ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 3-7-25 09:43:24
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðời người chỉ sống một lần

Báo Cà Mau Ông Ba Lành (Trần Ngọc Lành, sinh năm 1942, ngụ ấp Rạch Lăng, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời), thương binh 4/4, tâm tình rằng: “Tôi may mắn còn sống, đó là hạnh phúc lớn lao vì còn được tận hưởng thành quả hoà bình, thống nhất, những điều mà nhiều đồng chí, đồng đội khác không có được”...

Quyết trả thù nhà, đền nợ nước

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, ông Ba Lành đã sớm được hun đúc lòng yêu nước, căm thù giặc. Năm 1957, khi 15 tuổi, ông Ba Lành đã tham gia làm giao liên chuyển thư, tài liệu cho cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Ðến năm 1959, ông thoát ly theo kháng chiến, hăng hái công tác tại địa phương với các nhiệm vụ bảo vệ, giáo viên, Ðoàn thanh niên.

Năm 1961, ông Ba Lành được rút về bổ sung đơn vị T-70 của Khu, thuộc Ðại đội 1, Chi đoàn 61, tham gia đánh trận giặc đổ quân bằng trực thăng tại La Cua (Trí Phải). Trận này, ta thắng lớn, diệt trên 20 tên địch.

Cũng trong năm 1961, sau khi được tổ chức đào tạo nghiệp vụ quân y, ông Ba Lành được biên chế vào Ðơn vị Quyết chiến tỉnh Cà Mau mới thành lập, do đồng chí Trần Thanh Liêm (Tư Liêm) làm Ðại đội trưởng. Tại đây, ông Ba Lành cùng đồng đội tham gia nhiều trận chống càn, công đồn khiến giặc hoảng sợ: Trận chống càn ở Kinh 9 Lớn (Trí Phải); trận công đồn Xẻo Tràm (Cái Tàu); trận đánh đồn Dân vệ của giặc ở Vàm Cái Tàu... Riêng trận chống càn quân chủ lực của giặc đổ quân xuống Tân Lộc, Thới Bình, ta diệt 300 tên giặc, Ba Lành làm nhiệm vụ tải chiến thương và chăm sóc y tế, bị bom nổ ép công sự phải nằm trị thương một thời gian.

Năm 1967, ông Ba Lành nhận nhiệm vụ ở đơn vị thanh niên xung phong (TNXP) CI12. Lúc này, ông Ba Lành với vai trò Trưởng đoàn mộ quân lực lượng TNXP các nơi trong tỉnh, đảm nhiệm thêm nhiệm vụ chuyển đưa vũ khí từ biên giới về tỉnh và bổ sung quân cho các đơn vị thuộc tuyến đường 1C huyền thoại.

Ông Ba Lành nhớ mãi chuyến đi vận chuyển vũ khí từ biên giới về Cà Mau, mà ông là thành viên Ban Chỉ huy Ðại đội Quyết thắng III thực hiện nhiệm vụ. Trong chuyến đi này, do bị lộ, địch dùng trực thăng bắn phá đội hình đơn vị, 2 đồng chí bị thương, chìm 16 xuồng be mười. Lương thực dự trữ đơn vị mất hết, đành ăn rau rừng và ẩn nấp chờ tiếp viện. Lúc này ông Ba Lành cùng 3 đồng chí khác xung phong đi bộ vượt qua cánh đồng lầy khoảng 15 cây số đến núi Cô Tô mua lương thực về cho đơn vị cầm cự. Tiếp tục củng cố, động viên anh em đơn vị thực hiện nhiệm vụ, hành quân đến sông Vĩnh Tế nhận vũ khí. Chuyến quay về, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đạn đủ từng viên, súng đủ từng cây.

