(CMO) Từ lâu, đờn ca tài tử (ÐCTT) là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân Nam Bộ nói chung, Cà Mau nói riêng. Những buổi sinh hoạt giao lưu, hay trên sân khấu, tài tử trải lòng mình, thoả niềm đam mê trong từng cung đàn, lời hát, mang đến sự đồng điệu cảm xúc, tinh tế, nhẹ nhàng như tính cách người dân vùng sông nước hiền hoà, bình dị.
Ông Dương Hoàng Giang, Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh, chia sẻ: “ÐCTT Nam Bộ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể, đây là niềm tự hào, vinh dự của người dân Nam Bộ. Phát huy những giá trị đó, người dân Cà Mau cũng gìn giữ để loại hình nghệ thuật ÐCTT được trường tồn. Hiện tại, toàn tỉnh có trên 500 đội, nhóm, câu lạc bộ (CLB) ÐCTT trực thuộc Trung tâm Văn hoá tỉnh, huyện, TP Cà Mau, với hơn 5.600 thành viên. Phong trào ÐCTT ngày càng rộng khắp từ ấp, xóm, khu dân cư, phát huy được tinh thần đoàn kết, đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân”.
Huyện Trần Văn Thời là một trong các đơn vị nổi trội về phong trào ÐCTT. Từ huyện, xã đến ấp đều có thành lập CLB ÐCTT. Từ đó, địa phương xuất hiện nhiều nghệ nhân xuất sắc, mang về nhiều phần thưởng cao quý ở loại hình nghệ thuật này.
Các thành viên CLB ÐCTT Ðoàn Kết sinh hoạt định kỳ 2 lần/tháng. |
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Truyền thông và Thể thao huyện Trần Văn Thời, tâm huyết: “Từ lâu, phong trào ÐCTT lan toả rộng khắp. Khởi nguồn nhân lực tốt, nhiệt huyết, truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác, do đó, phong trào ÐCTT ngày càng được củng cố, phát huy, tạo điểm nhấn trong lòng những người yêu loại hình nghệ thuật này”.
Có dịp trực tiếp nghe các nghệ nhân ÐCTT thể hiện trong buổi giao lưu mới thấy sự yêu mến, đam mê của họ dành cho loại hình nghệ thuật này. Mỗi tháng sinh hoạt định kỳ 2 lần, các tài tử trong CLB ÐCTT Ðoàn Kết tranh thủ công việc riêng để cùng nhau “cháy” hết mình, thoả sức thăng hoa với những bài bản tài tử.
Là người gắn bó với niềm đam mê ÐCTT, nghệ nhân Lương Quốc Sĩ, 62 tuổi, ở thị trấn Trần Văn Thời, tâm tình: “Tôi may mắn được Tổ nghề đãi nên còn sức, dẻo dai để gắn bó với loại hình nghệ thuật này. Mấy chục năm qua, ÐCTT là món ăn tinh thần đã thấm vào máu của tôi, không thể thiếu được. Những buổi sinh hoạt ÐCTT giúp người tài tử, người yêu thích có dịp giao lưu, chia sẻ, gắn kết cùng nhau, đồng điệu cảm xúc khi tham gia những bản tài tử. Niềm vui nhân lên, nỗi buồn lắng xuống khi trải lòng với từng lời ca, điệu hát, mang những thông điệp tốt đẹp về cuộc sống”.
Gác lại những bộn bề, lo toan trong cuộc sống, tài tử ca Trang Cẩm Loan ở thị trấn Trần Văn Thời tranh thủ sắp xếp việc buôn bán để tham gia cùng CLB. “Hàng ngày buôn bán áp lực nên những buổi sinh hoạt ÐCTT là lúc để thoả niềm đam mê, quên đi vất vả trong cuộc sống. Các thành viên trong CLB đồng điệu cảm xúc, đam mê khi chúng tôi cùng nhịp thở với ÐCTT. Từng lời ca, tiếng hát mộc mạc, gần gũi đã kéo chúng tôi gần nhau hơn, để có thể trình diễn những bản tài tử mùi mẫn, sâu lắng”, chị chia sẻ.
Mỗi thành viên một hoàn cảnh, nghề nghiệp khác nhau nhưng họ luôn có điểm chung là yêu nghệ thuật ÐCTT, đam mê với dòng nhạc dân tộc này.
Ông Nguyễn Hoàng Thắng, Chủ nhiệm CLB ÐCTT Ðoàn Kết (thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời), tâm huyết: “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để gìn giữ, phát huy nghệ thuật ÐCTT. Các thành viên CLB đều muốn truyền lửa, giảng dạy cho thế hệ trẻ để tiếp nối bảo tồn nghệ thuật này. Bởi, gìn giữ, phát huy nghệ thuật ÐCTT là lưu giữ những giá trị văn hoá, hồn cốt dân tộc, phát huy phong trào văn nghệ, góp phần cùng địa phương xây dựng khối đại đoàn kết vững mạnh”.
“ÐCTT là món ăn tinh thần của người dân Nam Bộ từ thời xưa và lưu truyền cho đến tận bây giờ. Dựa trên những bài bản tài tử, người đam mê có thể sáng tạo thêm những lời ca mới, phù hợp với xu thế hiện nay. Ðây là cách để ÐCTT sống mãi trong lòng người mộ điệu và truyền lửa cho các thế hệ mai sau. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa ra nhiều kế hoạch tổ chức cuộc thi, hội thi để những tài tử tiếp tục tranh tài, thông qua đó tìm kiếm, đào tạo thêm những nhân tố mới cho nghệ thuật ÐCTT, góp phần lan toả rộng khắp phong trào văn nghệ ở từng địa phương”, ông Dương Hoàng Giang trải lòng./.
Hằng My