(CMO) Hạn hán mùa khô, mưa bão, dông lốc, triều cường khi vào mùa mưa…, những hiện tượng thiên tai đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân Cà Mau trong thời gian qua. Hàng ngàn tỷ đồng bị thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan là con số khiến ai nghe qua cũng phải giật mình.
Năm 2019-2020, thiên tai diễn biến bất thường, không theo quy luật, đã xảy ra 1 đợt hạn hán, 21 cơn bão và 5 áp thấp nhiệt đới trên biển Ðông; dông lốc, triều cường, sạt lở, sụt lún đất thường xuyên xảy ra, làm chết 9 người; chìm, hư hỏng 58 tàu cá; thiệt hại gần 64.000 ha lúa, hơn 800 ha hoa màu, 400 ha cây ăn trái, gần 21.000 ha nuôi thuỷ sản; hư hỏng, sụp lún nhiều tuyến đường giao thông, bờ bao, đê biển, với chiều dài trên 90 km... Tổng giá trị thiệt hại hơn 1.100 tỷ đồng.
Ðặc biệt, đợt hạn hán mùa khô năm 2019-2020 và mưa lớn do ảnh hưởng hoàn lưu các cơn bão số 5, 6, 7, 8, 9 năm 2020 kết hợp với triều cường, làm thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp, các công trình hạ tầng giao thông, thuỷ lợi và ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân. Tổng giá trị thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng.
Những con số thống kê trên một lần nữa khẳng định, Cà Mau là tỉnh đang phải hứng chịu thiệt hại nặng nề từ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BÐKH). Mặt khác, hạ tầng, nhất là hệ thống công trình thuỷ lợi chưa đáp ứng nhu cầu trong điều kiện mới, nhất là người dân còn thiếu chủ động trong sản xuất thích ứng với BÐKH.
Dù đã được đầu tư khá lớn nhưng hệ thống hạ tầng thuỷ lợi hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, nhất là vùng ngọt hoá, trong điều kiện thời tiết ngày một cực đoan như hiện nay. |
Thiếu nguồn nước ngọt bổ sung vào mùa khô trong khi hệ thống công trình thuỷ lợi chưa hoàn chỉnh, chưa đầu tư ô thuỷ lợi trong các tiểu vùng, thiếu trạm bơm; trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn chưa được đầu tư phủ kín. Ðó là những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra nhiều năm qua đối với hạ tầng thuỷ lợi phục vụ sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.
Trở lại vùng sản xuất theo hệ sinh thái ngọt lớn nhất tỉnh của huyện Trần Văn Thời, càng thấy rõ hơn những hạn chế của hệ thống hạ tầng thuỷ lợi. Là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp nhưng hiện nay việc khép kín các tiểu vùng vẫn còn dở dang, các trạm bơm công suất lớn để chống úng vẫn còn thiếu. Trong khi đó, tỉnh Cà Mau nói chung, vùng ngọt hoá nói riêng có địa hình trũng, thấp, khi lượng mưa tăng, gặp tình huống triều cường kéo dài dẫn đến ngập úng nặng là chuyện khó tránh khỏi.
Năm 2020 vừa qua có những đợt mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường, nước dâng, làm hơn 16.000 ha lúa, 640 ha hoa màu và hơn 400 ha cây ăn trái bị thiệt hại do ngập úng. Ðặc biệt, cũng trong đợt này, nhiều tuyến đường giao thông hư hỏng nặng; nghiêm trọng nhất là các tuyến đường nội ô TP Cà Mau. Riêng hệ thống các tuyến đường do địa phương quản lý, có khoảng 145 km hư hỏng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ước thiệt hại trên 200 tỷ đồng. Ðây là một ví dụ điển hình cho thấy hạ tầng thuỷ lợi vẫn còn nhiều hạn chế. Ðồng thời, đây cũng là minh chứng cho thấy thời tiết diễn biến ngày một cực đoan không theo bất cứ quy luật nào.
Gia cố bờ bao khuôn hộ không chỉ giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phong Ðiền, huyện Trần Văn Thời hạn chế được tình trạng tràn bờ trong những đợt triều cường, mà còn tận dụng để phát triển cây ăn trái, tăng thu nhập. |
Do đó, để hạn chế và tiến đến tránh những thiệt hại từ thiên tai, việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, tổ chức sản xuất thích ứng BÐKH là vấn đề vô cùng cấp bách. Công việc này đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai thực hiện thời gian qua. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Thanh Triều, đơn vị đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, đã thành lập 5 tổ rà soát lại 5 lĩnh vực lớn của ngành, tiến hành quy hoạch lại để đưa vào quy hoạch chung của tỉnh. Trong quá trình rà soát và quy hoạch, sẽ kết hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tháo gỡ khó khăn còn tồn tại thời gian qua.
Bên cạnh những hạn chế về hạ tầng thuỷ lợi, một nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn mỗi khi xảy ra thiên tai là ý thức của người dân trong tổ chức sản xuất. Có thể nói, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chủ quan, duy trì sản xuất theo tập quán cũ, không thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của ngành chức năng, nhất là lịch thời vụ. Vụ sản xuất lúa trên đất nuôi tôm năm 2020 vừa qua là một minh chứng cụ thể nhất cho nhận định này.
Trong khi toàn tỉnh chỉ thu hoạch được khoảng 13.713 ha lúa - tôm, tức chỉ chiếm khoảng 52,8% diện tích xuống giống, nhiều vùng bị thiệt hại trắng do hạn, mặn. Tuy nhiên, cũng trong điều kiện thời tiết ấy, bà con trên địa bàn xã Trí Lực (huyện Thới Bình) lại có mức độ thiệt hại thấp nhất, khi thu hoạch được hơn 70% diện tích lúa với năng suất từ 4,5-5 tấn/ha, cá biệt có những hộ đạt 6 tấn. Ðạt được kết quả trên là nhờ người dân chủ động thiết kế lại đồng ruộng với bờ bao cao và thực hiện đúng lịch thời vụ. Ðồng thời, người dân có sự liên kết trong sản xuất, đồng loạt rửa mặn đầu vụ, cùng xuống giống và cùng bơm tát nước khi xảy ra mưa lớn liên tục.
Từ đó có thể thấy, để hạn chế được thiệt hại do thiên tai, ngoài những nỗ lực của cơ quan chức năng thì ý thức của người dân trong bảo vệ tài sản của chính mình là vô cùng quan trọng. Chính người dân cần nâng cao ý thức trong tổ chức lại sản xuất tại đồng đất của mình bằng việc theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến thời tiết, tích cực tham gia thử nghiệm các mô hình mới, cách làm hay trong sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế, theo hướng tiết kiệm nước.
Hiện nay các ngành chức năng của tỉnh, huyện đang triển khai thực hiện quyết liệt phương án ứng phó hạn hán, thiếu nước theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh mùa khô 2020-2021. Ðồng thời, các ngành chức năng, UBND các huyện đang tiến hành phối hợp với các viện, trường triển khai nhiều hoạt động khảo sát để đề xuất, nghiên cứu quy hoạch lâu dài trên nền tảng thích ứng với BÐKH. |
Nguyễn Phú