Tháng 5/1969, Ba Lành nhận nhiệm vụ ở Xã đoàn Phong Lạc, được bầu bổ sung vào Ban Thường vụ Xã đoàn. Ðây là địa bàn xung yếu ấp chiến lược, giặc tập trung đồn bót, đánh phá vô cùng ác liệt để thực hiện chiến lược “tìm diệt”, “bình định”. Tại Cà Mau, giặc mở đợt bình định cấp tốc “Nhổ cỏ U Minh”, đưa Sư đoàn 21 chủ lực vào tham chiến. Hai bờ sông Ông Ðốc thành vùng trọng điểm khốc liệt chiến trường.

Những bức vẽ của bản thân tại nhà tù Côn Ðảo được ông Ba Lành lưu giữ cẩn thận.

Những bức vẽ của bản thân tại nhà tù Côn Ðảo được ông Ba Lành lưu giữ cẩn thận.

Thời điểm này, ông Ba Lành nhận một tin chết điếng: vợ ông (Liệt sĩ Huỳnh Hồng Vân) tham gia lực lượng TNXP Ðại đội Quyết thắng II, trên đường làm nhiệm vụ đã hy sinh. Nỗi đau chưa nguôi, ngay sau đó, 1 đứa em ruột, 1 đứa cháu ruột của ông Ba Lành ở quê nhà vì chạy bom đạn giặc mà té xuống ao chết đuối. Căm thù giặc tột cùng, ông Ba Lành nén đau thương và nguyện xả thân chiến đấu để trả thù nhà, đền nợ nước.

Lúc này, cấp trên giao nhiệm vụ cho ông Ba Lành là phải tiêu diệt tên chủ ấp khét tiếng ác ôn ở ấp Rạch Lăng. Ông Ba Lành nhớ rõ, trên chỉ thị ghi: “Nếu bắt sống không được thì bắn”. Ông Ba Lành cùng ông Nguyễn Văn Lập tổ chức kế hoạch để tiêu diệt tên tay sai gây nhiều nợ máu với cách mạng. Theo dõi và nắm rõ quy luật giờ giấc hoạt động của tên chủ ấp, lợi dụng thời gian nghỉ trưa, sự lơ là của toán bảo vệ, ông Ba Lành và ông Nguyễn Văn Lập bò vào nhà, tóm gọn và dẫn tên chủ ấp ra sau vườn, rồi đưa thẳng vào cứ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tháng 11/1969, trên đường đi họp về, ông Ba Lành bị giặc phục kích bắt. Bị địch chuyển nhiều nơi giam giữ, tra tấn dã man, Ba Lành nêu cao khí tiết thà chết không khai một lời. Ông Ba Lành hồi nhớ quãng thời gian tại Khám lớn Cà Mau: “Cứ 3-4 ngày là một trận đòn thù, tra tấn chết đi sống lại, suốt 3 tháng trời giặc không khai thác được gì từ tôi. Chúng đày tôi đi Côn Ðảo với bản án 25 năm tù khổ sai. Tụi nó cười lạnh, nghiến răng nói rằng đó là nơi chỉ có đi, không có ngày trở về”.

“Ðịa ngục trần gian” - “Trường học lớn” và ngày giải phóng

Tháng 1/1970, ông Ba Lành cùng với 39 đồng chí bị giặc bắt khác bị đày đến Côn Ðảo. Tụi sĩ quan quản lý tù phạm nguỵ bắt mọi người quỳ xuống xếp hàng, cầm gậy gõ đầu đếm từng người mà gằn giọng: “Ðây là Côn Ðảo nghen các con”. Ba Lành thuộc loại tù cấm cố, không thấy mặt trời. Sau mấy tháng, ông được ra “sở” lao động khổ sai, công việc là đi trăn trâu.

