ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 5-7-25 18:45:47
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðồng vọng bến xưa

Báo Cà Mau (CMO) Không riêng ở miền Tây Nam Bộ, nhiều cán bộ cao niên sống tại các tỉnh Nam Trung Bộ đều hơn một lần nghe nhắc, kể về cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời. Nơi đó, năm 1954 đã tập kết, tiễn đưa hàng ngàn bộ đội, cán bộ và học sinh, sinh viên miền Nam xuống tàu ra miền Bắc. Sự kiện lịch sử đã đi qua hơn nửa thế kỷ, nhưng bến nước, cây cầu nơi ấy vẫn lưu giữ, hoài niệm những dấu tích, những câu chuyện say lòng của thời kháng chiến. Hơn nữa, những đồng vọng của bến xưa, là cội nguồn, động lực thôi thúc người dân nơi đây đi nhanh trên con đường dựng xây quê hương.

Thị trấn Sông Ðốc là hạt nhân của vùng kinh tế biển phía Tây Nam, huyện Trần Văn Thời. Sự kết nối liên hoàn rõ nhất của Sông Ðốc là kế cận hòn Ðá Bạc, Hòn Chuối nằm ngoài khơi và cửa biển Cái Ðôi Vàm (huyện Phú Tân). Với vị trí vừa trung tâm, vừa chiến lược đã tạo cho Sông Ðốc vị thế đặc biệt về an ninh, quốc phòng và những cơ hội, tiền đề phát triển kinh tế biển trong tỉnh Cà Mau.

Sông Ðốc ngày ấy…

Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, tháng 7/1954, Sông Ðốc trở thành khu tập kết của lực lượng kháng chiến miền Tây Nam Bộ. Theo đó, trong vòng 200 ngày, hàng ngàn cán bộ, bộ đội, học sinh, sinh viên miền Nam (từ tỉnh Phú Yên đến Cà Mau) tập trung về Sông Ðốc để xuống những con tàu Ba Lan hải trình ra miền Bắc. Trong những ngày ấy, có nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Ðảng như đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt... đã từng có mặt tại Sông Ðốc. Cửa biển thân yêu này cũng là nơi tiếp nhận cây vú sữa từ tay một bà má ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình, theo đoàn cán bộ, bộ đội lênh đênh vượt biển, ra đến Thủ đô Hà Nội biếu Bác Hồ.

Cửa biển Sông Đốc, nơi ghi dấu sự kiện lịch sử hàng ngàn bộ đội, cán bộ và học sinh, sinh viên miền Nam xuống tàu tập kết ra miền Bắc cách đây hơn nửa thế kỷ. Ảnh: CHÍ THANH

Bà Nguyễn Việt Hường, ở Khóm 2, thị trấn Sốc Ðốc, Tết này vào tuổi 85 nhưng còn minh mẫn và thông tuệ, nhớ lại hồi đó rất nhiều cán bộ, bộ đội về đây để xuống tàu ra Bắc. Lúc đó dân cư thưa thớt, cuộc sống khó khăn, nhưng ai cũng yêu cách mạng, cán bộ. Bộ đội, cán bộ về đây chờ xuống tàu đều được người dân bao bọc, giúp đỡ. Còn cán bộ, bộ đội cũng làm nhiều việc giúp dân, như cất nhiều dãy nhà sàn, mở nhiều lớp dạy học, xoá mù chữ, dạy các em nhỏ hát những bài ca cách mạng. Bà Hường bồi hồi: “Mới đó mà đã gần 60 năm. Tôi vẫn chưa quên không khí của những ngày tập kết, quân và dân gắn bó, thương nhau như ruột thịt”.

