Hướng đến chấm dứt khai thác tận diệt là cam kết của các địa phương tại Hội nghị sơ kết triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản (NLTS) có tính huỷ diệt trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị 17). Thời gian qua, trong thực hiện chỉ thị này, nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp sáng tạo để bảo vệ và phát triển NLTS, đồng thời nâng cao ý thức người dân.
Huyện Trần Văn Thời dù có diện tích rộng và trữ lượng NLTS dồi dào nhưng do tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt mà NLTS trên địa bàn đã giảm đáng kể.
Ông Hồ Song Toàn, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Thực hiện Chỉ thị 17, Huyện uỷ và UBND huyện đã quán triệt và chỉ đạo các xã, đoàn thể, ban, ngành vận động người dân giao nộp dụng cụ kích điện, đồng thời ký cam kết không sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào trong khai thác thuỷ sản (KTTS)”.
Năm qua, huyện tuyên truyền và lắp đặt trên 160 bảng tuyên truyền nghiêm cấm KTTS bằng các phương thức huỷ diệt. Toàn bộ hộ dân đã ký cam kết không sản xuất, buôn bán, tàng trữ hay vận chuyển dụng cụ KTTS tận diệt.
Huyện Trần Văn Thời lắp đặt trên 160 bảng tuyên truyền nghiêm cấm KTTS bằng các phương thức huỷ diệt, đồng thời thiết lập đường dây nóng để người dân tố giác tội phạm.
Huyện đã thành lập tổ công tác gồm các ngành chức năng, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định không KTTS theo phương thức tận diệt. Các xã, thị trấn thiết lập đường dây nóng để người dân tố giác các tổ chức, cá nhân vi phạm. Ðồng thời, huyện chỉ đạo thành lập các nhóm Zalo để theo dõi tình hình. Tính đến nay, đã vận động giao nộp hơn 570 bộ dụng cụ kích điện, tịch thu 80 bộ dụng cụ kích điện và xử phạt các trường hợp vi phạm với số tiền hơn 320 triệu đồng.
“Ðặc biệt, huyện có chủ trương khen thưởng người dân tố giác những đối tượng cố tình vi phạm. Trong năm qua, chúng tôi đã khen thưởng 1 trường hợp tố giác đối tượng tàng trữ, sử dụng công cụ kích điện để KTTS, với số tiền 3 triệu đồng”, ông Toàn thông tin.
Tại huyện Ðầm Dơi, công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 17 còn quyết liệt hơn. Ông Nguyễn Phương Bình, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Ngay khi Chỉ thị 17 có hiệu lực, huyện tổ chức hội nghị triển khai đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện để nắm bắt. Huyện phân công cán bộ điều tra, rà soát các đối tượng sử dụng công cụ kích điện để KTTS trái phép và vận động từng hộ gia đình ký cam kết không sử dụng công cụ kích điện trái phép”.
Từ khi thực hiện Chỉ thị 17, NLTS từng bước được khôi phục.
Kết quả, có 247 đối tượng cam kết chấm dứt tình trạng sử dụng xung điện, kích điện trái phép. Ðồng thời, qua vận động, có 95 đối tượng giao nộp 97 công cụ kích điện và 152 đối tượng đã chuyển đổi nghề. Huyện chi hơn 80 triệu đồng để in 500 tờ rơi, gửi đến các hộ gia đình có hoạt động KTTS trái phép và lắp đặt hơn 300 pa nô tại các khu vực đông dân cư để tuyên truyền về các hành vi bị nghiêm cấm.
“Chúng tôi thành lập tổ kiểm tra liên ngành cấp huyện và cấp xã. Mỗi xã đều có một tổ kiểm tra. Các tổ này được cấp kinh phí từ ngân sách để thực hiện tuần tra, kiểm tra. Hằng tháng, chúng tôi tổ chức các cuộc họp để đánh giá tình hình và có chỉ đạo kịp thời. Công tác chống KTTS tận diệt được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Ðặc biệt, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền và vận động người dân tham gia vào các tổ cộng đồng quản lý KTTS”, ông Bình chia sẻ.
Các địa phương đẩy mạnh tuyên tuyền nâng cao ý thức trong Nhân dân, đồng lòng bảo vệ và khôi phục NLTS.
Tính đến hết tháng 2 năm nay, các địa phương đã vận động người dân tự nguyện giao nộp được 2.532 bộ dụng cụ kích điện và tiêu huỷ 719 bộ. Ðồng thời, 144.655 hộ dân đã ký cam kết không sử dụng các chất nổ, xung điện hay hoá chất để KTTS. Các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 782 vụ vi phạm, với tổng số tiền phạt lên đến 3.348 triệu đồng. Ngoài ra, 4 trường hợp kinh doanh dụng cụ xung điện trái phép đã bị xử phạt với số tiền trên 41 triệu đồng.
Người dân tự nguyện giao nộp dụng cụ kích điện.
“Ðể tiếp tục phát huy vai trò của tổ cộng đồng cũng như ngăn chặn hành vi KTTS tận diệt, huỷ diệt, huyện xác định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Chỉ thị 17, quyết tâm chấm dứt tình trạng sử dụng dụng cụ kích điện trái phép trong năm 2025 bằng nhiều giải pháp. Ðó là chỉ đạo các địa phương vận động thương lái không thu mua thuỷ hải sản của các hộ sử dụng công cụ khai thác tận diệt; rà soát việc chấp hành của các hộ đã cam kết, nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định. Ðặc biệt là tạo sinh kế cho những hộ không đất sản xuất chủ động từ bỏ ngành nghề KTTS theo hướng huỷ diệt”, ông Bình tâm huyết.
“Ðể chấm dứt tình trạng sử dụng công cụ kích điện KTTS tận diệt, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Có sự chỉ đạo sát sao của người đứng đầu, sự chung tay của toàn hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân thì mới ngăn chặn và đẩy lùi được tình trạng vi phạm. Từ nay đến cuối năm, Sở Nông nghiệp và Môi trường cần khẩn trương hoàn thiện kế hoạch ngăn chặn tình trạng KTTS mang tính huỷ diệt và triển khai Chỉ thị 32 của Ban Chấp hành Trung ương (Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác chống KTTS bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản). Các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm tra để kịp thời xử lý các đối tượng vi phạm. Ðồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, góp phần bảo vệ và phát triển NLTS”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại nhấn mạnh.
Kim Cương