Nhằm trả lại môi trường xanh - sạch - đẹp và nguồn nước không bị ô nhiễm để người dân thuận tiện trong sinh hoạt, sản xuất, xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước, triển khai thực hiện mô hình “Dòng sông không rác”, mang lại kết quả tích cực.
Mô hình “Dòng sông không rác” được UBND xã Ðông Hưng triển khai thực hiện đầu năm 2024. Theo đó, các tuyến sông chính trên địa bàn sẽ được lắp đặt hệ thống camera để theo dõi, giám sát ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) của người dân, đồng thời bảo vệ tình hình an ninh trật tự ở địa phương.
Dòng sông không còn rác thải, nguồn nước sạch thuận tiện cho người dân trong sinh hoạt, sản xuất.
Ông Tiêu Quang Khái, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết, trước khi lắp đặt hệ thống camera quan sát, xã tuyên truyền xuống ấp để mọi người hiểu và nâng cao ý thức BVMT. Hiện tại, đã có 8 hệ thống camera được lắp đặt tại các tuyến sông chính trên địa bàn. Ðịa phương có phân công người trực camera để quan sát, xử lý và phạt tiền đối với những hộ vứt rác bừa bãi trên sông, kênh mương gây ô nhiễm nguồn nước.
Chị Nguyễn Kim Hoài, ấp Cái Cấm, chia sẻ: “Nhà tôi gần trường học, trước đây chứng kiến thường xuyên cảnh học sinh vứt rác trên sông, rác trôi dạt vào bờ vừa mất thẩm mỹ, vừa ảnh hưởng đến nguồn nước. Từ khi địa phương triển khai thực hiện mô hình “Dòng sông không rác” lắp đặt camera quan sát thì tình trạng xả rác xuống sông dường như không còn. Ban đầu mọi người sợ bị phạt tiền, nhưng dần về sau ai cũng hình thành cho mình ý thức trong việc BVMT”.
Các tuyến sông chính trên địa bàn sẽ lắp đặt camera để theo dõi, giám sát ý thức bảo vệ môi trường của người dân tránh tình trạng vứt rác trên sông.
Ðể tiện cho việc xử lý rác thải, cải thiện chất lượng môi trường, xã Ðông Hưng tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng lò đốt rác cho người dân. Qua rà soát, hiện tại có 80% gia đình có lò đốt rác tại nhà.
Bà Trần Thị Phường, ấp Cái Cấm, chia sẻ: “Mô hình “Dòng sông không rác” góp phần giúp cá nhân tôi cũng như người dân ở đây nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước trên sông. Gia đình tôi xây dựng lò đốt rác và rác thải sẽ được phân loại trước khi xử lý. Không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ trong nhà cùng tuân thủ đúng quy định không vứt rác bừa bãi trên sông”.
Mỗi ngày nhìn dòng sông trước nhà không còn rác thải, nguồn nước sạch hơn, ông Trần Tiến Nhân, ấp Cái Cấm, không khỏi vui mừng: “Tình trạng rác thải trôi dạt trên sông rất ít và dường như không còn từ khi địa phương triển khai mô hình “Dòng sông không rác”. Nhà tôi sát mé sông nên nguồn nước ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đời sống, nên khi dòng sông trở nên sạch sẽ, nguồn nước trong lành thì gia đình rất mừng, thấy vùng quê mình trở nên đáng sống, văn minh hơn”.
Mặc dù tình trạng rác thải trôi dạt trên sông được hạn chế tối đa, tuy nhiên, theo định kỳ mỗi tháng từ 1-2 lần, các tổ chức, đoàn thể vẫn tổ chức những buổi ra quân thu gom rác thải, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân.
Ông Tiêu Quang Khái đánh giá: “Sau khi triển khai mô hình “Dòng sông không rác”, ý thức người dân ngày càng nâng cao. Từ khi lắp đặt hệ thống camera giám sát đến nay, chưa có trường hợp vi phạm, xử lý. Các tuyến sông không còn rác thải, nguồn nước trong lành, thuận tiện cho người dân trong sinh hoạt, sản xuất. Qua đó, góp phần cải thiện chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao”./.
Phương Thảo