Tết Giáp Ngọ 2014, tôi có gửi cho anh lá thư viết về phong tục Tết Nguyên đán “hơi xưa xưa một chút” theo gợi ý của anh. Bài đã được đăng trong số báo Xuân Cà Mau năm ấy. Nghe nói bài được mấy ông già quê mình khen là “đọc được”. Tôi rất cảm động.
Anh Kh.P thân mến!
Tết Giáp Ngọ 2014, tôi có gửi cho anh lá thư viết về phong tục Tết Nguyên đán “hơi xưa xưa một chút” theo gợi ý của anh. Bài đã được đăng trong số báo Xuân Cà Mau năm ấy. Nghe nói bài được mấy ông già quê mình khen là “đọc được”. Tôi rất cảm động.
Gần đây, anh có hỏi tôi, bước sang tuổi 76 rồi, có đi đâu xa không? Trong năm, tôi có về quê Phú Tân thăm nhà đôi lần, anh ạ. Lần nào cũng có chuyện vui muốn kể lại cho những người xa quê cùng nghe. Một trong những câu chuyện rung động nhất là về con đường - theo cách nói của bà con là những con lộ mới tươi vừa đắp trong xóm, trong ấp.
Con đường về ấp Đường Cày, xã Phú Tân, huyện Phú Tân ngày nào lầy lội, giờ đã được bê-tông hoá. Ảnh: MINH TẤN |
Như anh đã biết, quê mình sông, rạch chằng chịt, đất đai lại thấp và mềm nên rất khó khăn trong việc mở mang đường sá. Nguồn đá sỏi, xi-măng, sắt thép địa phương lại không có, hầu như hoàn toàn phải mua và vận chuyển từ xa về. Sau giải phóng, bà con mình tự làm đường cho xe máy, xe đạp chạy bằng nguyên liệu gì, anh còn nhớ không? Đó là đất hầm, có người gọi đất nung. Mỗi xóm, mỗi thôn tự hầm những sọt đất hết sức thủ công rồi đem rải trên mặt lộ, trông đỏ ối mà có lẽ trên trái đất này ít nơi nào có con đường mang màu sắc nên thơ đến như vậy. Nhưng chỉ vài ba tháng sau thì những hòn đất nung ấy biến mất vào trong bùn lầy. Đâu lại vào đó.
Năm 1985, tôi có soạn cuốn “Địa chí Minh Hải” (nay là Cà Mau và Bạc Liêu). Bí thư Tỉnh uỷ Minh Hải, lúc đó là ông Đoàn Thanh Vị, nói với tôi một cách hình tượng rất vui như thế này: Nếu xây được con lộ nhựa cho xe hơi chạy từ TP Cà Mau đến thị trấn Năm Căn chỉ hơn 52 cây số thì 1,3 triệu dân Minh Hải (theo con số thống kê lúc bấy giờ là cuối năm 1982) phải ròng rã suốt 2 năm trời không ăn uống, không đám cưới, đám hỏi, giỗ quảy… thì may ra có đủ tiền làm con lộ xe hơi đó. Ông Đoàn Thanh Vị giải thích thêm: Vùng đất bán đảo Cà Mau là “đất không có chân” lại có nhiều chuột bọ, cua, ba khía, lươn, lịch… đào bới làm hang, chui rúc phá hoại đáng kể đến công trình xây dựng bằng đất đắp…, chưa kể nơi đây có nhiều sông rạch, phải làm cầu; cho nên đòi hỏi kỹ thuật cao, phức tạp, tốn kém.
Vậy mà cuối cùng con lộ cũng đã hình thành mấy mươi năm nay rồi. Mỗi lần nhìn xe hơi các cỡ chạy thông thống từ Cà Mau đi Năm Căn và ngược lại mà sướng con mắt. Nhắc lại chuyện cũ trước hương hồn ông Đoàn Thanh Vị - chú Ba Vị để thấy ngày nay Cà Mau mình thay đổi biết chừng nào!
Anh Kh.P ơi, bây giờ tôi khoe với anh đường xe hơi ở Phú Tân quê tôi. Cách đây ba mươi mấy, bốn mươi năm, từ TP Cà Mau về nhà tôi ở Đường Cày - Cái Đôi Ngọn, sát thị trấn Cái Đôi Vàm gần như mất trọn một ngày bằng tàu. Sau này có cao tốc và ca nô thì đỡ hơn nhưng cũng tròm trèm một buổi. Vị chi từ Sài Gòn về đến nhà tôi phải hai ngày trời. Cho nên tôi có viết bài bút ký “Về nhà mình xa quá, má ơi!”. Không biết anh còn nhớ không? Chuyện như thế này: Năm đó, một lần vượt hơn 400 cây số từ Sài Gòn bằng đường bộ và đường sông về thăm má tôi ở Đường Cày. Vừa đến nhà, đặt ba lô xuống, tôi than: “Về nhà mình xa quá, má ơi! Con đi hai ngày mới tới”. Má tôi thoáng buồn và nói: “Mồ tổ mầy, tại con đi xa chớ nhà mình đâu có xa. Từ trước tới giờ nhà mình vẫn ở đây, chớ có dời đi đâu mà xa với gần. Má sanh con cũng tại căn nhà này…”.
Tôi rất ân hận lời nói vô tình của mình đã làm cho má không vui. Và mãi mãi tôi không bao giờ quên câu nói chân thật, mộc mạc từ đáy lòng của người mẹ ở miền quê cây tràm, cây đước mà rất sâu sắc ấy.
