Trong chiến lược phát triển du lịch Cà Mau, Hòn Đá Bạc là một trong những điểm nhấn chính của tuyến TP Cà Mau - Vườn Quốc gia U Minh Hạ - Hòn Đá Bạc. Trên thực tế, với lợi thế là di tích lịch sử - danh thắng nổi tiếng, không cách quá xa trung tâm TP Cà Mau, lại có đường xe ô-tô đến nơi, Hòn Đá Bạc đã trở thành địa điểm du lịch được ưu tiên lựa chọn hàng đầu của du khách.
Trong chiến lược phát triển du lịch Cà Mau, Hòn Đá Bạc là một trong những điểm nhấn chính của tuyến TP Cà Mau - Vườn Quốc gia U Minh Hạ - Hòn Đá Bạc. Trên thực tế, với lợi thế là di tích lịch sử - danh thắng nổi tiếng, không cách quá xa trung tâm TP Cà Mau, lại có đường xe ô-tô đến nơi, Hòn Đá Bạc đã trở thành địa điểm du lịch được ưu tiên lựa chọn hàng đầu của du khách.
Qua nhiều lần chuyển giao, Hòn Đá Bạc hiện được Bộ Công an quản lý, Công an tỉnh Cà Mau trực tiếp phụ trách. Địa danh này là một trong những kiến tạo địa chất độc đáo, có cảnh quan hấp dẫn, hơn thế nơi đây còn có một sự kiện lịch sử đặc biệt: Kế hoạch phản gián CM12. Lợi thế này nhanh chóng được khai thác khi Hòn Đá Bạc sớm trở thành một trong những điểm du lịch thu hút đông đảo khách tham quan khi đến Cà Mau. Trong mọi tính toán của ngành chủ quản lĩnh vực du lịch, Đá Bạc luôn là cái tên không thể bỏ qua. Không những thế, nhiều đoàn khảo sát có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng đã đến để đánh giá, tính toán và hoạch định tương lai phát triển tại nơi đây.
Yếu và thiếu
Kỳ vọng là vậy, nhưng thực tế du lịch Hòn Đá Bạc đang chỉ ở mức “tạm chấp nhận”, nếu không nói là có phần “xuống dốc”. Cô Đặng Thị Tuyết (Bảy Tuyết), người tham gia kinh doanh trước cổng Khu Du lịch Hòn Đá Bạc, cho biết: "Cô ở đây cũng đã gần 20 năm. Dạo trước khách đến đông lắm, những ngày lễ, Tết có khi lên tới hàng chục ngàn người, đường sá kẹt cứng hết”. Còn hiện tại, cô nói, mỗi ngày lai rai vài chục khách.
![]() |
Tiểu thương Khu Du lịch Hòn Đá Bạc trông chờ vào sự phát triển của khu du lịch để ổn định công việc làm ăn. |
Cơ sở của cô Bảy Tuyết phục vụ ăn uống, quà lưu niệm và đặc sản cá khô. Cô bộc bạch: “Cá khô các loại thì ở nhà làm, đồ lưu niệm thì cô lấy tuốt ở… Vũng Tàu. Khách tới đây kẹt lắm mới ăn, phần đông là đem đồ ăn theo hay về TP Cà Mau đặt ăn”. Vừa tiếp một bàn khách, cô vừa thở dài: “Hổng biết sao mà khách càng ngày càng ít, buôn bán cũng khó lắm”.
Mỹ quan của Khu Du lịch Đá Bạc cũng là chuyện mà nhiều người quan tâm. Ngay trước cổng khu du lịch, không hiểu sao dãy lều quán nhếch nhác, ngổn ngang vẫn tồn tại. Mặt tiền của khu du lịch đập ngay vào mắt người đến là cỏ và rác, cô Bảy Tuyết chỉ tay, lắc đầu: “Làm ăn kiểu này khó khá lên được”.
