảng 270.000 học sinh, hằng năm tổng chi ngân sách dành cho giáo dục, liên quan đến giáo dục không thấp hơn 25%, con số rất lớn đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Cà Mau. Mặc dù vậy, kinh phí dành cho giáo dục so với nhu cầu rất thấp, có quá nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn ngành đặt ra như về cơ sở vật chất, chi phí đào tạo đội ngũ, chế độ chính sách giáo viên… đang trông chờ một lượng vốn khổng lồ thì mới có thể đáp ứng được.
Nguồn ngân sách có hạn nhưng huy động các nguồn lực khác, theo kiểu xã hội hoá giáo dục hiệu quả thấp, bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Do thu nhập của giáo viên thấp, cơ sở vật chất yếu kém, trang thiết bị lạc hậu, từ đó nảy sinh đủ loại tệ lậu, như ép học thêm, lạm thu, tư cách người thầy xuống cấp, chạy trường, chạy lớp… Đó là những biểu hiện cụ thể của phát triển giáo dục theo chiều rộng, nặng về số lượng, vẫn theo kiểu bao cấp, thiếu động lực và sáng tạo, chưa chuyển đổi được mô hình giáo dục hiệu quả./.
Bài 2: Đổi mới giáo dục phải phù hợp đặc điểm, tình hình của Cà Mau
Bài 3: Cái gốc của đổi mới giáo dục là xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý
Bài cuối: Giải pháp phát triển giáo dục Cà Mau trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện
TS. Nguyễn Minh Luân