Một, hai năm gần đây, mỗi lần về thăm nhà thì thật quá gần rồi anh ơi! Từ Sài Gòn về nhà tôi chỉ trong ngày là tới. Đường lộ xe hơi đã phóng ngang trước sân nhà tôi hồi năm ngoái rồi. Lần đầu, tôi đi taxi từ TP Cà Mau chỉ hơn tiếng đồng hồ đã tới nhà. Hôm ấy, khi tôi bước xuống xe, đặt chân trước thềm nhà, nước mắt tôi bỗng dưng ứa ra. Dẫu ai đó có giàu óc tưởng tượng cách mấy cũng khó nghĩ ra lộ xe hơi chạy tới nhà mình như thế này. Ông nội, ông ngoại tôi, cha mẹ tôi lại càng không nghĩ tới có ngày chiếc xe bốn bánh chạy đến nơi sình lầy, ẩm thấp mà có tên Đường Cày xa lắc xa lơ như quê tôi.
Tôi còn nhớ như in, con lộ mà xe hơi chạy qua, ngày trước là nơi tôi đặt trúm, giăng câu, nước ngang đầu gối, bồn bồn, rau muống mọc um tùm. Thế mà giờ bê-tông, gạch đá đã “bò” tới làm cho bộ mặt làng quê văn minh hẳn lên, làm cho làng quê gần với thị thành hơn. Sáng sáng, từng tốp, từng tốp năm, bảy em học sinh trung học, nam có, nữ có, mặc đồng phục chạy xe trên con lộ bằng phẳng, sạch sẽ đó đến trường. Trông thấy các em mà trong lòng tôi nghĩ ngợi bao điều vui không tả được.
Mấy tháng trước, em dâu tôi bệnh nặng, gia đình bấm điện thoại di động, gọi chiếc taxi 7 chỗ, chỉ mươi phút sau, xe đến đậu trước nhà, chở người bệnh đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Cái Nước chỉ mất hơn nửa tiếng đồng hồ. Nghĩ tới con đường sông rạch trước đây, gặp hoàn cảnh ngặt nghèo như bệnh tật, sinh nở thật ngao ngán, kinh hãi để rồi mừng vui như hôm nay.
Mấy lần tôi định mạo muội viết lá thư cảm ơn và tỏ niềm vui của mình đến lãnh đạo tỉnh Cà Mau mở những con đường “huyện nối huyện, xã nối xã, ấp nối ấp”. Nhưng mấy ông bạn già cản: Rằng chuyện ngạc nhiên của tôi là “chuyện nhỏ”, chuyện đương nhiên, chuyện bình thường quá, chưa chắc mấy ổng xúc động nhiều như tôi. Ở trên, người ta nghĩ những cái lớn hơn như đường Xuyên Á, đường Hồ Chí Minh, cầu Đồng Cùng, cầu Năm Căn… chẳng hạn. Còn con đường ô-tô về tới Đường Cày của tôi có gì ghê gớm lắm đâu mà làm tôi phải xúc động mạnh đến như vậy?
Mấy ông bạn già tôi nói như vậy thì tôi cũng nghe vậy, chớ thật lòng mà nói nơi “hang cùng ngõ hẻm” của miền quê sông nước mà có được con đường xe hơi láng bóng, làm sao tôi không xúc động! Đổi đời lắm! Sang trọng lắm! Đất nước hôm nay đã nghĩ tới dồn điện, dồn trường về đồng quê rồi. Đối với tuổi già còn gì vui hơn nữa khi thấy nơi mình sinh ra luôn đổi mới ngày một, ngày hai, phải không anh?
Hồi đầu năm ngoái, UBND tỉnh mua cho tôi vé máy bay, mời về Cà Mau họp bàn bộ phim nói về vùng đất tỉnh nhà. Anh có biết không, chỉ 45 phút bay, tôi đã có mặt tại TP Cà Mau rồi! Tôi nhẩm tính, từ Cà Mau về nhà tôi hơn tiếng đồng hồ bằng ô-tô nữa, vị chi từ TP Hồ Chí Minh về Đường Cày chỉ hai tiếng đồng hồ. Mấy đứa cháu ở quê nói vui, như vậy, lần sau, nếu bác Hai từ Sài Gòn về nhà bằng máy bay, gọi điện cho tụi cháu biết, để khi bác vừa bước lên máy bay, ở nhà bắt gà, làm thịt nấu cháo thì bác đến nhà nồi cháo cũng vừa chín!
Nhân đây, xin cung cấp cho anh tư liệu mà ít người biết, rằng chuyến máy bay đầu tiên chở khách từ Sài Gòn đến Cà Mau là ngày 23/1/1962. Trên đường bay, máy bay ghé qua Cần Thơ. Hành khách lúc bấy giờ khá đông, phần lớn là những người buôn bán. Dịp nào đó, tôi kể anh nghe chơi con đường hàng không Sài Gòn - Cà Mau có nhiều chuyện lạ thú vị lắm.
Gần ngày Tết, sợ mất thời giờ của anh, tôi xin tạm dừng bút. Người sống ngay tại Cà Mau nhiều khi không nhìn thấy Cà Mau đang thay đổi bằng người ở nơi khác đến, bằng người con đi xa trở về. Tôi nghĩ như vậy cho nên tôi kể có hơi huyên thuyên một chút. Anh đọc và cùng chia sẻ với tôi cho vui trong mấy ngày Tết nhé.
Năm mới Bính Thân, chúc anh dồi dào sức khoẻ, mọi sự tốt đẹp!./.
Trần Thanh Phương