Theo số liệu thống kê, hiện nay, tổng số lao động trong tỉnh chiếm 70% dân số, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng 34,2%. Trong 5 năm (2010-2015), tỉnh đã đào tạo được 23.746 người có trình độ đại học, cao đẳng. Số người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đều tăng nhanh. Hiện nay, tỉnh có 9 tiến sĩ, 462 thạc sĩ, 14.974 cử nhân đang là cán bộ, công chức, viên chức; đó là chưa kể đến số 228 người đang được đào tạo sau đại học và khoảng 15.000 sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh.
Theo số liệu thống kê, hiện nay, tổng số lao động trong tỉnh chiếm 70% dân số, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng 34,2%. Trong 5 năm (2010-2015), tỉnh đã đào tạo được 23.746 người có trình độ đại học, cao đẳng. Số người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đều tăng nhanh. Hiện nay, tỉnh có 9 tiến sĩ, 462 thạc sĩ, 14.974 cử nhân đang là cán bộ, công chức, viên chức; đó là chưa kể đến số 228 người đang được đào tạo sau đại học và khoảng 15.000 sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, trước đòi hỏi phát triển KT-XH của địa phương, đáp ứng công cuộc đổi mới đất nước, thế mạnh về nguồn nhân lực khá dồi dào của tỉnh chưa được phát huy đầy đủ và khai thác có hiệu quả. Hiện tại, tỉnh Cà Mau có lực lượng lao động tham gia làm việc trong các ngành kinh tế là 684.326 người, chiếm 79,7% dân số trong độ tuổi lao động, lực lượng đang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 18,9%, dịch vụ chiếm 21%. Ðiều này cho thấy, cầu về lao động giản đơn, phổ thông của tỉnh còn khá lớn. Chất lượng của nguồn nhân lực thấp, khả năng tham gia trên thị trường lao động trong nước và cạnh tranh trên thị trường quốc tế hết sức hạn chế, gặp nhiều khó khăn và chịu nhiều thua thiệt. Cho nên phần lớn lao động đều khát khao được đào tạo cơ bản, để có trình độ chuyên môn cao, có tay nghề thành thạo, có phong cách lao động công nghiệp… đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển.
Báo cáo Chính trị trình Ðại hội XV của Ðảng bộ tỉnh nêu rõ: “Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế và gắn với nhu cầu sử dụng của tỉnh và doanh nghiệp. Có cơ chế, chính sách đào tạo phù hợp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhu cầu phát triển”. Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ÐT) xin đề xuất một số giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực như sau:
Cần tập trung nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng lao động. Ðể thực hiện giải pháp này, cần quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT. Ðổi mới GD&ÐT, trước hết là đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đổi mới từng cấp học, bậc học, trên cơ sở đó, phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo nhu cầu nhân lực của xã hội và yêu cầu phát triển KT-XH trong tương lai.
Cùng với đó, đổi mới cách dạy, cách học, tiếp cận năng lực, hình thành kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh, đạo đức của người học; đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị để đổi mới phương pháp dạy học, gắn dạy lý thuyết với thực hành, thực nghiệm; quan tâm cải thiện chế độ lương, đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công việc; có chính sách khuyến khích phát triển giáo dục ở địa bàn khó khăn.
Mục tiêu đến năm 2020, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ÐBSCL thì nhất thiết tỉnh phải có những giải pháp mạnh mẽ để khai thác có hiệu quả tiềm năng, nguồn lực, thế mạnh của tỉnh. Việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển KT-XH; gắn quy hoạch phát triển nhân lực đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển chung của tỉnh và khu vực là những yêu cầu tương tác nhằm tạo động lực phát triển bền vững. Mục tiêu của 5 năm tới là tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cần thiết phải có khảo sát, nắm lại nhân lực hiện đang làm việc và nhu cầu nhân lực trong tương lai được phân bổ theo ngành kinh tế, theo từng địa phương trong tỉnh, kể cả liên kết vùng để có định hướng đào tạo, phân bổ nguồn nhân lực hợp lý về trình độ, cơ cấu, quy hoạch phát triển.
Cần nghiên cứu lại quy định đã ban hành về chính sách thu hút nguồn nhân lực của tỉnh. Chủ trương đúng, chính sách hấp dẫn, nhưng trong thực tế vẫn chưa thu hút được nhiều nhân lực chất lượng cao, nên rất cần đánh giá lại, tìm giải pháp để phát huy trong thời gian tới.
Mặt khác, xét ở góc độ thị trường lao động, các cơ quan quản lý phát triển nhân lực của tỉnh, từ cơ chế này cần tìm ra giải pháp thích hợp để gắn kết nhà trường, người học với doanh nghiệp trong đào tạo, cung cầu nhân lực theo nhu cầu lao động. Ðồng thời, qua đó đánh giá thực trạng nguồn nhân lực để phối hợp tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghề nghiệp và kỹ năng, làm tốt công tác khuyến khích lao động tự học, tự nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh, cần làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài và xây dựng xã hội học tập. Coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển xã hội học tập. Cụ thể, tiến hành phát hiện, bồi dưỡng, tuyển dụng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, phải vừa khai thác được chất xám của họ trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng thành quả nghiên cứu, vừa khuyến khích họ tranh thủ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng; từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi ở các lĩnh vực, tổ chức, doanh nghiệp.
Ðồng thời phải làm cho mỗi lao động thấu hiểu, tự giác, chủ động học tập; tạo điều kiện cho người lao động học tập, bồi dưỡng thường xuyên, cập nhật kiến thức, kỹ thuật, công nghệ mới, ứng dụng có hiệu quả trong lao động, sản xuất và đời sống.
Cần mở rộng liên kết đào tạo trong nước và tăng cường hợp tác quốc tế. Vận dụng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo, các cơ sở sử dụng lao động được học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ký kết hợp tác giữa các cơ sở đào tạo của tỉnh với các cơ sở đào tạo trong nước và một số nước có nền giáo dục tiên tiến trong việc đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở những ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế.
Ðầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực là đầu tư cho tương lai. Ngày nay vốn con người có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển. Trong xu thế đó, tỉnh ta đã có sự chú trọng hơn đối với phát triển nguồn vốn này.Nhân tố con người có thể được coi là điểm mạnh hoặc điểm yếu của địa phương và điều đó đặt xứ mệnh của ngành GD&ÐT ngày càng trở nên quan trọng, phải nỗ lực, quyết tâm rất cao mới có thể làm tròn trọng trách mà Ðảng bộ giao trong nhiệm kỳ mới./.
Trích tham luận của Sở Giáo dục và Ðào tạo