Thời gian này, ông Ba Lành cố gắng điều nghiên địa hình, tìm hiểu các ngôi mộ của cán bộ, chiến sĩ cách mạng ta đã nằm lại ở “địa ngục trần gian”. Tụi quản lý nhà tù theo dõi, thấy bất an nên lại nhốt ông vào khám cấm cố. Trong nhà tù, khí tiết và tinh thần cách mạng của ông Ba Lành được các đồng chí, đồng đội, bạn tù đánh giá tốt. Tháng 5/1970, Trần Ngọc Lành được chi bộ mật trong tù kết nạp vào Ðảng, trở thành đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Cho tới bây giờ, đã 55 năm, ông Ba Lành vẫn khôn nguôi niềm tự hào thiêng liêng về thời khắc được kết nạp Ðảng: “Phòng giam mấy chục người, chi bộ tổ chức nhiều nhóm với các hoạt động như thường lệ, không để giặc chú ý. Các anh, chú trong chi bộ và tôi ở một khoảng riêng. Rồi bất ngờ, một lá cờ Ðảng được bày ra, tôi chấn động, rơi nước mắt, nghĩ các anh, các chú tài quá, hay quá. Trước lá cờ Ðảng thiêng liêng, các đồng chí tuyên bố tôi xứng đáng trở thành đảng viên, căn dặn phải tiếp tục giữ gìn khí tiết, sẵn sàng hy sinh vì hoà bình, thống nhất và kiên trung sau trước với lý tưởng của Bác Hồ, của Ðảng, của cách mạng”.

Cảnh đày đoạ tù nhân tàn ác của giặc được phục dựng tại Bảo tàng Côn Ðảo.

Cảnh đày đoạ tù nhân tàn ác của giặc được phục dựng tại Bảo tàng Côn Ðảo.

Cuộc sống nơi “địa ngục trần gian” hết sức kham khổ, cái chết chực chờ. Bọn quản ngục và lính tay sai sẵn sàng đàn áp, giết chóc tù phạm một cách tàn độc, dã man, không còn tính người. Ba Lành là người căm thù giặc tột độ, ông đi đầu trong các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân. Lính canh hống hách, đánh đập anh em, ông đứng ra đánh trả, bị đày biệt giam “chuồng cọp” mà môi vẫn nở nụ cười bất khuất. Không tiếc sinh mạng, ông Ba Lành tuyệt thực 9 ngày đêm, rồi tự mổ bụng mình để đòi yêu sách, chế độ đối xử tốt hơn cho tù nhân. Cũng vì thế mà ông Ba Lành luôn là cái gai trong mắt bọn cai ngục, nếm đủ mọi đòn thù tàn độc, ác ôn của chúng.

Nhưng Côn Ðảo cũng trở thành “trường học lớn” của những người tù yêu nước. Tại đây, các lớp bổ túc về kiến thức văn hoá, thông tin thời sự, kỹ năng nghề nghiệp, lý luận chính trị, quân sự, văn nghệ cách mạng... được tổ chức bí mật, bài bản và tạo ra sức lan toả lớn không thể tưởng tượng được. Chính lúc này, ông Ba Lành cũng đam mê, tìm tòi và mạnh dạn bộc lộ năng khiếu hội hoạ của bản thân.

Một kỷ vật được trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo lột tả sự dã man ở nơi được mệnh danh là "địa ngục trần gian".

Một kỷ vật được trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo lột tả sự dã man ở nơi được mệnh danh là "địa ngục trần gian".

Tin tức chiến thắng dù âm thầm nhưng lại dội lên hết sức khẩn trương, náo nức ở trong tù. Ông Ba Lành được các anh, các chú, đồng chí thông tin về chiến thắng của ta đã ngày một gần kề, giờ tàn của Mỹ - nguỵ đã điểm.

Ngày 30/4, bọn sĩ quan, lính tay sai nguỵ ở Côn Ðảo rục rịch rồi đồng loạt tháo chạy trong hoảng loạn. Sáng 1/5, toàn bộ các khu giam giữ tù binh bị tháo tung khoá, mọi người ùa ra. Hoà bình, thống nhất thật rồi! Mỹ cút, nguỵ nhào rồi!

Nửa thế kỷ đã trôi qua, ông Ba Lành vẫn nhớ như in ngày giải phóng tại Côn Ðảo. Gần 7.500 tù nhân bị giam giữ đã đạp tung, làm chủ “địa ngục trần gian” với tư cách của người chiến thắng, một công dân của đất nước tự do, hoà bình, thống nhất. Niềm vui lớn lao dâng trào, bung nở như mùa hoa rực rỡ giữa trời xuân đại thắng 1975.

