Hàm Rồng, xã nông thôn mới của Năm Căn, nơi trước đây được dân gian gọi là đồng Ong Nghệ. Người đến đây, phóng tầm mắt từ cầu Ðầm Cùng xuống một vùng mênh mông những thửa đất kẻ ô, chở nặng đầy những mùa no ấm. Ðồng không còn hoang vu, đất đang chuyển mình thay đổi từng ngày
Cách đây hơn 1 năm, tôi được đọc bài “Ðồng Ong Nghệ” của tác giả Chung Thanh Thuỷ viết về một địa danh nổi tiếng của Năm Căn. Những mẩu chuyện về sự hình thành tên đồng Ong Nghệ; cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường của quân và dân nơi đây với giặc thù; dấu tích của những cơ quan, đơn vị từng đứng chân trên đất này; hay đội hình “Du kích tí hon” với trận đánh đi vào giai thoại… Tất cả tạo nên bức tranh về đồng Ong Nghệ cứ vừa thực, vừa huyền ảo khiến chúng tôi náo nức muốn tìm hiểu tiếp.
Hàm Rồng, xã nông thôn mới của Năm Căn, nơi trước đây được dân gian gọi là đồng Ong Nghệ. Người đến đây, phóng tầm mắt từ cầu Ðầm Cùng xuống một vùng mênh mông những thửa đất kẻ ô, chở nặng đầy những mùa no ấm. Ðồng không còn hoang vu, đất đang chuyển mình thay đổi từng ngày.
Hành trình dựng xây nông thôn mới
Những lần ngược xuôi trên Quốc lộ 1 qua địa phận xã Hàm Rồng, nhiều người hỏi ẩn ý của cái tên này có phải được gợi lên từ những nhánh sông, cửa sông đổ về phía biển. Chúng tôi nói vui: “Năm Căn là vùng đất giàu tiềm năng, mai sau có thể hoá rồng, đây là cửa ngõ của Năm Căn, nên có thể gọi là hàm của con rồng vậy”.
Ông Thạch Len (bên phải) với lứa sò sắp thu hoạch, chia sẻ: “Nuôi con gì nông dân cũng cực, sợ đủ thứ, mong sao cuộc sống ổn định hơn”. Ảnh: PHẠM NGUYÊN |
Gặp anh Trần Viết Luận, Chủ tịch UBND xã, anh hóm hỉnh: “Muốn viết về đồng Ong Nghệ thì phải gặp mấy bác, mấy chú cao niên, còn bây giờ cũng trở thành xóm, thành làng hết rồi… kiếm đâu ra ong nghệ nữa”.
Nghe chúng tôi nói, cũng chỉ lướt qua để nhớ về gốc gác, cội nguồn, cái chính là cuộc sống hôm nay, những thành tựu hôm nay, anh Luận cởi mở: “Thiệt ra, tôi từ huyện về cũng chỉ mới 2 năm, sự phát triển của địa phương là kết quả của quá trình phấn đấu, nỗ lực của nhiều lớp người”.
Trên vách làm việc, một bản đồ hành chính được anh Luận vẽ những “lằn đen” chi chít, hỏi ra mới biết: “Ðó, mấy đường vẽ liền là có lộ, chỗ nào đứt quãng là chưa. Tính ra về Hàm Rồng bây giờ cũng ngon lành rồi, lộ về tận những nhánh xóm xa xôi nhất”, anh Luận giải thích.
Trước năm 2010, Hàm Rồng thuộc diện có tiềm năng nhưng cũng là nơi khó khăn của huyện Năm Căn. Thông tin từ anh Luận, xuất phát điểm của xã là 4/19 tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo gần 9%, thu nhập bình quân hằng năm của người dân đạt mức thấp. Trăn trở lớn nhất của Ðảng bộ, chính quyền Hàm Rồng khi ấy là phải làm bật dậy được sức đất, sức người, tiếp nối được sức chiến đấu hào hùng của truyền thống địa phương.
Nông thôn mới là gì? Bà con cứ gặp lãnh đạo xã là hỏi miết. Có người dân còn nói, cái này mấy ông cán bộ xây, còn dân mình thì đợi chừng nào xây xong thì… xài. Bằng nhiều biện pháp, huy động nguồn lực của toàn hệ thống chính trị, Hàm Rồng đã biến chương trình xây dựng nông thôn mới thành công cuộc chung, ở đó người dân là chủ thể và cũng là động lực, mục tiêu của mọi nhiệm vụ.
Anh Luận thông tin: “Vùng đất này vẫn lấy kinh tế thuỷ sản làm mũi nhọn, chủ lực. Mấy năm gần đây mở rộng thêm mô hình kết hợp tôm, cua, sò huyết, đời sống của bà con ngày càng ổn định”.
Với mức thu nhập bình quân năm trên đầu người là 41 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) là 6,7%, Hàm Rồng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Hàm Rồng gần đây cũng mạnh dạn thử nghiệm thêm mô hình nuôi vọp thương phẩm, bước đầu cho hiệu quả tích cực.
Với cách nhìn nhận thực tế, anh Luận chia sẻ: “Ðược công nhận rồi, mới thấy đúng thật là chỉ bắt đầu. Phải làm sao nâng chất các tiêu chí, phát huy những kết quả đạt được… Tất cả đều phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, của xu thế phát triển thực tiễn”.
