(CMO) Với tài nguyên thiên nhiên cùng hệ sinh thái sẵn có, U Minh giống như vùng đất thu nhỏ, trong đó có nhiều sản vật, trở thành điểm đến cho những ai muốn chinh phục thiên nhiên, khám phá đặc sản từ rừng.
Khu Du lịch sinh thái Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) là một trong những lựa chọn để du khách tìm về những dấu xưa của rừng và thưởng thức những món ăn độc đáo từ bàn tay khéo léo của người dân quê.
Có kinh nghiệm nấu những món ngon truyền thống từ thời trẻ, có tiếng là phụ nữ giỏi giang, bà Nguyễn Thị Cẩm (vợ ông Mười Ngọt), quê ở xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, biết nấu nhiều món ăn dân dã. Với kinh nghiệm sẵn có, khi về xứ tràm (khoảng 8 năm), bà Cẩm cùng với con dâu mình đã tìm tòi học hỏi để chế biến nhiều món ăn mới lạ và đặc trưng của nơi này như: lươn um lá nhàu, lươn xào sả ớt, gỏi ong, ong chiên giòn, lẩu chua cơm mẻ, cá lóc nướng trui…
Đến với Cà Mau vào những lúc đồng đã gặt, du khách có thể trải nghiệm nướng cá đồng (cá lóc, cá rô…) bằng rơm. |
Bà Cẩm tâm tình: “Du khách bước vào khu du lịch sẽ được dẫn đi một vòng để khám phá nghề gác kèo ong, rồi luồn lách qua các kênh mương để dỡ lọp, dỡ trúm lươn… Làm sao cho du khách thấy tận mắt những sản vật, rồi chế biến thành món ăn thì du khách mới nhớ mãi được. Thấy khách du lịch thưởng thức món ăn từ đồng quê ngon miệng thì mình cũng cảm thấy vui lòng”.
Để làm ra những món ăn ngon như thế không phải là điều dễ dàng, phải qua quá trình kinh nghiệm. “Nêm nếm riết rồi cũng quen tay nhưng mình có bí quyết riêng để vừa khẩu vị với nhiều người và phải giống y hệt của mẹ chồng mới được. Giống như người miền Tây đến đây thì mình nêm đường, còn người miền Bắc thì phải đặt ăn trước mới vừa với khẩu vị, đặc biệt là món lẩu chua cá lóc cơm mẻ thì không nêm đường”, chị Lê Kiều Phiên (con dâu bà Cẩm) tâm sự.
Một trong những món ăn độc đáo và được nhiều du khách yêu thích nhất phải kể đến món lươn um lá nhàu. Lươn thì được đặt trúm theo các con kênh giữa rừng tràm, còn lá nhàu thì được trồng tự nhiên…
Bà Lê Thị Lan, du khách quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Điểm nhấn của món này là tương, nước cốt dừa, rồi đậu phộng… tất cả hoà tan trong miệng và đọng lại nơi đầu lưỡi, ai đã dùng rồi lần sau sẽ muốn trở lại để thưởng thức”.
Ẩm thực xứ tràm là những món ngon được khai thác từ các sản vật đồng quê, từ những gì được xem là dân dã và gắn bó với đời sống người dân. (Ảnh chụp tại Khu Du lịch Hương Tràm). |
Cá lóc nướng trui bằng rơm là món ăn không thể thiếu khi đến với miền sông nước. Chính sự đơn giản của món ăn đã phần nào tái hiện được quá trình khẩn hoang của ông cha ta ngày xưa. |
Còn sản vật từ ong: ong non (ăn tại chỗ), gỏi ong, ong chiên giòn, sữa ong non ngâm rượu... Riêng các cây kèo của ong ruồi cũng được ngâm với rượu nếp.
Ông Mười Ngọt cho biết: “Đây cũng là những sản phẩm mới từ ong mà mình tự nghĩ ra, bởi vì nhiều du khách về đây uống thấy thơm và ngon ngọt, tốt cho sức khoẻ nên đợt Tết vừa rồi khách đặt hàng khoảng vài trăm lít, có khi đi tận TP Hồ Chí Minh…”.
Về xứ U Minh thì không thể không nhắc đến món lẩu mắm U Minh, vừa qua món lẩu này đã lọt vào top 100 món ăn đặc sản Việt Nam, được chế biến công phu tại Khu Du lịch Hương Tràm (xã Khánh An, huyện U Minh). Chính hương vị quyến rũ của con mắm cá sặt đồng cùng với con cá đồng tươi thơm ngon, chắc thịt và những loại rau dân dã đã làm nên thương hiệu của món lẩu mắm trứ danh.
Chị Lê Hải Nghi, Phó giám đốc Khu Du lịch sinh thái Hương Tràm, cho biết: “Lẩu mắm nơi đây được làm bài bản, làm sao cho du khách thưởng thức được vị ngon chân thật nhất, không lẫn vào lâu được. Có nhiều khách ở Cà Mau ăn rồi “ghiền”, cuối tuần hay những ngày rảnh rỗi là cùng với gia đình về đây để thưởng thức”.
Người U Minh chân chất, thật thà, không chỉ thể hiện qua cá tính mà còn ở sự tinh tế qua bàn tay chế biến món ăn. Đến với U Minh thì phải khám phá được hơi thở của rừng, của những gì thuộc về rừng và cả con người xây dựng nên nó./.
Nhật Minh