Khi quân giải phóng từ đất liền ra, công tác tiếp quản, xây dựng chính quyền mới ở Côn Ðảo hết sức vui tươi, khẩn trương, khí thế ngút trời. Ông Ba Lành ở lại tham gia tái thiết, tiếp quản Côn Ðảo sau hơn nửa tháng rồi cùng với Ðoàn Chiến thắng Côn Ðảo trở về đất liền. Quần chúng Nhân dân và chính quyền sở tại, lực lượng vũ trang ở Cần Thơ đón tiếp chu đáo, thấm đẫm ân tình trong niềm vui toàn thắng, hoà bình, thống nhất của cả dân tộc.

Sau giải phóng, về lại quê hương, ông Ba Lành dành hết tâm sức, khả năng để tiếp tục tham gia công tác và cống hiến tại Cà Mau. Nay ở tuổi 83, ông Ba Lành đúc rút lại cuộc đời mình: “Ðược sống, được chiến đấu, công tác dưới ngọn đuốc soi đường của Bác Hồ, của Ðảng, của cách mạng là vinh dự, lựa chọn đúng đắn nhất của bản thân và tôi không có điều gì để hổ thẹn, nuối tiếc. Ðời người chỉ sống có một lần và tôi nguyện lòng sống trọn vẹn với những điều thiêng liêng ấy”./.

 

Ghi chép của Phạm Quốc Rin

 

Một thời làm báo

Cà Mau, mảnh đất tận cùng Tổ quốc, nơi sông ngòi chằng chịt, rừng đước bạt ngàn và con người mang trong mình chất mộc mạc, chân thành, hào phóng của miền Tây Nam Bộ. Ở đó, tôi đã sống và cống hiến với những năm tháng làm báo đầy nhiệt huyết, nơi mà mỗi dòng chữ, mỗi câu chuyện đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả nụ cười. Một thời làm báo tại Cà Mau là ký ức không thể quên, như cuốn sách cũ, dù thời gian có làm phai màu bìa, nhưng những trang bên trong vẫn sống động.

Báo giấy - Ký ức một thời vàng son

Chẳng nhớ rõ từ khi nào, những sạp báo giấy giữa lòng thành phố đã biến mất dần trong xu thế không thể tránh khỏi khi công nghệ thông tin bùng nổ, với sự "lên ngôi" của báo điện tử, mạng xã hội. Báo giấy - mấy ai còn nhớ một thời vàng son...

Quá khứ hào hùng - Hiện tại vươn xa

Báo - đài là hợp chất gắn kết niềm tin giữa Ðảng với Nhân dân như bê-tông cốt thép, là ngọn lửa giữa đêm đông nung sôi bầu nhiệt huyết hàng triệu trái tim yêu nước, thương dân; là ánh đèn pha giữa đêm đen soi sáng mọi bước đường khi dân tộc ta xông lên chiến đấu và chiến thắng quân thù; là ánh mặt trời chân lý xua tan âm u, tâm tối, đem lại mùa xuân của hạnh phúc con người và tô thắm màu cờ của nhận thức, lý tưởng, lẽ sống đối với biết bao thế hệ...

Những địa chỉ đỏ trên quê hương anh hùng

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Cà Mau là căn cứ địa cách mạng, là địa bàn đứng chân hoạt động của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước. Từ rừng đước, rừng tràm thành làng rừng kháng chiến; từ xóm ấp, chùa chiền, nhà dân thành nơi nuôi chứa cán bộ.

Nguyễn Mai và những chuyện đời thường

Người đa tài nhất trong những người cầm bút vùng Tây Nam Bộ những năm đánh Mỹ cứu nước là Nguyễn Mai. Anh viết thạo, viết vững chắc các loại ký, truyện, bình luận, xã thuyết và tuỳ bút... Anh sử dụng được các thể loại thơ, đặc biệt thơ trào lộng.