Rời UBND xã, anh Luận chỉ: “Ðồng Ong Nghệ giờ thuộc ấp Chống Mỹ A, cách đây 5 cây số, đường đi cũng dễ. Về đó còn mấy chú, mấy bác lão thành cách mạng từng sống, chiến đấu trong đó”.
Anh Nguyễn Văn Lự (nghe nói cũng là dân Chống Mỹ A, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Rồng) dẫn đường. Ấp Chống Mỹ A nằm trải dài trên Kinh 3. Anh Lự nói: “Trước đây mấy anh vô đây thì chỉ nửa khúc thì bỏ về bởi đường khó đi lắm”. Chưa tới đồng Ong Nghệ, nhưng trong lòng cũng thầm phấn khởi, bởi nơi đây giờ đã đổi thay nhiều.
Thuỷ chung đồng Ong Nghệ
Cũng là một cái tên lạ, Chống Mỹ A, nghe là đã thấy không khí cách mạng. Ông Ba Huấn (đồng chí Lê Thanh Huấn, nguyên Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Hàm Rồng, lão thành cách mạng) rổn rảng: “Ờ, đất này đánh Mỹ dữ lắm à, trước đó là đánh Pháp, nói chung có giặc là đánh. Ðồng Ong Nghệ này không biết có từ khi nào, nhưng khi có giặc là trở thành căn cứ địa. Nơi đây nuôi chứa, làm nơi đứng chân không biết bao nhiêu đơn vị, cơ quan”.
Hỏi kỹ về cái tên, ông Ba cũng chỉ sơ lược, tên này có hồi xa xưa rồi, ong nghệ nhiều vô kể. Cả một vùng rừng rậm, dân cư từng nhóm thưa thớt, chiến tranh liên miên, nên đồng Ong Nghệ không có bao nhiêu nóc nhà trụ lại.
Ông Ba Huấn nhớ lại: “Phải tới năm 1974, lúc này dân cư mới về đông, nên làng, nên xóm. Sau hoà bình, vùng này bắt đầu từng bước phát triển, hết làm rẫy rồi làm ruộng, sau đó mới tới con tôm”.
Tham gia cách mạng từ năm 1962, ông Ba Huấn nhớ về con Kinh 3 “lòng hẹp hai mái chèo giao nhau”, xóm làng “tối thui mỗi khi tối đến”. Ðàn con của ông lớn lên trong gian khó, vây bủa của túng thiếu. Ông nói, phải chi có con đường đi bộ liền lạc, ông cũng cho mấy đứa đi học, nhưng ngặt nỗi đò giang cách trở. Rồi kinh tế thuỷ sản đã làm thay đổi diện mạo của đồng Ong Nghệ. Con tôm đi trước, cua, sò theo sau, những sản vật nổi tiếng của vùng Năm Căn đã giúp nơi đây thay da, đổi thịt.
Anh Ngô Minh Chánh, Trưởng ấp, thông tin: “Ở Chống Mỹ A đa số là dân cố cựu, bà con chí thú làm ăn nên kinh tế ổn định. Với 137 hộ, ấp còn 6 hộ nghèo, các hộ khó khăn thuộc diện tạm trú, có hoàn cảnh đặc biệt. Khoảng 5 năm trở lại đây, ngoài sự vươn lên về kinh tế, chương trình xây dựng nông thôn mới đã tác động mạnh mẽ đến cách nghĩ, việc làm của người dân”.
Anh Lê Phước Ðạt, Bí thư Chi bộ ấp, bộc bạch: “Cuộc sống cũng đỡ hơn trước rồi, nhưng mấy năm nay con tôm rủi ro cao quá. Con cua, con sò cũng chỉ giúp giải quyết tình thế, bà con ai cũng mong cách nào để duy trì hiệu quả con tôm trên đất này”.
Riêng ông Ba Huấn thì trầm ngâm: “Nói gì thì nói, phải kiếm cách sản xuất bền vững trên đất này, đầu ra sản phẩm cũng phải đảm bảo, chớ thiệt sự thì đời sống người nông dân vẫn bấp bênh lắm”.
Ông Thạch Len mò thử lứa sò gần tới kỳ thu hoạch, đề nghị: “Nhà nước làm sao cho con sò đẻ bán giống cho dân, chớ bây giờ mua giống mắc quá mà không biết chất lượng ra sao nữa”.
Cũng từ lời những người con của đồng Ong Nghệ, mới thấy nuôi sò huyết “thấy vậy mà hổng phải vậy”. Sò dễ nuôi vì cứ thả giống xuống, lấy nước ra vô, đợi ngày thu hoạch. Nhưng lúc sò chết thì cá, tôm, cua, cả lịch cũng chết luôn. Vuông tôm phải mất một thời gian dài mới phục hồi. Xem ra bên cạnh cái ưu điểm, rủi ro của con sò không phải là nhỏ. Vậy nên giá cả trồi sụt, giống thì đắt đỏ, khiến người nông dân chưa thể bứt phá và tập trung toàn lực cho loại đặc sản này.
Chi bộ Ðảng ấp Chống Mỹ A cũng là chi bộ có đông đảng viên nhất xã, với 24 đồng chí. Cũng cách nói rổn rảng, ông Ba Huấn khẳng định: “Ở đây bà con ủng hộ Ðảng, ủng hộ chính quyền, mong sao cho đời sống càng tấn tới, đồng Ong Nghệ nở mặt, nở mày”. Mạch đất, sức người nơi đây đang cùng dựng xây một tương lai mới...
Phóng sự của Phạm Nguyên