(CMO) Ngay khi Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới sau 99 ngày cả nước không có ca nhiễm trong cộng đồng, hàng loạt khách du lịch thông báo hoãn, huỷ tour đến các điểm du lịch trong nước, kéo theo là hệ thống cung ứng từ vé máy bay, vé tàu cao tốc, dịch vụ nhà hàng, khách sạn… cũng ngậm ngùi dừng hoạt động.
Buộc phải "ngủ đông"
Du lịch vào mùa cao điểm. Không khí chỉ mới sôi động hơn 1 tháng nay, khi doanh nghiệp “cháy” hàng kích cầu, ồ ạt mở tour đáp ứng tối đa nhu cầu du khách. Vui chưa lâu, dịch Covid lại bùng phát đã “đóng băng” ngành du lịch Việt Nam.
Phó giám đốc BenThanh Tourist Chi nhánh Cần Thơ, Trưởng Văn phòng đại diện BenThanh Tourist tại Cà Mau Trần Thanh Nghị nửa đùa, nửa thật: “Trắng tay vì Covid”. Ông cho biết, công ty đã chủ động huỷ toàn bộ các tour đến Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi ngay khi các điểm đến này xuất hiện ca nhiễm Covid-19. Kể cả việc huỷ chương trình tour đột xuất khi đoàn khách Cà Mau đang tham quan tại thời điểm bùng phát dịch ở Đà Nẵng, các chuyến bay tạm dừng hoạt động, công ty đã đưa khách về an toàn bằng xe riêng.
![]() |
Mặc dù được xem là điểm đến an toàn, song thời điểm này, Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau dần vắng khách. (Ảnh chụp 23/7/2020). |
Nhiều dịch vụ du lịch trong tỉnh vắng khách. Ảnh: PBT |
Theo ông Nghị, tính đến ngày 30/7, 100% đoàn đăng ký đi du lịch cuối tháng 7 và 8 đều hoãn, huỷ. Thậm chí, các tour du lịch dự kiến dịp lễ 2/9 và cuối năm dù đã được lên kế hoạch cũng được khách thông báo tạm hoãn.
Chỉ rõ các nguyên nhân hoãn, huỷ tour dài hạn, ông Trần Thanh Nghị cho rằng, đó là lý do chính đáng, vì an toàn sức khoẻ cộng đồng, nên công ty buộc phải đáp ứng yêu cầu. Cụ thể như các doanh nghiệp lớn, hoặc hệ thống các công ty cấp cao có công văn yêu cầu các chi nhánh, đơn vị trực thuộc không tổ chức đoàn tham quan du lịch từ nay đến cuối năm; lý do đặc biệt hơn hết là tâm lý lo sợ, thận trọng sức khoẻ, bởi mức độ bùng phát và lây lan nhanh của Covid-19 lần này khó lường.
“Doanh nghiệp du lịch lại một phen chới với vì đang khấp khởi phục hồi, tín hiệu rất khả quan với hy vọng sẽ cứu vãn những tổn thất sau đợt dịch Covid vừa qua. Vậy mà nay, hoạt động du lịch gần như tê liệt bởi dịch bệnh bùng phát tại các điểm đến trọng điểm được du khách yêu thích và lựa chọn nhiều nhất trong dịp hè. 100% huỷ tour, buộc các công ty lữ hành phải hoàn tiền cho khách, trong khi các giao dịch với đối tác đã thực hiện trước đó đều không được hoàn trả”, Giám đốc Công ty Du lịch Happy Tourist (Cà Mau) Lê Bá Huỳnh bùi ngùi.
Để hạn chế tối đa thiệt hại, Happy Tourist khuyến khích khách hàng không huỷ tour mà điều chỉnh thời gian đến thời điểm thích hợp, chỉ huỷ tour đối với các trường hợp bất khả kháng. Ông Huỳnh chia sẻ: “Vắng khách, công ty buộc phải “ngủ đông” vì đã sắp hết mùa cao điểm. Từ nay đến cuối năm cũng không còn nhiều ngày nghỉ, cơ hội vực dậy rất khó”.