Nhà báo Trần Ngọc Hy một lòng trung kiên, bất khuất

Năm 1943, tốt nghiệp Diplôme, Trần Ngọc Hy về quê tham gia phong trào nông dân đấu tranh chống bọn địa chủ ác bá, chống bọn chính quyền tay sai hà khắc bóc lột nông dân, chống sưu cao thuế nặng.

Phan Ngọc Hiển - Nhà báo cách mạng trên vùng đất Nam Bộ

Tuần báo Tân Tiến số phát hành trung tuần tháng 2/1937, chủ bút Hồ Văn Sao giới thiệu với độc giả: “Bạn tôi Phan Ngọc Hiển, tức Phan Phan, một nhà văn chân chính - lương tâm, bắt đầu đi khắp Nam Kỳ để làm phận sự nhà báo - năm nay lần lượt bạn Phan Ngọc Hiển sẽ hiến cho độc giả: 1. Ðại náo thôn quê - 2. Tinh thần bạn trẻ nước nhà - 3. Giọt nước mắt của dân - 4. Thương - là 4 vấn đề quan hệ xã hội cần thay đổi - muốn tránh sự sơ sót, ngoài những tài liệu của bạn tôi thâu thập trong những lúc gian nan, nay bạn tôi cần đi viếng các làng, dân quê, bạn trẻ... cho cuộc điều tra thêm chu đáo - luôn tiện biết nhau, biết điều sơ sót của Tân Tiến đặng sửa đổi...”.

Ðài Tiếng nói Nam Bộ Kháng chiến - Tiếng nói của khát vọng độc lập, tự do

Đài Nam Bộ Kháng chiến ra đời những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1947-1954). Có lúc đóng ở Ðồng Tháp Mười (Long An); có giai đoạn ở Thới Bình, Ðầm Dơi, Ngọc Hiển, U Minh (Cà Mau), hay Kiên Giang, Bạc Liêu; có thời điểm đài đổi tên thành Ðài Tiếng nói Nam Bộ. Tuy vậy, dù ở bất cứ nơi đâu, tên gọi khác nhau, nhưng các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của đài không ai được đào tạo bài bản về phát thanh nhưng đã làm nên một đài phát thanh vang danh, lừng lẫy; tạo dấu ấn đặc biệt trong lịch sử báo chí Việt Nam nói chung và ngành phát thanh nói riêng. Ðó là tiếng nói của Uỷ ban Nam Bộ Kháng chiến; cầu nối của Ðảng, Bác Hồ với đồng bào Nam Bộ; là ước mong, khát vọng của đồng bào nơi đây về một Việt Nam độc lập, tự do.

Những khó khăn, thách thức của người làm báo trong thời kháng chiến

Mùa khô năm 1964, lần thứ hai tôi theo mẹ từ Bến Tre vào Cà Mau thăm ba tôi đang làm ruộng và dạy học tư ở Kinh Hãng Giữa... Ba tôi bất hợp pháp kể từ năm bác ruột thứ tư của tôi - 1 trong 12 người Việt Minh làng Ba Mỹ bị giặc Pháp bắt chặt đầu ở bót Nhà Việc Mỹ Chánh năm 1946... Lần này, ba tôi không cho tôi trở về quê nữa, vì về ngoải mai mốt lớn lên tụi giặc nó bắt lính... Thế là tôi phải ở lại trong này, thành công dân Cà Mau từ đó.

Báo chí cách mạng Cà Mau góp phần động viên, cổ vũ kháng chiến

Báo chí cách mạng không những góp phần động viên, cổ vũ mà còn là “vũ khí sắc bén” trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, thống nhất đất nước. Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại. Trong nhiều loại vũ khí chống chọi với quân thù, có một thứ vũ khí “thanh cao mà đắc lực”, “có sức mạnh hơn mười vạn quân”. Ðó là văn chương nghệ thuật, đặc biệt là văn chương, báo chí cách mạng Hồ Chí Minh.