Tết năm nay, nhiều hộ nghèo của xã Khánh Thuận, huyện U Minh có những thay đổi nhờ được vay vốn phát triển kinh tế gia đình từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện U Minh.
Tết năm nay, nhiều hộ nghèo của xã Khánh Thuận, huyện U Minh có những thay đổi nhờ được vay vốn phát triển kinh tế gia đình từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện U Minh.
Khánh Thuận là xã nghèo nhất của huyện U Minh, được chia tách từ xã Khánh Hoà vào năm 2009, lúc này tỷ lệ hộ nghèo 37,55%. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là sự đồng hành của Ngân hàng Chính sách - Xã hội (CSXH) huyện, cùng ý chí vươn lên của người dân, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm còn 17,35%. Chỉ tính riêng năm 2014, Khánh Thuận giảm được 3,26% hộ nghèo.
Đồng vốn thoát nghèo
Trưởng Ban Nhân dân ấp 11 Hồ Thị Năm cho biết, hầu hết người dân trong ấp đều được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, đến nay nhiều hộ đã thoát nghèo và trả hết nợ. Lúc mới tách xã, ấp 11 chỉ có 216 hộ nhưng có tới 78 hộ nghèo. Nhờ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH mà nay còn 32 hộ nghèo. Một số gia đình bỏ đi làm ăn xa nên ấp 11 còn 180 hộ, trong đó 156 hộ còn vay vốn của Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ trên 1,5 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này mà các hộ dân có điều kiện mua bán, nuôi heo, nuôi cá bống tượng, trồng màu thoát nghèo.
Nhờ vốn vay của Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện U Minh, gia đình anh Nguyễn Trường Vũ, ấp 11, xã Khánh Thuận thoát nghèo, cuộc sống ngày càng ổn định hơn. |
Từ 10 triệu đồng vay của Ngân hàng CSXH mà gia đình anh Nguyễn Trường Vũ, ấp 11, có vốn nuôi heo, gà, vịt, ếch, trồng màu. Sau 3 năm vay vốn, đến nay gia đình anh Vũ thoát nghèo, không những đã trả được cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng mà còn mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền. Anh Vũ chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi có hơn 2 ha đất rừng nhưng do cha mẹ bị bệnh nên đã bán, còn lại 8 công ruộng, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Cũng nhờ được vay vốn của Ngân hàng CSXH để làm ăn mà gia đình tôi mới thoát nghèo”.
Chỉ có 2 công ruộng cha mẹ cho khi ra riêng, anh Lê Sinh Rô, ấp 17 phải làm hồ phụ thêm kiếm sống qua ngày. Còn vợ anh do không có vốn nên chỉ nuôi 1 con heo. Nhờ vay được 15 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, anh xây được chuồng để nuôi thêm heo, rồi còn mua thêm cá, gà để nuôi. Vợ anh cũng đặt rượu vừa kiếm thêm thu nhập, vừa có hèm nuôi heo. Mỗi năm vợ chồng anh thu trên 30 triệu đồng, anh Rô xin thoát nghèo vào cuối năm 2013.
Cùng chung niềm vui với anh Vũ, anh Rô, anh Trần Văn Cường, ấp 3, cũng thoát nghèo với việc trồng cây ăn trái. Anh Trần Văn Cường cho biết, năm 1998, từ quê Cái Răng (TP Cần Thơ), với hai bàn tay trắng, anh đến vùng đất U Minh chăm sóc rừng cho người chú ở Lâm trường 30/4. Dọc theo bờ kinh lâm trường có bờ xáng ngang 10 m làm đê bao, đất tơi xốp, anh trồng xoài, sa pô để có thêm thu nhập. Thế nhưng, xoài và sa pô bị sâu nhiều, đầu ra bấp bênh. Đến năm 2007, nhờ vay vốn của Ngân hàng CSXH, anh chuyển sang trồng 300 gốc vú sữa, 300 gốc quýt. Để lấy ngắn nuôi dài, anh đắp mô trồng 700 cây đu đủ. Hiện mỗi ngày anh thu hoạch gần 100 kg đu đủ, còn quýt, vú sữa cũng đang cho trái, hứa hẹn cho thu nhập cao.
Giám sát chặt nguồn vốn
Ông Phạm Công Kha, Tổ trưởng Tổ Kế hoạch nghiệp vụ, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện U Minh, chia sẻ, nhớ lần đầu được giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn xã Khánh Thuận, để tìm hiểu đời sống của người dân cũng như nhu cầu vay vốn để sản xuất, ông phải đi bằng xuồng. Hai bên bờ kinh toàn tràm với sậy, dưới sông lục bình dày đặc. Giờ thì đã có lộ nông thôn tới được trung tâm xã, đến các ấp, không còn cảnh sáng đi chiều mới tới như trước kia nữa. Những ngôi nhà sàn tạm bợ được thay bằng những ngôi nhà kiên cố. Khánh Thuận hiện có tổng dư nợ Ngân hàng CSXH hơn 23 tỷ đồng, giúp cho gần 1.800 hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách vay vốn phát triển kinh tế. Theo ông Kha, các tổ tiết kiệm - vay vốn của xã hoạt động rất hiệu quả. Người dân đóng lãi đúng thời hạn quy định, không có tình trạng kéo dài thời gian hay khất lãi. Trong khi các xã khác có tỷ lệ nợ quá hạn chiếm khá cao thì Khánh Thuận chỉ chiếm 0,4%.
Cứ ngày 21 hằng tháng, tại UBND xã Khánh Thuận có một Ngân hàng CSXH “thu nhỏ” đến giao dịch để tiết kiệm chi phí đi lại của người dân. Rồi sau đó lại có cuộc họp nhận xét, đánh giá giữa Ngân hàng CSXH huyện với lãnh đạo UBND xã và các hội, đoàn thể để tìm giải pháp phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn.
Theo ông Trần Công Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, để vốn vay từ Ngân hàng CSXH phát huy hiệu quả, trước hết phải làm tốt từ khâu bình xét cho vay đến giám sát chặt chẽ nguồn vốn. Ông Mười cho biết, những năm qua, nhờ vốn của Ngân hàng CSXH mà nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Cấp uỷ, chính quyền xã phân công các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân để đồng vốn được phát huy hiệu quả cao nhất./.
Bài và ảnh: Phượng Hồng