Du lịch ngoài tỉnh “vỡ trận”, du lịch nội tỉnh cũng trở nên ảm đạm bởi dịch Covid-19. Mặc dù đến thời điểm này, Cà Mau đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, và được xem là điểm đến an toàn. Song, do tâm lý lo sợ, thêm vào đó thời tiết mưa dông thất thường, khiến các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh dần vắng khách.
Trưởng ban quản lý Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau Tạ Huỳnh Vĩnh Trường cho hay, thời điểm được đón khách trở lại (từ ngày 16/4), lượng khách nội địa đến Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau tăng vọt, nhất là vào các dịp cuối tuần. Đặc biệt, với chương trình kích cầu du lịch năm 2020 của tỉnh Cà Mau, có hôm khu du lịch đón vài ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Nhưng những ngày qua, lượng khách giảm mạnh, mỗi ngày chỉ vài chục đến hơn trăm khách, chủ yếu là khách miền Tây.
“Rất nhiều đoàn khách đăng ký tham quan trước đó cũng đã thông báo hoãn, huỷ vì dịch bệnh. Dự đoán sẽ không khả quan hơn nếu tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp”, ông Tạ Huỳnh Vĩnh Trường cho biết thêm.
Nỗi lòng “người trong cuộc”
“BenThanh Tourist đã tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đề nghị khách đi các tour ở vùng có dịch từ đầu tháng 7 đến nay thực hiện khai báo y tế đầy đủ và khuyến cáo của ngành y tế”, ông Trần Thanh Nghị cho biết. Theo ông, công ty luôn cố gắng đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, hoàn trả lại các chi phí đặt cọc. Đối với khách hàng tạm hoãn, công ty sẽ tư vấn và điều chỉnh thời gian hợp lý.
Song, trước tình trạng đồng loạt huỷ tour, nhiều khách hàng đã tạo áp lực lớn đến mức nói lời khiếm nhã để được hoàn trả tiền mặt, trong khi công ty cần có thời gian làm việc với đối tác hoàn tất các thủ tục. “Huỷ tour do dịch bệnh là điều không ai muốn. Chúng tôi rất mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ của khách hàng”, ông Trần Thanh Nghị bày tỏ.
Ông Nghị cho rằng, không chỉ các công ty du lịch đang gặp khủng hoảng vì phải gồng gánh nhiều chi phí, mà ngay đến nguồn lao động phục vụ ngành du lịch cũng đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp dài hạn.
Đối với Happy Tourist, dù đã tính đến phương án đẩy mạnh mở bán các tour nội tỉnh, song, theo nhận định của ông Lê Bá Huỳnh là không khả quan, vì tỉnh Cà Mau đã tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh với những khuyến cáo an toàn tuyệt đối như: đeo khẩu trang khi ra đường, giãn cách giao tiếp tối thiểu 1 m, hạn chế tập trung đông người…
“Điều doanh nghiệp du lịch cần hiện nay là được tiếp cận các gói hỗ trợ, hoặc được tiếp sức bởi các chính sách cho vay ưu đãi, áp dụng cho vay tín chấp để doanh nghiệp có thể tháo gỡ khó khăn trong tình hình thị trường khó có thể phục hồi”, ông Lê Bá Huỳnh kiến nghị.
Cùng nỗi lòng, ông Trần Thanh Nghị mong muốn: “Thời điểm này, chúng tôi cần Chính phủ có chỉ đạo, quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch để các công ty có cơ sở thương lượng, đàm phán với đối tác hoàn trả tiền đặt cọc cho khách du lịch huỷ tour dễ dàng hơn. Không ai muốn tổn thất, thiệt hại về mình, vì vậy, “dĩ hoà vi quý” là cần thiết”./.
Băng Thanh