Nghe bà Hường kể, tôi chợt nhớ đến sự kiện cuối tháng 11/2014, tỉnh Cà Mau tổ chức lễ hội kỷ niệm 50 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc. Năm đó hàng ngàn cán bộ, bộ đội  từng rời bến Sông Ðốc xuống tàu ra Bắc, đã tìm về thăm lại nơi đong đầy kỷ niệm này. Hầu hết mọi người không nhận ra bến cũ, lối xưa bởi sau nửa thế kỷ, vạn vật ở Sông Ðốc đã đổi thay rất nhiều. Ông Ðoàn Văn Hương, nguyên bộ đội Tiểu đoàn 307, một trong những người lên tàu trong chuyến cuối cùng tại Sông Ðốc (tháng 12/1954), nay cư ngụ tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ, xúc động: Sông Ðốc đổi thay nhiều quá, trở lại nơi xưa tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh khó quên. Lúc tiếng còi tàu vang rền, từ từ rời bến, người tiễn, kẻ đưa ngậm ngùi trong nước mắt. Tàu xa dần, những người trên tàu đưa hai ngón tay vẫy chào tạm biệt người ở lại, với lời ước hẹn 2 năm sẽ trở về. Nào ngờ cuộc chia ly ấy phải đi qua hơn 20 năm mới được trùng phùng.

Phố biển hôm nay

Về phố biển Sông Ðốc, giờ đã có 2 tuyến đường nhựa, đường TP Cà Mau về Sông Ðốc; đường từ Rau Dừa (huyện Cái Nước) đến cửa biển Tây. Khoảng cách TP Cà Mau - Sông Ðốc dài chưa tròn 60 km nhưng thời điểm kỷ niệm 50 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc đều phải di chuyển bằng đương thuỷ, tốc độ chậm chạp. Sông Ðốc của ngày tiễn đưa đoàn cán bộ tập kết ra Bắc chỉ có vài chục hộ dân, nay địa bàn rộng mở, dân số lên tới hơn 50.000 người.

Từ một làng chài heo hút, mấy nóc nhà liêu xiêu, giờ đây Sông Ðốc đã trở thành một phố thị sầm uất. Bờ sông san sát nhà cao tầng, hàng quán, cơ sở kinh doanh… 13 khóm đều có chợ, thu hút lượng người mua, bán tấp nập; hàng hoá phong phú không thua kém gì các thành phố lớn. Diện mạo phố chợ miền biển đang khắc hoạ rõ nét từng ngày. Dòng sông Ông Ðốc sâu, rộng, không chỉ tạo thuận lợi cho giao thông vận tải, du lịch phát triển, mà còn là cửa biển có lượng tàu thuyền ra vào đông nhất đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Nguyễn Ðình Chiểu, Phó chủ tịch UBND thị trấn, với gần 1.400 phương tiện khai thác thuỷ sản, mỗi năm Sông Ðốc thu hoạch đạt hơn 103.000 tấn thuỷ sản. Ngoài khai thác, đánh bắt, những năm gần đây các dịch vụ hậu cần nghề cá của Sông Ðốc phát triển với tốc độ nhanh. Với gần 1.500 cơ sở kinh doanh khai thác thuỷ sản, công thương nghiệp và dịch vụ, hàng năm, thị trấn thu ngân sách đạt hơn 18 tỷ đồng, dẫn đầu các đơn vị thị trấn, phường, xã trong tỉnh Cà Mau.

Một điểm mua bán thuỷ sản tại thị trấn Sông Ðốc. Ảnh: CHÍ THANH

Trở lại Sông Ðốc một ngày cận Tết Nhâm Dần, hình ảnh đầu tiên tôi thấy là ngay trước cửa trụ sở Ðảng uỷ, UBND thị trấn, nhiều chiếc cần cẩu đang cắm cọc, đóng cừ, tiếng máy ầm vang liên hồi. Tìm hiểu mới biết, Sông Ðốc đang triển khai dự án xây dựng cầu nối liền hai bờ Nam, Bắc, với tổng vốn đầu tư gần 640 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, công trình không chỉ giúp dân cư ở 4 khóm bờ Nam chấm dứt cảnh qua bờ Bắc phải luỵ đò, mà còn kết nối trục đường ven biển Tây tỉnh Cà Mau với tuyến đường ven biển ở các tỉnh lân cận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng tại thị trấn Sông Ðốc nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung.

Khi vào trụ sở Ðảng uỷ, tôi thấy dưới chân cầu thang xếp đống cao những bao gạo, mỗi bao khoảng 10 kg. Theo anh Ðoàn Minh Thống, công chức Văn phòng Ðảng uỷ, đó là gạo được các mạnh thường quân ủng hộ thị trấn giúp đỡ những hộ nhiễm Covid có hoàn cảnh khó khăn. Qua anh Thống, tôi biết từ đầu mùa dịch đến nay Sông Ðốc có hơn 320 tập thể, cá nhân ủng hộ vật chất trị giá gần 5 tỷ đồng, giúp địa phương hỗ trợ hộ nghèo và bệnh nhân nhiễm Covid hoàn cảnh khó khăn. 