Tổng thể hệ thống dịch vụ của Đá Bạc gần như được làm theo kiểu tự phát. Bà con ai có đất gần khu du lịch thì tự mở mang buôn bán. Đây là nguồn sống của vài chục hộ sống quanh khu du lịch, ai cũng muốn nơi đây trở nên khang trang hơn, khách đến đông hơn, cơ sở dịch vụ mở mang đàng hoàng để kinh doanh buôn bán.
Du lịch Hòn Đá Bạc đang thiếu nhiều dịch vụ kèm theo như: hệ thống nhà vệ sinh, người trực thuyết minh, hướng dẫn… là những việc mà du khách hết sức mong muốn nơi đây cải thiện. Tới Hòn Đá Bạc du lịch, du khách có thể hoà mình vào thiên nhiên, cùng gia đình, bạn bè tận hưởng những giây phút thoải mái, thú vị. Hoạt động được đa số khách tham quan lựa chọn là dã ngoại và tổ chức ăn uống. Tuy nhiên, chừng ấy là chưa thể đủ đối với một địa chỉ du lịch giàu tiềm năng như Hòn Đá Bạc.
Mong mỏi
Bạn Nguyễn Hoàng Khanh đến từ Sóc Trăng, là sinh viên năm hai, chia sẻ: “Em nghe bạn giới thiệu nên chạy xe máy về chơi. Cảnh ở đây cũng đẹp nhưng ý thức giữ gìn chưa tốt lắm, các dịch vụ giải trí cũng không có nên đi lòng vòng một chút cũng thấy đơn điệu”. Bạn Nguyễn Văn Dũng, cùng đi với Khanh, tiếp lời: “Em xuống đây lần thứ hai rồi, bây giờ cũng giống y chang năm trước hà, có cái thấy khách vắng hơn”.
Một đoàn khách khác cũng từ Sóc Trăng xuống, khi thấy có người hỏi thì than phiền: “Kiếm nhà vệ sinh khó quá. Ở đây cảnh quan đẹp lắm, nếu khắc phục được những cái chưa được, mở ra các dịch vụ du lịch phong phú hơn thì hút khách". Đứng trước tượng đài chiến thắng ở Đá Bạc, nhìn quanh khu vực bảo tàng, một người hỏi: “Ở đây khoá suốt vậy thì ai mà vô tham quan gì được?”. Khách phương xa mong muốn đến Đá Bạc, được tìm hiểu nhiều hơn về di tích lịch sử - thắng cảnh nổi tiếng này, nhưng đa phần ra về trong tiếc nuối vì các cụm công trình nơi đây đều khoá trái.
Anh Phạm Việt Bắc, làm việc tại Công an huyện Châu Thành A, Hậu Giang, chia sẻ: “Tôi coi đây là một chuyến về nguồn vì Hòn Đá Bạc là một di tích có ý nghĩa lớn đối với toàn ngành. Cảnh quan ở đây đẹp lắm”. Anh cùng người bạn thành kính thắp nhang tưởng nhớ Bác Hồ rồi rảo quanh khu vực bảo tàng. Do không thấy ai nên đành lẳng lặng đi về, vừa đi anh vừa tiếc: “Ước gì có người thuyết trình, hướng dẫn thì chuyến đi này sẽ ý nghĩa hơn, trọn vẹn hơn”.
Chiều xuống nhanh, dòng người hối hả ngược về phía cổng ra của Khu Du lịch Hòn Đá Bạc. Cô Bảy Tuyết khẳng định: “Ở qua đêm hả, hồi đó tới giờ ít lắm”.
Du khách đến với Đá Bạc trong tâm trạng háo hức, nhưng khi ra về lại mang theo nhiều tiếc nuối. Giá như thế mạnh du lịch - giáo dục truyền thống của Hòn Đá Bạc được kết hợp và tổ chức một cách hợp lý. Đơn vị quản lý tha thiết hơn trong việc quảng bá thương hiệu Hòn Đá Bạc, tỉnh nhà có những quyết sách đối với định hướng phát triển thì Cà Mau sẽ có thêm một điểm nhấn thật sự đặc biệt. Đá Bạc và người dân sống ở Đá Bạc mong muốn lắm những đổi thay!./.
Bài và ảnh: Phạm Nguyên