Tìm hiểu những công việc đạt được trong năm và đang triển khai vào dịp cuối năm, bà Phan Tuyết Mãi, Phó bí thư Ðảng uỷ thị trấn, cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid, nên một số hoạt động đề ra trong năm hoàn thành với mức độ chưa cao. Tuy nhiên, điểm nổi bật và đang lan toả sâu rộng trong cộng đồng là ngày càng có nhiều cá nhân, tập thể tham gia hoạt động thiện nguyện. Nhờ đó, hàng trăm bà con từ các tỉnh và TP Hồ Chí Minh về tại 2 điểm cách ly, được thị trấn giúp đỡ, chăm lo chu đáo, an toàn. Thông qua những tấm lòng nhân ái ủng hộ, trong năm địa phương đã hỗ trợ gần 2.400 lượt trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, tăng hơn những năm trước nhiều lần.

Bà Phan Tuyết Mãi thông tin thêm, quyết tâm của Ðảng uỷ, UBND là vào dịp năm mới nhà nào cũng có Tết. Do đó, 13 chi bộ khóm, trong đó đảng viên làm nòng cốt, vận động Nhân dân trên tinh thần lá lành đùm lá rách, cố gắng chăm lo, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đón xuân đủ đầy và ấm áp.

Trân quý và tự hào khi biết Sông Ðốc có nhiều câu lạc bộ, hội nhóm luôn sẵn sàng cùng chính quyền địa phương chia sẻ với bà con nghèo. Ðiển hình như Câu lạc bộ Nữ doanh nhân, trong năm hỗ trợ địa phương hàng chục tấn gạo, nhu yếu phẩm trị giá trên 4 tỷ đồng. Hoạt động thiện nguyện của Sông Ðốc còn có sự chung sức của Ban thiện nguyện Ánh Ðạo. Tổ chức này có xe chuyên chở miễn phí bệnh nhân nghèo đến bệnh viện, trong năm đã thực hiện 25 chuyến xe miễn phí và ủng hộ lương thực, thực phẩm cho những trường hợp khó khăn, trị giá 2 tỷ 800 triệu đồng.

Sông Ðốc đất ngày càng hẹp, người ngày càng đông nhưng tình người nơi phố biển không hề chật hẹp. Lắng đọng những điều nhân văn ấy, bắt nguồn từ nhiều lẽ, song cội nguồn để Sông Ðốc thoáng đạt, nghĩa hiệp như hôm nay là người dân nơi đây biết lắng lọc truyền thống trượng nghĩa, thuỷ chung với quê hương của lớp lớp người đi trước và cả hồn thiêng đất biển luôn tựa đỡ, vẫy gọi mọi người chung sức, đồng tâm xây dựng quê hương Sông Ðốc ngày càng phát triển./.

 

Ghi chép của Hồ Trúc Ðiệp

 

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài 2: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng

Là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm trên biển, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau ngày đêm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật. Những chiến công liên tiếp trong việc triệt phá các chuyên án, bắt giữ tội phạm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế biển.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc

Năm 2025 là năm đặc biệt đối với Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau khi đánh dấu 50 năm xây dựng, chiến đấu và không ngừng lớn mạnh, trở thành “lá chắn thép” nơi cực Nam Tổ quốc, đảm bảo sự bình yên và vững chắc cho vùng biển, đảo quê hương. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn là những người bạn, người thân của Nhân dân, cùng chung tay xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Lớn lên từ những chuyến đi

Trong suốt chặng đường theo nghề báo hơn 25 năm, có những lúc áp lực, tưởng chừng sẽ phải dừng lại. Song, khi nhìn lại, tôi thầm cảm ơn và tự hào với những gì mà nghề đã mang lại cho tôi, đó là những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, xa xôi, đặc biệt là những chuyến đi biển, đảo. Chính những hành trình ấy đã tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước, bùng thêm ngọn lửa nghề trong tim tôi.

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.